Cọc cây số ghi còn 37km nữa đến Thái Phiên
(Tiếp theo)
Lúc này, bọn mình vẫn theo dự tính trước là sau khi rời thôn K'Long K'Lanh thuộc xã Đạ Chais thì sẽ vẫn theo TL723 đi Đạ Nhim, vượt xã Lát cho đến khi nào tới Thái Phiên thì rời tỉnh lộ, theo ngã 3 mới tìm lối đi Dran theo đường Tự Phước (QL20) theo hướng trại mát Xuân Trường và vượt đèo Dran để đến đích cuối là thị trấn cùng tên thuộc huyện Đơn Dương. Bấy giờ chỉ mới 14h: vẫn còn rất sớm nhưng liệu kế hoạch có thành công? Đó sẽ là chuyện sau...

Giờ mình lại đề cập đến một xã mà bọn mình sắp đi qua nhé, do xã Đạ Nhim. Đạ Nhim nằm ở phía Đông của huyện Lạc Dương, cách trung tâm huyện khoảng 45 km, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 25km (theo quốc lộ 723 về phía Đông - Bắc).

< Qua cầu Đưng Tơ Po.

Ranh giới hành chính xã gồm: phía Bắc giáp tỉnh Dăk Lăk, phía Nam giáp xã Đạ Rsar, phía Tây giáp xã Lát và xã Đưng K’nớ, phía Đông giáp xã Đạ Chais. Tổng diện tích xã Đạ Nhim sau khi được tách từ Đạ Chais gồm 23.903 ha - trong đó: diện tích đất nông nghiệp là 836,37ha, diện tích cây hàng năm là 445,7 ha. Xã Đạ Nhim nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới quanh năm mát mẻ, nhiệt độ bình quân trong năm khoảng 18oC, nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối 5oC, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.800mm, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, độ ẩm trung bình là 85%.

Xã có giao thông thuận tiện, có đường Quốc lộ 723 đi qua, bê tông nhựa cấp III dài 10,793 km. Cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục và thơ mộng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Sản xuất nông lâm nghiệp của xã bao gồm trồng trọ, chăn nuôi và lâm nghiệp. Dân số của xã gồm 3.347 khẩu/636 hộ, độ tuổi lao động là 1.843 người, nữ chiếm 934 người. Dân tộc thiểu số chiếm 90%. Đồng bào các dân tộc ở xã có nền văn hóa giàu bản sắc, có các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, làm ruợu cần... với thu nhập bình quân đầu người/ năm 2009: từ 2,5-3 triệu đồng/tháng...

< Gặp một khoảng rất rộng bị lở, người ta đang thi công kè đá...

Về xã Đạ Sar, nơi mình sẽ tìm đường nhánh tránh Đà Lạt để đi Đơn Dương thì có chút thông tin này:

Đạ Sar có diện tích 246.9 km², dân số năm 1999 là 3014 người, mật độ đạt 12 người/km². Đạ Sar về cơ bản vẫn là một xã nghèo vùng sâu của Lạc Dương với 94,6% dân số xã là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Nhiều chương trình xoá nghèo của Chính phủ như 135, 167 vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng giúp các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn lại trong xã vượt nghèo.

< Những phương tiện cơ giới nổ máy ầm ầm vang vọng một góc rừng.

Hiện nay, Đạ Sar hiện có trên 600 ha cà phê chiếm gần một nửa trong tổng diện tích đất nông nghiệp của xã. Một thế mạnh khác của Đạ Sar là chăn nuôi trâu bò. Với rừng núi bạt ngàn đồng cỏ bao quanh, từ bao đời nay người Đạ Sar vẫn có tập quán nuôi trâu bò thả rông trong rừng. Phương cách nuôi này đã dần thay đổi bằng việc chăn nuôi có chuồng trại. Toàn xã hiện có 822 con trâu, 753 con bò, trong đó có những hộ vào hàng “đại gia” chăn nuôi với vài chục con trâu bò với tổng giá trị có hơn nữa tỷ đồng.

< Khoảng đường dài lại trở về cảnh yên tĩnh vốn có từ bao năm nay...

Đạ Sar cũng là vùng chuyên canh hồng ở Lâm Đồng. Do thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây hồng ở Lâm Đồng luôn cho năng suất cao, quả to tròn, đều, vị ngọt thanh mát, mùi thơm dịu. Nhờ trồng hồng mà nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá.


