(Tiếp theo) - Buổi sáng để tham quan hải đăng Kê Gà cùng đảo Hòn Bà thì buổi chiều dành cho Phan Thiết. Nói rõ hơn, giấc chiều thì bọn mình sẽ phóng xe ra đấy: trước tiên là nhâm nhi lại món răng mực nướng và chiên giòn mà hồi ấy, trong các chuyến phượt xưa từng nhắm nháp rồi khen nức nở. Sau thì sẽ ghé một quán nào đó bên sông Cà Ty để thưởng thức hải sản tại cái khu vực ẩm thực nổi tiếng này.
Tính là vậy, nhưng về phòng mới có 9h nên lại kéo nhau xuống biển tắm. Sẳn đi ngang quầy đặt luôn cơm trưa, mua luôn con cá mú to giá 300k, làm một nửa, còn lại dành cho ngày mai. Loanh quanh một hồi mới xuống bãi thì nhặt được con cá hanh to tổ bà từ mẹ biển đưa lên. Nửa kia nhấn bụng cá còn cứng, vạch mang xem hơi tai tái... nên bỏ lại xuống bãi cát.
< Bữa trưa đây: một phần con cá mú, thêm 100k mực hấp, rau trộn 35k, tô cơm 20k là quá no, thừa mứa tùm lum.
Thấy vậy, một trong 2 ông khách ngồi trên quán bay xuống liền và 'trưng thu', 'cá này còn ăn được đấy, đồ biển mùi nó như vậy'. Mình cười, để ông lấy - ta đã có con cá bự chảng còn sống nhăn đặt mua rồi còn gì? Ăn luôn 2 con để mà bội thực chết à?
Nắng đã lên nhiều nhưng không gắt, nước biển mát - sóng trung bình và nước vẫn trong. Tắm đã rồi lên quán ngồi võng đong đưa, uống cà phê - Kê Gà tuyệt diệu, không chỉ là chốn ngắm nghía mà còn là nơi tĩnh dưỡng!
< 1h25, khởi hành đi Phan Thiết giữa cái nắng trưa hè.
Phan Thiết có lẽ mình đã nhiều lần đề cập tới rồi, lần này sẽ nói về một vài khía cạnh khác của thành phố biển tượng trưng cho nước mắm hảo hạng của VN.
< Lộ trình mình đi dĩ nhiên là con đường ven biển (TL719). Ngày nay, mặt tiền biển bị che khuất nhiều bởi các resort và rừng dương...
Cách đây gần 1 năm, ngày 19/10/2018, đúng dịp kỷ niệm 120 năm Phan Thiết được Nhà Nguyễn công nhận là thị xã, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định, xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử - văn hóa Tháp nước Phan Thiết. Ngoài vẻ đẹp cổ kính, mang phong cách kiến trúc Á Đông, nằm bên bờ sông Cà Ty thơ mộng, Tháp nước Phan Thiết còn đặc biệt bởi gắn với nhân vật lịch sử.
< ... chỉ sót lại vài đoạn, trong đó có 'bãi đá một hướng' tuyệt đẹp nhưng lại bị đặt những cục bê tông biên đường to chà bá chắn hết lối xe xuống (ngay đường cong, chắc họ sợ xe chạy nhanh đâm xuống biển), tiếc thiệt!
Tháp nước Phan Thiết do kiến trúc sư Hoàng thân Xuphanuvông (sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) thiết kế, khởi công xây dựng năm 1928, đến năm 1934 hoàn thành và đưa vào sử dụng.
< Cây cô đơn.
Ngoài chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Phan Thiết trước đây, qua hơn 80 năm tồn tại, Tháp nước Phan Thiết đã là hình ảnh thân quen của bao thế hệ người phố biển và trở thành biểu tượng của thành phố du lịch Phan Thiết xinh đẹp hôm nay.
< Giữa trưa, nắng gắt nhưng không thấy nóng do gió vù vù bên tai. Khẩu trang trùm mặt, mang bao tay, chỉ còn cái ót nhưng ngày về mới thấy hơi rát.
< Mấy cái khu du lịch mọc đầy bên phải chiếm mặt tiền biển.
Tháp có chiều cao từ nền lên đỉnh là 32 m, chia thành 2 phần. Phần lầu đài (bồn nước) hình bát giác, cao 5 m, đường kính 9 m.
Phần dưới của tháp là kiến trúc hình trụ bát giác dưới to, trên nhỏ cao 22 m, có đường kính chân tháp là 10 m. Nóc của lầu đài có 3 tầng mái che hình bát giác lợp bằng ngói móc. Tháp do nhà thầu Ưng Du thi công từ năm 1928 đến 1934 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho đô thị Phan Thiết.
< Phon phon một hồi thì đến Phan Thiết lúc 2h15: đây là công viên bải biển Đồi Dương.
Trên thân tháp có khắc dòng chữ “U.E.PT” (viết tắt của cụm từ “Unise Des Eaux de Phan Thiet” - Nhà máy nước Phan Thiết), được ghép bằng những mảnh gốm sứ kiểu theo lối viết chữ hình tròn.
