Trên đỉnh cao của đồi cát: gió lồng lộng, gió làm quai của chiếc mũ bảo hiểm cùng dây đeo máy ảnh kêu phần phật; gió xô người, gió lấy sạch cái nhiệt của mặt trời giữa cái nắng chói đang chiếu xuống bọn mình khiến cái nóng cũng mất tăm!
< Ảnh 'nửa kia' chụp lúc mình (chấm đen nhỏ) vừa leo xong dốc cát dựng thứ nhất, chuẩn bị vào dốc thứ hai - lúc đó mình cũng đang hướng máy ảnh lên đây...
Mình ngồi trên đó cảm nhận cái đẹp, cái bao la của một chốn hoang sơ tuyệt vời. Nhìn ra phía Đông: xa xa là Hòn Hồng hướng thẳng ra biển Đông còn quanh ta là những đồi cát nhấp nhô như sóng lượn với các trũng sâu, rất sâu.
< Khăn trùm mặt che nắng bay mất rồi, gió trên đây mạnh khiếp, sơ ý không chống chân kỹ là ngã lăn xuống triền cát luôn đó nghen.
Chiếc khăn trùm mặt của nửa kia đã cột chặt nhưng vẫn tuột và bay vút xuống một trong những trũng sâu ấy. Nó xoay tròn cùng với những chiếc lá và nhánh cây bụi khô trông như một vòng lốc xoáy vô hạn.
< Thật ra nhìn không thấy trạm gác và cổng của khu du lịch đâu, nhưng mình cầm máy ảnh zoom gần thì thấy...
Hai năm trước thấy cửa kéo ngang, bảo vệ không cho vô, giờ đang trống hoác.
Nhìn về phía Tây, nơi có trạm gác và cánh cổng của khu du lịch mà năm kia bọn mình đã đến nhưng bảo vệ không cho vào. Bây giờ nó ra sao nhỉ? Hồi nữa, ta thử 'làm khách' vào tham quan xem sao - Mình cũng là khách du lịch mà?
< Dưới trũng cát: gió làm lá khô và bụi rậm xoay tròn theo gió - hồi sau cái khăn che mặt cũng bị cuộn vào đây...
Gió từ hướng biển Đông thổi vào đất liền đấy.
< Phía xa là đồi cát tiếp nối đồi cát, tít chân trời chính là mũi Yến Hồng Chinh: bọn mình cũng chưa ra đó được lần nào. Lần đến gần nhất là khoảng gần 1 cây số...
< 'Trèo xuống chưa em?' - 'Tý nữa đi', tiếc cái khung cảnh tuyệt vời này đây mà, đi xuống rồi khó có dịp trèo lên...
Con đường đất bên dưới bổng nhiên xuất hiện hai chiếc xe tải cũ, họ chạy thẳng vào trong KDL. Xe nào vậy cà? Vẫn còn xây dựng à, hay chở cái thứ gì đó vào trong đó? Nơi đây không thấy được, có lẽ một chút vào trong sẽ biết.
< Bạn thấy chiếc Win100 của bọn mình đậu đâu không? Mình cũng chả thấy...
< Chỉ đến khi tăng hết cỡ độ phóng đại của cái Nikon có độ zoom 21x thì mới thấy: ẻm đây rồi.
< Bây giờ thì xuống thật vì 'đã' rồi. Bà xã nhìn 'dốc thấy ghê' nên xuống theo cách riêng: trượt xuống, thả trớn như xe gài số 0...
9 giờ 47 phút, bọn mình rời đỉnh đồi cát xuống dưới. 'Nửa kia' chọn cách trượt vì nhìn các dốc chúi nhủi thấy ghê quá, còn mình tiến bước theo con đường ngắn nhất đến cụm cây mà xe mình đang đậu.
< Hết dốc 1 rồi đến dốc 2, còn mình vẫn đi xuống nhưng xuống bằng gót chân: bước một, cát trượt dài thành hai...
Lên thì cắm đầu ngón chân nhưng xuống phải dùng gót, một bước nếu tính thêm phần 'tự trôi' sẽ thành hai bước. Phút chốc đã ở mặt bằng phía dưới cùng - lên thì phê thật nhưng xuống nhẹ nhàng mà, bao giờ cũng vậy.
