Theo thông tin từ mạng thì Phan Rang - Tháp Chàm cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km, cách Đà Lạt 110 km, cách Nha Trang 105 km và cách Hà Nội 1388 km.

< Sắp đến cầu Đạo Long.

Phía Bắc giáp huyện Bác Ái và huyện Ninh Hải, Tây giáp huyện Ninh Sơn, Nam giáp huyện Ninh Phước còn Đông giáp biển Đông.

Là một thành phố thuộc tỉnh Ninh Thuận, Phan Rang - Tháp Chàm có khí hậu khô ráo và thuộc hàng "nắng nóng nhất nước", vì vậy dân phượt có câu nhớ nằm lòng "Nắng như phan, nóng như rang" đấy. Với bọn mình thì Phan Rang và vùng phụ cận có nhiều ngọn núi đá đẹp, nhiều cồn cát (nhưng hồn của cát không bằng Mũi Né đâu) và những tháp Chàm độc đáo cùng nhiều cái độc khác nữa - Chính do vậy nên đích cuối cùng bọn mình đã chọn nơi đây.
.
Trong các chuyến đi trước kia bọn mình cũng từng chạy ngang qua thành phố này nhiều lần nhưng ngủ nghỉ,  khám phá thì lần đây là lần đầu tiên.

< Bồng "cục cưng" của con chủ khách sạn.

Sau khi từ QL1 rẽ vào đường Thống Nhất thì bọn mình qua cầu Đạo Long vô khu trung tâm thành phố. Cũng như đa phần tỉnh thành khác: trước kia QL1 xuyên tâm TP nhưng bây giờ thì xe Bắc Nam chạy tránh theo đường Lê Duẩn phía ngoài.

Ngõ rẽ đầu tiên mình quẹo vào Ngô Gia Tự - trên con đường hình cánh cung này có khách sạn Tịnh Nguyệt mà dân phượt từng biết, từng ở vì có giá vừa phải.
Tuy nhiên do bọn mình thích ở gần biển nên sau một hồi nghiên cứu bản đồ trên cái máy tính bản cùi bép, mình quẹo phải hướng về phía Đông theo con đường thênh thang 19 tháng 4. Đường này qua nhiều công viên, quảng trường rộng lớn, thẳng đuột và kéo dài tới tận biển.

Rẽ tiếp con đường Yên Ninh chạy dọc theo biển, bọn mình tìm chổ trọ. Khách sạn khá nhiều, đa phần ở bên trái còn phía phải là một vài KDL, resort cùng hotel Sàigòn Ninh Chữ cuối đường.
Ghé nhiều chổ khảo giá nhưng chả có nơi nào giá mềm, bét nhất là phòng 2 người, quạt (Ánh Dương) giá 200k nhưng... hết rồi.

< Khách sạn Hòa Hiệp
Khu du lịch bãi tắm Ninh Chữ - Ninh Hải. ĐT: 068.3873568 - 0903.085686

< Trước phòng nhìn ra ngoài.

Cuối cùng cũng xoay sở được một phòng 2 giường, máy lạnh, TV, WC, có sân thoáng mát với giá... 120k ở đây, vậy là ổn!
Ổn định xong chổ ở, sắp xếp gọn hành lý rồi thì bọn mình ra biển ngó một tý. Chỉ mất khoảng trăm mét đi bộ thôi.
Đoạn mà bọn này xuống lần đầu là khúc có những hàng quán tư nhân ven bãi. Vắng nên họ thấy mình là chào mời ngay nhưng mình từ chối do chỉ muốn tìm đường xuống biển.

Cát Ninh Chữ màu vàng sậm, hạt to. Mùa này sóng trung bình mà có sóng thì không thể trong vắt rồi.
Gặp hai cô gái, tay cầm xuổng làm gì đó trên bãi biển nên mình hỏi - Hóa ra các cô nàng làm chuyên gia... chôn rác!

Do khách của các quán thường bỏ rác ra biển, phần khác của những hộ dân phía trên kia thải ra, sóng theo triều dạt vào đây nên phương cách thuận tiện nhất là họ đào hố rồi chôn các thứ chướng mắt đó xuống - sau 1 lần nước lên là bãi biển lại phẳng phiu. Hoan hô các cô!
Bà kon có tắm biển thì tắm nhưng đừng đùa nghịch đào cát xây thành nhé, ke ke...

