(Tiếp theo)
Ngày thứ 5 trong chuyến đi, ngay từ tối hôm trước thì hành lý đã được sắp xếp gọn trong túi. Xong bữa sáng, cạn tách cà phê với những câu chuyện thật xôm tụ với những người bán quán trước khách sạn Vietsea rồi thì bọn mình chuẩn bị trả phòng. Hành trang được người quản lý khách sạn đưa xuống tận nơi để xe cùng lời chúc thượng lộ bình an và sự mong mỏi sớm tái ngộ lại lần sau.
Tạm biệt xứ biển NhaTrang, một vùng đất tuy không gây ấn tượng với bọn mình về về thắng cảnh đẹp nhưng lại ghi dấu ấn của sự yên bình, thân thương tại Hòn Xện trong khi giá cả tại đây cũng rất mềm mại dễ chấp nhận. Vậy nên có đến Nha Trang, bạn nên thử ghé lại một lần xem sao nhé.
< Quán có 'độc tôn' đối diện khách sạn, sáng nào cũng làm một ly cho tạm tỉnh, gọi là 'tạm' vì không có cà phê phin mà chỉ là 'nước cốt' (ẹc!)
Trong dự tính trước chuyến đi: hôm nay bọn mình rời Nha Trang theo QL1A đi Diên Khánh, Khánh Vĩnh và theo đèo Hòn Giao (đèo Khánh Lê) lên Đà Lạt rồi rẽ theo QL20 đi Dran. Tuy nhiên, trước khi rời xứ biển thì bọn mình sẽ ghé thăm tượng Phật trên chùa Phật Trắng cái đã.
< Trả phòng, trả tiền dưới sảnh xong thì bọn mình đi. Vietsea có giá từ 180k/ đêm ngày (máy lạnh) và là một trong những nơi tốt nhất, giá mềm mà bọn mình đã ở.
Buổi sáng, mình đã mở netbook xem trước đường đi trên bản đồ vệ tinh: hoàn toàn không khó vì đường lên đồi tượng Kim Thân Phật tổ nằm ngay trên đồi Trại Thủy, khu vực có nhiều trong đó có ba chùa lớn là chùa Bửu Phong, chùa Long Sơn, chùa Hải Đức - ngõ lên ngay phần tiếp giáp của đường Yersin và 23 tháng 10.
< Mình rời Nha Trang theo đường Trần Phú, Yết Kiêu... và đến 23 tháng 10.
Đồi Trại Thủy cao hơn 30 mét, dài hơn 500 mét, chạy dọc theo Quốc lộ 1A. Hình dáng đồi giống một con dơi, nằm xòe đôi cánh. Và nơi đầu đồi có một ao nước hình tròn nên người xưa gọi là "ngọc bức hàm hoàn" (dơi ngọc ngậm vòng ngọc). Theo các nhà chuyên môn về địa lý học thì đồi Trại Thủy thuộc hệ thống dãy Trường Sơn. Sơn mạch phát từ hòn Thị ở Diên Khánh, chạy ngầm dưới đất, đến gần cửa sông Cù Giang thì đột khởi thành đồi Trại Thủy.
< Mình đổ xăng đầy bình tại cây xăng bùng binh Yersin rồi phóng thẳng ra đường 23 tháng 10 thì gặp ngay lối lên đồi Trại Thủy, trên ấy có tượng Phật Trắng.
Dốc lên khá cao và cua gắt.
Trên đồi Trại Thủy có nhiều chùa, đáng chú ý nhất là 3 chùa lớn mà mình sẽ tóm tắt theo thông tin sau:
- Chùa Bửu Phong còn gọi là Linh Phong, người địa phương thường gọi là Chùa Núi. Chùa nằm trên đồi Trại Thủy, nơi đầu nhánh phía Nam, cạnh đường quốc lộ 1C (đường 23 tháng 10).
< Kim thân Phật Tổ đây.
Chùa do người Trung Hoa lập từ đời Hậu Lê, trong chùa hiện còn một quả Đại Hồng Chung, có khắc tên Bửu Phong Tự và năm chú tạo Tuế Thứ Quí Dậu Niên Tứ Nguyệt Cát Nhật tức là năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753). Chùa thờ Quan Thánh tức Quan Vân Trường đời Tam Quốc. Nhiều năm không có người phụng tự, chùa trở thành chùa làng (làng Phước Hải). Làng vẫn thờ ngài Quan Thánh, nhưng gian bên trong thờ thêm Bà Thiên Y A Na.
< Phía dưới là một khoảng sân bằng phẳng, có chỗi gởi xe nhưng muốn gởi hay không thì tùy bạn. Còn mình cứ dựng đại ở gốc cây to.
