(Tiếp theo)
Nốc cạn lon bia là ngà, mình về phòng nằm nghỉ đôi phút. Nhà nghỉ Phương Nam này khá tốt với phòng rộng rãi, có cửa sổ che rèm nhìn ra biển Đại Lãnh ngay khu cảng cá. 

< Bạn xem phòng nghỉ cũng khá tốt đó chứ? TV màn hình phẳng 23'' nằm bên vách phải, không lọt vô hình...

Phòng tắm cũng rộng với bồn tắm cùng vòi nóng lạnh, máy điều hòa êm re. Biển Đại Lãnh, một thắng cảnh dù được vinh danh trên Cửu Đỉnh nhưng phòng nghỉ tại miền xa xôi hẻo lánh này giá khá mềm, nói chung là ok - thích nhất sóng wifi lướt web ào ào, thật tiện cho bọn mình điều nghiêng trước đường đi.

< Toilet với nước nóng lạnh đây, cũng ok chỉ với mức giá 150k. Buổi tối, bọn này mua ít gói bánh rồi lên sân thượng - vừa nhấm nháp, vừa ngắm cảnh đèo Cả mé phải - đèo Cỗ Mã mé trái; ngắm biển trước mặt và xe lửa chạy sau lưng: cũng là một cách giải trí thú vị...
Vậy nhưng nếu so với Vietsea mà bọn mình ở tại Nha Trang (không so về giá nha) thì nơi đây... không là cái đinh gì, chỉ trội hơn cái wifi mạnh.

< Rời Đại Lãnh, bọn mình qua cây cầu cùng tên - cầu này trước kia còn có tên gọi là cầu Bãi Gió - phía trái là cây cầu xe lửa Bắc Nam chạy song song. Đây cũng là điểm khở đầu của con đường bên núi, bên biển... dẫn vào đèo Cả.
.
Nghỉ một chút rồi lại đi, bây giờ sẽ hướng về đèo Cả đi Vũng Rô, bãi Môn... và có thể xa hơn nữa. Nếu còn thời gian thì mình cũng sẽ chạy lên đỉnh núi đèo Cả (nhìn trên bản đồ vệ tinh thấy con đường nho nhỏ này).

< Vào đèo Cả rồi đây: con đèo huyền thoại trong biết bao nhiêu bài thi ca nổi tiếng.

Đèo Cả dài khoảng 12km, nằm trên quốc lộ 1A tiếp giáp với biển, là địa danh nối liền hai tỉnh. Đèo có độ cao so với mặt biển là 333m chạy cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh ở chỗ giáp ranh của hai tỉnh Phú Yên (huyện Đông Hòa) và Khánh Hòa (huyện Vạn Ninh).
< Đèo Cả rộng, hai làn xe lớn còn thừa hai biên nhỏ hai bên. Mép ngoài, phía nhìn ra biển có nhiều khoảng trống bằng phẳng, ngắm cảnh rất tuyệt nhưng hiện này đều thành những chỗ.. rửa xe - hạ nhiệt xe tải. Có lẽ người ta tận dụng nguồn nước Trời cho từ trên núi.

Người ta đánh giá đây là một trong những đèo có địa hình hiểm trở bậc nhất miền Trung, thế nhưng với vẻ đẹp rất riêng của mình, đèo Cả đã chinh phục hàng vạn khách thập phương.
< Xe chạy xuôi ngược nhưng không nhiều. Có lẽ từ "hiểm trở" của con đèo xưa, nay đã vào dĩ vãng.
Chỗ này nhìn thấy đường ray xe lửa bên phải, phía dưới kia.

Trở về lịch sử xưa: Địa danh này là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1471 đến 1653. Trong cuộc nam tiến của Đại Việt, địa thế hiểm trở của khu vực đã khiến vua Lê Thánh Tông dừng chân tại đây năm 1471. Sau đó, vua Lê Thánh Tông đã tạo một tiểu vương quốc tại Phú Yên làm vùng đệm tên là Hoa Anh. Vì là vị trí ranh giới, nhiều cuộc xung đột giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã xảy ra tại đây.

< Núi Đại Lãnh xanh um cây rừng, nghe nói đến bây giờ vẫn còn nhiều loại cây quý như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát.

Vào những năm 1771-1802, những cuộc giao chiến giữa chúa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn cũng đã xảy ra tại nơi này. Trong tháng 1 năm 1947, đèo Cả trở thành chiến trường giữa quân Pháp và Việt Minh.
< Địa phận Phú Yên bắt đầu từ đây, vậy là bọn mình đã ra khỏi tỉnh Khánh Hòa. Tự dưng nhớ lại chuyến đi Tuy Hòa năm trước: mới thoáng đó mà nhanh quá!

