Thác Voi còn có tên là thác Liêng Rơwoa, thuộc thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng - nằm trên dòng suối Camly.

< Bọn mình dựng xe dưới mái hiên rồi mua vé vào, giá chỉ 5k/vé - xe free.

Thác nằm cách Đà Lạt chừng 25km với chiều rộng khoảng 40m, chiều cao hơn 30m. Dưới chân thác có những tảng đá như chú voi con nên có tên gọi là thác Voi. Thác Voi ngày đêm ầm ầm đổ nước tạo nên những âm thanh như tiếng gầm của thú rừng. Đây là một trong số ít thác còn giữ được nét hoang sơ của miền đất Tây Nguyên. Năm 2001 thác Voi đã được công nhận là di tích - thắng cảnh quốc gia.

< Bảng công nhận di tích cấp quốc gia của bộ Văn hóa - Thông tin. Trên đỉnh thác có rào chắn tránh người vượt qua. Trong thực tế thì ngay mép vực chụp sẽ đẹp nhưng có bảng cấm mà vượt qua thì kỳ quá nên thôi.

Thác Voi có diện tích 1.466m² bao gồm thác nước, suối và rừng tái sinh, nằm lọt thỏm trong đáy “yên ngựa” của 2 sườn núi tạo thành. Ngút tầm mắt là rừng đại ngàn với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân và cành chằng chịt dây leo. Giữa mênh mang, lớp lớp cây rừng mầu xanh ngắt hoặc điểm xuyết những chòm lá đỏ rực như lửa, những thảm hoa màu vàng tươi hoặc tím biếc đẹp đến lạ lùng.

< Những bậc thang đầu tiên xuống phía dưới. Kế đó sẽ qua chiếc cầu nhỏ bằng sắt lót ván.

Phía sau dòng thác trắng xóa đang tung bụi nước mù mịt là những hang động sâu hun hút đầy bí ẩn. Đó là hang Dơi ăn sâu xuống lòng đất đến 50m với những vách đá có các hình thù, mầu sắc rất lạ mắt. Rễ cây và dây leo đan xen chằng chịt, càng xuống sâu, hang càng tối nhờ nhờ và lạnh lẽo như động của phù thủy. Đó là hang Gió với lối vào rất hẹp nhưng bên trong khá rộng, vi vút tiếng sáo gió trời.
< Rồi sẽ đến những 'nấc thang' vừa thiên nhiên, vừa nhân tạo này trên vách đá dựng đứng.
'Nửa kia' của mình thấy... dội. Mãi đến sau khi mình dụ một hồi thì mới cùng nhau men xuống.

Muốn biết khởi nguồn của ngọn thác ta phải ngược dòng đi lên chừng 12 km, vượt qua 3 ngọn đồi đến chân dãy Tam Điệp. Tại đây vào mùa mưa có một mạch ngầm đùn lên dòng nước trong xanh, mát lạnh trong một mó nước rộng chừng miệng giếng làng.
< Nhưng xuống chỉ đến đây thôi. Vậy là 'một mình ên' mình đi tiếp.
Lối phải vắng teo, mình trèo lên gặp ngay một cặp trai gái đang say đắm cái 'tình thương mến thương! Chẹp, nhìn quanh cũng không thấy lối đi tiếp nên trở xuống và men theo lối trái.

Từ mó nước này, nước tràn trề lúc chia thành từng dòng nhỏ, len lỏi dưới những gốc cây rừng, lúc họp nhau lại thành dòng, lững lờ, chậm chạp chảy qua những đồi mía.
< Hóa ra "đi" là phải thế này: cứ trèo theo các gờ đá nhỏ.
Một nhóm khách Hàn, có cả những phụ nữ lớn tuổi vẫn xăm xăm bước vào sâu.

Nước qua Thung Lụt, đổ về Thung Vả, chảy qua Khe Cạn, đuổi nhau về Khe Vả, cuối cùng về đến Thác Voi, chừng như biết đã đến đích của cuộc hành trình, nước chảy tràn trên lớp đá trầm tích, đá biến chất đỏ vàng đã được mài nhẵn nhụi, chúng đuổi nhau rộn rã, róc rách dưới những gốc sung cổ thụ, rồi từ độ cao chừng 5m chúng họp nhau lại, chia làm 2 dòng bạc trắng ầm ầm đổ xuống.

