(Tiếp theo)
Thật ra, có nhiều con đường nối liền rừng và biển nhưng đây là con đường nối liền hai thành phố du lịch nổi tiếng ở Tây nguyên và miền Trung, nối Đà Lạt và Nha Trang... hay cũng là đường nối liền xứ biển và xứ hoa, được mở ra và thông xe chính thức vào tháng 4.2007.

< Gặp ngã 3 vào thị trấn huyện lỵ Khánh Vĩnh.

Trước đây muốn đi từ Đà Lạt xuống Nha Trang, ta phải đi qua đèo Prenn hay đèo Dran, đổ xuống Đơn Dương, lại qua đèo Ngoạn Mục xuống Phan Rang, từ đó theo quốc lộ 1 ra Cam Ranh, đến Ngả Ba Thành rồi rẽ về thành phố biển, tất cả dài 220 cây số.

< Qua thị trấn Khánh Vĩnh thì con đường không còn mang tên Cao Bá Quát mà là TL652. Đường sẽ nối liền TL723 của Lâm Đồng tại đỉnh đèo.

Bây giờ bạn có thể đi thẳng từ rừng xuống biển, chỉ mất 140 cây số. Buổi sáng bạn uống café ở Thủy Tạ bên hồ Xuân Hương se lạnh, buổi trưa bạn có thể nằm tắm nắng trên bãi biển Nha Trang nghe sóng đại dương vỗ bờ.

< Còn đây là ngã rẽ vào trung tâm xã Cầu Bà, vị trí trên bản đồ tại đây.

Về tên con đèo này cũng thật đa dạng: Người địa phương tại chân đèo gọi là đèo Hòn Dù, khách đi đường hoặc khách du lịch lại gọi là đèo Hòn Giao (vì đèo nằm cạnh đỉnh Hòn Giao 2062m), dân phượt lại gọi là đèo Omega, dân Khánh Hòa lại gọi là đèo Khánh Vĩnh vì chạy ngang qua huyện Khánh Vĩnh, dân Lâm Đồng thì gọi là đèo Bi Đoup theo tên đỉnh núi  Bi Đoup cao 2287m của cao nguyên Lang Biang Lâm Đồng mà con đèo cắt qua gần đó. Lại còn có tên gọi khác nữa là đèo Khánh Lê vì trước đây chân đèo là xã Khánh Lê nhưng bây giờ đổi tên là xã Liên Sang.

< Cây cầu cũng mang tên Cầu Bà.

Vậy đấy, tên đa dạng - chưa chính thức nhưng nếu ai nói về một cung đường mới nối xứ biển và hoa là ai ai cũng nghĩ về con đèo Hòn Giao. Nói cho cùng: bây giờ nhà nước đặt tên chuẩn cho đèo có lẽ đã... trễ vì người ta đã gọi quen rồi, chết tên.
< Nhiền đoạn quặn quẹo như rắn bò.

Trong thực tế: Đèo Hòn Giao (Mình tạm gọi trong bài viết tên này vậy) chính là con đường TL652 nối dài từ Khánh Vĩnh (phía Khánh Hòa) vào TL723 nối dài từ Lạc Dương (phía Đà Lạt). Đèo có độ dài khoảng 33km với một số đoạn thường có sương mù, nơi cao nhất tại đỉnh đèo gần 1700m (so với mực nước biển - đỉnh núi Hòn Giao cao 2062m).
< Ủy ban nhân dân xã Cầu Bà đây, từ đây đường bắt đầu chạy theo con sông Cái sẽ đổ ra Nha Trang.

Nếu đi theo hướng từ Đà Lạt về Nha Trang thì sau khi rời khỏi những cánh rừng lá kim giá lạnh trên lập địa thoai thoải của cao nguyên Lang Biang là tới những cánh rừng lá rộng nhiệt đới xanh ngắt trên sườn dốc dựng đứng thuộc địa phận Khánh Hòa.


< Vậy nhưng vẫn chưa vào đèo đâu vì vẫn còn là con đường dẫn được nâng cấp từ TL652 do Khánh Hòa đầu tư.

