(Tiếp theo)
Trong quyển 'Xứ trầm hương' của Quách Tấn  có ghi: Hòn Khói và Phước Hà Sơn nằm sát bên mé biển. Phía Ðông đường Quốc Lộ số 1.

< Hải đăng Hòn Khói.

Phía Tây đường Ninh Hòa còn hai ngọn núi nữa thấp mà có danh, một nổi tiếng về cọp, một nổi tiếng về heo rừng. Ðó là Núi Phú Như và Núi Xích Thố...
Có lẽ là chuyện xưa, còn nay: động vật quý hiếm là cọp và heo rừng khó lòng tồn tại ngoại trừ khỉ có khá nhiều trên đỉnh Hòn Hèo (tức Phước Sơn Hà).

< Qua hải đăng thì đến cảng xi măng Hòn Khói (lúc này mới thấy rõ), nơi đây có đường cầu cảng hay ống gì đó dẫn tít ra biển.

Hết con đường đèo ngoằn ngoèo bên núi bên biển thì bọn mình trở ra Ninh Phước rồi qua cảng Huyndai Vinashin, theo con đường ven biển TL652D cho đến ngã 3 thì rẽ trái, theo QL26B hướng về QL1A - trùng lắp đoạn đã vào.

< Cảnh thường gặp trên những nẻo đường vùng xa, nhưng lần này không phải đàn bò mà là một bầy dê.

Hết con đường đèo ngoằn ngoèo bên núi bên biển thì bọn mình trở ra Ninh Phước rồi qua cảng Huyndai Vinashin, theo con đường ven biển TL652D cho đến ngã 3 thì rẽ trái, theo QL26B hướng về QL1A - trùng lắp đoạn đã vào. Nhưng vì sao lại trùng lắp nhỉ?


< Cầu Hòn Khói (Km4+513), chỗ này nhìn ra thấy biển.

Trùng lắp do mình nhầm lẫn thôi: theo chi tiết, đúng ra lúc vào Ninh Thủy đi Ninh Vân - từ QL1A, bọn mình sẽ phải rẽ trái ngay ngã 3 Hòn Khói - Dốc Lết: lộ trình ni là theo TL652D chạy ngang những đồng muối tuyệt đẹp ở xứ muối Ninh Diêm, ghé vào thăm biển Dốc Lết... và sau đó đi Ninh Vân...
< Đường tun hút, rất ít xe nên tha hồ phi ga. Vào chậm nhưng ra sẽ nhanh hơn do quen cảnh vật rồi.

... Vậy nhưng sai lầm là do ngã 3 trên QL1A khúc cần rẽ chỉ ghi bảng đơn thuần: Đi Hòn Khói (không có địa danh Dốc Lết) nên bọn mình chạy thẳng đến ngã 4 Vinashin nên bèn theo con đường này luôn.
Vậy nên đoạn từ Ninh Thủy ra đến thị xã Ninh Hòa thì mình sẽ không đề cập chi tiết nữa - có điều: lúc vào thấy xa và lâu do lạ cảnh, vậy mà đoạn ra khá nhanh, chỉ thấy vù vù là đến thị xã Ninh Hòa: nơi có đường QL cắt ngang.

<Gặp QL1A thì quẹo trái, chỉ một đoạn là đến đèo Bánh Ít. (Km1415+850) Gọi là đèo nhưng ngày nay chỉ còn là một dốc dài trên QL 1A thôi.

Theo tự điển thì Ninh Hòa nằm trong tỉnh Khánh Hòa, phía Bắc giáp huyện Vạn Ninh, phía Đông giáp biển Đông, phía Nam giáp thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh và huyện Khánh Vĩnh, phía Tây giáp tỉnh Đăk Lăk.
< Sự ưu tiên lớn nhất khi ra quốc lộ là truy tìm... một quán cơm, nó đây: Quán cơm Mỹ Hiền.
Từ khi rời Đại Lãnh hồi sáng, đến giờ vẫn chưa có gì bỏ bụng ngoài... mấy con mực luộc (nửa kia khoái món này) và hai trái chuối.

< Dĩa cơm của mình đây, nhiều đến mức có thể... chia 2 - túi kế bên là 'mực luộc' và chuối, thừa sức cho hai kẻ phượt no nê... với giá chỉ 20k có cả canh, trà đá free. Lúc này đã 13h20!

< Nghỉ xả hơi một hồi phẻ người rồi lại đi. Ảnh là 'Ngã 3 ngoài' có nhánh rẽ phải đi Đắk Lắk, mình về Nha Trang nên quẹo trái, vẫn theo QL1. Tính từ nơi đây về TP HCM còn 474km: không bỏ bèn gì nếu muốn dìa (hi hi)...

