(Tiếp theo) - Vũng Tàu là một trong những thành phố tại VN có những ngọn núi lớn ngay trong phố thị. Các thành phố khác tương tự chắc khá bộn, có thể kể như TP Tuy Hòa, TP Nha Trang, TP Quy Nhơn, TP Hạ Long, Thủ đô Hà Nội... à, chắc không thể biết hết đươc!

< Đi tất tật thì trước tiên ta rẽ phải ra trận địa pháo cổ, đường này vắng teo.

Riêng Vũng Tàu: hai ngọn Núi Lớn - Núi Nhỏ xứng đáng được coi là biểu tượng của thành phố biển và hiện diện trong tâm trí của biết bao người. Từ những năm 1967 trở đi, mình theo chân gia đình đã được lên núi này nhiều lần rồi.

< Cũng quanh co, cũng gấp khúc nhưng không nhiều. Nắng chiều cộng với mùa khô nên cây cỏ toát lên một màu vàng hực.

< Cuối đường thì có người: hai bạn trẻ làm một nhóm, nhóm còn lại là 2 ông tây đang khề khà bia.

Hồi đó, Vũng Tàu cũng đã nổi tiếng là một chốn nghỉ mát ở phía Nam. Nơi ni ngày cũ được gọi là Thị xã Vũng Tàu (còn gọi là Đặc Khu VT) thuộc tỉnh Phước Tuy nhưng với các anh em mình gọi các chuyến đi này là đi "Cấp", tức là cap, tiếng Pháp nghĩa là mũi đất, mũi biển..

Thuở ấy, đường lên núi cũng từa tựa như bây giờ nhưng dĩ nhiên là cũng chả phẳng phiu như ngày nay.

< Cuối đường là cái lan can ngang để xe không... ủi đầu xuống. Chỗ này (vị trí >) nhìn xuống Bãi Trước, chắc cũng là chỗ 2 ông tây kia 'xả nỗi buồn', bia bọt mà!

Không có hàng quán nào ven đường lên núi ngoại trứ một ít nhà dân đoạn đầu ngõ. Và những căn nhà này trở thành... 'lịch sử để lại' vì đến nay: đường lên núi Nhỏ khúc trên ngon lành thì khúc dưới bé xíu. Chả nhẽ giải tỏa hết để làm đường ư trong khi dân đã sống ở đấy từ bao đời?

< Chơi một tý cho biết rồi chạy trở ra ngã 3, bì giờ thì trực chỉ hải đăng đây. Chạy ngang trạm TT hàng hải VTS Vũng Tàu.

< Có mấy quán cà phê yaour phía vách núi, thích hợp cho người ngồi ngóng ngắm trời đất phố biển.

< Gặp cái cua này rất gắt. Muốn xuống núi 'nhanh như chớp' thì cứ chạy thẳng còn mình đi lên nên rẽ phải theo đường cua.

Hộ lan trên đường đèo hồi ấy cũng không có ngoài một ít cọc bê tông cắm phía vách ngoài ở những đoạn cheo leo. Trên núi Nhỏ khi ấy chỉ có một trại lình gần trận địa pháo cũ và trạm hải đăng. Không có tượng Chúa dang tay đâu vì công trình này mới được xây năm từ năm 1974.

< Nhưng ai mà nỡ lòng nào chạy thẳng khi tầm nhìn tuyệt hảo nhưa thía này, vậy là dựng xe ở đây.

< Một số bạn trẻ cũng dừng lại nơi này chụp choạc (vị trí >).

< View chốn này đây: tiếc là không đem cái Nikon, chụp bằng ĐT không lấy cảnh rộng, không dẩy ra xa được! Mà cao thiệt đó chứ...

Nhớ có lần, xe ba chở đám tụi tôi trong đó có hai bà dì (các dì khi ấy còn trẻ lắm, chỉ đôi mươi thôi) lên đỉnh núi rồi dừng lại nửa chừng để ngắm cảnh quay phim (ba tôi ngày xưa thích làm camera man lắm, ông có máy quay phim, máy chiếu, màn ảnh, đồ nghề cắt ráp nối... tùm lum) - Dì vô ý sập cửa xe làm kẹt dập ngón tay, nức nở lu loa khiến ông phải chở cả nhà ghé trại lính trên núi xin đồ băng tay. Dì xinh đẹp mà, nhớ mấy ông lính Cộng Hòa lăng xăng chạy tới lui tìm băng gạc thuốc để tận tình chăm sóc tay cô gái xinh, hi hi.

< Núi phía xa kia vẫn là Núi Nhỏ, đỉnh bên đó có Tượng Chúa dang tay. Núi Lớn cũng kéo dài như vậy đó, trong ngày hôm sau, bọn mình có dịp đi giữa sóng lưng núi Lớn: một bên nhìn thấy biển bãi Dâu, bên còn lại nhìn xuống vịnh Gành Rái.

