(NĐT) - Với nhiều cố gắng, nhất là sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trình chiếu, du lịch Phú Yên trỗi dậy, làm ngỡ ngàng du khách. Xứ Nẫu bây giờ được gọi là “Một vùng đất Phú, trời Yên”.

< Từ trảng cỏ xanh nhìn xuống Bãi Xép, đây chính là bối cảnh của phim 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh'.

Hai chục năm trước, nói về du lịch Phú Yên, nhiều người thường ví von văn vẻ: “Tài nguyên phong Phú nhưng đang ngủ Yên”. Với nhiều cố gắng, nhất là sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trình chiếu, du lịch Phú Yên trỗi dậy, làm ngỡ ngàng du khách. Xứ Nẫu bây giờ được gọi là “Một vùng đất Phú, trời Yên”.

< Bò Phú Yên sướng nhất vì toàn ở nhà tường đá và lợp ngói.

Ngoài Ghềnh Đá Dĩa, danh thắng độc nhất vô nhị ở ASEAN, Phú Yên còn nhiều cảnh quan thuộc dạng “số má”. Đó là hải đăng Mũi Đại Lãnh, được xem là cực Nam, nơi đón bình minh sớm nhất của đất liền Việt Nam. Đầm Ô Loan thơ mộng với nhiều loại hải sản nổi tiếng.

Tháp Nhạn, gần đây được thắp sáng, nhìn về thành phố Tuy Hòa như đồi Montmartre ngó xuống Paris. Những bãi tắm đẹp, như: Xép, Nồm, Long Thủy, Tuy Hòa… và chiến tích Vũng Rô vang dội.

< Bãi tắm Hòn Nưa, hoa hậu biển của Phú Yên.

Núi Đá Bia, nơi vua Lê Thánh Tông dừng chân ghi dấu cương vực Đại Việt vào 1471. Những món ngon xứ Nẫu như cù di hon, chả dông, bắp nướng mắm nêm, “đèn pha đại dương” và kính thưa các món cá ngừ, sò huyết, cua huỳnh đế, mực nhảy…

Phú Yên không chỉ có vậy mà còn mấy lần hơn.
Đó là thú săn cá chình (thuồng luồng biển), như phim Mỹ, quanh các vực hải đăng Đại Lãnh.


< Đập Đồng Cam xây dựng từ đầu thế kỷ XX, có sự than gia của Kỹ sư Souphanouvong (sau này là chủ tịch nước Lào).

Cả 3 chiến binh săn cá hợp đồng tác chiến chính xác, từ thao tác đến thời gian. Người số 1, cầm cá sống mài vào đá tại mép nước, sóng biển đánh thịt cá vào hang. Nghe mùi tanh, chình bơi ra nghiêng ngó. Thả câu và mồi nhử.

Cần là đoạn tầm vông chừng 2m, dây câu bằng thép. Khi chình đớp mồi, lập tức, người thứ 2, nhanh như cắt; phóng thấu, cây lao đầu bằng sắt, gắn 3 mũi tên tam giác, vào phần cổ của chình. Cùng lúc, cả 2 người giật mạnh, năng chình khỏi mặt nước. Lẹ như chớp, người thứ 3, dùng gậy gỗ, phang tới tấp vào lưng, chình gãy xương sống, bớt giãy dụa. Chỉ cần thiếu chính xác, chình sẽ quẫy, hất cả nhóm xuống vực.

< Bình minh ở Bãi Môn và hải đăng Mũi Đại Lãnh.

Cạnh hải đăng là bãi Môn, nước xanh trong và ấm. Thích nhất là suối nước ngọt đổ ra biển, trong veo, mát lạnh tự nhiên để tắm lại.

Bãi Hòn Nưa, đảo Diệp Sơn, cù lao Mái Nhà (đảo Robinson)… những bãi tắm đẹp ngất ngây. Cầu Ông Cọp, cầu gỗ dài nhất nước nối xã An Ninh Tây với thị xã Sông Cầu.