< Xuống hết đồi cát cũng hết gió, mình chụp một phát lên trên - Những đồi cát to chà bá không dấu chân từ năm kỉa, năm kia bây giờ lại có dấu vết của bọn mình rồi.
< Mình đạp máy xe, trở đầu và chạy vào trong. Mé trái là đường dây điện, nền đường đất đá lô nhô, còn cổng thì chả có bảo vệ nào cả!
< Đến một đoạn cát lầy không thể chạy. 'Nửa kia' xuống xe, tấn công về phía trước liền.
Bọn mình lên xe và hướng về cái gọi là KDL gì đó ấy. Trạm gác chả có ma nào, cái lạ là cửa trạm gác bị đục tháo tất, cửa kéo chận ngang cũng vậy = không có hơi hướm của sự ngăn chận hay kinh doanh. Nói rõ là không bóng người ngoài những người trên hai chiếc xe tải hồi nãy bọn mình thấy đang... xúc cát vào xe! Mấy anh chàng này nhìn bọn mình, lạ lẫm rồi quay ngay về công việc của họ - cát trời cho, không có khu du lịch thì cứ thoải mái xúc...
< Vậy nhưng trước khi đi vẫn 'bắn' cho mình một tấm.
Bọn mình chạy thẳng vào trong. Đến một đoạn cát hơi lầy thì nửa kia bước xuống đi trước, còn mình dựng chống, định đi bộ quay lại xin chút thông tin của những người xúc cát. Đi được vài mươi thước thì lại thôi, cứ chạy vào chứ hỏi làm chi? Lúc này, bóng bà xã đã mất tăm do con dốc phía dưới che chắn. Mình nổ máy chạy theo nhưng không thấy đâu cả, nhìn thấy cái trạm canh trên một rẻo đồi cỏ xanh, mình chạy xe lên đó.
< Coi lôm côm như vậy chứ một mình một xe chạy ầm ầm, chỉ ngại những đoạn toàn cát khô, khô khốc!
Bà xã đi bộ vậy chứ nhanh lắm, nhìn phía trước chả thấy đâu...
< Cảnh vật phía sau lưng mình đây: trông như bãi sa mạc, không một bóng người...
Đây chính là dự án của CTy South Fork (Mỹ) đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp tại Hòa Thắng Bình Thuận, được cấp phép từ năm 2004 và triển khai từ năm 2005. Trên giấy tờ thi khu du lịch nói trên sẽ là một tổ hợp du lịch, dịch vụ giải trí ven biển như: nhà nghỉ, nhà hàng, khu hội nghị, CLB sức khỏe, khu giải trí, với tổng diện tích sử dụng khoảng 600ha đất.
< Còn phía phải đường mòn là một chỏm núi.
Cũng trên 'giấy tờ' về kế hoạch của nhà đầu tư thì đây là một trong những khu du lịch lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế với qui mô gồm năm khu nghỉ dưỡng ven biển gồm 900 phòng, một khu hội nghị quốc tế 6.000 chỗ, khu vui chơi - giải trí theo mô hình Disneyland và hai sân golf 18 lỗ (chẹp!).
< Mình chạy tiếp. Phía trước xuất hiện căn nhà nhỏ bên phải.
Dự kiến trong ba năm đầu, một số hạng mục sẽ được xây dựng với kinh phí khoảng 25 triệu USD (bèo bọt nhỉ?) và tiếp tục hoàn tất dự án trong... 5-7 năm tới.
Sau đó, South Fork đã xin thay đổi phân kỳ đầu tư. Tháng 12-2009, tỉnh đã chấp thuận việc điều chỉnh này và đã bàn giao thực địa 330 ha đất tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình cho South Fork thuê.
< Nó đây! Từa tựa như trạm gác nhưng lớn gấp mấy lần cái ngoài kia.
Cửa nẻo đã được lắp đặt nhưng người ta lại đục lấy đi hết, chỉ còn cái xác thô...
