Rời thác Pongour, bọn mình trở ra QL20 rẽ phải hướng về Đại Ninh, tại đây sẽ có đường rẽ đi Tà Hine, Da Kra, qua đèo Đại Ninh để đi Bắc Bình - Phan Lâm - Phan Sơn rồi đến Lương Sơn. Chắc chắn là đoạn này cũng sẽ quạnh vắng như bao con đèo vắt ngang dẫn từ miền núi ra biển như QL55, QL28... mà mọi lần mình đã đi.

< Trở ra QL20, hướng về Đại Ninh.

Trong web "Hội đập lớn và phát triển nguồn nước VN" có nhắc về thủy điện Đại Ninh, mình tóm lược lại như sau:
Hồ thủy điện Đại Ninh nằm ở xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có diện tích khoảng 4.000 ha, cao trình nước lúc đạt đỉnh tới 879,5 m³, cách Đà Lạt chừng 50 km theo đường đi thị trấn Bảo Lộc.

< Qua cầu, cây cầu cũng mang tên Đại Ninh.

Dự án Thủy điện Đại Ninh thuộc hệ thống bậc thang của sông Đồng Nai, nằm trên sông Đa Nhim, cách TP HCM 260 km, công trình đầu mối nằm trên địa phận xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Được khởi công từ ngày 10/5/2003, thủy điện Đại Ninh là một công trình vừa cấp phát điện cho hệ thống điện phía nam và dẫn nước từ lưu vực sông Đồng Nai về cho Bình Thuận.
< Qua cầu vài kilomét thì gặp nhánh rẽ, tuy nhiên đây là nhánh vào đập. Còn đường đi Tà Hine chưa đến đâu.
< Trường Trung học Cơ sở Ninh Gia.

Kết nối nguồn nước giữa sông Đa Nhim và sông Đa Queyon (điều này làm đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên), hồ chứa nước thủy điện Đại Ninh rộng 2.000 ha được hình thành qua hai đập chính cao gần 60 mét, 4 đập phụ, hai đập tràn sự cố và một kênh nối thông giữa hai hồ, dẫn nước từ sông Đồng Nai thuộc tỉnh Lâm Đồng tạo thành hồ chứa với tổng dung tích 320 triệu m³ nước, ở cao trình khoảng 640 mét thuộc địa phận huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), cách thành phố Đà Lạt khỏang 40 km.

< Bầu trời như bạn thấy: đầy mây mù nhưng vẫn nắng, không mưa.

Nước từ hồ chứa Đa Nhim và Đa Queyon sẽ được dẫn về Nhà máy Thủy điện Đại Ninh qua một đường hầm áp lực dài 11,2 km xuyên trong lòng núi và đường ống thép áp lực dài 1,8 km, đường kính 3,2 mét, với lưu lượng nước thiết kế qua tất cả các tua bin là 55 m³/giây phục vụ cho hai tổ máy phát điện tổng công suất lắp đặt là 300 MW (mỗi tổ máy 150 MW), cung cấp sản lượng điện hàng năm 1,2 tỷ kWh.
< Gặp một ngã 3 lớn hơn, mình tấp lại hỏi người ven đường cho chắc ăn - Qủa đúng là đường đi Lương Sơn.
Bọn mình rẽ trái vào đó...

< ... và trực chỉ hướng ngã 3 Tà Hine - Ninh Loan. Đường nhỏ nhưng khúc này rất tốt khiến bọn mình phấn chấn...
Nhưng lầm to!

< Chạy một đỗi thì thấy bờ đê phía trái đường, triền đê trồng cỏ thành ô ca rô khá đẹp.

Nhà máy Thủy điện Đại Ninh vận hành, ngoài việc bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia, nước xả từ thủy điện Ðại Ninh còn là nguồn năng lượng phục vụ cho thủy điện Bắc Bình với công suất khỏang 33 MW trong tương lai và cung cấp luợng nước đáng kể cứu cho hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp có nguy cơ sa mạc hóa ở huyện Bắc Bình và Bắc thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).
< Trên đê là đường, có cổng chắn cấm vào. Đây là hồ thủy lợi Đại Ninh.

Nước sau thủy điện Ðại Ninh và thủy điện Bắc Bình đổ ra suối Mác Tin, nhập cùng dòng sông Ða Ka Chu (Ta Mai) ở thượng nguồn sông Lũy, rồi xuôi về biển. Ðể tận dụng nguồn nước này, cuối tháng 5-2006, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết giai đoạn một...
< Hồ rộng, chụp đẹp nếu có trình độ và gặp đúng thời cơ, vị trí tốt (đây là ảnh trên mạng).

