(Tiếp theo) - Nếu cứ như các chuyến đi hồi đó, thoạt đầu mình ghi chú trên giấy, load sẵn bản đồ trong netbook để dùng không cần mạng rồi lên đường thì lần này do tinh giảm hành lý tới mức tối đa nên khi 'nửa kia' thông báo là chuyến này em sẽ dự tính đường đi, sẽ chỉ đường nên anh đừng lo... nên mình trở thành thụ động.
< QL51 bát nháo bao nhiêu thì vào những con đường nhánh này êm đềm bấy nhiêu. Ngoài QL nóng, bụi thì vô đây mát hẳn. Đây là đường ấp 4 vừa được nâng cấp.
Vậy nhưng, cái tính phòng xa vẫn còn. Lo không phải vì sợ lạc đường (đường trong miệng ta mà, không biết thì hỏi) nhưng chỉ ngại tốn thêm thời gian cho lộ trình đi. Thế là mình mở cái điện thoại Nokia 750 còi bép ra và cho nó load luôn bản đồ từ Nhơn Trạch tới tận Phan Thiết, trừ hao cho cả một hành trình.
< Đường ấp chứ tương đương như tỉnh lộ chứ không chơi! Phẳng phiu, có vạch kẻ đàng hoàng.
Bà xã cười, gạt phắt nói 'em nhớ mà'. Hi hi, nhớ chồng nhớ con, nhớ nồi lẩu thái, nhớ con cá nhồng... chắc không còn mấy chỗ cho chuyến hành trình! Vậy nên cuối cùng thì cái alô cùi bắp vẫn được việc khi bọn mình bí đường phải không em?
< Từ QL51 theo đường ấp 4 vào đến đây thì chính đoạn đường này cũng là ranh giới địa chính của tỉnh Đồng Nai (bên trái) và Bà Rịa - Vũng Tàu (bên phải).
Lại trở về chuyến đi: Trong quá khứ, chuyến hành trình 'Tóc Tiên - Châu Pha: cung đường là lạ' thì mình đã đền cập tới xã Hắc Dịch một lần rồi. Tuy nhiên, cung lộ trình kỳ đó khác lần này do qua Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Tóc Tiên - Châu Pha...
< Còn 7km nữa đến phường Hắc Dịch - hai bên vẫn vườn cây xanh um.
< Lúc này đường bé lại như đường làng. Tuy nhiên vẫn nhựa láng o, rất ít xe và người.
Những cung đường ngang dọc này thường dẫn ta qua các cánh đồng trù phú, vườn quê bạt ngàn với hàng ngàn con vịt trắng phau khi qua các vườn chăn nuôi... thì lần này sẽ khác đôi chút - con đường mở rộng sẽ đưa ta qua các đồng cỏ nuôi cừu, mường tượng là vậy!
< Vào địa phận phường Hắc Dịch.
Sơ lược về địa danh Hắc Dịch:
Hắc Dịch là phường của thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đầu thế kỷ XX (1901), những địa danh quen thuộc đã bắt đầu xuất hiện: Hội Bài, Phước Hội, Phước Thạnh, Thạnh An. Các xã Châu Pha, Sông Xoài, Tóc Tiên, Hắc Dịch ngày nay đều thuộc làng Hắc Dịch, tổng An Trạch. Năm 1902, tỉnh Bà Rịa có 7 tổng, Hắc Dịch thuộc tổng Cơ Trạch (Tổng Cơ Trạch gồm có 7 làng: Bằng La, Cù Mi, Cụ Khánh, Hắc Dịch, La Vân, Phước Chí, La Sơn).
< Bọn mình không dám nhận là 'đi phượt' nhưng lang thang một chuyến mà chạy trên những con lộ như thía này mới sướng, kẹt lắm mới phải đi quốc lộ thôi.
< Vào trung tâm Hắc Dịch: lúc này lộn đường (Vị trí >), thay vì chạy thẳng đến bùng binh lớn thì bọn mình lại rẽ phải đến bùng binh nhỏ!