< Từ ngã 3 Ngoài, theo QL1A sẽ qua nhiều cầu nhỏ khác như cầu Nước Đục, cầu Ninh Đa, cầu Mới...
Trong ảnh là cầu Ninh Đa.

Thị xã Ninh Hòa nằm tại ngã ba nơi giao nhau giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 26 đi Buôn Ma Thuột. Trung tâm thị xã cách thành phố Nha Trang 33km, cách thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) 27km, cách Buôn Ma Thuột 164km. .
< Ngã 3 QL26, quẹo phải có thể đi Đà Lạt hay Ban Mê Thuộc. Riêng bọn mình về Nha Trang, còn 31km nữa.

Ninh Hòa rộng 1197,77 km² và có khoảng 233.558 nhân khẩu với 27 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm 7 phường: Ninh Hiệp (thị trấn Ninh Hòa trước đây), Ninh Giang, Ninh Đa, Ninh Hà, Ninh Diêm, Ninh Thủy và Ninh Hải - 20 xã là Ninh Sơn, Ninh Thượng, Ninh Tây, Ninh Trung, Ninh An, Ninh Thọ, Ninh Sim, Ninh Xuân, Ninh Thân, Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Phú, Ninh Phước, Ninh Vân, Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Hưng, Ninh Tân, Ninh Đông, Ninh Phụng.

< Chạy ngang Núi Đất ở Mỹ Trạch (Ninh Hà, Ninh Hòa), nơi có làng nghề dệt chiếu truyền thống từ lâu đời.

< Lúc này thì bọn mình đánh mất 'lá bùa phượt': đây là một bản in các thông tin, hướng dẫn đường đi của chuyến đang đi. Bản này in từ file text trong netbook đem theo, tiện ở chỗ chỉ cần mở ra đọc là rõ, không cần mở máy, mở file cho rườm rà.
Mất do 'nửa kia' đang xem đường đi thì ĐTDĐ réo, lật đật kẹp tờ 'bùa' xuống đùi nhưng vẫn lỡ cuộc gọi. Hồi sau nhìn lại thì mảnh bùa mất tăm, lười quay lại tìm nên bọn mình bỏ luôn (mà gió lồng lộng cũng không dễ gì còn trên mặt đường).

< Nha Trang còn 26km, nhánh rẽ phải là đường đi Ninh Tân (10km).

Quá khứ lịch sử:

- Năm 1653, Chúa Nguyễn Phúc Tần đánh vua champa Bà Thấm chúa Nguyễn Phúc Tần lập ra dinh Thái Khang, gồm có 2 phủ Diên Ninh và Thái Khang, có 5 huyện thuộc 2 phủ là Phước Điền, Hoa Châu, Vĩnh Xương, Tân Định và Quảng Phước trên vùng đất của Khánh Hòa ngày nay. Huyện Tân Định thuộc phủ Thái Khang, chính là tiền thân của huyện Ninh Hòa ngày nay, được hình thành có ranh giới từ đèo Rù Rì đến giữa sông Dinh.

< TP HCM còn 476km, bọn mình sắp rời QL1A rồi: một con đường chạy khá thoải mái nhưng không có gì đẹp.

- Năm 1690, Chúa Nguyễn Phúc Trăn đổi tên Phủ Thái Khang thành Phủ Bình Khang. Kéo dài đến năm 1803 là 113 năm.
- Năm 1803, Vua Gia Long đổi Phủ Bình Khang thành Phủ Bình Hòa. Kéo dài đến năm 1831 là 28 năm.

< Vào đèo Rọ Tượng. Ðèo Rọ Tượng còn có tên là đèo Ruột Tượng, trước kia là ranh giới giũa huyện Ninh Hòa và huyện Vĩnh Xương, nay là ranh giới của hai xã Ninh Lộc và Ninh Ích huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Đèo nằm cách trung tâm thị trấn Ninh Hòa 11 km, cách đèo Rù Rì 17km.
Ngày xưa, khi mới hình thành thì đây là con đèo quanh co và cao gần 45m so với mặt biển nhưng sau nhiều thời kỳ tu sửa, đèo đã được san ủi nhiều lần nên thấp dần và hướng đèo được nắn chỉnh ít quanh co hơn. Bây giờ, đèo xem như một  cái dốc quanh cao không quá 40m, dài không tới 2km...

