Đến được ĐạM'ri rồi thì xem ra sắp đến lúc được ngơi nghỉ thật, dẫu gì bọn mình đã chạy suốt từ 5h sáng đến hơn 3h30 chiều - tàn tạ hai tấm thân... chưa quá già, hi hi...

< Phía xa là đỉnh núi Lu Gu

Mình nói sơ về nơi này một tý: đây là địa phận huyện Đạ Huoai, một huyện nằm ở phía tây nam của tỉnh Lâm Đồng, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Đà Lạt 155Km về phía Đông Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 145km về phía Tây Nam.

Đạ Huoai trước kia là một vùng đất thuộc quận BLao. Năm 1959, quận BLao được đổi tên thành quận Bảo Lộc. Madagouil là một xã thuộc quận Bảo Lộc, sau này trở thành xã Mađagui và thị trấn Mađagui, huyện lỵ của Đạ Huoai.


Ngày 12-7-1965, xã BSar thuộc quận Tánh Linh (tỉnh Bình Tuy) được sáp nhập vào quận Bảo Lộc.
Trước năm 1975, vùng đất Đạ Huoai hiện nay chỉ có 2 xã: BSar và Madagouil.


Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, vùng đất Đạ Huoai thuộc huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng gồm 4 xã: Lộc Thọ, Lộc Phước, Lộc Phú, Lộc Trung.

Ngày 14-3-1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 116-CP chia huyện Bảo Lộc thành hai huyện lấy tên là huyện Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai. Huyện Đạ Huoai gồm có các xã: Ma Đa Goui, Đa Oai, Đa MRi, Đa Ploa, Đa Teh, Đa Kô, Đa Lay; thị trấn Ma Đa Goui, thị trấn nông trường Đa Teh và thị trấn nông trường Đa MRé.

Ngày 29-12-1981, Quốc hội khoá VII, kỳ họp thứ II, ra Nghị quyết sáp nhập xã Đồng Nai thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé vào huyện Đạ Huoai.
Ngày 6-6-1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 68-HĐBT chia huyện Đạ Huoai thành 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
< Cầu Đại Quay.

Hiện nay, huyện Đạ Huoai có 9 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn: Mađaguôi, Đạ Mri và 7 xã: Đạ Plơa, Hà Lâm, Madagui, Đạ Oai, Đạ Tồn, Đoàn Kết, Đạ Mri.
< Phía dưới nước chảy cuồn cuộn.

Trong thật tế nếu nói về khu vực này thì người ta sẽ nghĩ ngay đến khu du lịch Madagui với súng sơn, cắm trại và hàng khối tiết mục du lịch khác với chi phí không hề mềm.

< Sông Đạ Mí: một chi lưu của sông đồng Nai với dòng nước cuồn cuộn.

Bọn này chỉ nhắm đến thị trần như một điểm dừng chân và từ đó "tiến quân" đi các hướng - đơn giản vì thị trấn nằm khoảng giữa nên xuất phát dễ dàng, chi phí sinh hoạt ăn uống phòng ốc cũng mềm mại, chỉ vậy thôi.
Trên đoạn đường từ Đạ Mri về Madagui (thị trấn) cũng có khối cảnh hay hay nhưng do bọn mình muốn tìm chổ nghỉ nên chỉ ngừng lại ngắm nghía vài chổ, còn bao nhiêu là chạy nước rút. Vả lại đoạn này còn tái ngộ trong lịch trình "khám phá các đèo" trong một vài ngày sau.

Trên đoạn này có 2 điểm đáng chú ý là cầu Đạ Quay và đèo chuối. Lúc qua cầu dừng lại nhìn xuống thấy nước réo ầm ầm đã lắm.

< Vào đèo Chuối.