Năm 1930, thực dân Pháp sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tỉnh Bà Rịa có hai quận là Long Điền, Đất Đỏ. Hắc Dịch thuộc quận Long Điền. Đến năm 1945, tỉnh Bà Rịa có bốn quận: Long Điền, Đất Đỏ, Cơ Trạch và Vũng Tàu. Xã Hắc Dịch thuộc quận Long Điền. Năm 1948, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Tỉnh ra quyết định điều chỉnh lại địa giới cho phù hợp với tình hình và yêu cầu kháng chiến: Vì dân chúng tản cư triệt để, sau những cuộc khủng bố lớn, quận Cơ Trạch, làng Bình Giã được sáp nhập vào Quảng Giao, làng La Vân được sáp nhập vào làng Hắc Dịch.
< Thú thật, lúc này cũng chưa quen cái bản đồ trên điện thoại lắm (trong khi mình vẫn chưa nắm rõ được lộ trình của bà xã) nên mất thời gian quanh co ở đây tầm 20 phút mới định hướng đi được.
Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Hắc Dịch thuộc quận Đức Thạnh, tỉnh Phước Tuy. Hắc Dịch có các ấp sau: ấp Cây Dầu (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân xã), ấp Thống Nhất (nay là ấp 2, vị trí ấp Nông Trường), ấp Châu Pha và ấp Lò. Ấp Lò nằm ở phía Châu Pha cách ấp Thống Nhất hơn một cây số, trước đây có lò rèn cung cấp công cụ xuất sắc cho người. Khi đó là nơi sản xuất vũ khí thô sơ cung cấp cho các lực lượng kháng chiến.
Năm 1976, xã Hắc Dịch thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai; đến tháng 8 năm 1991 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 08 tháng 12 năm 1982, Quyết định số 192-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chia xã Phú Mỹ huyện Châu Thành thành hai xã Phú Mỹ và Mỹ Xuân, chia xã Phước Hòa làm hai xã Phước Hòa và Hội Bài, lập Ban quản lý khu kinh tế mới Châu Pha gồm một phần đất của hai xã Hắc Dịch và xã Long Hương (Bà Rịa), nhập ấp Kim Hải (xã Phước Hòa) vào xã Long Hương, nhập ấp Trảng lớn thuộc xã Phú Mỹ vào xã Hắc Dịch.
< Cuối cùng thì cũng quay ra đúng đường: đây là con đường Hắc Dịch - Tóc Tiên.
Ngày 19 tháng 6 năm 1993, căn cứ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, huyện Châu Thành có 01 thị trấn và 18 xã, trong đó có 6 xã: Châu Pha, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Phước Hòa và Hội Bài – sau này thuộc địa bàn huyện Tân Thành.
Ngày 02 tháng 6 năm 1994, huyện Tân Thành được thành lập theo Nghị định 45/CP của Chính phủ, do điều kiện phát triển dân cư và sự mở rộng địa bàn, các xã mới lần lượt được hình thành và ổn định như hiện nay. Như vậy, kể từ tháng 2/1994 đến nay, xã Hắc Dịch thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngày 12 tháng 4 năm 2018, xã Hắc Dịch được chuyển thành phường.
< Hoa phượng rụng đỏ đường, còn ta vẫn thẳng tiến về ngã 4 Tóc Tiên!
Phường Hắc Dịch nằm ở phía Bắc của huyện có địa giới hành chính như sau: Phía Đông giáp xã Sông Xoài, Phía Tây giáp phường Mỹ Xuân, Phía Nam giáp xã Tóc Tiên, Phía Bắc giáp xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
< Đến ngã 4 Tóc Tiên, Điền ta rẽ trái vào đường số 1 mở rộng: nó thế này đây! (Ở đây mở ngoặc một tý: nếu rẽ trái: ta sẽ gặp QL51 - Còn nếu chạy thẳng sẽ đến TP Bà Rịa.
Phường có tổng diện tích tự nhiên là 3,200 ha, trong đó diện tích đất đỏ Bazan chiếm khoảng 2,000 ha nằm ở phía Tây – Bắc thuộc các khu phố 1, 2, 3, Trảng Lớn và một phần khu phố Trảng Cát, khu phố Nông Trường. Phường có nhiều con suối chảy qua, các con suối đều nằm ở ranh giới giữa phường nhà với các xã, phường giáp ranh. Đặc điểm chung là suối nhỏ, lưu lượng nước chủ yếu vào mùa mưa, suối Đá Vàng nằm giữa P. Hắc Dịch và xã Phước Bình, suối Nhum giữa P. Hắc Dịch và xã Tóc Tiên, suối Nhà Bè nắm giữa P. Hắc Dịch và Sông Xoài. Thổ Nhưỡng của Hắc Dịch thích hợp với các loại cây công nghiệp như tiêu, điều, cao su, café; cây ăn quả như chôm chôm, mít, chuối, sầu riêng … và các loại cây ăn trái vùng nhiệt đới có giá trị kinh tế cao.
