(Tiếp theo)
Hòn Bà là một khu rừng nguyên sinh độ cao 1.574m mang khí hậu của vùng ôn đới thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang 57km về phía Tây Nam.

< Rời Hồ Suối Dầu, bọn mình bắt đầu vào con đường xuyên rừng, quanh co và nhiều dốc dựng hướng lên đỉnh Hòn Bà. Những đoạn khởi đầu này, người dân trồng chuối, rất nhiều chuối hay bên đường - thậm chí có khi... cả đồi chuối. Lúc này nắng đã gắt nên khá nóng...

< Tuy nhiên, khi đường chen vào rừng và các tán cây thì mát ngay, cọc kilômét bên đường báo còn 31 cây số nữa đến đỉnh Hòn Bà.

Suốt chặng đường lên Hòn Bà cảnh quan thay đổi liên tục từ rừng trồng của dân, rừng đại ngàn, rừng lồ ô rồi tới rừng lá kim. Vượt qua hai con dốc sẽ gặp con đường bằng bám theo vách núi là nơi mặc sức cho dương xỉ và phong lan chen mọc trong sương, giữa trùng trùng cỏ xanh.

< Bắt đầu tới đoạn đường chạy ven suối. Đây là con suối bắt nguồn từ rừng nguyên sinh Hòn Bà thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Lên tới độ cao 300m, khách có thể dừng chân tại Khu Du lịch Suối Nguồn, ngồi thưởng thức gà rừng nướng đượm hương thơm, nghe suối reo róc rách... rồi chuần bị leo tiếp lên độ cao 1500m.

< Một căn chòi lá phía trước, ngay góc cua. Có lẽ của thợ rừng hay người canh vườn... nhưng không bóng người. Nếu gặp mưa thì chòi này sẽ phát huy tác dụng tốt đây.

< Không ai trồng nhưng chuối vẫn mọc lưa thưa ven đường, nghe nói chuối này là chuối tiêu.

< Thêm một căn chòi khác bên phải con dốc dài, cũng không có ai.

< Nét đặc biệt đầu tiên của cung đường lên Hòn Bà là từ suối Dầu lên đỉnh dài 36 km thì trong đó có hơn 19 km với hai bên đều là rừng và suối. Phía trái con đường mình chạy vẫn là dòng suối đấy, cách đường chừng vài mươi mét thôi.

< Rồi mình gặp ngã 3: nhánh rẽ đầu tiên và rõ ràng nhất để ra dòng suối, xe gắn máy có thể chạy ra tận nơi dù chỉ là đường đất, gồ ghề. Bạn xem vị trí tại đây.

Ở độ cao 500m, hai bên đường là những rừng chuối tiêu phủ kín, những cây sầu riêng ẩn trong vòm lá. Phóng mắt về phía xa là cả thành phố Nha Trang xinh đẹp. Càng lên cao càng thú vị, một cảm giác lạnh ngắt rồi lại mát đến bất ngờ, hóa ra đôi khi khách vừa đi xuyên qua một đám mây mờ ảo.

< Suối Đá Giăng bắt nguồn từ Hòn Bà chảy xuống rồi theo nhánh phía trước mặt dẫn ra hồ Suối Dầu mênh mông.
Suối Đá Giăng uốn lượn theo triền núi với những dải đá lô nhô, đủ hình dạng và kích cỡ, nằm khoe mình giữa dòng nước hoặc rải rác ven bờ. Có lẽ vì vậy nên dân địa phương đặt tên cho suối là Đá Giăng.

< Mé trong, nơi phần lõm vào thật êm đềm, tĩnh lặng...

