(Tiếp theo) - Rời địa phận Bàu Cạn, bọn mình bắt đầu vào vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu (vị trí tại đây >). Nói đến địa danh này, dĩ nhiên ai ai cũng nghĩ đến biển + hải sản + chùa chiền... chứ người ta không nghĩ đến tỉnh này cũng có bạt ngàn rừng cao su... và đó cũng là chỗ bọn mình hướng đến đây: Xã Cù Bị.

Xã Cù Bị thuộc huyện Châu Đức, tỉnh BR-VT. Xã được thành lập theo Nghị định số 83/2002/NĐ-CP ngày 22/10/2002 của Chính phủ, trên cơ sở chia tách từ 02 xã Xà Bang và Láng Lớn, có diện tích tự nhiên là 4.726,94 ha, xã chính thức đi vào hoạt động ngày 02/01/2003. Ranh giới hành chính được xác định như sau:

< Đường băng rừng cao su vào xã Cù Bị. Nói vắng thì không hẳn vì thi thoảng vẫn có xe gắn máy chạy qua... nhưng nói 'thưa xe' thì đúng. Và chính vì điểu này, bọn mình mới có mặt ở đây.

- Phía Bắc giáp xã Xuân Mỹ, xã Xuân Đường, huyện cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.
- Phía Đông giáp xã Xà Bang, huyện Châu Đức.
- Phía Tây giáp xã Phước Bình, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
- Phía Nam giáp xã Láng Lớn huyện Châu Đức, xã Sông Xoài, huyện Tân Thành.

< Mặt đường nhựa tốt đến tuyệt, dĩ nhiên là bạn phải theo đường chính chứ đường nhánh ngõ phụ sẽ là đường đất đỏ à nghen!

Xã cách trung tâm huyện Châu Đức 20km về phía Bắc, trung tâm xã cách Quốc lộ 56 về hướng đông 9 km và cách Quốc lộ 51 về hướng Tây 21 km.

< Khúc này dừng lại xả nước, xem bản đồ... và đặt tạm cái kính mát lên túi để trên baga. Hồi chạy lại quên đeo nên nó rớt mất tiêu!

Tổng diện tích tự nhiên 4.726,94 ha trong đó: đất hộ gia đình cá nhân 599,42 ha, đất tổ chức kinh tế 3.966,78 ha, tổ chức khác: 160,74 ha. Đất sản xuất nông nghiệp: 4.379,29 ha, chiếm 92,64% diện tích đất tự nhiên; trong đó: Đất cao su nông trường Cù Bị rộng đến 3847,57 ha; đất hộ gia đình cá nhân còn lại 531,72 ha chủ yếu trồng tiêu, rẫy mì, cà phê.

< Chạy hơn cây số mới nhớ lại. Chậc lưỡi: kiếng bèo 20k, lại khá thâm niên, thôi bỏ!
Nhưng đi đường trường mà không có cái bảo vệ 'thiên lý nhãn' thì đui mất, chịu gió sao xiết? Muốn mua thì phải ra quốc lộ và tìm, không phải chỗ nào cũng có.

< Vậy là quành xe lại... tìm. Chạy mút chỉ, không quá xa... rồi cũng thấy nó nằm chỏng chơ bên kia đường, vẫn nguyên vẹn - vậy là lại có cái mà che gió, he he.

Toàn xã có một dạng địa hình chính là địa hình đồi lượn sóng thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam: có độ cao từ 20-150 m, bao gồm những đồi đất bazan, tạo thành những “chùy” chạy theo hướng Bắc xuống Tây Nam. Địa hình bằng, thoải, độ dốc chỉ khoảng 1-8°. Trong tổng quỹ đất có tới 84,19% diện tích có độ dốc <8°, là địa hình rất thuận lợi cho bố trí sử dụng đất; chỉ có 1,69% diện tích có độ dốc >15°.