< Đây là một trong những bậc đá được xây thêm tốt nhất.
Mình đi sâu vào một đoạn, ướm từng bước chân. Tuy nhiên do mang dép nhựa mềm nên khá trơn, cái sự 'trơn tuột' này khiến mình ngần ngại nên buột phải... trở ra. Cơ hội cả... năm mới có được một lần bay vèo theo dòng nước!

< Những khe nước chảy phía dưới.

Bọt nước tung trắng xóa, 2 dòng thác đêm ngày không ngừng nghỉ như một con rồng hai đầu đang phun nước, xung quanh những tán vả, tán sung lúc nào cũng ướt đẫm hơi nước, xanh mướt, không ngừng lay động.
< Trên là bầu trời xanh.

Vào những năm 1995 trở về trước, khi ấy để xuống dưới chân thác này thì phải bám theo những rễ cây rừng bám trên những vách đá dựng đứng để xuống, tuy rất khó khăn và nguy hiểm nhưng tạo cho chúng ta một cảm giác thích thú vì sự khám phá và chinh phục.
< Một nhóm khách khác lại vào, họ cũng là người nước ngoài, châu Á.
Mình tiếc, lại muốn leo xuống lần 2... nhưng nghĩ tới nghĩ lui rồi lại thôi.

Ngày nay muốn xuống chân thác, du khách phải chinh phục 145 bậc cấp vòng vèo và trơn trượt: khi là những bậc đá thiên tạo lẫn nhân tạo ăn vào vách núi cheo leo, lúc là các tấm ván của chiếc cầu gỗ xinh xinh chênh vênh bên bờ vực thẳm.
< Phía xa xa, một nhóm khách Tây đang ngắm nhìn thác Voi ở vị trí lưng chừng...

Nước từ thác đổ xuống tràn trề, xối xả, hơi nước tạo thành một màn sương mờ, làm du khách không khỏi reo lên thích thú trước cảnh tượng thiên nhiên đẹp một cách hoang sơ, kỳ thú.
< Nếu xuống tận cùng, nhìn thác mặt chính diện sẽ thấy thế này đây. Những hòn đá rêu phong dưới chân thác tựa như những chú voi. Dưới nữa sẽ là những hang ngầm...

Dưới chân thác và trong cánh rừng già, thiên nhiên đã tạo dựng một số tảng đá lớn có hình thù hệt như những con voi. Thế nên, tiếng thác đổ ầm ào khiến người thưởng ngoạn tưởng như có một đàn voi chạy đua hoặc tung vòi phun nước đùa nghịch với nhau.
< Ở một góc nhìn khác phía lưng chừng.

Theo truyền thuyết ngày xưa, có một vị tù trưởng của vùng núi Jơi Biêng có cô con gái rất đẹp. Mỗi khi sơn nữ cất giọng hát thì lá rừng thôi xào xạc, đàn chim ngừng tiếng hót để lắng nghe. Người yêu của nàng là con trai của tù trưởng làng bên. Chàng được nhiều người yêu mến, quý trọng không chỉ bởi vóc dáng vạm vỡ, khuôn mặt khôi ngô mà còn vì sự gan góc, dũng cảm ít ai sánh kịp.

< Zoom lại gần tý nữa...

Họ đã trao lời hẹn ước nên duyên chồng vợ song chàng trai phải lên đường giết giặc và rồi nhiều mùa trăng trôi qua mà chẳng thấy quay về. Cô gái đau khổ tìm đến ngọn núi hoang vắng mà trước kia họ từng hò hẹn, cất tiếng hát tha thiết, sầu thảm với hy vọng người trong mộng tìm về chốn xưa. Tiếng hát khiến loài chim B'ling xúc động. Chúng rủ nhau bay đi thật xa để dò la tin tức rồi về báo cho nàng biết là chàng trai đã hy sinh ngoài chiến trường.
< Còn bây giờ thì phải lên, nhìn ngắm hoài chắc một hồi lại lê lết xuống lần 2...