Thiên nhiên thật ưu đãi khi tạo cho nơi đây những hồ chứa nước và nhiều con suối nhỏ với cảnh quan kỳ thú. Càng lên trên, ngọn thác càng hùng vĩ với dòng nước chảy xiết, tạo thành những thác nước nhỏ, trắng xóa. Đến đây, ngoài tận hưởng không khí trong lành, du khách có thể bày thức ăn và nhâm nhi thưởng thức hoặc ngồi thư giãn trên những tảng đá lớn, dưới bóng cây ven bờ, ngâm đôi chân trần dưới dòng suối mát lạnh...
< Còn phía ngoài những nền đá lớn là dòng nước cuộn, trong veo và mát lạnh.
Đá tại đây  tạo ra nhiều lõm đá tròn, nước xoáy trông như bồn tắm massage: ghé đây mà không tắm thì... phí cả đời đấy!

< Hả hê với Đá Giăng một hồi rồi thì đi, chạy thêm vài kilomet nữa thì thấy trạm kiểm lâm. Không có ai nên mình lách vào lề chạy qua luôn.

Sau thời điểm này vài ngày thì các anh KL sẽ kiểm tra gắt vì nhiều người tứ xứ đổ về đây tìm trầm do nghe tin đồn là có người trúng đậm.

< Đường vẫn quanh co, thi thoảng lại nghe tiếng rì rào của dòng suối mé trái.

Dừng chân nghỉ ở độ cao 800-900m, đứng trên lưng chừng núi, người lữ khách sẽ thấy cả một vùng đất Cam Lâm ngút ngàn xanh. Vạt rừng nguyên sinh với bạt ngàn cây cao xòa kín phía trên, những đám sương mù vướng vào thân cây lơ lửng trên sườn núi. 1500m là độ cao lý tưởng (tương đương Đà Lạt) mà khi đặt chân tới đỉnh Hòn Bà, du khách sẽ thấy như khoẻ lên và thanh tĩnh đến nhẹ nhàng.
< Lại dừng xe vì không thể cưỡng lại sự hút hồn của suối Đá Gi ăng dù bọn mình vừa vùng vẫy đoạn dưới.

Nghe nói tại suối Đá Giăng có nhiều phiến đá dốc và trơn nên các bạn trẻ ưa mạo hiểm thường chơi trò trượt thác. Từng nhóm có thể để mặc cho dòng nước đẩy xuống hốc nước nhỏ bên dưới phủ đầy rêu mà không sợ bị va vào vách đá.
Xem ra trò này giống như tại thác Trượt (Tà Pứa).

< Chỉ tội nghiệp nàng Win, cứ mãi trông ngóng và chực chờ phía ven đường.

< Đi nhiều, gặp suối cũng lắm nhưng suối Đá Giăng đúng là nơi hoàn hảo! Bọn mình có thể ngồi đây nhìn ngắm hàng giờ, thậm chí hàng buổi vẫn không thấy chán.
Vậy nhưng thời gian eo hẹp nên đành phải đi...

< Tiếng xe của mình phá tan sự tĩnh mịch khi leo những con dốc, vòng vo...

Có thể khi chưa chạm chân đến Hòn Bà, mọi người sẽ băn khoăn cho rằng có gì phải lên tận đỉnh núi kia? Mà thật ra thì chẳng có gì ngoài núi, mây và cỏ cây. Nhưng chỉ khi đến tận cùng mới òa vỡ niềm vui trong cơn mưa núi, trong cơn lạnh se sắc dẫu Nha Trang đang trong mùa nắng hạ.
< Bảng cao độ 100m, 200m, 500m... thi thoảng xuất hiện ven đường - tiết trời dần mát hơn.

< Triền núi bên kia mù sương, bên này nắng nhẹ. Thảm thực vật đã thay đổi: rõ ràng nhất là không còn thấy các rừng chuối nữa.

< Hiếm hoi lắm mới gặp một người địa phương: anh đang chở mây vừa khai thác trên rừng.
Vậy nhưng Hòn Bà đã được quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên rộng khoảng 20.000ha. Trong đó, có khoảng 1/2 diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt. Do vậy, lên cao hơn nữa sẽ không còn thấy nhà cửa hay bất cứ người dân nào.

< Xe trả số 2 để lên những con dốc cao ngất, rất vòng vo.