< Trên con đường nhỏ nối liền Yên Ninh và Trường Chinh. Chỏm núi khá đẹp có nhiều chùa chiền.

Chiều, bọn này trở vào trung tâm TP tìm thứ bỏ bụng. Khá xa: tính ra đoạn đường từ nơi bọn mình ở đến bùng binh Thống Nhất hơn... 7km, không có xe là pó tay!
< Bình minh trên biển Ninh Chữ.
< Biển ban mai.

Mấy cái hố chôn láng o rồi nhé...
Bọn mình ăn bánh canh cá gần chổ này, 5k/tô bình dân, rất đông khách.
< Phần biển của KS Sàigòn - Ninh Chữ.

Bên này thì người ta chăm sóc kỹ nên sạch hơn nhưng dưới nước vẫn có bọc ny lông vật vờ.
Chạy xe ra trung tâm TP, hôm nay theo kế hoạch thì mình sẽ tham quan tháp chàm Po Klong Garai.
< Những khoảnh trống trên đường Yên Ninh chờ các đại gia đầu tư.
< Đường 23 tháng 8 hướng về tháp chàm. Đi theo đường này sẽ tới đèo Ngoạn Mục, Đà Lạt.
< Cổng di tích tháp Po Klong Garai.

Mình đi gởi xe còn pà xã mua vé vào tham quan.

Tháp trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, phía dưới là dãy nhà trưng bày trong khuông viên khá đẹp.
Tháp Po Klong Garai là tên gọi chung cho một cụm tháp Chàm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam. Tọa lạc trên đồi Chok Hala hay còn gọi núi Trầu gần ga Tháp Chàm, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chừng 7km về phía Tây Bắc, tháp Pô Klông Garai nguyên là một cụm tháp có mặt quay về hướng Đông gồm ngôi tháp chính và 5 tháp phụ lớn nhỏ khác nhau.
Cụm tháp được vua Simhavarman III xây dựng vào cuối thế kỷ XIII và hoàn thành vào đầu thế kỷ XIV để thờ vua Pô Klong Garai (1151 – 1205), người đã có công lãnh đạo dân tộc Chăm đương cự với ngoại xâm, bình ổn đất nước và phát triển nông nghiệp, được người Chăm suy tôn như vị thần thủy lợi.
Do sự tàn phá của thời gian, các tháp ở góc Tây Nam và Đông Bắc đã bị sụp đổ từ lâu, hiện chỉ còn ba ngôi tháp xếp theo thứ tự: tháp Cổng (Kalan tabah bibang), tháp Lửa (Thang cuh yang apui) và tháp Chính (Kalan Pô) được giữ gìn và trùng tu khá tốt. Công trình này được các chuyên gia khảo cổ đánh giá là có trình độ kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc đạt đến đỉnh cao.
< Trên tháp nhìn mênh mông một khoảng trời bao la...
< Tường rào bao quanh khu vực tháp bằng gạnh đỏ màu sắc phù hợp cảnh quan.
Trong Tháp chính, có tượng của vua Po Klong Garai  được tạc bằng đá vào Linga. Ở mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được trang trí bằng các hoạ tiết đá, gốm với hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần...
Mình lên tháp vào đúng ngày ông Đông Nở - "Tù trì" tháp (ông người Chăm ở làng Phước Đồng - TP Phan Rang) lên trông coi và quét dọn tháp, các du khách vây quanh.
< Nắng Phan đổ lửa...
< Bên kia thế giới.

Di tích tháp Po Klong Garai gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm. Hàng năm, vào các dịp lễ Katê (năm mới theo lịch Chăm, khoảng tháng 10 dương lịch), lễ Kamôn… nơi đây trở thành nơi diễn ra các lễ, hội chính của người Chăm trong vùng.
< Núi non trùng điệp một cõi...
Mãn nhãn rồi, bọn mình rời tháp chàm về lại Phan Rang.

Đường lên xuống đang được nâng cấp, gạch đá vây quanh.
< Sau khi dạo quanh và tìm tòi một hồi, bọn mình qua bữa trưa tại quán này - Ngay góc đường Quang Trung & Thống Nhất: thức ăn ngon, quán sạch sẽ và giá phải chăng. Nơi đây thành chốn ăn chính của bọn mình mấy ngay sau.


Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Điền Gia Dũng - Blog Du lịch, GO!