< Kẻ bị truy nã gắt gao vì dám... bỏ phượt!
Được biết, ngày 25/7/2005, tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định số 47/2005/QĐ-UBND công nhận biểu tượng (logo) chính thức của tỉnh với hình ảnh Tháp nước Phan Thiết là thành phần trung tâm. Từ đó, hình ảnh Tháp nước sử dụng phổ biến hơn, được in vẽ, khắc chạm trên bìa sách, tạp chí, tranh tượng và trong các sự kiến chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.
< Còn đây là bãi biển Đồi Dương: sạch sẽ khác hẳn cái xô bồ ngày xưa.
Những năm gần đây, bên cạnh nhân dân địa phương và du khách thường xuyên đến tham quan di tích, các đoàn đại biểu và khách du lịch nước bạn Lào khi đến làm việc, du lịch tại Bình Thuận đều chọn Tháp nước Phan Thiết là điểm đến trong lịch trình của mình.
< Dưới bãi nhìn lên rừng dương. Chơi một tý rồi đi, lúc này hai đứa bỏ lơ cái khẩu trang dù trời nắng gắt - hậu quả là về... mặt đen như ông Táo. Không hề gì, khách Tây họ còn khoái đen hơn nữa kia!
< Công viên đường Nguyễn Tất Thành. Leo lề, dựng xe ngồi ghế đá nhưng nhỏm dậy ngay vì ghế hứng nắng nóng như cái bếp lò!
Vậy nên chạy xuống Võ Thị Sáu tìm chốn có món răng mực ngày xưa. Đường cũ nhưng quán xưa không còn, quán vặt khác xéo bên kia đường, đầy nhóc khách là các bạn trẻ. Gọi rồi chờ mỏi mòn vì đông, thấy răng mực mấy đứa ăn mà mình chả muốn ăn nên nhỏm mông đi. Kết luận: răng mực ngày xưa không còn.
< Tìm được quán cà phê sân vườn cũng trên đường Võ Thị Sáu. Bà xã uống ly sinh tố bơ, mình ly cà phê đá. Cà phê ngon phê - hồi kêu tính tiền thì sinh tố 28k còn cà phê chỉ 5k do... giờ khuyến mãi!
< 'Thụ hưởng' sân vườn đã rồi thì lại đi, lần này chạy ra sông Cà Ty, bi chừ đã 4h30 chiều.
Kề cận bên Tháp nước là dòng sông Cà Ty nổi tiếng. Sông Cà Ty là họp lưu của sông Ta Da và sông Móng, chảy theo hướng Đông Nam qua địa bàn Thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và đổ ra cửa biển Cồn Chà. Tại TP, sông con tiếp nhận nước từ sông Cái chảy từ các xã Hàm Minh, Hàm Cường tới.
< Nửa kia chụp đây, đẹp đó chứ?
Con sông Cà Ty ngày nay vẫn êm đềm chảy, lúc cạn lúc sâu theo từng con nước. Nhịp sống trên sông vẫn quen thuộc với những con thuyền của ngư dân miền biển, vẫn tiếng ghe máy cành cạch trên sông xuôi dòng ra biển cả.
< Mây kéo vào nhiều từ hướng biển, gió bắt đầu mạnh dần lên, khó tránh khỏi cơn mưa lớn. Thôi bọn mình đi.
Nhưng tại sao lại gọi là sông Cà Ty? Về tên gọi sông có người yêu văn nghệ (chắc có lẫn máu hài) cho rằng vì lưu lượng nước chảy qua một con sông là nước ngọt, nhưng nước chảy qua sông Cà Ty là nước lợ, đôi lúc là nước mặn. Từ rất lâu khi người Việt tới đây sinh sống đã nhận ra điều kỳ lạ này, chính vì vậy mà họ hay nói "kỳ ta, kỳ ta", lâu dần đọc trại thành "Cà Ty" như bây giờ.
< Dọc bờ kè là hàng hàng lớp lớp các quán hải sản. Nghe 'đài' nói: giá rất bình dân nhưng thức ăn thì ngon hết sẩy!
Vậy nhưng địa danh bắt đầu với từ "Cà" là phổ biến trong tiếng Việt, tiếng Chăm và tiếng của nhiều dân tộc khác. Tại Ninh Thuận và Bình Thuận còn có Cà Ná, Cà Đú,... Tại Hà Nội có sông Cà Lồ. Còn chuyện "nước mặn nước lợ" thì từ cửa biển trờ vào vài km xảy ra ở mọi sông vùng nam Trung Bộ. Đó là do lưu lượng mùa nước và mùa khô quá khác nhau.
< Lúc ni gió thổi ầm ầm nên tấp đại vào quán Tư Minh. Gió thổi các tấm bạt rung bần bật, người chạy tới chạy lui lo chống đỡ... nhưng rồi sau đó... trời quang - không mưa.
