< 5h40 sáng ngày 27/6, ngay ngã 3 Kê Gà. Thời gian còn ở lại đây chỉ còn tính bằng giờ nhưng mục tiêu khám phá vẫn còn: Mũi Hòn Lan!
Địa danh này bọn mình từng qua lại rất nhiều lần nhưng không chú ý lắm vì nó cũng chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ. Trong lĩnh vực du lịch: Hòn Lan chìm hẳn trong chuỗi thắng cảnh huyền ảo như Suối Nhum, Kê Gà cùng ngọn hải đăng trăm tuổi, bãi tắm Tân Hải, Đá Dâm, Khe Cả, suối Ông Diên, Cửa Cạn... khiến nơi này của Hàm Thuận Nam như nằm trong một giấc ngủ say.
< Chợ ngã 3 Kê Gà, còn sớm quá nên chưa buôn bán gì nhiều. Mấy tấm bê tông vuông vuông ven đường là 'sạp hàng' đấy nhưng người ta chưa dọn.
Mũi Hòn Lan là là một động cát cao nhô ra biển. Giữ vũng cho động cát này giữa sóng gió là những khối đá khổng lồ lởm chởm như tổ ong, màu đen tuyền chồng chất lên nhau được cho là dung nham núi lửa đã phong hóa từ hàng triệu năm trước.
< 'Hết tiền' nên ăn cơm tay cầm à? Thật ra chỉ là ngán bánh canh cá quá thôi. Bánh mì 'thịt' tại đây cũng chủ yếu là chả cá, xứ biển mà!
< Vào quán cóc đầu đường nhấp nháp ly cà phê và bánh mì, chủ yếu nghe và góp chuyện với người địa phương. Nghe và thấy được chuyện một anh chàng hái được đống nấm dầu (hao hao nấm mỡ nhưng bự hơn) bán cho anh bạn ngồi bàn bên giá 200k - biết thêm được thứ nấm lạ vùng đất biển này.
< Trở về quán nhà, dặn món cho bữa trưa (mình còn nửa con cá mú mua hôm qua), chuẩn bị sơ sịa rồi đi: trực chỉ Hòn Lan, bây giờ đã 6h40.
Ngoài núi đá lô nhô màu đen lấp lánh kết dính vào nhau nằm dưới và trên đỉnh động cao nghiêng mình ra biển sóng, dưới chân động là bãi cát phẳng mịn màng và rải rác những đá tảng mồ côi, lạc lõng chỉ nhô lên khi thủy triều thấp xuống, nhìn từ xa tưởng chừng đó là bầy chim hải âu về đây phơi cánh đón nắng trời.
< Đi Hòn Lan theo hướng con đường mới mở, xem trên bản đồ điện thoại thấy khá tường tận - Hai bên đường cây cỏ xanh um, có cả các vườn thanh long. Vị trí nơi này tại đây >
< Gặp ngã 4 lớn thì rẽ trái sẽ có đường hướng thẳng ra biển. Cuối đường là những con lươn bê tông chắn ngang: nếu phi thẳng là gặp hà bá đấy! Mình khóa cổ, khóa mâm rồi vứt xe nơi ấy, cùng nửa kia xuống bãi biển.
Người dân Tân Thành nhớ nằm lòng sự tích khá dân dã về động Hòn Lan. Chuyện kể rằng: Ngày xưa có người thanh nữ tên Lan đang chớm tuổi lớn lại xinh đẹp nhất làng, hàng ngày siêng năng đi ra bãi bắt ốc mò cua để phụ giúp gia đình. Hôm ấy cô Lan mò cua ở bàu nước ngọt bên chân động Từ Bi, gặp được nhiều cá nhưng không mang theo giỏ đựng nên cô ngậm một con cá rô lớn vào miệng để hai tay rảnh rỗi tiếp tục kiếm thêm cá...