< Bổng dưng một vạt rừng mất tiêu, thay thế bằng cái trảng cỏ xanh và công trình này nằm giữa trung tâm: Chợ Cù Bị (Vị trí tại đây>). Nếu vứt luôn cái kiếng, hẳn là phải vào đây tìm thử, he he...

< Qua chợ thì vào trung tâm xã. Nếu bạn xem trên bản đồ thì thấy khu dân cư khá xôm tụ đó nghen.

Nguồn nước xã Cù Bị có các dòng suối như: Suối Cả, Suối Sóc, Suối Chà răng, suối Cụt, suối Gia Hốp, ngoài ra nguồn nước mặt có hồ cầu Mới, bên cạnh đó còn có Sông Xoài cũng cung cấp một nguồn nước đáng kể. Các nguồn nước được người dân khai thác nước tưới cho cà phê, hồ tiêu, cung cấp nước sinh hoạt.

< Trung tâm xã có chợ, có 3 nhà thờ (nhà thờ Thánh Tâm và Mai Khôi, Phước Chí), có 2 chùa (chùa Phước Duyên, Phước Quang), có Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Huệ, có nhà máy nước, quán xá đầy đủ.

< Lại vào rừng cao su nhưng chen kẽ là những rẫy trồng tiêu, điều.

Đường giao thông liên thôn xã Cù Bị hầu hết xuyên qua các cánh rừng cao su, vốn là đường đất đỏ, sình lầy vào mùa mưa, bụi mù những ngày nắng, được thay thế một phần bằng đường trải nhựa. Những tuyến đường vì thế khang trang, còn khắc họa hình ảnh hữu tình, đẹp như bức tranh dưới tán cao su.

< Tám giờ kém 10, nắng lúc ni đã lên cao nhưng không nóng. Vậy nhưng vẫn phải chống ông mặt trời bằng khẩu trang, găng tay thì chưa cần. Mấy thứ này đi đường trường nhất thiết phải có nếu bạn không muốn bỏng và lột da.

< Có lẽ đây là vạt rừng cuối trong đoạn này. Đường vắng, chạy sướng. Nhánh rẽ nhiều nhưng ta cứ phang thẳng rồi sẽ tới.

Theo từng mùa mưa, nắng mà con đường mang vẻ đẹp riêng, lúc rợp lá xanh mướt, lúc lại loang loáng "hoa" nắng mùa cao su rụng lá.

< Hết đường hay đầu đường?

Tại những vạt rừng cao su mênh mông này, ta có thể tìm thấy nấm mối nếu đúng ngày mùa từ tháng 5 tới giữa tháng sáu (âm lịch), khi những cơn mưa bắt đầu đổ xuống rừng cao su sẽ có nấm.

Nhưng không phải lúc nào trời mưa cũng có đâu, chỉ khi nắng gắt bỗng cơn mưa to ập xuống rồi trở nắng khiến tiết trời trở nên oi bức thì lúc đó nấm mối mới mọc rộ.

< Không phải, đó là QL56 cắt ngang, bọn mình rẽ phải đi Kim Long (vị trí chỗ này ở đây>). Đây cũng là địa giới hành chính giữa Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

< Từ đường nhỏ ra đường lớn thấy rộng thênh thang, xe chạy ngược xuôi vù vù nhưng không 'khủng' như cái QL1 hay QL51.

Khi trời vừa sáng, nấm đội đất nhú lên và bung dù khi trời ló dạng nên phải chạy đua với thời gian để kịp nhổ. Không phải ai đi săn cũng gặp được nấm, có người đi cả mùa chỉ tìm thấy vài ký, có người nhổ được cả chục ký một đêm.

Cũng tùy hên xui  nữa bởi có khi bước qua hoặc giẫm lên ổ nấm mà người tìm không hề hay biết.

< Kim Long (huyện Châu Đức) không phải là đích đến nhưng từ nơi này, bọn mình sẽ hướng về một chốn rừng xanh khác cũng độc đáo không kém. Nhưng muốn đến Kim Long thì phải qua xã Xà Bang cái đã. Bạn thấy đấy, hai bên đường trong ảnh vẫn là rừng cao su.