< Không tên, xem trên bản đồ nó được định danh là 'Đường số 1 nối dài'. Có hẳn một vài nhà máy gì đấy, trong đó có nhà máy nước mặt Phú Mỹ Vị trí nơi này ở đây >
< Từ trên xế chụp ngọn núi xa xa. Bạn biết dãy núi gì không? Đó chính là dãy núi Dinh đấy.
Hắc Dịch có hệ thống đường bộ tương đối hoàn chỉnh, vừa được nâng cấp và xây dựng mới. Phường có 3 trục giao thông chính, là các tuyến đường trọng yếu phát triển kinh tế - xã hội. Đường Mỹ Xuân – Ngãi Giao đi qua địa bàn phường dài 9 km, rộng 10m, điểm đầu giáp phường Mỹ Xuân, điểm cuối giáp xã Sông Xoài. Đường Hắc Dịch – Tóc Tiên đia qua địa bàn phường, dài 3 km, rộng 9m, điểm đầu giáp đường Mỹ Xuân – Ngãi Giao, điểm cuối giáp xã Tóc Tiên – Châu Pha. Đường tập đoàn 7 – Phước Bình đi qua địa bàn xã dài 5,5 km, rộng 10m, điểm đầu giáp vòng xoay trung tâm, điểm cuối giáp phường Mỹ Xuân.
< Cụm núi Nghé bên trái đường.
Hắc Dịch trước đây là địa bàn cư trú của người dân tộc Châu Ro. Trong đó quá trình khai hoang mở đất người dân tộc Châu Ro lập nghiệp, sinh sống bằng nghề phát nương, mố lổ, tỉa hạt, trồng cây, dân cư thưa thớt, có chỗ cả cây số mới có cái chòi ọp ẹp. Người Kinh mãi tới đầu thế kỷ XX mới có một ít người đến đây sinh sống.
< Chỉ là 'Đường số 1 nối dài' nhưng mình thấy nó hơn nhiều quốc lộ, rộng (với 4 làn có bồn ngăn cách giữa) và vô cùng phẳng phiu.
Ngày nay, trên địa bàn xã Hắc Dịch có 7 dân tộc sinh sống. Dân tộc Kinh; dân tộc Châu Ro; dân tộc Hoa; dân tộc Tày; dân tộc Mường; dân tộc Nùng; dân tộc Khơ-Me. Hầu hết các dân tộc có truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
< Tấp vào uống nước nghỉ chân, hóa ra ngay lối vào một trong những chốn mang danh 'Đồng cừu Suối Nghệ'.
Tại địa bàn với dân di cư từ nhiều nơi đến lập nghiệp, số người theo Đạo Phật, Thiên Chúa, Tin Lành chiếm 36,7% dân số toàn xã, trong đó Phật giáo có 3,016 phật tử, địa điểm hành đạo là Chùa Đức Sơn tọa lạc tại ấp Trảng Lớn; Thiên Chúa giáo có 1,737 tín đồ, địa điểm hành đạo tại nhà thờ Xuân Ngọc, tọa lạc tại ấp Trảng Cát; đạo Cao Đài có 52 tín đồ sinh hoạt hành đạo tại Thánh thất Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh xã Mỹ Xuân gần đó; đạo Tin Lành có 71 tín đồ có tụ điểm sinh hoạt tại tổ 9 ấp 2; số còn lại thờ cúng ông bà, tổ tiên …
< Phía trong nhìn ra đường lớn.