< Lão Điền sải bước hướng Nam (biển chỗ này hướng Nam thật), ra bờ sóng...
... Không may con cá rô vùng vẫy chui vào miệng và làm cô nghẹt thở dẫn đến cái chết thương tâm. Về sau, câu chuyện linh ứng của cô Lan, còn gọi là cô Rô truyền miệng nhau trong dân gian. Nhiều người cho rằng oan hồn cô Lan qua chiếc bóng ẩn hiện, chập chờn trên động cát cao vào những lúc chập choạng tối thật lạ lùng.
< Phía xa xa bên phải là Mũi Hòn Lan.
< Dấu vết bàu nước ngọt ngày xưa, giờ đây nó bị thông ra biển lớn rồi.
Mũi Hòn Lan tạo ra bến đỗ và che chắn cho các con thuyền nhỏ, thúng chai ra biển. Ngư dân trước giờ ra biển thường ghé động cát cao thắp nén nhang để cầu sự an lành.
< Mình đi. Mũi Hòn Lan còn xa tít nhưng trăm bước, ngàn bước chân rồi cũng sẽ tới thôi.
< Nửa kia đứng ngay chỗ nước trào vào bàu. Nước ròng, ta nhảy qua được đó em!
Chỗ thắp nhang lâu dần với những tảng đá được gom lại thành một nấm mộ vô danh đầy bí ẩn... nhưng trong tâm khảm người dân làng chài coi đó là mộ cô Lan và trở thành tên gọi Hòn Lan từ đó.
Có lẽ từ sự cảm mến lòng hiếu thảo, tính cần cù của cô gái trong trắng nên người dân quê nghèo này luôn trân trọng trước những hiện tượng kỳ diệu của thiên nhiên với một dải đồi cát hoang sơ phủ cây dương thơ mộng giữa các chỏm đá đen tuyền.
< Nhìn lại đoạn đường đã đi qua: bãi biển mênh mông ngút tầm mắt, ngoài đôi thúng thì không một bòng người. Gió vi vu, tiếng sóng dạt dào: một sự bình yên đến lặng người.
< Lại bước và bước, đích đến gần lắm rồi. Trên bãi cát hằng vài dấu bánh xe, hẳn là ngư dân chở cá và lưới về buổi sáng sớm sau một đêm đánh bắt.
< Đi mãi, bước mãi... rồi cũng đến chân động cát Hòn Lan. Ngắm rồi nhìn, ta leo lên đó chăng?
Ngày trước, bên động cát Hòn Lan có một bàu nước ngọt quanh năm mà ngư dân thường ghé đến lấy nước để dùng nằm dưới chân động Từ Bi, trước đây là rừng cây xanh um tùm có loài cây mang tên từ bi.
Ngày nay, do xâm thục và biển dâng nên bàu nước ngọt đã hòa lẫn với đại dương. Tuy nhiên nếu đến đây, bạn vẫn sẽ thấy dấu tích của bàu nước ngot này nằm trên bãi cát.
Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!
5 Comments
Phần 8, phần 9 cảnh đẹp quá anh ơi
Trả lờiXóaNhìn cận cảnh mặt a, e thấy chất phượt vẫn còn, rất khỏe, tiếp đi a :)
Toi doan anh Dung tầm 60, van con phong do lam.
Trả lờiXóaDạ, tầm đó ạ. Ắt bác là thày bói, bái phục!
Trả lờiXóaLần đầu tiên mới biết thêm một nguyên tố mới, đó là 'chất phượt', hi hi...
Công nhận 2 ông bà vẫn còn phong độ ,cũng gan thiệt bỏ xe ở đó đi sâu vào trong khám phá chẳng mảy may lo ngại .
Trả lờiXóaDo khu vực bãi biển không bóng người nên mặc kệ bác ạ, khóa đầy đủ là cũng yên tâm rồi. Còn những chốn bát nháo thì chịu, mất xế lúc nào không hay.
XóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.