(Tiếp theo) - 8h43 phút ngày 25/6/2019: bọn này vẫn phon phon trên con đường Suối Rao - Phước Tân. Gần 4 tiếng đồng hồ chạy xe, chả thấy mệt mỏi gì dù đã qua một thời gian dài, rất dài... không còn đi phượt. Ngược lại, lúc này tự nhiên bổng cảm thấy say đường.

< Trên đưởng Suối Rao - Phước Tân.

Say đường biểu hiện qua triệu chứng cứ cắm cúi mà chạy mặc gió vù vù bên tai, đang say đường thì cũng chả muốn nói gì với người đồng hành (mà đang chạy gần 60km/h có nói cũng khó nghe lắm, âm thanh như lọt mất) ngoại trừ những lúc mình vung tay chỉ trỏ các dấu hiệu - bảng chỉ đường hoặc cảnh đẹp để mong người ngồi sau chụp lại. Tuy nhiên, có chụp được hay không thì Trời biết và bà xã biết, he he...

< Sắp đến ngã 6 Đá Bạc. Rẽ trái về Đồng Nai, phải đi Long Tân còn thẳng tiến sẽ đến xã Suối Rao, Phước Tân, Xuyên Mộc...
Ta thì cứ thẳng tiến mà đi.

< Tợp ngụm nước bên rừng cao su ở Phước Tân, lúc này đã hơn 9h. Dấu hiệu Victory tức là vẫn còn phong độ!

Vài lần say đường nặng mà mình có thể nhớ như lần ngày đi ngày về với điểm đến Đà Lạt, chuyến Gian truân một chuyến phượt xa...v.v. Lùi lũi chạy, từ sáng sơm 4h đến tận ba bốn giờ chiều nhưng chả biết mệt là gì... nhưng ảnh hưởng của việc say đường sẽ rất dễ khiến ta gặp hiểm nguy trong phút giây lơ là tay lái hoặc ngủ gật chợp mắt đôi giây: đi tong cả đời.

< Rừng cao su đây, mấy em nó còn nhỏ nhưng cũng được khai thác rồi. Lúc này xem lại máy ảnh mới thấy khổ ảnh là 4320x3240! Bỏ xừ, do sáng sớm đặt pin mới sạc vào, cứ ỷ y là tối hôm qua đã chỉnh. May mắn là thẻ nhớ 8Gb nên còn dung lượng nhiều. Thôi thì cứ chỉnh lại 2048x1536: đi phượt chứ đâu phải thi nhiếp ảnh, to quá mắt lòi tròng!

May Mắn, Điền Gia Dũng này và nửa khi chưa từng đi tong mà chỉ đi bong nhong, do Trời thương và bà kon thương nên giờ đây vẫn lếch thếch đi hoang chút đỉnh.

< Vừa qua Xuyên Mộc, sắp đến tía quốc lộ rồi đây. Lưu ý là con đường dài đằng đẵng như có đèn đường đàng hoàng đó nhé!

< Gặp QL55 cắt ngang, đây cũng là địa phận xã Bông Trang.

< Bọn mình rẽ trái theo hướng đi Bưng Riềng.

Trở về chuyến hành trình, lúc này bọn mình sắp rời con đường Suối Rao - Phước Tân dài ngoằng, chuyển bị vào xã Bông Trang và cũng chuẩn bị 'đấu đầu' QL55.

Xã Bông Trang? Bạn có biết là Bông Trang được người dân từ Quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đến khai hoang và định cư từ ngày 10/11/1975 không?

< Cổng chào của xã Bông Trang.

< Đường QL cắt ngang rừng Bình Châu - Phước Bửu.

Nói nôm na, ngày ấy gọi là 'đi kinh tế mới' đấy. Sau chiến tranh, kinh tế kiệt quệ, chủ trương của thành phố hồi ấy khuyến khích dân về nhiều vùng đất rừng để tăng gia sản xuất nhằm nuôi sống kiểu tự sinh tự lực của cả miền Nam.

Ngày 18/11/1975, bộ máy chính quyền UBND xã Bông Trang được thành lập và nơi này trở thành một trong 13 xã, thị trấn thuộc huyện Xuyên Mộc.

< Tạm dừng bước, vào quán uống nước, đốt điếu thuốc. Ngồi bàn, nhìn ra phía sau thấy võng giăng từa lưa cho khách nằm. Chỗ này các xe khách ghé lại, đón và trả khách.