< Vài cô gái đang khấn nguyện dưới chân tượng.
Hòn Trại Thủy giống như hình con dơi nằm xòe đôi cánh, đầu hướng về phía Tây Nam. Chùa Bửu Phong đứng trên đầu con dơi. Phía sau và hai bên tả hữu bị thân dơi và hai cánh che khuất chân mây, song phía trước nào núi nào đồng, nào xóm làng nào phố xá, sân tàu bay, đường xe lửa… sống động. Chùa được xây dựng trên một khoảng đất cao, thoáng mát. Sự tĩnh lặng nơi đây sẽ làm nhẹ lòng những người con về viếng nơi cửa phật
< Trên đây, nhìn mông lung thấy một phần phố xá.
- Chùa Hải Đức tọa lạc trên núi Trại Thủy số 51 đường Hải Đức, phường Phương Sơn, phía Tây thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chùa được Thiền sư Viên Giác dựng năm 1883, ban đầu chỉ là một thảo am, có tên là Duyên Sanh Tự. Đến năm 1891, chùa được mở rộng thành một tu viện trang nghiêm và đổi tên là Hải Đức Tự.
< Từ trên này nhìn xuống các bậc thềm và khoảng sân phía dưới.
Chùa được trùng tu dưới thời Hòa thượng Phước Huệ trụ trì và được gọi là "chùa Hội" để diễn tả cảnh tăng ni và Phật tử thường đến tụ họp đông đảo ở chùa để bàn việc Phật sự. Năm 1938, Hòa thượng giao nhiệm vụ trụ trì cho Bích Không đại sư. Ngài Bích Không đã dời chùa lên núi Trại Thủy từ năm 1943 đến năm 1945, cất chùa theo kiểu thức Á Đông. Từ năm 1956, chùa trở thành Viện Phật học Trung Phần do Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Viện chủ, Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám viện.
< Có một lối bách bộ sang chùa Long Sơn. Lối chính của chùa trên đường 23 tháng 10.
Lầu mái đỏ là gác chuông đồng.
- Chùa Long Sơn trước có tên là Đăng Long Tự, tọa lạc ở số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, dưới chân núi Trại Thủy, thành phố Nha Trang. Chùa Long Sơn được dựng trên núi vào năm 1886 do Hòa thượng Thích Ngộ Chí (1856 - 1935) trụ trì. Hoà thượng là người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa, lúc nhỏ tham gia phong trào chống Pháp, sau xuất thế đi tu.
< Mình không phải là phật tử nhưng thích tham quan các chùa chiền, thật lòng trong này mình thấy lòng thanh thản - có lẽ do sự tĩnh lặng hoặc cảnh quan...
Mươi phút rồi lại đi.
< Đường lên xuống cũng có nhánh rẽ qua chùa chính.
Năm Canh Tý (1900), sau một trận bão lớn, chùa phải dời từ trên núi xuống vị trí hiện nay. Năm 1936, chùa được Hội Phật học chọn làm trụ sở Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Năm 1940, chùa được trùng tu do công lao chính của Hội trưởng Tôn Thất Quyền và Phật tử Võ Đình Thụy...
< Cổng chào Nha Trang, mình vẫn chạy theo 23 tháng 10, ra khỏi thành phố rồi thì đây là QL1A.
Năm 1968, do chiến tranh tàn phá, chùa bị sạt mái ngói. Năm 1971, Thượng tọa Thích Thiện Bình đứng ra lo trùng tu chùa và cho đến năm 1975, việc trùng tu mới thực hiện được 60% theo họa đồ của kiến trúc sư Võ Đình Diệp.
< Loáng thoáng một hồi là vào địa phận huyện Diên Khánh. Lúc này chợt nẩy ra ý muốn ghé thăm thành cổ Diên Khánh: vậy là 'canh me' ngã 3 thành để vào.
Từ chùa Long Sơn có đường lớn dẫn lên chùa Hải Đức ở lưng đồi và lên pho tượng Kim thân Phật Tổ nơi đỉnh đồi. Tượng được xây dựng bằng bê-tông ngay trên nền cũ của chùa Long Sơn. Việc đúc tượng được khởi công năm 1964, hoàn thành năm 1965, do Thượng tọa Thích Đức Minh, lúc đó là Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa và điêu khắc gia Kim Điền thực hiện.
< Có lẽ do 'canh me'... quá giỏi nên mình rẽ vào lối ni theo bảng ghi hướng Đà Lạt. Thật ra, về mới biết nhánh rẽ này đã qua huốt con đường dẫn vào cổng thành cổ Diên Khánh.