Hòn Bà mang dấu ấn của lịch sử, nơi 90 năm về trước, bác sĩ Alexandre Yersin (1863 - 1943) đã dừng ngựa dưới chân ngọn núi và mở ra con đường lên đỉnh Hòn Bà. Trên đỉnh núi hiện còn ngôi nhà cổ của bác sĩ Alexandre Yersin, nơi ông đã dành trọn tuổi trẻ của mình để làm việc, khám phá ra Đà Lạt, lập trạm quan trắc, nghiên cứu khoa học cũng như nhiều loại thuốc quí...

< Vậy nhưng đây cũng chỉ là phần nhỏ, một bản nhạc dạo đầu...

... Ông còn có công điều tra, phát hiện nhiều loài thực vật quí hiếm tại Hòn Bà như Trương hùng, chè Hòn Bà...
< Thi thoảng có những dãi mở rộng để xe tránh nhau. Vậy nhưng 4 bánh chạy hai luồng phẻ.

Trước năm 2000, đỉnh Hòn Bà vẫn là chốn hoang vu không dấu chân người ngoại trừ kiểm lâm. Mãi đến năm 2001, nghĩa là sau 58 năm bị lãng quên, tỉnh Khánh Hòa mới quyết định đầu tư 82 tỉ đồng, và đến năm 2004 thì con đường dài 37km từ xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa lượn vòng theo suối Đá Giăng hoàn thành.
< Đường lên Hòn Bà có một 'điểm vàng' để chộp ảnh với các đường cua vòng vo. Bọn mình liên tục dừng để tìm và chụp, nhưng không phải chổ này...

< Vậy là lại chạy, các bãng độ cao cũng tăng dần đến 1000m - Lý trình 28km=540...

< ... thì dừng xe và bắt được 'con rắn' này. Có thể chưa phải là điểm lý tưởng nhưng tạm vậy, khung cảnh lý tưởng hơn có lẽ phải leo trèo hay... phi thân.

< Nơi mình đứng và 'nửa kia'.

Sau khi mở đường, đỉnh Hòn Bà vẫn chỉ là cây cỏ và phế tích một thời của bác sĩ Yersin khi ông ở trên đỉnh núi này miệt mài nghiên cứu khoa học. Trải qua tám năm, sau những cơn mưa lũ lấp đường, tiếp tục làm lại đường, đến nay con đường lên Hòn Bà dẫu có dăm chỗ bị hư hại bởi thời gian, nhưng là con đường lý tưởng cho một chuyến đi bằng ôtô hoặc xe máy chỉ trong một giờ.
< Còn mé trái thế này đây.

< ... và chiếc Win100.

Hòn Bà bây giờ khác rồi, đó là cảm giác ấm áp, kính phục người bác sĩ mang quốc tịch Pháp đã dừng ngựa dưới chân ngọn núi hơn 90 năm về trước, rồi ông thấy gì trong mây vờn và trùng xanh mà quyết định mở đường lên, cho tới nay hậu thế có một điểm đến để chiêm nghiệm và tận hưởng.
Thông tin tường tận về bác sĩ Yersin trên Hòn Bà, mình sẽ đề cập trong phần sau nhé.
< Lúc ni trời khi nắng, khi u - xem giờ đã là 10h30, vậy là lấy luôn 2 ổ bánh mì đem theo thanh toán luôn cùng hộp phô mai đầu bò: thêm năng lượng, thêm sức lực để cùng tiến!

< Cao độ 1200m rồi, vẫn không thấy lạnh mà chỉ mát.

< Mờ ảo với tí sương mù, nhưng chóng tan.

< Qua con dốc cuối cùng thì đến đỉnh Hòn Bà. Nói là 'đỉnh' vì nơi đây hết đường, cũng là khu du lịch và trạm kiểm lâm. Còn muốn lên đỉnh Hòn Bà thật, phải cuốc bộ theo lối mòn, vách dựng thêm vài cây số nữa.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!