< Ấp văn hóa Liên Hiệp 2.  Trông cổng phía ngoài vậy chứ vào 200m là có một khu dân cư xôm tụ quy hoạch đàng hoàng đó nghen.

Tìm được ổ nấm rồi thì dùng tay gạt lớp mặt đất đỏ lộ ra những cây nấm búp. Thân nấm cắm dưới đất cứng, ta sẽ dùng những cành cây có đầu vát nhọn thọc xuống bẫy những cây nấm lên. Khi lớp đất vỡ sẽ lộ ra hàng nghìn con mối bò lúc nhúc - vì điều này nên tên gọi 'nấm mối' cũng không có gì khó hiểu.

< Vào thị trấn Kim Long. À, chưa... nhưng theo chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn đến năm 2025, xã Kim Long đang phấn đấu trở thành thị trấn và là trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ nông lâm nghiệp và dịch vụ du lịch cấp tiểu vùng liên xã phía Bắc của huyện Châu Đức. Tại cuộc họp vào ngày 14-3-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập thị trấn Kim Long.

< Thấy 2 đường nhánh bên hông Trung tâm Thương mại Kim Long (vị trí >) để tìm hướng đi Quảng Thành. Ngờ ngợ, lật bản đồ ra xem thì lộn thiệt, vậy nên quay đầu trở ra.


< Chạy tới một đoạn nữa, trung tâm Kim Long xôm tụ thiệt đó nghen!

Người ta nói rằng nếu dùng dao, xẻng hay bất cứ dụng cụ gì bằng kim loại để bẫy thì năm sau nấm sẽ 'bỏ đi' mất. Còn dùng cây que thì năm sau chắc chắn sẽ có nấm mọc trở lại cũng chính ngay vị trí đó. Nấm kỵ kim loại? Có thể lắm vì kinh nghiệm người xưa truyền qua bao đời hẳn không sai.

< Rồi cũng tìm được nhánh đường rẽ trái nhỏ này đây, góc đường có tấm bảng 'Kim Long - Quảng Thành', cái điện thoại lợi hại thiệt!

Lại nói về những con đường tuyệt đẹp dưới tán rừng cao su. Chuyện là thía này: search trên mạng rừng cao su Cù Bị thì lòi ra toàn những tít ác đạn, nào là 'Án mạng trong rừng cao su Cù Bị', 'Cướp giữa rừng cao su Cù Bị', 'Bị tên hỏi đường làm nhục trong rừng cao su'... v.v... nhưng những tin này không hú họa bọn mình được.

< Đường Kim Long - Quảng Thành thế này đây: láng lẫy, thưa xe và mặt đường phẳng phiu. Lý tưởng quá còn gì?

Chả qua là chuyện hiếm hoi chứ cái đẹp của chính khu rừng thì đầy dãy và rõ ràng không thể để chút chuyện nhỏ làm phân tâm được. Chưa kể hai cái phận hèn này thì có gì mà cướp ngoài ba cái máy còi, xế cũng thuộc hàng bình dân mà. Nói thực, lỡ mà gặp chuyện, bí cách thì mình cũng thí luôn cái mạng cùi - tao ngáp thì tụi bây không chột cũng què!

< Theo dự tính, đoạn đường này mình sẽ qua hồ Quảng Thành và Gia Oét nhưng có 'khám' hồ được không thì tới đó mới biết. Lúc này đã 8h17 phút ngày 22 tháng 7/ 2019.

Tán phét vậy thôi chứ đường băng rừng cao su Cù Bị là chốn đáng để bạn vi vu nếu có dịp. Chuyến này vẫn còn rừng và hồ nữa, bạn đón xem tập sau.

Lại vào chuyến hành trình - tháng 7
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10Phần 12 - Phần 13
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!