Thế nhưng, sơn nữ vẫn không chịu chấp nhận sự thật phũ phàng đó. Nàng cứ hát, hát mãi cho đến khi kiệt sức, ngã quỵ và không bao giờ gượng dậy được nữa. Đàn voi phủ phục nghe nàng hát bấy lâu nay cũng hóa đá lặng câm. Bỗng có tiếng nổ lớn, trời đất rung chuyển khiến ngọn núi gãy ngang và một dòng thác đột ngột tuôn chảy, tung bọt trắng xóa...
< Một nhóm bạn trẻ từ dưới thác mới lên. Một cậu nói 'Chụp con một kiểu đi cô', dzị là chụp - sau này muốn xem thì vào Dulichgo coi vậy nhé.

... Tiếng thác nước rì rầm hòa cùng tiếng xào xạc của rừng cây, tiếng líu lo chim hót như tiếp nối lời ca, tiếng đàn của sơn nữ xinh đẹp, thủy chung. Người K'ho bèn đặt tên cho thác là Liêng Rơwoa Jơi Biêng - thác của những con voi phủ phục hóa đá trước tình yêu nồng nàn, son sắt.
< Nhìn phía trên lại lần nữa, nước của thác Voi chảy rất dữ dội - nguồn nước từ suối Cam Ly mà bọn mình đã qua trên những chiếc cầu lưới sắt.

Một câu chuyện khác nữa mà người già nơi đây kể lại rằng: Khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc, khi vượt dãy Tam Điệp đã tình cờ phát hiện ra một mó nước lớn giữa rừng, ông đã cho đàn voi chiến của mình xuống mó nước tắm, nghỉ ngơi.
< Bây giờ thì qua chùa Linh Ẩn Tự ở lối đi kề cận bên. Lối thông qua bằng một chiếc cầu nhỏ, ván lát khá ộp ẹp...

Sau khi tắm ở mó nước, đàn voi nhanh chóng hồi sức, chúng thích thú rống lên vang dội núi rừng. Mó nước không tên kể từ đó được gọi là Hốc Voi, về sau khi khu du lịch sinh thái được hình thành thì đổi thành thác Voi, nơi người địa phương vẫn gọi là thác Liêng Rơwoa.
< Sân trước chùa lát đá hộc, rất rộng.

Nói về ngôi chùa tại đây: Chùa Linh Ẩn Tự tuy ở chốn “thâm sơn cùng cốc” nhưng kiến trúc Linh Ẩn tự vẫn toát lên vẻ hiện đại và thân thiện với thiên nhiên. Toàn bộ diện tích đất hơn 4 ha của chùa được phủ xanh với những loại cây rừng như gió, sộp, si, bằng lăng…
< Góc nhìn bên phải...

Nơi hoành tráng nhất của chùa là Tòa chánh điện (khởi công năm 1999), rộng trên 1.400m², lợp ngói đỏ. Phía tiền điện, hai bên bậc cấp dẫn lên chánh điện nội là hai con rồng tinh xảo đắp bằng xi măng dài 20 mét.
< ... và phía trái chùa. Không khí xung quanh thật thanh tịnh.

Còn sau những nhành hoa bằng lăng tím nở trái mùa, trên nền trời trong xanh, tượng Di Lặc sừng sững hiện ra, tượng cao 12,5m, rộng 6,5m, ngang 9m (chiếm trên 630m³  không gian). Bên trái vườn dựng tượng Thích Ca thành đạo, vườn Lâm Tỳ Ni…
< Một cậu bé mặc áo nâu sòng đang săm soi chiếc dép.

Trong khuya vắng, tiếng chuông chùa thời kinh tịnh độ thi thoảng ngân vang hòa cùng tiếng thác rì rầm đổ khiến không gian trở nên yên ả, thanh tịnh lạ thường. Nếu chỉ một đêm, một đêm sống nơi già lam nghiêm tịnh của miền rừng núi Lang Biang thì chắc chắn lòng người sẽ nhẹ tênh như vứt bỏ mọi phiền muộn của cuộc sống bon chen thường nhật và thức dậy miệng không khỏi mỉm cười...
< Sân sau chùa có khá đông các cô cậu bé đang vui chơi. Có lẽ các em tham gia 'Khóa tu mùa hè tại chùa'.