< Ngắm thỏa lại đi, hẳn đã sắp đến hải đăng rồi.

< Vừa nói xong thì 'nó' hiện ra - Tất cả vì sự an toàn hàng hải' là câu khẩu hiệu.

Còn Núi Lớn (Tương Kỳ) thì sao? Núi Lớn lúc ấy cũng có con đường nhỏ dẫn lên trạm radar và trại lính Mỹ. Ngày nay trở thành Khu di tích trạm Radar Núi Lớn trong khu du lịch Hồ Mây. Cả 2 núi đều được lên khi còn bé nhưng núi Lớn này ký ức trong tôi không còn nhiều, có lẽ khi ấy còn nhỏ quá.

< Mình đậu bừa cạnh mấy chiếc xế hộp. Muốn vào HĐ thì gởi xe mua vé, không vào thì chụp bậy mấy ảnh và chờ bị 'mời đi' - chỗ xế hộp đậu mà. Nhưng không sao cả, chạy tới đỉnh là vui rồi!

< Làm thêm vài tấm rồi chạy trở xuống, lúc này chỉ mới 5h kém 20 chiều.

Chỉ nhớ nhiều ở thị xã Vũng Tàu khi xưa: bãi Trước hồi đó có các kios bán báo và nước còn bãi Sau có một dãy hàng quán ven biển - Nhà mình ghé lại tắm biền rồi từ nhỏ tới lớn mỗi người một ghế bố, túm tụm ăn ghẹ uống nước ngọt chai.

Ăn no rồi lộn xộng đòi đi WC, ba dẫn mấy thằng con trái lên tuốt trên đồi cát phía sau để... xả bô giữa thiên nhiên! Hùi xưa, Bãi Sau đầy đồi cát mênh mông chứ đâu có phố thị sầm uất như bây giờ, Chí Linh khi ấy vẫn là rừng dương bạt ngàn còn Đồi Nhái chả ai biết tới cả. Long Hải thì vẫn rất đìu hiu, sóng rất lớn...

< Lên rồi xuống - lên số nào thì xuống số ấy... nhưng thiệt tình, mấy cái dốc này chưa bỏ bèn gì so với những đoạn đèo dốc mà bọn mình đã từng qua trong những chuyến đi xưa. Có điều bi chừ ta đã 'lão hóa' dần rồi, kèo cưa mấy cái dốc khủng thì... khe khe... chắc cũng được!

< Hạ giới or xuống núi rồi thì chạy loanh quanh tìm bữa chiều nhưng trước tiên, ghé chợ Bến Đá xem có hải sản gì ngon rẻ không? Có, tươi ngon nhưng chả rẻ, he he...

< Vậy nên ghé khu trùm thịt quay Vũng Tàu (Hoài Anh - Nguyễn Tri Phương - rất đông khách) tậu một con vịt, lại chạy quanh tìm lò bánh mì...

Năm 1986, 1988, gia đình nhỏ của mình lại ra Vũng Tàu... Khi ấy, nơi ni đã trở thành TP nhưng cũng không như ngày nay. Khách sạn bốn năm tầng thì có chứ làm gì có cao ốc mấy chục tầng từa lưa như ngày nay. Tượng Chúa đã có nhưng đường bậc thang lên thì chưa, đối diện Nghinh Phong khi ấy có căn nhà nghỉ lớn, gần đó là bãi khai thác đá - nay trở thành Đồi Con Heo.

< Một con vịt ta chặt ra thành 2 hộp lớn, 3 người ăn lòi phèo mà cũng chả có hết nổi. Nhưng ngon thiệt nghen, đáng đồng tiền bát gạo!

Có lần ra bằng xe khách, lần khác thì tự chạy chiếc Honda cánh én. An toàn trên xa lộ, khi ấy chả có từ ngữ 'đinh tặc' là gì đâu còn hàng quán thì nếu khách du lịch có thể mắc đôi chút, một chút xíu thôi!

< Tối đi bộ ra công viên Cột Cờ hóng gió. Mai chuẩn bị tinh thần 'cắn' tiếp Núi Lớn nha! Ta đi ngõ mô? Núi Lớn có 2 ngõ thì ta sẽ đi tất tật cưng à.

Rồi đến thế kỷ sau, phố biển VT đột nhiên mang tiếng xấu là 'chặt chém'. Vậy nên bọn này đi khắp chốn ngoại trừ Vũng Tàu... cho đến khi cái danh tiếng kỳ cục ấy phôi phai, cũng do khi một số địa phương khác muốn tiếp bước!

Thôi thì với mình, phố biển này vẫn thân thương, nơi chôn hàng đống ký ức hồi trẻ của gia đình, đó là quá khứ khó phai nhòa hỉ.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17...

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!