Gọi món mì xào hải sản với lon bia. Phải công nhận là lâu lắm rồi mới ăn được món mì mực chất lượng như thế này: rất nhiều mực tươi, nêm nếm vừa miệng; hai đứa ăn xong no nóc (bao tử mèo mà).
< Báo giá là mì 70k nhưng tính tiền thì thía này đây: Khăn 4k, mì hải sản 60k, bia và 2 cái tẩy 13k! bèo bọt hỉ? Mửng này có đi đâu cũng phải tạt qua Cà Ty ăn cho sướng mỏ, ha ha...
Sông Cà Ty ngày nay đẹp hơn – đó chính là cảm nhận của không ít người khi quay về Phan Thiết, cảm nhận ấy bắt nguồn từ sự đổi thay của thành phố biển: bờ kè hai bên dòng sông được xây dựng thay thế hình ảnh những chiếc nhà chồ tạm bợ của ngư dân làm cho không gian dòng sông rộng hơn, đứng bên tượng đài Trần Hưng Đạo có thể thấy được một khung cảnh sinh động của cuộc sống hai bên bờ kè
< Chạy vòng vo một hồi rồi thì ghé lại tượng Trần Hưng Đạo ngồi hóng gió, tiêu cơm (tiêu mực mới đúng!).
Đặc biệt, Bảo tàng Hồ Chí Minh và di tích trường Dục Thanh - nơi Hồ Chí Minh dừng chân dạy học cũng nằm cạnh con sông thơ mộng này đã tạo nên một dấu ấn rất riêng biệt của thành phố.
< Biển Phan Thiết bọn mình không thích lắm nhưng chuyện ẩm thực thì tuyệt, đủ thứ món ăn chỗ ăn và không đắt đỏ như vùng đất nhỏ Kê Gà...
Dòng sông nằm giữa trung tâm chia thành phố thành hai ngạn gồm khu thương mại ở ngạn Nam và khu cơ quan hành chính ở ngạn Bắc, và đây cũng là dòng sông có đến ba chiếc cầu bắc qua trong một quần thể không gian hài hòa.
< Trên đường Trần Qúy Cáp, vừa chạy vừa nhìn nhìn quanh tìm đường...
Với người dân Phan Thiết, dòng sông Cà Ty có từ bao đời nay gắn bó với họ cùng những thăng trầm của cuộc sống, là nơi chở che cuộc sống của nhiều người mà còn mang trong đó những nét văn hóa đặc sắc của địa phương với các hoạt động thả hoa đăng vào dịp lễ hội Nghinh Ông hay lễ hội đua thuyền truyền thống, bắn pháo hoa trong dịp Tết nguyên đán...
< Tìm là tìm đường này: Xoài Khôn. Con đường nho nhỏ giúp rút ngắn lộ trình về tầm 2km.
< Hết đường Xoài Khôn, gặp Âu Cơ cắt ngang thì rẽ trái chạy về đường ven biển.
Trong cuộc sống hàng ngày, nó còn là nơi tìm đến của những người thích thư giãn cùng chiếc cần câu cá khi nước triều lên cao, là nơi hóng mát của người già, em nhỏ khi chiều về, và cũng là nơi nhiều du khách tò mò khám phá cảm giác đi thuyền trên dòng sông để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mênh mông của sông nước vùng biển.
< Ánh nắng tắt dần, TL719 - lúc này là 6h30. Đường vắng teo...
< Đèn đường bắt đầu cháy sáng - đèn chỉ có ở một số đoạn có resort hay khu dân cư thôi.
Dòng sông Cà Ty bao đời vẫn trôi về biển lớn theo quy luật của tự nhiên. Và dòng chảy của con sông hiền hòa ấy đã điểm xuyến cho Phan Thiết một điểm nhấn độc đáo, luôn ẩn hiện trong lòng mọi người dân phố biển Phan Thiết và ấn tượng với du khách phương xa tìm về.
< Ảnh cuối trong ngày vì không còn ánh sáng tốt để chụp. Nhiều đoạn đường tối đen, may là đèn chiếc xế của mình rất sáng chứ không như chiếc Win ngày xưa. Về tới Kê Gà tối đen dù chỉ mới 7h rưỡi. Tối ra ngã 3 ăn bánh phờ-lăng, về hóng gió biển thì trời đổ mưa to, mưa cuộn trôi cả một ngày cũ...
Đặc biệt, nếu mé trái sông Cà Ty (đoạn gần cửa biển) tập các kho hàng, cảng cá thì mé phải là vô số các quán hải sản bình dân dọc bờ kè sông Cà Ty. Nơi này đa phần là quán ăn bình dân chuyên hải sản và lẩu... nổi tiếng cả nước (hay tệ lắm cũng là 'nửa nước'). Chính vì cái sự nổi tiếng này mà bọn mình nai lưng cày hơn năm chục cây số (vừa đi vừa về) để cho thỏa... cái mỏ!
Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!
1 Comments
đọc bài a làm e nhớ tới hồi xưa trên phuot.vn quá :)
Trả lờiXóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.