< ... Về tên Rọ Tượng sách Non Nước Khánh Hoà của Nguyễn Đình Tư giải thích rằng xưa kia vùng này có nhiều voi, voi được gọi kiêng là tượng. Người dân thường làm những chiếc rọ đặt trên đèo để bắt voi, vì thế đèo có tên là Rọ Tượng. Còn về tên gọi Ruột Tượng thì là vì đèo quanh co và rộng ở khúc giữa giống như ruột  tượng.
Dưới chân đèo về phía Nha Trang thuộc thôn Phú Hữu có những quán ăn đặc sản biển mà các du khách đi ngang qua hay ghé lại, nổi tiếng với quán Gió.  Chân đèo về phía Ninh Hòa là làng chài Tân Thủy với các mái nhà ngói đỏ lô nhô, xa xa là vùng biển của đầm Nha Phu lặng sóng với những chiếc thuyền  câu và đăng lưới đẹp như tranh (Vietgle).

< Qua cầu Phú Hữu (Km1430+652), hai bên đặc keng những hồ nuôi hải sản.

- Năm 1831, Vua Minh Mạng đổi tên Phủ Bình Hòa thành Phủ Ninh Hòa. Kéo dài đến năm 1949 là 118 năm. (Đặc biệt, khoảng năm 1930-1931 chính phủ thực dân Pháp đổi phủ Ninh Hòa thành huyện Vạn Ninh, còn huyện Tân Định thì đổi thành phủ Ninh Hòa, theo Nguyễn Đình Tư).
< Nơi bọn mình lưu ý đây: Ngã 3 Vĩnh Lương, bọn mình sẽ rẽ trái vào Nha Trang theo con đường mới mở là Phạm Văn Đồng chạy cặp theo biển và dãy núi Cô Tiên.

- Năm 1930 - 1931, sau khi Quốc lộ 21 hoàn thành, nối liền huyện Tân Định với Tây Nguyên, huyện Tân Định trở nên phồn thịnh, Pháp cắt 7 làng ở phía Nam đèo Rọ Tượng cho huyện Vĩnh Xương và nhập 3 tổng của huyện Quảng Phước vào huyện Tân Định, đổi tên thành phủ Ninh Hòa, là huyện Ninh Hòa ngày nay, còn phủ Ninh Hòa cũ đổi thành huyện Vạn Ninh ngày nay.

< Từ năm 1997, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư hơn 336,5 tỉ đồng để xây cầu Trần Phú và mở đường Trần Phú nối dài, chạy dọc ven biển cho tới tận cuối khu vực dự án Rusalka, ở phía Bắc TP Nha Trang. Con đường xây xong đổi tên thành đường Phạm Văn Đồng.

- Năm 1976, huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh hợp nhất thành huyện Khánh Ninh. Ngày 23-10-1978, Chính phủ ra Quyết định số 268-CP thành lập thị trấn Ninh Hoà. Năm 1979, Ninh Hoà và Vạn Ninh lại được tách ra và có ranh giới như hiện nay.
< Đây là con đường mà tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư nhiều trăm tỉ đồng từ năm 1997 để xây cầu Trần Phú và mở đường Trần Phú nối dài, chạy dọc ven biển cho tới tận cuối khu vực dự án Rusalka ở phía Bắc TP Nha Trang.

Sau này, đường được kéo dài thêm theo núi Cô Tiên cho đến Vĩnh Lương rồi nối vào QL1A thành vòng cung khép kín. Đường xây xong đổi tên thành đường Phạm Văn Đồng.

< Đầu năm 2009, nhiều trẻ em cũng như người lớn đã đến đường Phạm Văn Đồng (đoạn nối từ Quốc lộ 1 vào đường Trần Phú) – TP Nha Trang để xem “sóng thần”.

Đó là những đợt sóng biển đánh vào bờ kè đường Phạm Văn Đồng tạo ra những cột nước cao từ 2 m đến 3 m, thậm chí hơn 4 m mang theo cát biển đổ ập vào tuyến đường. Hiện tượng này có thể gây sạt lở đất trong trường hợp phía dưới lòng đường bị nước biển xâm thực. Vậy nên sau này người ta làm thêm kè chắn sóng, chấm dứt chuyện 'sóng thần'.

< Mình cho rằng đường Phạm Văn Đồng (Nha Trang) là con đường đẹp, cái đẹp khiến bọn mình dừng xe lia lia chỉ để ngắm nhìn và chụp ảnh.

- Hiện nay, phía Bắc huyện Ninh Hòa giáp huyện Vạn Ninh, phía Nam giáp Nha Trang, phía Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Đắc Lắc và huyện Sông Hinh (Phú Yên), phía Tây và Tây Nam giáp huyện Diên Khánh, phía Đông giáp biển Đông.
< Và ảnh mình chụp khi đứng trên bờ bê tông ven đường đây: phía dưới là một bãi sỏi với nước trong xanh...

