(Tiếp theo) - Xong một đoạn đường lên dỉnh Núi Lớn tại Vũng Tàu, bọn mình sẽ trở xuống và khám phá con đường kia từ chợ Bến Đá. Tuy nhiên trước tiên, xin đề cập đến một nhà thờ nổi tiếng khu vực này, đó là Đền thờ Đức Mẹ Bãi Dâu.

< Hả hê rồi thì bây giờ chạy xuống. Lên số 3 số 2 thì bì giờ xài số 2 hạ thổ dần. Chạy lên chẳng thấy cao nhưng giờ nhìn xuống thấy dốc chúi nhủi, bơi vậy người ta làm hộ lan là phải, kha kha...

Đức Mẹ Bãi Dâu là tên gọi một tổ hợp công trình đền thánh và tượng đài Đức Mẹ Maria, tọa lạc trên sườn phía Tây Núi Lớn, thành phố Vũng Tàu.

< Một đôi chỗ được khoét sâu vào núi, có lẽ làm chỗ quay đầu xe sau này.

< Trông ảnh cũng thấy dốc nhũi đầu, quanh co sâu hun hút. Vẫn còn bừa bộn xi măng và cát vương vãi.

Trở về dòng lịch sử cũ: Năm 1926, trên sườn Núi Lớn có khu đất bằng khoảng 10 mẫu mang tên Vũng Mây, do ông Lê Hữu Lương, một giáo dân giáo xứ Vũng Tàu, đăng ký sở hữu với chính quyền vào ngày 9 tháng 4. Sau đó, ngày 14 tháng 4, ông Lương lại sang nhượng cho ông bà Nguyễn Hồng Ân quen gọi là Vệ Ân (quốc tịch Pháp).

< Trông cứ như sắp tối tới nơi! Thật ra do bóng của núi che mắt trời chứ lúc này chỉ mới 8h38 phút sáng.

Cũng trong năm này, ông bà Vệ Ân xây một nhà nguyện nhỏ bằng đá, bên cạnh "kim tĩnh", mong sau này được chôn cất tại đó (sau này hai ông bà chuyển đến Bà Rịa và qua đời ở đây).

< Nhóm thở hồi nãy thấy làm hộ lan bây giờ cũng mất tiêu, chả thấy bóng dáng một ai.

< Những đường cong huyễn hoặc. Bấm còi ồn ỉ ở những khúc quanh cũng bằng thừa vì có xe nào chạy lên? Chung quy: người hiếm!

Ngày 1 tháng 12 năm 1927, ông bà Vệ Ân lại dâng nhà nguyện và đất đai cho Hội Thừa Sai Paris. Vũng Mây vốn là rừng rậm, ít người lui tới, nên các linh mục thừa sai cho phá rừng, trồng dâu nuôi tằm, tạo việc làm cho giáo dân, nên vùng này có tên là Bãi Dâu từ đó.

< Đến khúc cua tay áo đầu tiên khi nãy, tự nhiên thấy chiếc Lead đậu chơ vơ, hoàn toàn không bóng người dù mình dừng uống nước mất đôi phút.

< Mình uống nước, bà xã chụp con cua. À, cái cua. Cua bò ngang nhưng dốc thì quéo quẹo.

Năm 1962, năm khai mạc Công đồng Vatican II tháng 10 năm 1962 - tại Bãi Dâu, linh mục chính xứ kiêm quản hạt Phaolô Nguyễn Minh Tri cho xây dựng tượng đài Đức Mẹ Ban Ơn cao 7 mét trên sườn núi. Năm 1963, Giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình làm phép khánh thành tượng đài.

< Chạy vòng vo xuống thêm một đỗi dài nữa thì đột nhiên bọn mình nhìn thấy Tề Thiên đầy đường.

< Khúc này... hậu sinh của khỉ cũng đầy đường, dĩ nhiên là người ta tụ lại để ngắm Tề Thiên.

Ngày 4 tháng 10 năm 1965, Giáo phận Xuân Lộc được thành lập. Giám mục Giuse Lê Văn Ấn chính thức công bố Bãi Dâu là trung tâm Thánh Mẫu của Giáo phận Xuân Lộc. Các vị giám mục kế nhiệm tiếp tục làm cho Bãi Dâu càng ngày càng thu hút nhiều người về hành hương kính Đức Mẹ.

