Đường Đại Ninh dài khoảng 90km bắt đầu từ QL20 (ngã ba Ninh Gia, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đến QL1 (ngã ba Lương Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận). Trong đó: phần đèo chính dài khoảng 15km, phần đèo phụ chừng 13km, còn lại là đường dẫn quanh co.

< Đường vẫn vắng teo, trời có nắng nhẹ nhưng không nóng tý nào - Lúc này đã là 13 giờ 31 phút ngày 6/8.

Đầu tiên: đây là tuyến đường công vụ vào nhà máy thuỷ điện Đại Ninh khi xây dựng thủy điện này, chi phí do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư nằm luôn trong gói đầu tư tổng thể xây dựng nhà máy thuỷ điện - chủ yếu để đưa thiết bị vào xây lắp nhà máy.

< Vừa nói 'vắng teo' thì bổng nhiên xuất hiện một chị phụ nữ đi ngược lại, sau lưng mang gùi. Chả biết trẻ hay trung niên vì chị ta đội nón sùm sụp, mặt bịt kín - cứ trông như ninja.

Đến khi nhà máy đã hoàn thành, tuyến đường trở thành đường dân sinh nối liền Bình Thuận - Lâm Đồng và có tên gọi là đường Đại Ninh hay đèo Đại Ninh, đèo Lò xo.

< Chạy thêm vài cây số nữa thì thấy tuyến ống dẫn nước vào nhà máy thủy điện Đại Ninh. Đây cũng là chỗ chiếc xe khách du lịch đâm xuống tối ngày 13.3.2009 khiến 10 người thiệt mạng, 16 người bị thương. Trong đó có 2 người Việt Nam, còn lại là du khách Nga.
Do vậy chốn này cũng có 2 miếu thờ nhỏ để công nhân nhà máy hay người qua đường dừng chân thắp nhang.

Nếu tính từ thành phố Bảo Lộc đến thị trấn Liên Nghĩa thì QL20 đã được nối với QL1A bằng 3 con đường (có đèo) là:
- QL55 (có đèo Lộc Nam) chạy từ thành phố Bảo Lộc (QL20) đến thị trấn Tân Minh (QL1A).
- QL28 (có đèo Gia Bắc) nối từ thị trấn Di Linh (QL20) đến thành phố Phan Thiết (QL1A).
- Đường Lương Sơn - Đại Ninh (có đèo Lò Xo) nối từ ngã ba Ninh Gia (QL20) đến ngã ba Lương Sơn (QL1A), huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

< Bất chợt mình thấy bên mé phải xuất hiện nhà máy thủy điện Đại Ninh: Trong nhà máy này có 2 tổ máy với  công xuất 350MW.
Từ gần nhà máy trở đi bắt đầu có những gương cầu tại các khúc cua gắt: Tai nạn vẫn chực chờ cả với những lái xe điêu luyện của nhà máy, có gương cầu sẽ an toàn hơn.

Đường đèo Đại Ninh (Lò Xo) khá xấu từ đoạn ngã ba Ninh Gia cho đến thôn Ninh Loan do đang chờ sửa chữa, đoạn còn lại dài hơn nối từ Ninh Loan - qua đèo chạy đến Lương Sơn thì rất tốt dù có rất nhiều khúc cua gắt và những dốc cao 10° hoặc hơn nữa.

< Vòng vo qua vài cụm núi rừng lại có một góc nhìn khác của nhà máy thủy điện và đường ống, nhìn xa cứ trông như con đường lên đỉnh núi.


< Đường vẫn rất vắng. Tính ra số xe gắn máy mà mình gặp trên đèo chưa đếm đủ cho các ngón tay!