Về văn hóa lễ hội, tọc người Châu Ro mang nặng tín ngưỡng thần linh (Yang) như: Yang Va (Thần Lúa, Thần Nông), Yang Gung (Thần Núi), Yang Vri (Thần rừng) … Hiện nay, người Châu Ro còn lưu lại nhiều hiện vật thể hiện truyền thống văn hóa như: Bộ chiêng đồng (Goong); đàn tre (goong kla); đàn môi (tôln); sáo (t’le) cùng những điệu hát ru và đặc biệt là nhạc cụ cồng chiêng rất phổ biến. Loại nhạc cụ cồng chiêng của người Châu Ro đã thực sự trở thành biểu tượng của sức mạnh tinh thần, giá trị văn hóa cáo và là một di sản văn hóa trong kho tàng văn hóa Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc. Người Châu Ro ở Hắc Dịch nói riêng và Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung, có hai lễ hội dân gian đáng chú ý là lễ hội Ốp Yang Va (cúng thần lúa) và lễ hội Ốp Yang Vri (cúng thần rừng).
< Định vào nhưng nhìn phía trong thấy lỏi ngỏi hàng đống xe 45 và 16 chỗ nên thấy... dội! Vào xem cừu hay người hè? Vậy nên đi, bạn nào muốn xem thì coi bài này >
< Đã vào địa phận xã Suối Nghệ.
Nói một chút về Suối Nghệ:
Xã Suối nghệ được thành lập năm 1985 từ xã Suối Nghệ - xã Nghĩa Thành. Xã Suối Nghệ nằm về phía nam cách trung tâm huyện Châu Đức 07km dọc theo trục lộ 56. Phía Đông giáp xã Đá Bạc, phía Tây giáp xã Láng Lớn, phía Nam giáp xã Nghĩa Thành, phía Bắc giáp xã Bình Ba.
< Gặp ngã 4 lớn (vị trí >): - Đây là giao lộ QL.56 - Tân Thành - Xuyên Mộc, trong đó: đường cắt ngang chính là QL56. Chạy thẳng là đi Xuyên Mộc, rẽ trái là về Long Khánh còn quẹo phải thì trực chỉ Bà Rịa.
Xã có tổng diện tích tự nhiên 2.441,92 ha, chủ yếu là đất đỏ Bazan, đất mở gà và đất sỏi đen; trong đó diện tích đất Nông nghiệp 969.07 ha và 1472.42 ha, đất trồng cây lâu năm: 414.11 ha, trong đó, đất trồng cây công nghiệp lâu năm: 331.25 ha, đất trồng cây ăn quả lâu năm: 55.63 ha, đất trồng cây lâu năm khác: 27.33 ha, đất nuôi trồng thủy sản: 2.21 ha (thủy sản nước ngọt).
< Qua ngã 4 một đoạn, vẫn dừng lại xem bản đồ cho... chắc ăn! Lúc ni bắt đầu rành rọt cách sử dụng bản đồ rồi.
Địa giới hành chính của xã được phân chia thành 05 thôn, 01 khóm mụ bân gồm: Suối Nghệ, Đức Mỹ, Trung Sơn, Gio An, Hữu Phước và Khóm Mụ bân; với tổng số 90 too3 ĐKDC trên toàn địa bàn. Tổng dân số toàn xã 2.808 hộ với 12.536 khẩu, đặc điểm dân cư ở địa phương từ nhiều vùng miền trong cả nước đến sinh sống và lập nghiệp.
< Dừng ngay rừng cao su, ngoài đường đã có nắng nhưng vào trong thì mát rượi.
Cơ cấu kinh tế của địa phương hiện nay là Nông nghiệp 80%, Tiểu thủ công nghiệp 6%, Thương mại dịch vụ 14%. Xã Suối Nghệ đầu tư phát triển khu Công nghiệp đô thị Châu Đức và xã điểm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới giới đoạn 2011-2015.
< Nghỉ vài phút rồi lại đi, lúc này đã 8h43 phút - hơn ba tiếng rưỡi chạy xe... nhưng vừa chạy vừa phè phỡn! Đường thì vẫn còn xa lắm... nhưng bạn biết bọn mình sẽ đến đâu không?
Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!
2 Comments
Con đường này mình đã đi lúc còn đang thi công nhiều đoạn ,nay chưa đi lại thấy hoàn chỉnh rồi ,tốt quá .Đi đường này ra đến Bông Trang Quốc lộ 55 gần hơn so với đường cũ từ Bà Rịa hay từ Ngãi Giao .
Trả lờiXóaGần hơn, mà ví dụ đường nào đó xa hơn nhưng thông thoáng, ít xe, phẳng phiu và ít qua khu dân cư chạy vẫn sướng hơn đúng không anh?
XóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.