Nhiệm vụ của dự án (giai đoạn một) là cấp nước tưới cho 15.700 ha đất canh tác thuộc đồng bằng Phan Rí, cấp nước phục vụ dân sinh và cải tạo môi trường trong khu vực.
< Còn 'nửa kia' chỉ tranh thủ vào và bấm vài phát nên chỉ được thế này thôi, hi hi...

Bắc Bình là vùng khô hạn nhất tỉnh. Cuối tháng 12-2005, tỉnh Bình Thuận đã khảo sát xây dựng đập dâng nước Bắc Bình (dài 140 m, mặt đập rộng 1,5 mét) tại thôn 3, xã Phan Sơn, nhằm ngăn dòng sông Lũy, chảy qua tuyến kênh đào dài 14 km dẫn nguồn nước xả sau thủy điện Đại Ninh về hồ chứa Cà Giây.
< Còn mình vẫn tít phía trên đường, đang 'bốc phét'.

Khi tổ máy thứ nhất của thủy điện Ðại Ninh hoạt động, công trình này sẽ tiếp nguồn nước có lưu lượng nước từ 8 đến 12 m³/giây để đưa về hồ Cà Giây, nâng năng lực tưới của hồ lên khỏang 8.000 ha, gấp 2 lần năng lực thiết kế.
< Nghỉ chân ít phút rồi lại đi, đường vẫn rất ok khiến lòng mình nhẹ nhõm.

Cùng với tiến trình xây dựng đập đầu mối sông Lũy đưa nước về hồ Cà Giây, ngành thủy lợi tỉnh Bình Thuận cũng đã khảo sát và nâng cao đập 812 ở hạ lưu sông Lũy từ 1,4 m lên 2,4 m và mở rộng từ 1 lên 3 cửa cống tưới tải nước về cho kênh Úy Thay với lưu lượng nước qua mỗi cống 3 m³/giây.
< Nhưng đến cầu Đakra (Km3+795.6) là bắt đầu 'thấy ghê'.

Ðồng thời, hệ thống cống sẽ đưa nước từ đập 812 về tưới cho khoảng 2.000 ha ruộng “ăn” nước trời thuộc xã Lương Sơn, Sông Bình và bổ sung nước cho đập Ðồng Mới ở khu vực hạ lưu. Khi Thuỷ điện Đại Ninh đi vào vận hành, thì đồng nghĩa hai công trình thủy lợi này cũng phát huy hiệu quả và mang lại tiềm năng kinh tế rất lớn cho một vùng khô hạn, hàng năm chỉ sản xuất một vụ bấp bênh, thậm chí không có nước cho gia súc uống vào mùa khô...
< Mặt đường nhưa rất nhiều đoạn bị bóc đi và thế bằng đá to đá bé...

< Dẫu cảnh có đẹp nhưng cũng không có thời gian thưỡng lãm: Xế ngồi trước căng mắt né đá, ôm ngồi sau cũng hồi hộp ngại tránh không xong.

< Vô số đoạn như thế này, tiếc cho cái bê tông nhựa cũ, he he...

Mặt tích cực của thủy điện Đại Ninh trên lý thuyết là hoàn hảo nhưng mặt tiêu cực thì không được nhắc đến, chỉ biết rằng thủy điện đã làm biến mất thác Gougah trong mùa mưa, giảm nước và dòng trong mùa khô (thác ngập mất khi hồ tích nước - mùa khô hai dòng chỉ còn một).
< Những đồng lúa nho nhỏ ven đường. Còn trên các triền đồi là cà phê và điều.

Còn thác Pongour một thời chết đứng vì khô nước (may mà cuối cùng người ta cũng tạm khắc phục được phần nào). Riêng thác Liên Khương (hay Liên Khang - Liên Khàng theo tiếng K’Ho) biến mất cũng chưa rõ nguyên nhân chuẩn xác.
< Không có bất cứ một phương tiện thi công nào tại đây. Vậy có lẽ diện mạo con đường Đại Ninh sẽ 'trường kỳ kháng chiến' trong diện mạo này.
Ảnh là lúc đang lên dốc...

< ... rồi lại xuống đồi, dốc kế cận tiếp nối ngay phía trước...