Về cảnh đẹp trên đường: đường đèo Đại Ninh không có nhiều cảnh bắt mắt như trên những đường ngang khác như đèo Gia Bắc nhưng so với đèo Lộc Nam: có lẽ không kém. Với liên tục những cua ngoằn ngoèo cùng dốc dựng cạnh đỉnh cao, đèo Đại Ninh vẫn là con đường lý thú dành cho người thích khám phá những cung đường hiểm hóc miền Nam Trung bộ. Chính điều này cũng là lý do tạo ra hai chuyến đi liên tiếp của bọn mình từ Tây sang Đông trong vòng vài ba tháng nay.

< Một trong những cổng xả nước của nhà máy thủy điện.
Thú thật là mình có ác cảm với những cái thủy điện này do đa phần thủy điện tại VN là 'sát thủ' với thiên nhiên, kẻ hủy diệt thác nước!
Vậy nhưng từ lúc tra thông tin để viết về chuyến đi này bổng thấy lại những bài nói về cảnh phát hiện và cứu nạn của các nhân viên trực nhà máy với những phương tiện của họ, góp tay cùng công an và dân địa phương lăn lội cứu người trong đêm thì mình nguôi ngoai. Thôi, đời buộc phải thế!

< Trông như một hang sâu phía trước mặt, bạn có thấy vậy không?

Giờ mình xin nói về nơi bọn mình đang đi: Huyện Bắc Bình.
Bắc Bình là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, nằm ở phía bắc của tỉnh. Đây là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa đã đi được một chặng đường hơn 300 năm. Trải qua nhiều đời xây dựng và đấu tranh gìn giữ bản sắc dân tộc, nhân dân địa phương đã để lại cho thế hệ hôm nay những di sản tinh thần vô cùng quý giá.

< Chính thức hết đèo. Bên kia, ở chiều ngược lại có biển báo "Lái xe chú ý: đường đèo Đại Ninh dễ sạt ở đất đá, rất nguy hiểm" - Riêng bọn mình thì cảm thấy thú vị vì biết thêm một con đèo nữa.
Hết đèo thật nhưng đường tiếp nối vẫn rất quanh co với liên tục nhiều cua gắt, chỉ có điều là không còn dốc cao và vực thẳm nữa thôi.
< Gặp ngã 3 nhánh rẽ vào thủy điện Bắc Bình, nửa kia xoay người lại chụp.

Về địa lý: Bắc Bình có diện tích 2125,6 km², mật độ dân số khoảng 63 người/ Km2. Huyện bao gồm 2 thị trấn gồm Chợ Lầu và Lương Sơn và 16 xã: Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền, Bình An, Phan Hoà, Hải Ninh, Phan Rí Thành, Phan Thanh, Hồng Thái, Sông Bình, Sông Luỹ, Phan Tiến, Bình Tân, Hoà Thắng, Phan Dũng và Hồng Phong.
< Trước mặt là cầu Bản O, bản o chứng không phải bản không hay bản zero nhé.

Huyện có núi cao ở phía Bắc (1327m), sông Lũy phát nguyên từ cao nguyên Di Linh, chảy đến huyện lị thì quặt về phía đông, có phụ lưu bên trái là sông Mao Gió, có đầm Bàu Trắng, chợ quan trọng là chợ Chợ Lầu. Đường xe lửa và quốc lộ 1A từ bắc vào chạy theo lưu vực sông Lũy đến huyện lỵ rồi vào huyện Hàm Thuận Bắc.
< Qua khỏi cầu chừng trăm mét là đến khu tái định cư Phan Lâm - Phan Sơn thuộc xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Khu tái định cư với hàng trăm nóc gia, có đường nội bộ, có trung tâm cấp nước sinh hoạt, trường học, nhà văn hóa... và nhiều công trình phục vụ dân sinh khác.
Còn đất đai để bà con mình canh tác thì không biết thế nào.

< Cầu Phan Lâm phía trước. Nhìn thấp thoáng có đường dây cao thế, anten trạm điện thoại..., dzị là có thể alô!