Tên "Đèo Cả" có từ khi người Pháp đang xây Quốc lộ 1A. Trước đó đường Thiên Lý nằm phía tây của đường Đèo Cả. Hiện nay đang có kế hoạch xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả để việc đi lại trên quốc lộ 1A không còn phải vượt qua đường đèo hiểm trở này.
< Từ chỗ này nhìn ra biển thấy đảo Hòn Nưa, trên đó có ngọn hải đăng cùng tên.
Nhìn từ Đèo Cả, Hòn Nưa với một mặt hướng ra biển Đông có những mỏm đá nhọn hoắt trên đỉnh vách đá thẳng đứng trông thật hùng vĩ oai phong nhưng cũng thật cô đơn bi tráng trên mặt biển xanh bao la phẳng lặng.
"Hòn Nưa ngoài biển nhấp nhô - Vách đá dựng đứng sóng xô mấy từng"...

< Cua Đá Đen - Khúc cua hiểm trở nhất Đèo Cả tại Km 1366+540.
Cua bọc vòng quanh một mỏm đá rất lớm với các sọc vằn loang lỗ xám và đen, có lẽ vì vậy nên người ta gọi là "Cua Đá Đen" chăng?

Vậy nhưng mình thấy đèo Cả cũng không quá cách trở. Có lẽ do được mở rộng nhiều lần hoặc do bọn mình đã đi khá nhiều đèo núi nên nhận xét thế chăng? Nhưng thật tế thì mình thấy các cua hiểm nghèo không bằng đèo Hải Vân và nhiều đèo khác.
< Vách đá dựng đứng phía núi: một vài tảng lở xuống thì toi! Vậy nhưng ở đây vững chắc lắm vì là đá khối.

Về sinh thái: do thời tiết ở đây nhiều mưa và nhiều mây nên đã tạo ra nhiều thực vật đặt biệt. Trước kia, khu này là một nơi sản xuất trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Bây giờ vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát. Cây đát được dùng trong món chè trái cây nổi tiếng ở Nha Trang.
< Biển bên này cũng đẹp nhưng mé kia, đá cũng hùng vĩ không kém. Bắt đầu từ đoạn Cua Đá Đen trở đi về hướng Vũng Rô: vách đá đẹp lộ ra khá nhiều.

Hiện nay, dự án hầm đường bộ xuyên đèo Cả đã được lên kế hoạch chi tiết và chuẩn bị cho việc chọn lựa nhà thầu nước ngoài như Vinci (Pháp), POSCO (Hàn Quốc)…
< Một đoạn khác nhìn xuống đường xe lửa, phía trên có vách chống đá lở.
Qua cái cua này sẽ thấy cảng Vũng Rô. Mà đứng ở nơi đây chụp cũng ớn, ngán xe chạy ngang nó 'hớt' mình luôn!

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 16.000 tỉ đồng nhưng có thể giảm nhiều chi phí đầu tư do người ta phát hiện vết đứt gãy ảnh hưởng đến kỹ thuật có thể gây ra sự cố công trình, cả tuyến đi đã chọn trước đây chưa được tối ưu khiến chiều dài đường hầm dự kiến ban đầu là 5,4km sẽ giảm xuống còn 3,9km.
< Và cảng Vũng Rô đây, 'nửa kia' ngồi sau chộp lia lịa, tấm này lại thiếu mất cái Tổng kho xăng dầu Pygemaco phía trái, he he...

Trong tương lai, khi hầm đèo Cả được hoàn thành sẽ giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông diễn ra trên quốc lộ 1A tại khu vực đường đèo quanh co trên. Và chắc chắn, đèo Cả sẽ trở thành tuyến phụ, nơi tham quan của khách du lịch giống như đường đèo Hải Vân nối liền tỉnh Thừa Thiên-Huế với thành phố Đà Nẵng.

< Qua đoạn cua này chừng 200m là bọn mình sẽ chạy cắt ngang đường xe lửa. Tuy nhiên, xe lửa chạy dưới kia: trong hầm.

< Lúc này mới nhận ra là mình đã qua huốt con đường nhỏ phía trái để lên đỉnh núi Đại Lãnh. Để dành cho lúc về vậy.
Ngã 3 vào Vũng Rô đây, bọn mình rời đèo Cả bằng lối rẽ phải.

< Đường tốt, chạy một đỗi nhưng chả thấy bóng ai...

Vũng Rô là một vịnh nhỏ nhưng xinh đẹp thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa - tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa.
< ... tuy nhiên không ngại vì bọn mình đã coi bản đồ trước hết rồi. Con netbook cũng có 'kho' bản đồ chụp lại trong túi xách, bí thì mở ra tìm đường.

Vũng Rô nằm tiếp giáp với biển Đại Lãnh thuộc vịnh Vân Phong - Khánh Hòa. Vịnh có diện tích 16,4 km² mặt nước được 3 dãy núi cao che chắn là Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà từ 3 phía Bắc, Đông và Tây.