Địa điểm sai này ngay tại đây.
Tượng có chiều cao từ mặt bằng lên 24m, từ đế lên 21m , phần tượng cao 14m, đài sen 7m, đường kính đài sen 10m. Xung quanh đài là hình bảy vị Thánh tử vì đạo. Trước Phật đài có cặp rồng, chiều dài 7,20m. Du khách từ Bắc vào hay từ Nam ra, đi trên đường ô tô hay đường xe lửa, đều có thể nhìn thấy tượng Kim thân Phật Tổ uy nghi với nụ cười vô vi trên khuôn mặt đầy vẻ bao dung.
< Lòng ngẫm lạ, cổng thành cổ nhỏ xíu (ngày xưa làm gì có xe to chà bá như bi giờ) nhưng con đường này lại... rộng pà kố. Vậy làm sao 'kê' cái cổng thành vào đây? Sau này mới biết đường ni đang đi vòng phía ngoài thành (he he).
< Gặp ngã 3, mình rẽ trái gặp ngay cây cầu Hà Dừa, bên kia là nhà thờ cổ cùng tên. Tự nhiên man máng nhớ nhà thờ cổ nằm ở đường ra thành, vậy là bọn mình sai đường rồi.
Mình lại nói qua về Diên Khánh:
Đây là là một huyện của tỉnh Khánh Hòa và từng là trung tâm của phủ Diên Khánh xưa kia, sau năm 1945, tỉnh lỵ của Khánh Hòa mới chuyển về thành phố Nha Trang.
< Chạy thêm đoạn nữa gặp hai phượt Tây, hai ông bà vừa truy bản đồ, vừa xí xô xí xào.
Huyện Diên Khánh phía Đông giáp thành phố Nha Trang, phía Nam giáp huyện Cam Lâm, phía Tây giáp huyện Khánh Vĩnh, phía Bắc giáp huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Như vậy có thể nói huyện Diên Khánh nằm ở ngay trung tâm của tỉnh Khánh Hòa. Huyện lỵ của Diên Khánh là thị trấn Diên Khánh cách trung tâm thành phố Nha Trang 10km về phía Tây.
< Do ghé thành cổ cũng chỉ là ngẫu hứng, thông tin và hình ảnh cũng xem qua quá nhiều nên bọn mình trở ra, tìm QL1A.
Diên Khánh trước kia là vùng đất của phủ Diên Ninh thuộc dinh Thái Khang. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh. Lúc bấy giờ huyện Phước Điền (tức huyện Diên Khánh sau này) thuộc phủ Diên Khánh. Năm 1832, trấn Bình Hòa đổi thành tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa có 2 phủ và 4 huyện. Phủ Diên Khánh gồm có 2 huyện Phước Điền và Vĩnh Xương (huyện Hoa Châu nhập vào huyện Phước Điền).
< Ra quốc lộ, chạy một chặng nữa là đến ngã 3 có nhánh rẽ đường mới đi Đà Lạt, vậy là mình quẹo vào luôn.
Thời Pháp thuộc, tỉnh Khánh Hòa có 2 phủ Ninh Hòa, Diên Khánh và 2 huyện Vạn Ninh, Vĩnh Xương. Phủ Diên Khánh có 3 tổng: tổng Trung Châu (Bắc sông Cái), tổng Vĩnh Phước (Tây-Nam sông Cái), tổng Ninh Phước (Đông-Nam sông Cái). Trong chiến tranh Việt Nam, địa bàn huyện Diên Khánh có những thay đổi, nhiều lần nhập, tách với các xã của huyện Vĩnh Xương và Cam Ranh.
< Đường mới thênh thang này ngày nay mang tên đg Cao Bá Quát, chạy phẻ - chả bù với vài năm trước lên đèo Hòn Giao bằng TL2 nát bươm đầy đất đỏ.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 4-1975 nhập thêm 7 xã của huyện Vĩnh Xương đổi thành huyện Khánh Xương. Tháng 3 năm 1977, tách 7 xã của huyện Vĩnh Xương nhập vào Nha Trang, huyện trở lại địa giới cũ gồm đồng bằng Diên Khánh và huyện miền núi Khánh Vĩnh.
< Đến cầu Suối Dầu, cây cầu đầu tiên trên con đường từ xứ biển dẫn lên xứ hoa.
Ngày 23-10-1978, Chính phủ ra Quyết định số 268-CP thành lập thị trấn Diên Khánh, Tháng 6 năm 1985, huyện Diên Khánh lại tách làm 2 huyện: Khánh Vĩnh và huyện Diên Khánh ngày nay.