Đây cũng là khu vực của Vườn quốc gia Bi Đoup - Núi Bà với diện tích đến 64.800ha, nơi duy nhất trên thế giới được xác định còn sót lại loài thực vật thông hai lá dẹt (Pinus krempfii) có tổ tiên xuất hiện cùng thời với khủng long.
< Vào địa phận Liên Sang: phần trung tâm xã đường được mở rộng thành hai luồng riêng biệt có bồn ngăn cách ở giữa.

< Sông Cái bên phải đường lúc này trông thấy rõ ràng hơn. Nước cuộn trong xanh, ven bờ có chị phụ nữ đang giặt đồ, cái gùi lớn để bên cạnh.

Do VQG giữ nước tốt nên cung đường đèo có rất nhiều thác nước trong vắt. Ở độ cao trên 1000m (vùng đỉnh đèo) - nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, sương mù thường xuất hiện vào bất cứ thời gian nào trong năm.
< Khu trung tâm Liên Sang lúp xúp nhà cửa, đầy cây xanh rợp mát. Đèn đường, trụ phát sóng di động... đầy đủ.

Sườn phía Lạc Dương thoai thoải tử độ cao 1700m xuống 1500m nên du khách có cảm giác con đèo là một con dốc lớn. Con dốc vĩ đại này cũng chính là sườn đông của Trường Sơn Nam. Bất kỳ chuyến chinh phục đèo từ hướng biển hay cao nguyên: sau khi bạn qua những con dốc dài thì tai bạn sẽ lùng bùng, đôi khi hơn nhức (như khi bạn xuống máy bay vậy) do thay đổi độ cao nhanh từ 1500m xuống 1000m, rồi dưới 500m (hay ngược lại).

< Qua trung tâm rồ thì nhà cửa thưa thớt hơn: Những căn nhà ván đặc trưng của người dân tộc nay đã được thay bằng nhà tường.
Gặp nhóm trẻ đang rong chơi, mình dừng xe để 'nửa kia' lấy kẹo cho bọn nhỏ. Những đứa bé bỏ chạy khi thấy người lạ kêu nhưng quay lại ngay khi thấy kẹo, nhưng sao lại dành giật nhỉ - từ từ nào...

< Đám trẻ trai bên kia đường cũng vậy, mỗi đứa có một nắm to kẹo Alpenliebe thơm ngậy - tha hồ túm áo và lưng quần lên để đựng.
Mà bọn trẻ ở đây dành giật nhau khiếp quá, không như những đứa bé ở hồi sau trên địa phận Lâm Đồng. Vậy nhưng rồi cũng xong, đứa nào cũng có phần.

< Rời Liên Sang, bọn mình chạy qua một cây cầu mà chắc chắn ai đi cung đường này cũng sẽ ấn tượng không quên: đây là cầu Bến Lội.
Phía dưới là dòng nước chạy qua một vùng đầy sạn tròn tròn từ đầu nguồn sông cái. Những cái quán đằng kia là nơi dừng chân của khách đi xe trước khi lên đèo.

< Qua một vòng cua thì thấy quán Bến Lội: hơn 2 năm trước bọn đã ghé ăn cơm theo tour xe Ngọc Giàu, xuống rửa chân trong dòng nước mát lạnh, dưới đáy là những viên đá tròn. Chỉ mới thoắt đó mà giờ đã là dĩ vãng xa xưa.

Bây giờ, tại đây đã có thêm nhiều quán khác như Chân Đèo, Phố Nhỏ...

< Bảng báo vào đèo: "Đường đèo dốc quanh co dài 29km". Có lẽ, phía Đà Lạt xuống đây sẽ ghi khác nên trên mạng internet vẫn có thông tin rằng đèo Hòn Giao dài 33km - âu cũng là tùy người ta tính vào đèo từ khúc nào thôi.

< Đường đèo thật tốt với 2 làn thừa, đồi núi hai bên chập chùng.