Xét về góc độ văn hóa, Bắc Bình là nơi hội tụ của 16 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có ngôn ngữ, văn hóa khác nhau tạo nên sự sinh động, đa dạng. Xét về góc độ lịch sử, toàn huyện có 17 xã thì đã có 5 xã được phong tặng danh hiệu lực lượng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

< Một ngọn núi nho nhỏ, phía dưới là rẫy bắp đang trổ cờ.

Sự tôn vinh và truyền bá những giá trị tinh thần của cha anh đi trước đã tạo cho Bắc Bình một khí thế mới trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Bắc Bình là nơi bảo lưu dòng văn hoá Chăm Pa đặc sắc. Vị công chúa cuối cùng của hoàng tộc Chăm Pa, người dân địa phương gọi bà là Bà Thầm, bà mất khoảng năm 1997.
< Từ đây đến QL1A còn 26km nữa, không còn xa. Tính từ nhà máy thủy điện xuống tới đây là địa phận của huyện Bắc Bình.

Dòng văn hoá Chăm có những giá trị nghệ thuật đỉnh cao trong đó điển hình nhất là nghệ thuật múa vẫn còn lưu giữ đến ngày nay và phát huy rộng rãi. Tiến sĩ nghệ thuật múa Đặng Hùng là người đã sống nhiều năm tại đây và nghiên cứu bảo tồn, phát huy nền nghệ thuật múa Chăm, các thể loại múa quạt, múa đội nước, múa Siva (cung đình) và nhiều thể loại khác đã từ lâu xứng tầm nghệ thuật bác học.

< Từ khi xuống lưng lửng đèo là mình bắt đầu nhận thấy cái nóng của miền đồng bằng ven biển: không còn cao nguyên nữa rồi.

Huyện Bắc Bình có 3 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm gồm Phan Hòa, Phan Hiệp, Phan Thanh và 3 thôn xen ghép có người Chăm sinh sống là thôn Lương Bắc (xã Lương Sơn), An Lạc, An Bình (xã Bình An). Đồng bào Chăm ở huyện Bắc Bình gồm hơn 3.280 hộ với chừng 25.000 dân.
< Phút dừng chân (à, dừng xe chứ!) ngơi nghỉ: mấy chuyến gần đây bao giờ cũng đổ xăng đầy bình do không phài bỏ xe lên openbus nên không ngại 'hết xăng - trong khi đó: bọn mình cần 'nạp nước', nắng nóng quá mà - từ cao nguyên xuống vẫn chưa kịp thích nghi.

< Bảng ghi: chạythẳng là QL1A = 18km, rẽ trái là 'Bắc Bình', chả phải mình trong địa phận Bắc Bình gần 2 tiếng rồi sao?

< Mạch núi non vùng cao vẫn còn luyến tiếc kéo dài đến khúc này, nhưng không còn cao...
Phía phải mình là núi Một đấy, chả biết vì sao lại có tên đó.

Đồng bào dân tộc Chăm ở đây theo 2 tôn giáo chính là Bà La Môn và Bà Ni (Hồi giáo); trong đó có hơn 8.900 người theo đạo Bà La Môn. Cả hai tôn giáo này hoạt động vừa mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống. Ở huyện có tất cả 13 sư cả, 4 thầy xế, 62 vị mươm, 85 thầy chang, 30 mươm cả.
< Bổng nhiên xuất hiện những chướng ngại phía trước: những mấy tiểu đội bò, waoo! Muốn qua phải xin phép các ông 'ừm booo...'.

< Quang cảnh đột nhiên thay đổi với hai bên là rừng cây, cây bụi um tùm.

Các vị chức sắc, sư cả rất có uy tín, luôn được đồng bào Chăm quý trọng. Họ nói dân nghe, dân làm theo. Các vị chức sắc, tôn giáo này không chỉ là những người có kinh nghiệm nhất mà còn là những người có khả năng vận dụng những kinh nghiệm đó vào thực tiễn để giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của cuộc sống.
< Một trái núi nhỏ khá đẹp, không tên.