Tháng 4 năm 2007, tách hai xã Suối Tân và Suối Cát để cùng với một số xã thuộc thị xã Cam Ranh thành lập huyện Cam Lâm.
< Núi bạn thấy là núi Hòn Ngang, tại núi có mỏ khai thác đá: khi nào hết đá cũng là lúc hết núi.
Nổi bật tại Diên Khánh là dấu tích thành cổ: Năm 1793, sau khi đánh chiếm được Diên Khánh từ tay nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã cho xây dựng trên vùng đất khi ấy còn heo hút một căn cứ quân sự và khu dân cư được vây quanh bởi một tòa thành.
< Chạy thêm nữa sẽ thấy núi Lỗ Bèo, núi Hòn Nghệ và nhiều núi khác - khung cảnh đồng quê đẹp tuyệt!
Tường thành có hình lục giác không đều, có chiều dài tổng cộng 2.693 mét, xung quanh là các hào sâu từ 3 đến 5 mét. Tòa thành uốn lượn chứ không thẳng, do đó có thể quan sát dễ dàng hai bên tường. Thành Diên Khánh có diện tích khoảng 36.000 m², và có 6 cửa thành ở 6 mặt tường.
< Còn phía trái là dãy núi Hòn Bà, nơi vài bữa trước bọn mình đã lên đỉnh núi.
Trước đây, đường bộ từ Nha Trang đi Đà Lạt thường theo lộ trình Nha Trang - Phan Rang - Đà Lạt, với tổng chiều dài 228 km - trong đó phải vượt đèo Sông Pha (Ngoạn Mục)...
Qua thời gian, hiện nay còn bốn cửa Đông, Tây, Nam và Bắc, tuy nhiên chỉ còn hai cửa, cửa Đông và cửa Tây là còn nguyên vẹn và hiện vẫn là hai cửa ngõ chính ra vào khu vực trung tâm thị trấn Diên Khánh...
< Năm 2002, lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng đã thống nhất chủ trương mở tuyến đường mới nối thành phố biển Nha Trang với thành phố hoa Đà Lạt.
Cụ thể, phía Khánh Hòa xây dựng đoạn đường mới từ Quốc lộ 1A đi qua các huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh đến điểm ranh giới hai tỉnh tại đỉnh đèo thuộc dãy núi Hòn Giao. Phía Lâm Đồng thực hiện đoạn còn lại từ đỉnh đèo đến trung tâm thành phố Đà Lạt.
< Từ khi tuyến đường - đèo mới được hình thành: cung đường ngắn hơn lộ trình khi trước gần 90 km, tức là tổng chiều dài chỉ còn 140 km. Tuyến đường mới mở Nha Trang - Đà Lạt được xem là một trong những yếu tố quan trọng kích thích phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh, góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai địa phương.
< Một trong hai nhánh rẽ vào khu du lịch thác Yang Bay.
Nhánh đầu tiên tại xã Diên Hòa, nhánh thứ 2 tại Sông Cầu nhưng đường nào cũng tốt cả.
... Theo các tài liệu xưa, bên trong thành có nhiều kiến trúc độc đáo như hoàng cung, cột cờ, dinh tuần vũ, dinh án sát, nhà kho... Thành Diên Khánh khi đó trung tâm của Phủ Diên Khánh và cũng là nơi hoạt động của nghĩa quân Cần Vương - Khánh Hòa và quân du kích quân tại Khánh Hòa trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam.
< Vượt cầu Sông Cầu: đây cũng chính là con sông nhận dòng nước từ thác Yang Bay.
Yang Bay là một thác đẹp nằm ở phía Bắc dãy núi Hòn Bà. Hơn hai năm trước, bọn mình ghé thăm rồi nên chuyến này cho qua.
< Chuyến đi hồi đó từ xứ biển lên xứ hoa theo tour 'địa phương' Ngọc Giàu, còn bây giờ phiêu bạt theo tour 'phượt'.
Hồi đó ngồi xe khách 45 chỗ đi theo TL2, hương lộ 62... mà lúc ấy còn đang tu sửa, đất đỏ từa lưa. Còn bi giờ ngồi xế khói 2 chỗ với sự hoàn toàn tự do!
< Ngã 3 có bảng hướng dẫn: rẽ trái là đi Khánh Thành, còn phải là vô thị trấn huyện lỵ Khánh Vĩnh.
Từ Khánh Vĩnh, con đường lên xứ hoa sẽ cặp theo bờ sông Cái đến tận chân đèo Hòn Giao, cũng là đèo Khánh Lê.
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.