< Phía trong là một dãy nhà khác có hướng mở nhìn ra biển. Trông như chốn ngồi ghế bố hóng gió.
Sau khi nhận đất, South Fork đã nhiều lần yêu cầu tỉnh Bình Thuận cấp giấy đỏ cho số đất thuê nêu trên nhưng tỉnh không đáp ứng và cuối cùng là có động thái thu hồi dự án. Tỉnh cho rằng South Fork không có năng lực tài chính, không triển khai đầu tư mà mang dự án đi chuyển nhượng. Tỉnh đã xác minh và được biết đại diện chủ đầu tư đồng thời là chủ tịch của hai công ty và đồng thời là giám đốc của một công ty khác.
< Nhìn biển phía trước mặt thì như thế này: những hàng dừa đong đưa trong gió, sóng vỗ rì rầm.
Tất cả công ty này đều có chung một địa chỉ giao dịch ở Mỹ nên việc xác nhận tài chính giữa các công ty này không đảm bảo khách quan, trung thực. Mặt khác, dù được cấp phép từ năm 2004 và đã giao đất nhưng bao năm qua South Fork chưa tác động đầu tư vào dự án, lại có nhiều dấu hiệu mang dự án đi sang nhượng, bán tài nguyên (titan) trong vùng đất được giao.
< Còn mé trái thì đây: cũng là hướng mà con đường mình vô khi nãy bẻ cong rồi chạy song song với bờ biển.
Trên này cao, so với cái thềm cỏ phía dưới tầm năm bảy mét nên muốn xuống phải trở ngược lại, đi theo con đường đất.
< Mình khóa cổ rồi đi bộ trở ngược lại, ăn gian tý đường bằng cách xuống theo bờ đá lở.
Phía dưới bờ cỏ đây, hình là hướng trái.
< Phía trước mặt nè: cứ ngỡ là đi thẳng được nhưng chừng mươi bước là thấy vực, cao tầm 5 mét đấy - chạy xế ủi xuống chỉ có nước què giò.
< Mình len ra sát mép vực, nhín phía phải: Waoo, đẹp quá...
Trong khi đó, phía South Fork cho rằng từ tháng 4-2010, họ đã thông báo triển khai việc đầu tư song tỉnh Bình Thuận lại cấp phép cho Công ty Cổ phần Đường Lâm vào khai thác titan khiến cảnh quan bị đảo lộn, gây ô nhiễm môi trường trong vùng đất của dự án. Vì thế, tháng 9-2010, South Fork có thông báo dừng toàn bộ hoạt động đầu tư để chuẩn bị thủ tục khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận ra Tòa án Quốc tế.
< Từ mép vực lại nhìn hướng trái: không thể xuống được vì dốc dựng, nhiều bụi gai. Vậy lối nào xuống đây? 'Nửa kia' vẫn mất tăm, không một dấu vết...
Về việc này, ông Nguyễn Văn Dũng nói thực chất South Fork vin vào cớ tỉnh cho khai thác titan để đối phó với việc thu hồi dự án. Cụ thể là tháng 6-2005, South Fork có văn bản xin khai thác titan trong vùng đất dự án nhưng tỉnh không đồng ý vì công ty không có chức năng khai thác titan.
< Bất chợt, cách xa thật xa có một chấm nhỏ đang di động. Mình hướng máy ảnh về đó zoom hết mức, zoom đến ảnh nổ hạt thì hóa ra là đây! Pó tay: chân 'nửa kia' là chân 'siêu phượt'!
< 'Vợ hai' gần hơn, trên chóp đồi. Mình ngoáy lại, chộp một phát cho cô nàng Win. Vậy nhưng chỉ là cái chấm vì không zoom.
Dù vậy nhưng trong tháng 8 và 9-2007, South Fork lại thỏa thuận đồng ý cho Công ty Đường Lâm khai thác titan trên diện tích hơn 120 ha của dự án và CTy này phải nộp cho South Fork 20 USD/tấn trong khu vực hơn 120 ha, trữ lượng titan hàng trăm ngàn tấn. Tại thời điểm trên, South Fork chưa được giao đất, chưa đăng ký thuê đất nên nếu có việc thỏa thuận là South Fork đã bán tài nguyên khoáng sản của quốc gia theo kiểu “phát canh thu tô” trên đất mà mình chưa có quyền sử dụng.