Sư cả được coi là người đứng đầu của mỗi làng Chăm. Các vị chức sắc, sư cả là người am hiểu luật tục cũng như tâm tư, nguyện vọng của mọi người sống trong cộng đồng và được dân làng bầu lên để giải quyết những xích mích, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Ngày nay, họ còn là người vận động, giải thích và thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng với mọi thành viên trong thôn, làng tham gia xây dựng cuộc sống mới.
< Bất chợt xe mình lên một dốc rất cao... và xuất hiệm một chiếc cầu, cầu gì cao dữ vậy cà?

< Hóa ra cầu vắt ngang đường rầy xe lửa Bắc - Nam.

Về tài nguyên du lịch: Bắc Bình có những khu rừng nguyên sinh trong vùng giáp ranh với Lâm Đồng với những cảnh đẹp hồ thuỷ điện Hàm Thuận, Đa Mi, Thác Sương Mù, Thủy Điện Đại Ninh dọc theo con đường mòn mà xưa kia Bác sĩ Yersin đã lần tìm ra cao nguyên Liang Biang, Đà Lạt ngày nay. Cảnh sắc xuôi về những đồng bằng xanh ngát qua những thị trấn nhỏ thanh bình, xanh ngắt vườn thanh long.
< Dốc xuống dài không kém dốc lên. Mình thả trớn, nghe tiếng gió rít bên tai.

Nếu xuôi về hướng biển là cung đường du lịch ấn tượng nhất và đẹp nhất Việt Nam, con đường này nối từ thị trấn Lương Sơn về Mũi Né ngược về Hàm Tiến và Phan Thiết, đây là cung đường nối từ đồng bằng, vắt ngang lên những dải đồi cát hoang sơ nơi lưu dấu chiến khu Lê Hồng Phong oai hùng (nay thuộc xã Hồng Phong và Hoà Thắng).
< Một đoạn đường đang chờ láng nhựa. Rải đá nhưng chạy ngon hơn đoạn Ninh Gia - Ninh Loan nhiều vì được cán thêm đất đỏ.

< Lạng Sơn còn 4 cây số? Hổng phải, đây là Lương Sơn, hi hi...

Đến với Bắc Bình của tỉnh Bình Thuận du khách có thể tham quan thắng cảnh hồ Bàu Trắng, nhà cổ (bộ sưu tập văn hoá) Vương Quốc Chăm, viếng đền Ca Hoạch Bát, đền Thần Nông, đình Xuân An, đình Xuân Hội, đền Pôklông Moh Nai, đền Pô Nít, chùa Bà Thiên Hậu ….
< Ngoáy nhìn lại còn thấy núi Một...

< Thêm một đoạn đang sửa chữa. Do đường nhỏ nên láng nhựa kiểu thủ công. Xe cơ giới duy nhất gần đó là một chiếc hủ lô, còn gọi là xe lu.

< Lần 2 tái ngộ loài thú 'hổng quý hiếm', nhìn tự nhiên nhớ đến phô mai bò cười 'La vache qui rit'.

< Qua một chiếc cầu. Đố bạn biết con sông dưới đó có tên gì?

Đây là cầu Sông Lũy, con sông dưới đó cùng tên. Cũng trên dòng sông này, khi đến thị trấn Chợ Lầu (QL1A) cũng có cây cầu mang tên 'Sông Lũy', còn tại Phan Rí Cửa cũng có cây cầu mang tên 'Sông Lũy' (cũng trên sông này) nối liền Hòa Phú với trung tâm thị trấn.
Những 3 cầu mang cùng một tên trong một góc tỉnh! Xem ra cái tên ni có giá trị ngàn vàng đó nghen!

< Qua cầu rồi là vào thị trấn Lương Sơn.

< Rồi QL1A xuất hiện phía trước, đến nơi rồi! À, nhưng chưa - bây giờ còn phải thêm khoảng đường hơi bị dài cho đoạn Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né nữa.

Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!