< Những vòng cua tuyệt đẹp trên miền đất bazan đỏ.

Đáng tiếc cho bà con Đạ Sar vì năm nay: hàng ngàn hecta hồng tại đây điêu đứng vì hồng rớt giá thảm hại, thương lái không thu mua - Có lẽ, việc làm thế nào để nâng cao giá trị cho nhiều loại nông sản, trong đó có hồng... vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
< Vào địa phận xã Đạ Sar. Đôi bên đường thi thoảng có những căn nhà nhỏ.

Nhưng chuyện của bọn mình trong đoạn từ khi vào địa phận xã Đạ Sar mới là chuyện tạo ra vấn đề lớn trong chuyến lãng du: nó làm thay đổi luôn lộ trình của hai ngày sau cùng, nó cũng vắt kiệt sức lực của hai kẻ phượt không còn trẻ mặc dù những ngày qua, mấy trăm cây số đường không làm suy suyển gì đến bọn ni.

< Gặp cô gái và cô bé đang đi trên đường, có vẻ như hai chị em.

Số là thế này: khi rời thác Ông K'Long, trời vẫn rất tốt dù có chút mây; thậm chí đôi lúc có cả ánh nắng chiều chói chang. Mình nghĩ thầm: xem trước hình ảnh vệ tinh khi rời Nha Trang thì trời Đà Lạt vẫn tốt, có mây nhưng ít và mỏng... Vậy thì khó có cơ hội cho chuyện mưa dầm khó đi.

< Nhà rông của thôn sừng sửng bên trái đường.

Vậy nhưng sau khi vào xã Đạ Nhim thì trời chuyển dần sang u ám, mây đen không biết từ đâu bắt đầu kéo đến nhiều. Mưa thì bọn mình đã từng dính nhiều trận trong các chuyến phượt nên cũng xem như chuyện bình thường, phải thế. Vẫn biết là mưa trên xứ núi có thể dữ dội hơn miệt đồng bằng... nhưng không nghĩ là nó thật khủng khiếp như đoạn đường sắp đến.
< Lúc này mây khá nhiều, trời bắt đầu chuyển dần sang màu xám xịt ở hướng mình đang đến.

Chiếc Win vẫn chạy phon phon trong khi trên trời mây xám mù mịt, vần vũ. Đến đoạn cong có cầu Đạ Nha thì trông phía xa đã thấy những trận mưa đang trút xuống được thể hiện qua những vệt đen xiên xiên từ đỉnh mây xuống chân trời.
< Bụng lúc này nghĩ thầm: Liệu mình có gặp mưa không nhỉ? nghe núi mưa rừng núi vùng cao khiếp lắm...
Vậy nhưng mình cho rằng sẽ không mưa.

Qua cầu Đạ Nha thì mình tấp xe vào sát lề rồi cả hai bắt đầu trùm áo mưa phòng hờ: mặc trước sẽ không bị động khi trời trút nước xuống - lúc đó sẽ không thể xoay sở kịp. Mình thì áo và quần chống nước, còn 'nửa kia' trùm áo mưa cánh dơi: vừa che mưa cho bản thân cũng vừa che chắn cho túi hành lý treo xe phía sau.
< Chạy ngang nhà điều hành thủy điện Đạ Nhim Thượng 2. À, vậy là đã vào địa phận xã Đạ Nhim rồi!

Cách cầu Đạ Nha vài cây số thì trời tối xầm và bắt đầu đổ mưa: thoạt đầu là nhiều hạt tí tách rồi sau đó là những hạt mưa lớn, lớn đến mức rát mặt mày. Kiếng mát không màu mình vẫn đeo, kiếng bảo vệ của nón kéo xuống nấc lưng chứng, nếu không có những thứ này thì cũng không thể mở mắt ra nhìn đường chạy xe được.
< Sau một khúc quanh thì gặp cây cầu, có tên là Đa Kha, vậy nhưng nếu đọc theo âm ngữ địa phương có lẽ phải là Đạ Kha.

