(Tiếp theo)
Dậy sáng hôm sau, bắt đầu một ngày mới. Hôm này bọn mình sẽ rời Đại Lãnh về Nha Trang nhưng trước đó sẽ vào Ninh Vân: một làng chài nhỏ heo hút phía ngoài cùng bán đảo Hòn Hèo.

< Cảng cá nhìn từ ban công nhà nghỉ.

Vậy nhưng bọn mình không vội gì, mở cửa phòng là ra ban công phía sau nhà nghỉ đón ánh bình minh. Nơi này nhìn xuống cảng cá Đại Lãnh, nhìn thấy xe cộ chạy ngược xuôi lên đèo cả và cả đèo Cổ Mã. Dưới bến ghe nhộn nhịp người mua kẻ bán, các con tàu sau một đêm ra khơi, nay trở về bến với thành quả là nhiều loại hải sản tươi rói và được đóng vào các thùng xốp phân phối đi các nơi.

< Khá nhiều nhà cổ kề cận với mái ngói rêu phong, thấp lè tè (do người ta nâng đường, nâng nền lên nhiều lần).

Theo thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn thì Đại Lãnh là một xã nằm lọt thỏm giữa một bên là đèo Cả ở phía Bắc và một bên là đèo Cổ Ngựa ở phía Nam, ba mặt là núi vây quanh, chỉ có mặt Đông trông ra biển cả mênh mông sóng nước.
Vùng đất này kề ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 80 km và cách thị xã Tuy Hòa khoảng 30 km.

< Ngoài lộ (QL1A), trẻ em bắt đầu lục tục đến trường bằng những chiếc xe đạp - to có, nhỏ có...

Nếu đi ô tô trên Quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam, lúc vượt đèo Cả ngoằn ngoèo trên 10km rồi thì du khách sẽ thấy một bên là núi rừng trùng điệp và một bên là Vũng Rô sâu thẳm nước lặng như tờ. Khi xe đổ dốc đến gần chân đèo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng “một vùng non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Đó là Đại Lãnh, một thắng cảnh đẹp tuyệt vời.
< Cổng cảng cá Đại Lãnh: ngoài đây vắng nhưng trên bãi biển tấp nập người mua kẻ bán, tàu ghé bén nườm nượp.

Bãi biển Đại Lãnh dài gần 4km cong cong hình lưỡi liềm với bờ cát trắng vàng thoai thoải và mịn màng được viền kín bằng những hàng dương rủ bóng thướt tha. Phong cảnh ở đây thật thơ mộng và hữu tình, khí hậu mát mẻ. Trong những tháng hè oi bức, khách bốn phương có thể về đây nghỉ ngơi, cắm trại vui chơi và nô đùa với sóng nước hoặc leo núi, ngâm mình trong làn nước suối đến mát lạnh.
< Chùa Phước Sơn đang tu sửa, hứa hẹn sẽ là một chùa đẹp trong tương lai.

Bãi biển Đại Lãnh được xếp vào loại lý tưởng và đẹp nhất ở nước ta. Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Du lịch thế giới (OWT) đã đánh giá Đại Lãnh là một trong những thắng cảnh đẹp nhất ở Đông Nam Á. Phong cảnh Đại Lãnh từ xưa đã được liệt vào hàng danh thắng của nước nhà.
< Bọn mình cuốc bộ ra ngã 3 chợ, chỉ một hai trăm mét thôi. Phương châm 'Trú gần chợ, không lo đói' là điều không thể quên trong các chuyến phượt.

Năm 1830, Đại Lãnh được vua Minh Mạng cho thợ chạm vào cửu đỉnh đặt trước sân Thế miếu ở Kinh đô Phú Xuân (Huế). Đến thời Tự Đức, Đại Lãnh được ghi vào điển thờ.
< Ngõ vào chợ Đại Lãnh bị cắt ngang bởi đường xe lửa Bắc Nam. À, xã cũng có ga tàu hỏa đó nhé, nằm khúc dưới kia. Còn đây là hướng chạy lên đèo Cả.