< Trở lên lấy xe, mình bấm thêm vài pô rồi trở lại và theo đường đất trong ảnh - có lẽ sẽ xuống biển được đấy.
< Bà xã đây: đang chụp lên còn mình đang hướng máy ảnh về phía dưới, he he...
Vì nhiều nguyên nhân nêu trên nên tỉnh Bình Thuận kiểm tra lại lần cuối các vấn đề liên quan và sẽ thu hồi dự án của South Fork. Vậy là South Fork kiện Bình Thuận ra Trọng tài Quốc tế, đòi bồi thường 3,75 tỉ USD! Nếu vụ kiện này đưa ra phân xử thì có thể đây là vụ kiện có số tiền đòi bồi thường lớn nhất từ trước tới nay (nguồn báo Pháp Luật).
< Vòng cua mà phía trên nhìn xuống đây. Lầy cát, khéo léo chạy vẫn ok.
Đường đất này vẫn chạy theo hàng cột điện cho đến cái trạm biến thế trống toát thì bẻ cong lần nữa, hướng xuống biển.
< Rồi cũng đến được bãi biển, mình vứt xe bên hàng dừa.
Trong thật tế thì 'Tổ hợp du lịch, dịch vụ giải trí' do nước ngoài đầu tư vào đây chi nằm trên giấy, và như bạn thấy đó: họ cũng chả đầu tư vào đó được bao nhiêu ngoài việc san ủi đường đất, xây thô vài căn nhà, trồng hàng dừa, kéo dây trung thế vào trong và... nhận tiền huê hồng từ titan!
< Mé phải bờ biển. Chổ này không nên tắm do không... đẹp (có lẽ mình khó tính), muốn tắm thì đi dọc theo bãi này vài trăm mét sẽ thấy cát vàng trắng, tuyệt!
< Bằng không thì đi theo mé trái: hướng ni băng qua cái vụng nước cạn, đến một bãi biển tuyệt đẹp.
Và bọn mình đã tìm đến đây khi 'Khu du lịch - dịch vụ cao cấp' đã trở thành một chốn hoang vu, những cửa sắt đã được gỡ sạch, trạm biến áp chỉ chõng chơ cái vỏ... Chỉ có hàng dừa vẫn xào xạc, bãi biển vẫn ì ầm trong một không gian rộng lớn không một bóng người. Biển và đất mẹ trở về với thiên nhiên, với chúng ta.
< Ngay mép sóng, hình chụp bãi biển phía trái. Cái vụng nước kéo dài vào sát mép núi, chỉ là nước biển thôi.
Mong rằng với những nguyên nhân chính đáng, Bình Thuận sẽ thắng kiện và cho công ty 'rùa bò' này một bài học về sự ngâm tôm!
< Bãi biển phía này tuyệt đẹp, hoàn toàn không một bóng người ngoài vài chú chim đang kiếm ăn trên mép sóng. Mờ mờ chỏm núi phía xa là Hòn Rơm đấy.
Nhưng chưa hết đâu, vẫn còn nhiều thứ mê hoặc hơn nữa nhưng phiền bạn chờ phần kế tiếp.
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần cuối
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
1 Comments
Tỉnh Bình Thuận đã bị nhà đầu tư Hoa Kỳ đòi bồi thường 4 tỉ USD và đưa ra Hội đồng trọng tài quốc tế. Đến cuối năm 2013, Hội đồng trọng tài quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ tất cả các lập luận và yêu cầu đòi bồi thường của nhà đầu tư Hoa Kỳ, buộc nhà đầu tư này phải trả cho Chính phủ Việt Nam toàn bộ chi phí vụ kiện, trong đó có cả chi phí dịch vụ pháp lý và phí trọng tài. Đây là vụ kiện đầu tư quốc tế đầu tiên mà Việt Nam giành chiến thắng thông qua đàm phán của Hội đồng trọng tài quốc tế.
Trả lờiXóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.