Phía phải đường: nước tuôn ào ạt thành dòng từ các vách đường chảy xuống, vào máng nước cạnh lộ rồi cuồn cuộn cuốn về phía xuôi. Một vài đoạn mình thấy những nhánh cây gãy ngang cùng với cây bụi, bao tải... dồn thành đống giữa đường. Lại ngẫm tại sao người ta lại đem rác ra giữa lộ bỏ... trông thật khó coi. Nhưng chỉ một lúc sau thôi thì mình biết là những đống bừa bãi đó bị nước cuốn từ trên các đồi xuống lộ rồi đọng lại.

< Vượt hết cầu Đa Kha thì mây đen vẫn vũ, bọn mình phải tấp vào ven đường để trang bị áo mưa.

'Nửa kia' thi thoảng móc máy ảnh ra ngoài bấm một tấm nhưng rồi cái Cannon con con cũng ướt lem nhem khiến ảnh lem luốt: vậy là tắt tịt, hết chụp. Hết chụp nhưng nước liên tục tấn công từ phía trước và ngang hông, áo mưa của mình kín lắm nhưng dòng nước lành lạnh vẫn len lỏi vào từ cổ áo. Nửa kia ôm cứng phía sau, bàn tay và bàn chân cả hai đứa lạnh ngắt như ngâm trong nước đá - cóng đến mức mình đạp cần số nhưng trông không có cảm giác gì rõ ràng!

< Rồi những hạt mưa nặng trịch rát mặt mày...

Đến một đoạn tại thôn Đạ Trơ thì nước bao phủ khắp mặt lộ, cuộn chảy từ phía phải sang vùng thấp hơn bên trái. Chiếc Win chở hai kẻ phượt đang chạy trong cơn mưa lũ bổng nẩy lên và loạng choạng do những nước cuộn thành dòng chảy xiết kéo theo vô vàn những cục đá to bằng nắm tay tràn ngang mặt đường tạo ra tiếng gõ long cong vào bánh xe. Tay lạnh cóng, miệng luôn hỏi 'nửa kia' có sao không... rồi mình cũng chạy vượt qua cung đoạn đáng khiếp này và tạm tấp vào lề đường.

< 'Nửa kia' bấm tấm này xong, la to: 'Máy em ướt rồi' - vậy là hết chụp choạc!

Ngoái nhìn lại đoạn đường đã bị lũ cuốn ngang thì thật kỳ lạ: mực nước cao hàng gang tay khi nãy cuộn đất đá ngang mặt lộ bi giờ mất tăm, chỉ còn trơ lại đá và đá - nhìn cứ tưởng như một xe ben nào đó chạy cắt ngang đường, vừa chạy vừa đổ đá xuống thành con đường lởm chởm cắt giao ngang TL723!
< Hết chụp được nên vài tấm sau này chỉ để minh họa dù ảnh vẫn trong chuyến đi này, cũng lúc trời mưa.

Giữa lúc cơn mưa vẫn mịt mù thì vài anh thanh niên nhà gần đó vội vàng trùm áo mưa, tay cầm xẻng vội vàng chạy ra lộ rồi xúc đá hất sang hai bên vệ đường: xe gắn máy mà chạy ngang lúc này, nếu không chú ý là té cái một hoặc may hơn là đá nhọn chém tét vỏ ngay! Thật thương, thật nể phục người dân địa phương vẫn biết tránh lũ cho chính mình, lại tránh tai nạn cho những người sẽ vượt ngang địa phương mình ở.

Máy ảnh lúc này ướt nhem nên cũng không chụp choạc gì đường, 'nửa kia' trùm áo cánh dơi cũng chả chống chọi được nhiều trong cơn mưa lớn nên quần ướt đến đùi, tay ẩm đến vai. Vậy nhưng vẫn lắc đầu nguầy ngoậy khi mình hỏi có lạnh không, có cần trú mưa không. Thật ra cũng chả có chỗ để trú: nhà dân phía phải nằm trên cao, phải theo ngõ đất chạy lên để trú... nhưng chạy lên đó trong lúc này thì chịu! Vậy là lại đạp máy, lầm lũi trong mưa hướng về Thái Phiên.

< Ngay ngã 3 vào Đại Cảnh Viên, bà xã hỏi đường còn mình lau tạm lại cái máy ảnh. Túi treo xe lúc này chỉ ướt nhưng không thấm.