< Phè phởn đã một hồi rồi lại đi. Chạy một đoạn nữa thấy ngã 3: rẽ trái là vô suối nước nóng Bình Châu còn phải là đi Lagi - mình rẽ phải, đi đâu nữa thì còn... tùy hứng!

< Mộc bên đường ghi QL1 - 41Km.

Ngày nay, những địa danh như Bông Trang, Xuyên Mộc, Bưng Riềng... mà hồi ấy dân thành phố nghe là ớn thì nay trở thành vùng đất trù phú, đường xá nhà cửa khang trang đến mê người.

Ta vẫn chưa thiệt giàu nhưng đất nước phát triển nhiều lắm đấy nếu ta chịu 'thật lòng' nhìn lại và so sánh hồi ấy với bây giờ. Dù xã hội vẫn còn nhiều bức xúc thật nhưng diện mạo đất nước, xã hội và cuộc sống đã thay đổi vô cùng nhiều và theo hướng tích cực.

< Bình Châu là xứ cát trắng, hai bên đường toàn là cát với những đụn cát cao.

< Đường vắng, ít xe. Tuy nhiên, mình vẫn giữ tốc độ tầm 55Km/h vì có thể bị bắn tốc độ. Dưới 60 cũng đã nhanh rồi mà.

< Chỗ ni mát rượi, muốn tấp vào đánh một giấc quá nhưng thôi, lúc này đã 10h16 phút ngày 25/6.

Nói không cần xa mà nói gần, 6 năm trước mình đi: xã Bình Châu thuở ấy còn thưa người, nhà lình xình, ít dân, buổi tối buồn thiu hiếm chốn ăn vặt đêm thì nay đã 'xưa rồi diễm'. Ngày nay phồn vinh như một thị trấn, nhà nghỉ nhiều hơn, chợ búa cửa hàng bến cảng đâu ra đó - Khách đến đây chắc hẳn không còn than 'chỗ này buồn thiu'.

< Sắp đến Lagi rồi. Do 'nửa kia' khẳng định 'chỗ này em còn nhớ, anh cứ đi theo hướng em chỉ' nên phán đâu đi đó...

< Đường Đinh Bộ Lĩnh vào trung tâm Lagi. Ngày nay. đường xá nơi này tá lả, khó mà nhớ được từ ký ức cũ. Rút cuộc, cái bản đồ trên điện thoại giúp bọn mình thoát ra khỏi chốn đô thị biển dù đường xá hơi dài hơn dự định, he he...

< Quá trời tàu cá khi qua cầu Tân Lý bắc ngang sông Dinh. Ngày nghỉ, chiều xuống tàu mới ra khơi câu đêm.

Lagi còn hơn vậy: giờ láng cháng vô Lagi là muốn lạc đường dù hồi trước quen thuộc như từng kẽ tay. Khách sạn đầy nhóc, nhà nghỉ ngày nay cũng lên đời với phòng ốc khang trang, đâu cũng có wifi chùa, lướt web vèo vèo. Hay như chuyến này, chạy ngang biển Thày Thím nhìn vô thấy giật mình, xôm dữ vậy ta!

< Rời Lagi.

Phượt trên những cung đường, thứ mà ta theo dõi nhiều nhất là chốn đến; sau đó sẽ là đường đi. Đường trong đầu, trong bản đồ... nhưng cứ chiếu theo đường cũ thì tiện thiệt nhưng... chán chết! Mà đường mới mở thì nay cực kỳ nhiều, chạy trên những con lộ này vừa thưởng lãm cảnh lạ, vừa êm ru nếu tiếng xe máy của bạn không nổ như xe tăng.

< Đường từ Lagi đi Tân Hải trước giờ vẫn không được tốt, nay vẫn vậy, chạy tưng tưng...

Để đi những cung đường mới này thì rất đơn giản, bạn cứ mở bản đồ vệ tinh ra là thấy. Chả cần ba bốn gờ cũng xài ok nếu ta chịu khó mở và xem trước ở nhà cho điện thoại nạp hết dữ liệu cần. Sau chuyến, sợ tốn dung lượng thẻ nhớ thì cứ xóa đi thôi.

< Vượt qua bến xe Dinh Thày Thím, lúc này đã là 11h10 - thời gian trôi nhanh thật!

Tản mạn đôi chút, cái cách viết bài của Điền Gia Dũng này khá lung tung và hơi ba trợn, bà kon thông cảm - trước kia cũng vậy thôi: Cứ chữ xanh bên phải ảnh là chú thích hình trong chuyến đi - còn chữ đen là thông tin về địa danh liên quan hay chỉ là tán phét hoặc nói tào lao.

Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!