Nhưng thôi, không nói về chuyện 'thủy điện' nữa vì nghe chán lắm. Trên con đường này, bọn mình đang hướng về Ninh Loan, một xã thuộc huyện Đức Trọng. Các xã kề cận là Tà-In (Tà Hine), Tà Năng, Tà Nhiên và Đà Loan.
< Gặp 'xe buýt' đang chạy ngược chiều: máy cày kéo cái thùng xe...

< Những đường cong điểm xuyến bằng các ổ gà được cắt vuông góc liên tục xuất hiện...

< Một nhóm người địa phương đang trồng trọt trên đồi, có lẽ phát quang làm rẫy.

Trước năm 1991, vùng đất này còn hoang sơ, dân cư chủ yếu là người đồng bào dân tộc (Người Churu), và hai khu Kinh tế mới (dân nghèo từ thành phố Đàlạt xuống và dân một số tỉnh phía Bắc vào). Cuộc sống còn nghèo trong khi địa bàn quá rộng nên ngay cả người trẻ khỏe cũng thấy khó khăn trong việc di chuyển, đó là chưa kể những khi trời mưa bão, nói chi đến những người bệnh tật đau yếu.
< Lại một đoạn cho hai kẻ lãng du 'bơi đá', tốc độ khi vào các khúc này chỉ tầm dưới 30km. Vậy nhưng lòng vẫn lo: đá chém một phát vào vỏ là teo!

< Đa phần đồi chung quanh là cây công nghiệp, còn rừng núi thiên nhiên có lẽ đã đi từ thuở nao...
Bạn xem ảnh 'đường khúc nắng, khúc u u' đây.

< Trông cái 'eo' này lại nhớ đến địa danh Eo Gió Nghĩa Hành - Minh Long.

Ngày nay, đường giao thông đã xuyên suốt mọi xã, nhờ sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao, trong đó có việc thâm canh hàng ngàn ha cà phê, phát triển 6 mô hình nhà lưới, nhà kính sản xuất rau, hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, thâm canh các giống cây ngắn ngày như bí đỏ, su hào… và đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp - xây dựng…
< Trong lúc mãi mê vật lộn với đường rải đá lưng tưng thì một ngã 3 xuất hiện trước mắt: Lối vào thác Bảo Đại đây rồi!
Phía nhánh rẽ trái cũng có bảng hướng dẫn và giới thiệu về thác trên.

< Qua trụ sở công an địa phương ngay ngã 3 chừng trăm mét là vắng thưa nhà dần.

6 tháng đầu năm nay xã Ninh Loan đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,23%. Cùng với hạ tỷ lệ hộ nghèo, tới cuối tháng 6 vừa qua, Ninh Loan đã đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới, 98% số hộ trong xã được sử dụng nước hợp vệ sinh và được dùng điện lưới quốc gia, thu ngân sách nhà nước đạt 549,1 triệu đồng - bằng 58% kế hoạch năm 2012.
< Quanh co một vùng đất đỏ Tây nguyên.

Cùng với phát triển kinh tế, tới nay, trên 80% số hộ trong xã đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% số thôn (7 thôn được phúc tra công nhận và 1 thôn được công nhận mới) đạt danh hiệu “Thôn văn hóa” và 100% số cơ quan, trường học… đạt danh hiệu “Cơ quan văn hóa”.
< Bọn mình lại gặp một ngã 3 kế tiếp. Nếu bạn có đi thì đừng ngại vì phía trước cũng có bảng chỉ đường. Tấm bảng màu xanh dương chỉ mũi tên đường vào thác, vậy nếu quẹo phải sẽ đi Đà Loan.

< Gần đó có trạm Y tế xã Tà Hine.

< Đoạn đường thẳng, vẫn kéo dài lên vài dốc...


Mục tiêu của Ninh Loan là tới cuối năm nay, sẽ hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 - 30 triệu đồng/người/năm, tăng trưởng GDP trên 13%.

< ... và xuống vài đồi. Hai bên là cụm dân cư của người Churu.

< Cuối cùng thì cũng đến nơi: Khu Du lịch thác Bảo Đại.
Nhìn hai cánh cổng đóng im ỉm, bọn này nhủ thầm: chắc toi rồi!
Phía trong có một cô bé đang chăn mấy con bò, phía ngoài có tấm bảng ghi nguệch ngoạc "khách vô thăm thác gọi số ĐT 090.... để mở cổng".
'Nửa kia' ngoắc cô bé và hỏi "vào được không bé" thì nhận được cái gật đầu - Cô chủ đàn bò mở cổng bên cho bọn mình vào.

Phẹc, sao cái khu du lịch gì vắng tẻo teo vậy cà?

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!