Tháng 10 năm 2010 Chính phủ ban hành nghị quyết số 41/NQ-CP thành lập thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hóa trên cơ sở toàn bộ 119.777 ha diện tích tự nhiên và 233.558 nhân khẩu của huyện Ninh Hòa cũ.
< Phần đường mình đã đi qua, bên trái là một phần nhỏ vách núi Cô Tiên.

Thị xã Ninh Hoà, có nhiều địa danh nổi tiếng như chiến khu Đá Bàn, Hòn Hèo, căn cứ địa Cần Vương Hòn Khói - Đầm Vân, xã anh hùng Ninh An, Ninh Thọ; trên địa bàn huyện có nhiều danh lam thắng cảnh giá trị đã, đang và sẽ được khai thác phục vụ quốc kế dân sinh như Dốc Lết, Ba Hồ, hồ chứa nước Đá Bàn, suối nước nóng Trường Xuân, thác Bay (Ea - Crông- ru)...
Ninh Hòa có những đặc sản như nem, bún cá, bánh căn, mắm suốt...

< Còn 'nửa kia' chộp ảnh ông Tây đang đạp xế 'điếc' trên đường.

< Mình lại chụp 'nửa kia'.
Vậy đấy: lắm khi xẩy ra xung đột, cứ tưởng mọi sự đổ vỡ không gì cứu vãn được nhưng rồi đâu lại vào đấy, lại cùng phượt!
Mình yêu cô ấy, 'nửa kia' cũng vậy...


< Lại lên xe, chỉ còn vài cây số nữa sẽ đến Nha Trang, khu trung tâm.

< Tại góc cua gành đá Bàn Than, mình nhìn xuống thấy KDL Rusalka Focus của ông Nguyễn Đức Chi. Nghe nói bây giờ người ta định khởi động lại dự án tai tiếng này.
Mũi Gành Than còn có hang Ông Già với cảnh quan thật đẹp.

< Vẫn theo đường này, bọn mình đến ngã 3 Gành Đá Đen: rẽ trái là vào Rusalka còn phải sẽ vô trung tâm thành phố Nha Trang, thành phố biển nổi tiếng miền Trung.

< Bảng cấm trên đường vào Rusalka, cấm vào, cấm chộp, cấm vu chơi... Nói chung là cấm đủ thứ!
Không bóng người nhưng bên kia đường có hai nhà nhận giữ xe, giữ làm gì nhỉ?
Về điều nghiên lại mới biết nơi đây giữ xe để những bạn trẻ leo núi ra hang Ông Già, vậy là bọn mình bỏ sót rồi.

< Biển ở mũi Gành Đá Đen đây, trong và xanh biếc như ngọc...

Rusalka được cấp giấy phép năm 2000 nhưng sau 5 năm, dự án mang cái tên Nga - Nàng tiên cá - buộc phải dừng do chủ dự án lúc bấy giờ là Nguyễn Đức Chi bị bắt và bị truy tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhận 5 năm 6 tháng tù. Đất đai, tài sản của dự án phải kê biên, giấy phép đầu tư và sổ đỏ dự án bị thu hồi.
< Rusalka với bãi Tiên, đầy đá...

Sau khi được tự do, ông Chi xin tiếp tục đầu tư Rusalka. Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã thông báo thanh lý dự án để tiếp tục thành lập pháp nhân mới, dự án mới tái khởi động Rusalka theo chỉ đạo của Chính phủ. Mới đây lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã công bố chọn Focus Travel Nha Trang làm chủ đầu tư mới cho Rusalka. Công ty này do em trai ông Nguyễn Đức Chi và một số người thân thành lập.
< Rồi mình lại lên xe đi, khu dân cư đầu tiên nếu đến Nha Trang từ đường ven biển Vĩnh Lương chính là khu lấn biển Vĩnh Hòa, khu dân cư Hòn Sện được núi Cô Tiên ôm trọn.
Bọn mình dự định từ trước là sẽ ở đây.

Tuy nhiên cho đến nay, việc thanh lý chưa hoàn thành do không thể thỏa thuận công nợ với 4 chủ nợ, trong đó có nhà thầu chính BMC... (VnExpress).
< Chạy vòng quanh ngóc ngách khu dân cư vài vòng, bọn mình chấm chỗ này: Vietsea Hotel.

Khách sạn rất mới, sạch đẹp (chỉ vừa khai trương 3 tháng), rất tiện nghi (có cả thang máy - lịch sự và giá phải chăng: từ 180k/ngày đêm...
'Nửa kia' làm sộp chọn phòng 220k và thỏa ý ngoại trừ chút phiền toái nhỏ là wifi hơi chập chờn (ở sảnh dưới thì ok).

Tắm gội giũ sạch bụi đường của cả ngày rồi, nằm nghỉ dăm phút lại đi: khám phá thành phố tý chơi...

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!