< Mình chụp khỉ còn bà xã thì chụp mình.

< Thuyết tiến hóa của Darwin có vẻ gì đó... bất công! Tại sao những chú khỉ này vẫn... là khỉ chứ không thành vua một cõi hỉ? À, bọn chúng cũng làm trùm một núi, một khoảnh trời chùa khỉ đó chứ!

Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu do Giám mục Giuse Lê Văn Ấn thành lập ngày 15 tháng 5 năm 1969 tọa lạc trên sườn Núi Lớn, độ cao khoảng 28 mét so với mực nước biển. Đền thánh được xây dựng lại vào năm 1994, có chiều dài 49 mét, rộng 38 mét, với hình dáng của một con thuyền buồm đang căng gió, trong đó ngọn tháp chuông cao 27,5 mét.

< Khỉ ở đây hiền, cho thì nhận và ăn chớ không 'đầu gấu' như ở đảo khỉ Vàm Sát. Con khỉ này đào lá khô chắc tìm côn trùng bổ sung cho nguồn dinh dưỡng. Chùa cho khỉ ăn nhưng không bắt chúng tu được.

< Đi tiếp thôi anh, coi chừng con khỉ giữa đường.

Tượng Đức Mẹ Bãi Dâu được xây dựng năm 1992, màu trắng, cao 25 mét, trọng lượng gần 500 tấn, được đặt trên sườn Núi Lớn, ở độ cao 60 mét so với mực nước biển. Tượng Đức Mẹ hướng ra biển, bế Chúa Giêsu.

< Qua cái cua thì thấy ngay... bầy chó. Chó bên nì, khỉ bên kia - chả biết chúng có tranh dành lãnh thổ với nhau không nhưng chỗ này thì tuyệt nhiên hổng thấy Tề Thiên.

< Đây chính là khu vực chùa Tam Bảo, người ta hay gọi nôm na là chùa Khỉ (vị trí >).

Ngày 22 tháng 11 năm 2005, Tòa Thánh cắt tỉnh Bà Rịa từ Giáo phận Xuân Lộc thiết lập Giáo phận Bà Rịa. Kể từ đây Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu thuộc Giáo phận Bà Rịa.

< Rời hẻm Vi Ba, bọn mình rẽ trái trở ra đường Lê Lợi chạy hướng về chợ Bến Đình, sau đó sẽ rẽ qua Trần Phú.

< Trên đường Trần Phú, vừa qua nhà thờ giáo xứ Bến Đá thì phải dừng xe lại đôi lần để tìm con đường lên Núi Lớn. Dĩ nhiên là tìm trong bản đồ GoogleMap của cái alô: chả cần mạng nó vẫn chạy tốt!

Tất cả cơ sở tại giáo xứ Bãi Dâu như khuôn viên, nhà thờ, nhà nguyện Thánh Thể, đài Mẹ Thiên Chúa, nhà tĩnh huấn, nhà hành hương, đàng Thánh Giá, đàng Mân Côi… đều là cơ sở giáo phận. Ngày nay, người người tìm về Bãi Dâu để cầu nguyện và kính viếng đất Mẹ càng ngày càng đông.

< Rồi cuối cùng vô con đường bé téo này đây: Hẻm 444 (vị trí >). Hẻm nhúc nhà nhưng người lên núi chắc chỉ có bọn mình, lúc này đã 9h13 phút.

Một kỷ niệm nhỏ của bọn mình ở đây: Trong chuyến đi VT hình như năm 1988 gì đó, bọn này gặp lại bạn Lan, bạn của bà xã mà đã rất lâu rồi không gặp. Lúc ấy, Lan đã có chồng và đến những 3 đứa con (sản xuất sòn sòn năm một). 2 bà mừng mừng tủi tủi, tự nhủ hữu duyên thiên lý ngộ, trái đất tròn đi cũng có ngày gặp lại. Nhờ đó sau này về Saigòn mới có dịp hàn huyên lâu hơn.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17...

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!