Còn về tên đèo Chuối thì do khi người dân kinh tế mới đến đây, ngọn đèo toàn chuối rừng - Con đèo quanh co chạy bên rừng núi xanh mát, cũng có những khúc cua gấp, nhưng lại đẹp như một sợi dây mềm mại. Còn loại chuối rừng này đã giúp người dân cải thiện bữa ăn trong những ngày đầu lập nghiệp.
Đèo Chuối vừa hao hao giống đèo Ngoạn Mục ở những khúc cua gấp như cùi chỏ, vừa lạ lẫm ở những đoạn đường tưởng như chạy thẳng vào núi đá rừng xanh, nhưng khi đến gần lại uốn cong như một chiếc dây mềm mại.
< Vách hai bên toàn cây rừng, mát rượi.
Nhưng cái lạnh của đèo Chuối cùng không khí tinh khiết đến không ngờ mới là điểm khác biệt của nơi đây. Cái lạnh không đủ khiến du khách khoác thêm tấm áo mỏng. mà chỉ hơi se se lạnh như ngầm báo đã đến cao nguyên.
< Thơ mộng chưa?
Cũng có khi cái lạnh như mời gọi du khách mở toang lồng ngực, hít đầy phổi không khí rất riêng của nơi đây để gột sách cái bụi bặm của thành phố, của chuyến đi cùng những mệt mỏi, lo toan của cuộc sống.
Mà Đèo Chuối lành lạnh cũng phải vì hai bên vách đèo phủ đầy cây rừng, chính những cây xanh này giúp ta cảm nhận thấy cái hơi ẩm, cái se se trong cả lúc thời tiết nóng bức. Bạn đang ngoài nắng, bước vào một bụi rậm đầy cây xanh thử xem: tự nhiên thấy mát liền.
Pin của máy chụp ảnh chỉ sạc được một tẹo năng lượng từ hồi ở thác Tà Pứa nhưng bà xã bấm lia lịa. Biết sao bây giờ, chỉ vì cảnh vật đẹp quá...
Có một điều ít ai biết đến (cả tụi mình cũng không biết cho tới ngày cuối cùng tại đây) là đầu đèo Chuối phía TT Madagui có một con thác 9 tầng đấy.

Thác này mình sẽ đề cập tới trong phần sau theo ưu tiên cái gì đến trước thì bàn trước, đến sau phải chờ hồi sau.
< Rồi cũng đến lúc hết đèo, hết chuối...
Ghé vào thị trấn Madagui, bọn mình chạy qua vài chổ nhà nghỉ lẫn khách sạn. Cuối cùng chọn chổ này:
100K/ngày - truyền hình cáp nhiều kênh, WC sạch sẽ, có nước nóng, quạt.

Ban đầu hỏi cô chủ rằng ở đây có wifi không thì cô ấy khẳng định là có, nhưng phải xuống dưới nhà xài vì trên lầu yếu lắm. Tắm táp xong, mày mò tẩn mẩn hoài chả thấy song wifi đâu cả: hóa ra "wifi" theo ý cô là... internet! He he, qua đò rồi.

Có điều nhà chủ sẳn sàng mở máy dưới phòng khách cho mình truy cập mạng thoải mái, free.
< Trước khách sạn chính là QL20, từ đây đến ngã tư công viên hồ là khu trung tâm của thị trấn.
< Nhà thờ Madagui gần đó, sáng sớm nào cũng nghe đổ một hai hồi chuông - bảo đảm không dậy muộn.
Ra ngã tư trung tâm có chợ, tạt vào làm bậy tô bún riêu 15k, thường thôi nếu không nói là dở.
< Cái này mới là món độc chiêu: Bánh xèo miền Trung nhỏ nhỏ 2k/cái - ăn thử một dĩa 5 cái là bảo đảm muốn làm thêm vài dĩa.


Chẹp chẹp: giòn tan nhưng có cái ngộ là cô hàng dọn ra chung với dĩa rau sống và bánh tráng. Bánh tráng làm gì vậy cà? Hóa ra khi ăn người ta dùng bánh tráng cuốn lại, thêm rau sống và chấm nước mắm.
Lộn xộn quá nên mình ăn kiểu miền Nam: gắp và chấm, ngon tê mỏ!
< Khu trung tâm Madagui sắp vào đêm. 

Thị trấn thưa người, nghe nói chỉ sau 9 h là vắng hoe. Xem ra mức độ "xôm tụ" thì ở đây không bằng thị trấn Đạ Tẻh.
Vậy càng phẻ, dễ làm một giấc ngủ dài để sáng hôm sau: bọn này sẽ trực chỉ Đạ Tẻh rồi truy tìm tông tích những thác hoang sơ đẹp nhất tại đây.
Đêm binh yên...

Còn tiếp

Điền Gia Dũng

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20