Linh Ẩn tự cách thành phố du lịch Đà Lạt 22 km, từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách, đặc biệt là du khách Tây phương ưa mạo hiểm, thích khám phá và tận hưởng sắc màu Đông phương. Chùa Linh Ẩn cách TP.HCM khoảng 300 km, cách Buôn Ma Thuột chừng 200 km và cách Phan Thiết chưa tới 200 km.
< Bọn mình ngồi ghế đá nghỉ chân ở sân trái chùa. Nắng nhưng không quá nóng, mệt đôi chút chắc do đi và leo trèo nhiều.

Du khách đến với Linh Ẩn tự ai cũng trầm trồ khen ngợi vị sư trụ trì, thượng tạo Thích Tâm Vị - khi ngài có con mắt tinh tế khi chọn địa thế để xây dựng ngôi chùa cho bà con người Hà Nội đi xây dựng kinh tế mới ở Lâm Hà (Lâm Hà ghép từ hai địa danh Hà Nội và Lâm Đồng).
< Phẻ rồi thì trở về lại bên thác Voi. Bọn mình vào tán chuyện cùng cậu bảo vệ. Mình hỏi trước giờ có ai leo xuống thác bị té chưa thì anh nói: 'Có nhưng ít lắm, cả năm nay thì không có ai té'. Bụng nghĩ thầm: Dám chừng khi nãy mình xuống đến tận cùng, biết đâu làm người khách té thác đầu tiên... trong năm nay', hi hi...

< Từ giã thác Voi, bọn mình lấy xe chạy trở ra TL725 đi NThôl'Hạ. Cây cầu lưới sắt kề cận đó vắt ngang con suối Cam Ly tạo thành thác Voi.

< Sắp đến ngã 3 có tên gọi là Quang Qùy. Nắng chiều đổ xiên xiên...

< ... trên con đường khá vắng vẻ.

< Lại một chiếc cầu sắt nhỏ. Khu vực này chỉ có độc nhất kiểu cầu lưới, nhìn xuống dòng nước phía dưới thấy hay hay...

Năm 2001 thác Voi đã được công nhận là di tích - thắng cảnh quốc gia. Năm 2002, một nhóm người ở thị trấn Nam Ban góp vốn đầu tư thành lập Công ty cổ phần Thác Voi, với một dự án đầu tư đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt từ năm 2005, nhưng sau đó dự án không được triển khai.
< Những khoảnh ruộng lúa xanh rì...

Công ty cổ phần Thác Voi không đủ năng lực đầu tư mà cố tình kéo dài để chờ sang nhượng kiếm lời và chỉ rào thác, bán vé thu tiền vào cổng và đến cuối năm 2007 thì sang nhượng lại dự án này cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Bình Phát.

Hiện nay, do không được quan tâm bảo trì đúng mức, cảnh quan thác Voi đang bị xuống cấp dần. Hệ thống dịch vụ tại Thác Voi cũng còn giản đơn, cả khu du lịch hiện tại chỉ có vài nhân viên phục vụ trông coi xe cộ, bán vé.

Khách đến Thác Voi phần nhiều là học sinh, sinh viên đi tham quan trong dịp nghỉ hè, nghỉ chủ nhật. Đến tham quan Thác Voi hiện tại khách chỉ phải mua một vé vào cửa 5.000 đồng... và tương lai rất có thể lại sang tay cho một CTy khác kinh doanh.

< Cuối đường là QL27 cắt ngang, thuộc xã NThôl'Hạ: quẹo phải là đi thị trấn Đình Văn còn rẽ trái là chạy ngang sân bay Liên Khương, thị trấn Liên Nghĩa.

Lúc này đồng hồ báo 15h30, đi Đình Văn thì hơi trễ giờ về nên bọn mình rẽ trái về nhà. 'Nhà' đây là khách sạn, tức tổng hành dinh.

Buổi về nhà 'hơi bị' sớm này giúp bọn mình có dịp thưởng lãm máy bay của Hàng không Việt Nam đáp xuống sân bay Liên Khương, rồi sau đó thưởng thức cao lương mỹ vị là món 'cao su' kỳ ảo - nhưng đó là hồi sau...

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!