Ven bờ biển Vũng Rô có nhiều bãi cát vừa và nhỏ. Một số bãi đẹp như Bãi Chùa, Bãi Bàng, Bãi Lau. Trong lòng vịnh có nhiều loại tôm cá trú ngụ. Dưới đáy biển còn có nhiều loại san hô rất đẹp và độc đáo.

Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển: Vũng Rô xưa kia là một địa chỉ tiếp nhận vũ khí bí mật từ miền Bắc chuyển vào qua những chuyến tàu không số lịch sử.
< Ngã 3 với con dốc lát đá xuống thôn Bãi Ngà. Con dốc này không dưới 15° đâu...

Từ năm 1964 đến năm 1965, Vũng Rô đã tiếp nhận 4 chuyến tàu cập bến an toàn, đưa được hàng ngàn tấn vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Vũng Rô đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.


< Tít xa xa là con đường mới mở nối liền Bãi Ngà với Phước Tân - một vùng đất biển phía Nam thành phố Tuy Hòa.

< 'Vợ hai' khá là phong trần... đứng lẻ loi bên vệ đường. Chuyến này đổ xăng lia lịa, toàn là tống cho đầy bình: đường xa, lại nhiều dốc và đèo quá mà.
Gần 7 lít, tống đầy chạy mệt xỉu nhưng chỉ ngại hao tài.

< Ngại xóm Bãi Ngà đông người, ngách nhỏ nên mình không chạy xuống mà chọn ngã kia: Ngã vào cảng Vũng Rô rồi rẽ trái đi Bãi Ngà, trực chỉ Phước Tân - sẽ hơi xa hơn một tý, một tý thôi do mình chạy xe gắn máy mà.

< Lạ kỳ: đường Phước Tân - Bãi Ngà mới mở nhưng khúc qua Bãi Ngà chưa được tráng nhựa: ổ trâu đây.

< Tàu bè của ngư dân thôn Bãi Ngà dưới kia, khung cảnh thật thanh bình.
Đoạn này rộng nhưng vẫn không được láng nhựa.

< Trong thôn có nhiều nhà cửa với những ánh mắt tò mò. Đường nhấp nhô lồi lõm với nhiều đoạn tả tơi...
Vị trí nơi này tại đây.
< Vậy nhưng ra khỏi thôn Bãi Ngà rồi thì đường thế này đây: nhựa phẳng lì, thênh thang!
Kỳ vậy cà? Đường phục vụ kinh tế và dân sinh, vậy nhưng trong thôn thì thấy thảm! Có lẽ do gút mắc về chuyện đền bù hoặc do địa phương... hết tiền?

Chả biết, mình chỉ có thông tin rằng con đường Phước Tân - Bãi Ngà này được UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ khánh thành, đưa vào sử dụng từ ngày 28-8-2005.

< Bạn thấy cây cầu khang trang không? Đây là cầu Bãi Chùa dài gần 20m với 2 luồng giao thông.

Đây là tuyến đường ven biển nối các KCN Hòa Hiệp 1, 2, 3 và sân bay Tuy Hòa với cảng biển Vũng Rô, là một phần của dự án hạ tầng đô thị Nam TP Tuy Hòa - cảng Vũng Rô - một công trình trọng điểm của Phú Yên.

Tuyến đường có tổng chiều dài gần 13 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng, tổng mức đầu tư hơn 106,5 tỉ đồng.

Cuối tháng 11 năm 2010, đường Phước Tân - Bãi Ngà (còn có tên gọi là ĐT645B) bị ách tắc giao thông nặng do mưa làm sạt lở núi tại km24+500.

Ở vị trí này một lượng lớn đất, đá trong đó có nhiều khối đá to khoảng 100m3 từ taluy dương trượt xuống lấp hết mặt đường. Đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo giao thông phải tiến hành bắn mìn phá đá sau đó mới hốt dọn đi nên kéo dài khá lâu.

Tuy nhiên, hiện nay như bạn thấy đó: đường thật tốt với mặt nhựa phẳng lỳ. Dĩ nhiên là chỉ trừ đoạn qua thôn Bãi Ngà khá nham nhở, đọng nước vì các ổ trâu.


Rồi bọn mình đến vịnh Vũng Rô, nơi gắn liền với chiến công huyền thoại của những con tàu không số, là điểm tập kết cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển tiếp vận vũ khí từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường khu V và Tây nguyên chống Mỹ.

Tuy nhiên ghé vào thì chưa do ý định sẽ đi Bãi Môn, Mũi Nậy trước - còn Vũng Rô và đỉnh Đại Lãnh (đèo Cả) sẽ dành cho lúc chạy về.


Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!