Theo nhiều nguồn tin thì đèo Hòn Giao dài 33 km là con đèo dài nhất Việt Nam (con đèo dài thứ hai là đèo Pha Đin 32 km). Tuy nhiên, một ít biển báo giao thông ghi chính thức đèo dài 29 cây số, điều này tất nhiên là còn tùy ở việc tính đèo từ khúc nào. Đèo Hòn Giao thực chất là đèo một sườn: Sườn phía Khánh Hòa chiếm đại bộ phận chiều dài con đèo từ cao trình khoảng 200m ở Khánh Lê lên đến 1700m.
< Cái thác nhỏ đầu tiên trên đèo Hòn Giao mà bọn mình gặp. Trên suốt đường đèo ni có rất nhiều thác khác nữa.

Con đường được thiết kế và thi công rất tốt nên không quá dốc và các khúc cua không quá ngoặt, có phần êm thuận hơn cả Đèo Cả và nhiều đèo khác. Phía Lâm Đồng đường càng đỡ dốc, ẩn mình giữa cánh rừng đầu nguồn sông Đa Nhim và những đồi thông xanh biếc của cao nguyên Lang Bian, qua những buôn làng của đồng bào Mơ Nông, K’Ho, Cil, trở thành con đường đẹp nhất Tây Nguyên.

< Con đường quanh co theo sườn núi: đường đến đâu thì vạt núi đến đấy, vậy nhưng năm nào mưa bão nhiều cũng bị lở.

< Hiếm hoi lắm mới thấy một xe đò chạy ngược lại: du lịch từ xứ hoa về xứ biển đây.

Ngọn đèo này của phía Khánh Hòa được làm gian nan và công phu hơn phía Lâm Đồng khá nhiều. Trên cao đất lại tương đối bằng phẳng và chỉ xuyên rừng bằng cách phá các ngọn đồi đất đỏ bazan, còn dưới này là núi đá dốc đứng hiểm trở. Có những nơi người ta phải phá đá lên cao vài chục mét, làm thành nhiều tầng có thiết kế mương nước chảy để khỏi sụp lở. Đá còn la liệt khắp nơi dọc theo con đường hoặc lăn xuống vực sâu ngút mắt, cho thấy việc thi công gian khổ đến ngần nào.

< Tảng đá rất to trên sườn núi có hình thù kỳ lạ.

Ở một đoạn cao nào đó nhìn xuống không bị khuất, bạn sẽ thấy con đường quanh co mải miết lượn tới lượn lui và mất dạng giữa núi rừng trùng điệp. Ở dưới nhìn lên bạn sẽ thấy con đường như xông thẳng vào vách núi sừng sững trước mắt không chút e dè. Bạn sẽ không ngăn được thán phục ý chí, trí tuệ, tài năng cùng với kỹ thuật, máy móc thi công hiện đại của những người đã tạo ra con đường kỳ diệu.
< Cây khô trên đỉnh cao trơ trụi.

Chạy trên con đường này, khách du lịch có thể dừng lại đôi phút trước mấy ngôi miếu nhỏ để tưởng niệm và tỏ lòng biết ơn những công nhân và kỹ thuật viên đã bỏ mình khi góp sức làm nên con đường tuyệt vời cho tương lai mà mọi người đang thong dong lướt đi.
< Bọn mình dừng lại. Chỗ này có cái miếu nhỏ được lập lên từ năm ngoái khi xẩy ra một tai nạn giao thông làm thiệt mạng hai bạn trẻ.

< Khung cảnh phía dưới đẹp vô cùng. nhìn thấy cả con đường mình đã qua cùng một trong những con suối đầu nguồn sông Cái.

< 'Ôm' của mình đây: đang chăm chú săn ảnh...

Một điểm son nữa cho Khánh Hòa là đoạn đường này đã được xây dựng hoàn chỉnh với tất cả yêu cầu cần có của một con đường hiện đại. Mặt nhựa phẳng mịn, cầu cống, mương nước, rào chắn, gương lồi, vạch vôi, biển báo giao thông các loại chỉ tốc độ, khoảng cách, các đoạn đường nguy hiểm, độ cao… Bạn cứ yên chí chạy xe theo chỉ dẫn sẽ chắc chắn an toàn.
< ... và chụp luôn mình đang đứng bên bờ vực thẳm.