Vừa lúc dứt hạt thì bọn mình đến được một ngã 3 lớn có bùng binh ở giữa, gần đó là một vài chiếc xe xúc, xe tải đậu im lìm như đan thi công dang dở (xem vị trí tại đây). Túi treo xe ướt loi ngoi nên cũng không thể lấy netbook ra xem bản đồ được nên bọn này hỏi dân trong căn nhà nhỏ gần đó: Đơn Dương và Dran thì người ta không biết, chỉ biết nếu muốn đi Đà Lạt thì cứ chạy thẳng
< Trời lại mưa trút nước khi mình quay xe trở lại ngã 3.

Vậy nhưng bọn mình vẫn nghĩ thầm ngã rẽ chính là đường đi Dran. Nhưng nghĩ gì thì nghĩ, vẫn chạy tiếp một đoạn rồi lại hỏi. Lần này thì chính xác là con đường ở ngã 3 đó có thể đi Dran - vậy là vòng trở lại ngã 3 và chạy vào nhánh rẽ đường lớn.
< Đường đi Dran theo hướng Đại Cảnh Viên nối vào QL20, nhưng chạy được nửa chừng thì biết lối này bị lở đất, lại quay trở ra.
Phía dưới là những nhà lồng trồng hoa tại khu vực Hòn Bồ, Thái Phiên.

Bấy giờ thì trời lại đổ mưa tiếp như không muốn cho bọn mình hướng về xứ lạ Đơn Dương! Gió rít bên tai, mưa đổ rát mặt - con đường lớn trải nhựa phẳng phiu nhưng chạy một đoạn vài cây số thì lộ ra đầy đất đá bị nước cuốn xuống trên sườn đồi bên trái, mép phải lộ nhựa nhiều đoạn bị xé toạc - thảm bê tông, đất đá và cả những ống cống to đặt cảnh báo bên đường cũng rơi tuột xuống thung lũng sâu bên dưới.

< Cả chiếc Win và túi treo xe lúc này đầy bùn đất, áo mưa của bà xã gói tạm trong bọc ni long. Lúc này đang ở trên đường Hồ Xuân Hương.

Bùn đất đỏ loang lổ đầy mặt nhựa, nếu nhìn không kỹ cũng chả biết đâu là đường. Đang lúc chiếc Win chở hai kẻ phượt loạng choạng vượt bùn sình thì thời may: cơn mưa lại dứt bất chợt giống như khi nó đến. Đoạn đường phía trước cũng không thấy rõ do mù sương nhưng khúc này thì thật bầy hầy lởm chởm. Đang lúc phân vân liệu có nên đi nữa hay không thì gặp một chị gái đang bước nhanh trên đường, hướng ngược lại. Vậy là lại hỏi đường đi Dran.

< Bên kia là hồ Than Thở...

Câu trả lời làm bọn mình sững người 'Đường lở không đi được đâu, muốn đến đó thì anh chị trở ngược lại, vào Đà Lạt rồi theo QL20 hướng về phía trại Mát Xuân Trường'. Vậy là lại trở xe ra, vừa đi vừa bàn tính. Nhưng tính toàn gì nhỉ: lúc này hai đứa lạnh cóng, 'nửa kia' ướt loi ngoi, lưng áo mưa và cả áo khoác ngoài dính đầy bùn đất đỏ, môi tím bệch..., vậy nên mình quyết định bỏ cuộc do tiết trời quá xấu, còn bây giờ về Đà Lạt tìm chốn nghỉ chân.
< Còn mé ni là Đồi thông 2 Mộ. 'Nửa kia' đang hỏi đường vào khu trung tâm, câu trả lời là cứ chạy thẳng...

TL723 chấm dứt khi gặp ngã 4 (lúc này trời dứt mưa hẳn), mình rẽ nhánh vào đường Hồ Xuân Hương, chạy ngang qua Hồ Than Thở và Đồi Thông 2 Mộ, thẳng tiến vào trung tâm thành phố Đà Lạt: xứ hoa nhưng tâm trí bọn mình lúc này chỉ là sự kinh khiếp và mệt mỏi! Một chốn ngơi nghỉ có lẽ cần thiết nhất trong lúc này, còn khám phá dải đất Đơn Dương xin khất lại vào dịp khác vậy.

< Hai 'kẻ phượt' lôi thôi lếch thếch tìm chốn nghỉ: Dran lúc này buộc phải cho ra ngoài kế hoạch, thời gian đi cũng đã hết rồi...