< Chợ Đại Lãnh đây. Ngôi chợ nhỏ và có vẻ rất cổ xưa. Hồi đó có lẽ cao nhưng cũng theo đã 'nâng nền' nên hiện nay thấp lè tè, đi vào các cửa phải... cúi đầu: coi như phép lịch sự 'cúi chào' với ngôi chợ thuộc hàng "thưa Ông nội".
Mé tít trong kia, khu hàng hải sản rõ là một một chợ quê với mỗi chị bán hàng một mẹt để nằm dưới đất - miệng mời chào.
< Bánh bèo Đại Lãnh, màu xanh là hẹ phi (giống như Tuy Hòa), còn màu cam là bột tôm - giá chỉ 5k.

Thuở xa xưa, đường thiên lý Bắc Nam qua đây còn gập ghềnh, bốn bề hoang vắng, khu vực miền Trung này từng nổi tiếng với câu “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Hơn thế nữa, bọn thảo khấu lục lâm luôn luôn rình rập những người lỡ đường. Vì vậy khách bộ hành thuở ấy, từ Phú Yên đi vào Khánh Hòa hay ngược lại đều phải chờ nhau để đi thành từng đoàn đông người và thường nghỉ chân ở bãi Đại Lãnh.
< Ngon nhưng xong một dĩa thì ngán. mình rời chợ ra ngoài đường trước để tìm ly cà phê, uống tỉnh chạy mới ok!

Chẳng bao lâu Đại Lãnh trở thành cái trạm mọc lên vài ba quán tranh nho nhỏ để khách tạm nghỉ ngơi sau khi vượt qua đoạn đường đèo vất vả, gian truân. Theo truyền khẩu dân gian, thời vua Thành Thái, có một người quê ở Thừa Thiên tên là Phạm Ngũ Giáo vào đây thấy phong cảnh hữu tình bèn lưu lại lập gia viên để vui thú cùng cỏ cây non nước. Ông ta vừa đi săn, bủa lưới kiếm sống vừa chiêu tập được một số dân xiêu tán đang tha phương cầu thực về đây lập nghiệp, dựng lên làng Đại Lãnh.

< Mình ngồi quán cá phê bên kia QL1A, ngay đoạn nhìn qua đường vào chợ để khi nào 'nửa kia' ra ngoài sẽ nhìn thấy.
Cổng chắn hạ xuống khi xe lửa chạy ngang. Tàu hỏa chạy khá nhanh dù đã sắp đến nhà ga trên kia.

Chờ khá lâu, bà xã mới ra: tay xách nách mang: toàn là 'hàng hóa' dành cho bao tử: chuối và mực tươi rói.
< Về soạn hành lý rồi trả phòng, bọn mình đi. Tiện thể ghé cây xăng tọng luôn cho đầy bình.
Ảnh là bọn mình đang hướng về đèo Cỗ Mã.

Kể từ ngày Quốc lộ 1A và đường hỏa xa xuyên Việt được xây dựng và chạy ngang qua đây thì làng Đại Lãnh trở nên đông vui và trù phú. Ngày nay, Đại Lãnh trở thành một thị trấn xinh xinh hàng ngày đón tiếp biết bao lượt khách ra Bắc, vào Nam dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống...
< Đại Lãnh nổi tiếng nhờ biển. Vậy nhưng rời khu trung tâm là khu du lịch, nhà hàng và... hàng rào!
Chính vì những rào dậu lưới B40 này mà bọn mình cũng không thiết ghé ra bãi biển.

< Nhà hàng đây, ngoài khuôn viên nhà hàng cũng bị rào lưới. Cái bệnh 'chiếm hữu bãi biển làm của riêng' trông thật chướng mắt dù không địa phương nào cho thuê bãi biển mà chỉ cho thuê đất ven biển thôi.

Còn xóm chài Đại Lãnh thì chạy dài theo bờ biển, đắm chìm dưới bóng dừa và rừng dương mát mẻ, thơ mộng và quyến rũ. Ga nhỏ Đại Lãnh nồng vị mặn của biển và gió cát. Ngoài khơi, xa xa nhấp nhô hòn Nưa - một cù lao có những vách đá dựng đứng trông như một pháo đài tiền tiêu canh giữ mặt biển suốt đêm ngày.

< Qua hết khúc 'chiếm đất dành biển' rồi thì đây là chốn tự do. Tuy nhiên lại có lang can sắt bảo vệ nên không thể phi xế xuống, vậy là bọn mình rời Đại Lãnh, một xứ đẹp và thơ nhưng không sờ mó đến giọt nước biển nào!

< Vào đèo Cỗ Mã, con đèo ngắn có hình dạng như vòng omega Ω.
Xem vị trí nơi này.