Đường đèo Hòn Giao hoàn toàn không khó đi cho dù bất kỳ từ hướng nào. Duy nhất một vài việc bạn cần lưu ý nếu đi xe gắn máy: phải coi chừng bình xăng của mình. Từ cây xăng ở xã Đạ Sa phía Lâm Đồng bạn phải chạy 100 cây số mới đến cây xăng tiếp theo ở Diên Khánh. Nếu lỡ kẹt, bạn có thể đổ xăng lẻ ở Khánh Lê, dưới chân đèo, do mấy người dân tộc mang về bán hoặc cố chạy vài chục cây số nữa đến thị trấn Khánh Vĩnh, nơi cũng chỉ bán xăng lẻ, tuy nhiều hơn.

< Uống nước, nghỉ chân ngắm cảnh cho thỏa rồi lại đi. Trời nắng chang chang, không thấy tý gì lạnh, vậy nhưng cũng không nực nội gì.

< Bất chợt gặp một cô gái người dân tộc đang bước nhanh bên vệ đường, lưng đeo gùi.
Chốn hoang vắng này, cô ta đi đâu vậy cà, có lẽ nhà gần đây.

< Gặp một chòi cao canh lửa của kiểm lâm ven đường, mình ghé vào và leo lên thang.
Lúc này cũng có 2 xe môtô ghé lại, phía sau chở 2 cô Tây du lịch ba lô.

< Chòi canh lửa đây: mình đang ở trên đó, 'nửa kia' ở dưới chụp lên. Hai cô Tây cũng lò dò lên theo.

Riêng việc hỏng xe hay xì bánh, nổ vỏ trên đèo sẽ là một... đại họa vì không thể tìm ra chỗ sửa. Vì vậy bạn nên xem sơ qua xe của mình trước chuyến đi để thật an tâm. Bugi sơ cua, nếu biết tự vá và có đem theo ruột phòng hờ thì sẽ không còn gì đáng ngại nếu vỏ xe không quá tả.
< Dung nhan 2 cô Tây đây - Bọn mình lên cao nguyên còn hai cô nàng từ đấy về xứ biển: đúng là người lên kẻ xuống.

Đèo Hòn Giao ngày nay là một con đường rất tốt nối từ đồng bằng lên cao nguyên. Đây cũng là một bảo tàng thiên nhiên vĩ đại về cảnh quan, về đất đá, về các quá trình địa chất xa xưa, về tính đa dạng sinh học của VQG Bi Đoup – Núi Bà, và cả về văn hóa bản địa của người Lạch ở Lạc Dương vốn trước đây là chủ nhân vùng đất Đà Lạt được người Pháp tái định cư về Lạc Dương để lấy đất xây dựng thành phố Đà Lạt.
< Quang cảnh mà mình chụp trên chòi canh lửa: một đất một trời rộng bao la.

Thiên nhiên kỳ thú và con người nhân hậu trên từng nơi đi qua, cảm giác hứng thú và sợ hãi khi đi trên con đèo hiểm trở ẩn hiện trong mây, những khao khát được trải nghiệm, được hiểu biết... đã tạo ra sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Rất thường gặp những nhóm du khách đi xe máy thậm chí xe đạp vượt đèo: vậy nên đường đèo Hòn Giao không chỉ nối hoa với biển mà chính nó cũng là một đối tượng du lịch đắt giá.
< Lại lên đường. Thi thoảng bắt gặp một chiếc xe ngược chiều hay cùng chiều - không nhiều so với cung đường đèo rộng, đẹp và đằng đẳng.
Lúc này, độ cao đã tầm 800m trên mực nước biển. Đường vẫn còn xa, đèo Hòn Giao vẫn còn dài, dài lắm...

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!