Dran có thể không xa lạ với ai đó nhưng vẫn còn lạ lẫm với bọn mình. Vậy nhưng điều gì đã cản trở khiến bọn này không thể hoàn thành chuyến đi, chắc chỉ có ông Trời mới rõ được!
< Cuối cùng thì cũng thuê được một phòng ấm cúng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Phòng 200k nhưng trả trăm rưỡi vẫn ok vì ngày vắng khách.

Không đến đượf nhưng mình cũng xin nói sơ về thị trấn Dran - Đơn Dương:

Thị trấn Dran nằm trên trục lộ QL27, giao tiếp giữa đèo Ngoạn Mục và đèo Dran vào Đà Lạt. Vùng đất này có độ cao hơn 1000m với không khí xuân - hạ - thu - đông trong 24h.


< Thu dọn hành lý vào, tắm nước nóng giũ bỏ bụi trần xong thì khỏe ngay, vậy là xuống đường đi bát phố.

Dran là một thị trấn nhỏ, nhiều thắng cảnh đẹp, khung cảnh hoang sơ và nhiều dân tộc sống tại đây, nhất là người dân tộc Churu với tập tục sinh hoạt còn nguyên vẹn.

Do chưa được khai thác du lịch, nên đến Dran cũng như đến Đà Lạt của 50 năm trước đây. Điểm nổi bật nhất của Dran là hồ thủy điện Đa Nhim với bờ đập dài 1700m hùng vĩ và nhiều hồ và thác đẹp và sạch đến có thể tắm được.

< Bùng binh trung tâm ngay trước chợ Đà Lạt, mé trái ngay cầu thang là trung tâm thương mại La Tulipe.

Dran có chùa Giác Nguyên, một ngôi chùa cổ tọa lạc trên một quả đồi, từ đây có thể ngắm toàn cảnh Dran - Đơn Dương thơ mộng, quyến rủ và làm rung động lòng người.

< Rảo bước theo những bậc thang xuống bùng binh, trời lúc này se se lạnh.

1. Các con thác tuyệt đẹp ở Dran - Đơn Dương :
- Thác HamaXin.
- Thác Tập Đoàn.
- Thác Hòa Bình.
- Thác Yatay.
- Thác Thiên Thai.
- Thác nước kêu- thôn B'kam, xã Lạc Xuân.
- Thác Hang Cọp (đường vào Đà Lạt qua đèo Dran).

< Chợ Đà Lạt đây, nhưng bọn mình đan tìm lối lên tầng 2: khu vực ăn uống...
Năng lượng trong người cạn sạch do mệt, trời lại lạnh nên thức ăn lỏng và nóng là lựa chọn đầu tiên: vậy là qua bữa bằng tô bánh canh cá bình dân, chỉ 13k.

2. Hồ :
- Hồ Đa Nhim (Thị trấn Dran).
- Hồ Pró (Thôn Đông Hồ - Xã Pró).
- Hồ Daron (Thôn Daron, xã Daron).

3. Suối :
- Suối Tôm.

< Trở xuống bùng binh, chiếm ghế ngồi hóng gió...

4. Các địa danh khác :
- Chùa Giác Nguyên (500 năm)
- Khu nghỉ dưỡng Mai Anh Đào - Xã Daron.
- Di chỉ Pró làng Kranggo, dân tộc Churu (xã Pró).
- Đèo Ngoạn Mục hùng vĩ (nhưng đang nâng cấp).

< và ăn vặt: Tàu hủ nóng giá 6k/chén, hoàn toàn không rẻ! Bánh mỳ bagette giá 5k cũng vậy, may mắn là loại này tuyệt ngon và thơm.

5. Đặc sản :
- Dứa CrayZen
- Bánh tráng Lạc Lâm.
...

< Ngồi 'măm' lại nhớ đến cơn mưa buổi xế chiều, nhớ cả Dran: nếu bọn mình vẫn hướng về Đơn Dương thì bây giờ có lẽ đã tới hoặc theo lũ bùn xuốnng vực sâu...

< Sữa đậu nành, đậu xanh nóng tại đầu đường Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Văn Cừ ngon tuyệt, giá chỉ 5k.
Bọn mình ngồi tán chuyện với anh xe ôm. Anh chạy xe ôm nhé nhưng ăn mặc rất chỉnh chu, chân mang cả giày bóng lộn.
Nghe nói ông đang tán tỉnh cô bán sữa, hay thật nha!

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 cuối

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!