Buổi sáng ở đây thật êm ả, tĩnh mịch. Chỉ có hàng dương thầm thì với gió và nghe sóng vỗ rì rào, chầm chậm như ru ta vào cõi mộng. Buổi trưa là lúc biển xanh đậm dưới ánh nắng chói chang. Buổi chiều, biển ngả sang màu nâu sẫm. Vào lúc hoàng hôn bao phủ, Đại Lãnh như đắm chìm vào cõi huyền mơ làm xao xuyến biết bao tâm hồn du khách.
< Ngõ vào nhà hàng Cỗ Mã, có tấm biển phía trước.

Biển Đại Lãnh có nhiều hải sản, lúc nào cũng đầy đủ các món ăn tươi, từ tôm, cua, cá, mực cho đến rong câu, sò ốc... du khách tha hồ lựa chọn cho riêng mình một món ăn hợp khẩu và rẻ tiền. Những con cá mú hấp to tướng còn nóng hổi, những đĩa gỏi ốc thơm phức, những con tôm hùm to béo hấp dẫn còn bốc hơi trên vỉ nướng, những đĩa ghẹ luộc, mực xào “bắt mắt”... như mời mọc thực khách thử qua cho biết...
< Hết đèo, lại theo QL1A về Vạn Giả: xong đoạn ngắn trùng lắp duy nhất buộc phải lập lại, tức là từ Tu Bông đi Đại Lãnh.

< 14km nữa đến Vạn Giã, ngã 3 phía trước là nhánh rẽ phải đi hồ Hoa Sơn.

Hồ chứa nước Hoa Sơn được xây dựng tại huyện Vạn Ninh, phía bắc tỉnh Khánh Hòa, gần bên quốc lộ 1A. Dự án được duyệt năm 2003, khởi công ngày 07/3/ 2006 và hoàn thành 07/ 3/2011.

Hồ Hoa Sơn có dung tích gần 20 triệu mét m3, tưới cho 1.360 ha lúa và cây màu, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 1.000 ha, cấp nước sinh hoạt cho 35.000 dân vùng Tu Bông (gồm 5 xã phía Bắc huyện Vạn Ninh – Khánh Hòa), cấp nước phục vụ khu công nghiệp Vân Phong. Hồ chứa nước Hoa Sơn góp phần cải thiện môi trường, kết hợp với giao thông nông thôn, du lịch, nuôi cá nước ngọt…

Gần hồ có suối Sung là nơi người dân Tu Bông thường tập trung vào các ngày lễ, chủ nhật... để vui chơi, thư giản và ngắm hồ Hoa Sơn từ trên cao. Ngoài ra đây còn là nơi gởi xe của những người dân đi làm nương rẫy.
Ảnh bên là cầu Ồ Ồ trên QL1A.

Lại nói về Vạn Giã:

Vạn Giã là một thị trấn nằm trong huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Thị trấn Vạn Giã gồm có 12 tổ dân phố và khu dân cư giao thông phát triển và có tuyến đường sắt quan trọng nối liền các tỉnh miền Bắc và miền Nam với nhau.

< Thường thì ai đi phượt cũng ngại chạy quốc lộ 1A vì cho rằng nhiều xe, vậy nhưng trong chuyến này mình thấy khá thoải mái: xe tải, xe đò không ình xèo như mình nghĩ.
Đây là đoạn qua cầu Cống Lở, sau đó sẽ là cầu Đồng Điền dài hơn với phía trái là con đập dâng cùng tên...

< Qua cầu Bà Nơi tại KM 1391=037 là đến cầu Chà Là, sau đó sẽ giao cắt đường xe lửa trước khi vào thị trấn Vạn Giã. Gọi là giao cắt nhưng thật tế thì đường bộ chạy trên cầu vượt.

Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh trong thời gian gần đây với nhiều dự án nhà cao tầng (5-12 tầng) ở thị trấn Vạn Giã và các điểm du lịch. Địa hình thị trấn Vạn Giã tương đối bằng phẳng nằm trong khu vược đồng bằng phù sa mới, là nơi có vựa lúa lớn nhất tỉnh Khánh Hoà. Đặc biệt, có ngôi chùa Cổ gần 300 tuổi gọi chùa Tổ đình Linh Sơn.
< Vào thị trấn Vạn Giã rồi thì QL1A sẽ  là đường đôi, được phân cách bằng bồn cây xanh ở giữa. Dải phân cách này kéo dài đến tận cầu Hiền Lương.
Cầu Hiền Lương, xin đừng nhầm với cầu Hiền Lương nối liền sông Bến Hải tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) nhé. Hiện nay, huyện Vạn Ninh vừa tiếp tục thi công cây cầu Hiền Lương 2 với 5 nhịp, dài 100m để kết nối trung tâm thị trấn Vạn Giã với Bệnh viện Đa khoa huyện. Đây là điều kiện để Vạn Ninh đẩy nhanh tiến độ chương trình chỉnh trang đô thị, hình thành thị xã vào năm 2015; đồng thời là tiền đề để thực hiện dự án đường ven biển Vạn Ninh - Ninh Hòa trong tương lai.

< Cầu Xuân Tự tại km 1400+269, núi nhỏ xa xa là Hòn Quán thuộc Ô Lào, xã Vạn Hưng - vẫn trong huyện Vạn Ninh.

Vạn Giã có nhiều cơ sở nghiên cứu sinh vật biển ở đại dương và khu chế biến ngọc trai của Nhật Bản hợp tác với Việt Nam, người dân ở đây chủ yếu là nông dân (56,8 phần trăm) và còn lại là dân thành thị tập trung sống trong thị trấn Vạn Giã và làm các dịch vụ như: khách sạn, khu nghỉ dưỡng Vân Phong, và mở các trung tâm về điện máy và các Shopping mall tương đối lớn...

< CSGT 'rốp' tá lả cả hai bên đường... trong khi đồng hồ công tơ mét của mình đã tắt tịt và tháo luôn cáp. Tuy nhiên mọi việc vẫn bình ổn với bọn này.

Thu nhập của người dân ở đây khá cao đủ cho người dân đáp ứng những nhu cầu về vật chất và tinh thần.
< TP HCM còn 487km nữa, vậy nhưng bọn mình chưa về đâu. Vẫn còn đoạn đường dài phía trước, có lẽ tròn ngàn cây số nữa...

Mật độ dân số nơi đây là lớn hơn 70 người/km2 mật độ xe lưu thông ở đây cũng rất cao vào các giờ cao điểm. Giao thông thuận lợi từ thị trấn Vạn Giã đến Thành Phố Nha Trang cách 60 km và mất khoảng 80 phút để tới, còn từ Vạn Giã đến Ninh Hoà là 26 km và mất 35phút để tới. Vạn Giã còn là nơi tập trung nhiều nhà máy chế tạo đá Granic chất lượng cao.
< Khúc này đường bộ cặp kè đường hỏa xa đến tận Dốc Đá Trắng thuộc xã Vạn Hưng thì mới tách rời kiểu 'anh đi đường anh, tôi đi đường tôi để chuẩn bị vào ga Hòa Huỳnh...

< Chạy trên QL1A, bọn mình hay phi theo hai 'cánh gà' hai bên, cái rẻo nhỏ tầm hơn thước này xem ra an toàn hơn để tránh những con quái vật mập ú chở đầy hàng hóa phóng vù vù ngoài kia.

< Đến trạm thu phí Ninh An thuộc CTY Cổ phần Đầu tư Đèo Cả: 4 bánh trở lên thì dừng lại móc ví, còn ít bánh xe hơn thì xin... biến đi - Chúc quý khách thượng lộ bình an.

< Ngã 3 vào Hòn Khói đây (15km), cũng là đường vào biển Dốc Lết. Vậy nhưng bọn mình sẽ rẽ ngõ Vinashin chỉ cách đây 430m.
Dốc Lết dăm năm trước bọn mình đã từng đến theo tour địa phương nên chuyến này không ghé lại do không có thời gian...

< Đến ngã 3 Vinashin, người địa phương còn gọi là ngã 3 Huyndai. Bọn mình rẽ trái...

< Vào gặp ngay tấm bảng "Hyundai-Vinashin: Hướng đến thế giới, hướng đến tương lai". Không biết 'hướng' ra sao nhưng các ông cố này từng là một trong những trùm làm nghèo đất nước.

Đây là con đường kéo dài từ QL1A đi Ninh Diêm, Ninh Thủy tới tận cảng Hòn Khói. Từ đây bọc theo dãy Hòn Hèo đi Ninh Tịnh, qua vài resort ven biển và chạy thẳng đến Ninh Vân: một làng chài mà bọn mình dự định sẽ đến.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!