Đập Đồng Cam nối núi Trù Cát (Phú Hòa) với núi Qui Hậu (Tây Hòa), do người Pháp thiết kế, xây dựng từ 1924. Đập dài 688 mét với hơn 2.500 hạng mục lớn nhỏ, có hai kênh dẫn nước, tưới tiêu cho vùng lúa Tuy Hòa rộng 220 km². Bên cạnh các kỹ sư Pháp - Việt, còn có kỹ sư Lào Souphanouvong, sau này là Chủ tịch nước Lào.

< Nhà thờ cổ Mằng Lăng, nơi lưu giữ sách tiếng Việt "Phép giảng tám ngày" in năm 1651 ở Rome, Italia.

Ông cũng là người thiết kế tháp nước Phan Thiết vào năm 1928, biểu tượng của du lịch Bình Thuận ngày nay. Sông Ba kiêu hãnh đổ từ núi Ngọc Rô (1.549m) vào Tây Nguyên và xuống đồng bằng; hạ lưu gọi là sông Đà Rằng, với cầu cùng tên, trước 1999 là cầu dài nhất miền Nam…

Trên đường vào Ghềnh Đá Dĩa, có nhà thờ cổ Mằng Lăng, xây dựng từ 1892, kiến trúc Gothic. Nhà thờ đang trưng bày cuốn “Phép giảng tám ngày”, sách bằng tiếng Việt đầu tiên, in năm 1651 ở Rome (Italia); của giáo sĩ Alexandre De Rhodes (1591 - 1660). Đây là “thánh địa hành hương” không chỉ của người Công giáo mà của dân học Văn và những ai yêu tiếng Việt.

< 'Gành Đá Đĩa trên cạn' vừa được phát hiện tại xã An Phú, thành phố Tuy Hòa.

Trước khi đến Ghềnh Đá Dĩa, du khách ngỡ ngàng với những kiến trúc đá dành cho… trâu, bò. Gia súc ở đây sướng nhất nước. Toàn ở nhà lợp ngói, vách bằng đá macma; vừa mát, vừa kích thích hệ thần kinh và tuần hoàn.

Mấy chuyên gia tư vấn thực tiễn đang tính vận động gia súc nhường nhà cho du khách. Dĩ nhiên là phải nâng cấp, điều chỉnh để có những homestay độc nhất vô nhị của thế giới. Đá Dĩa ở Phú Yên không lẻ loi mà có cả gia đình đông vui.

< Suối khoán nóng Trà Ô, có từ thời Pháp thuộc vẫn hoang sơ như thủa ban đầu.

Anh Hai là Ghềnh Đá Dĩa ở xã An Ninh Đông. Anh Ba là Hòn Đá Dĩa (còn gọi là Hòn Yến) ở xã An Hòa. Chị Tư và Năm sinh đôi là Thác Đá Dĩa gồm Vực Song (còn gọi là Thác Đôi, Thác Vợ Chồng) và Vực Hòm (còn gọi là Thác Đơn, Thác Độc Thân) ở xã An Lĩnh.

Anh Sáu là Vực Đá Dĩa Trà Cối ở xã An Xuân. Tất cả đều ở huyện Tuy An. Gần nhất, mới tìm ra anh Bảy (chưa thể gọi là Út) ngủ quên trong đất là Đồi Dá Dĩa ở xã An Phú, thành phố Tuy Hòa.

< Mộ đá độc đáo có nhiều nơi ở Phú Yên.

Phú Yên có nhiều suối khoáng nóng hoang sơ như Lạc Sanh (Sơn Thành Tây, Tây Hòa), Phú Sen (Hòa Định Tây, Phú Hòa), Triêm Đức (Xuân Quang, Đồng Xuân), Triêm Ô (Xuân Long, Đồng Xuân)… Dân ở Xuân Quang thường chở nước nóng Triêm Đức về dùng hàng ngày.

Suối nước nóng Trà Ô nằm cạnh sông Hà Nhao thơ mộng, xây dựng từ đầu thế kỷ XX, như miếu thờ thần núi. Trên mái và hồ nhỏ phía dưới có hai con rồng linh thiêng và bí ẩn, ngày đêm phun nước nóng. Phía sau có khoảng trống để người Pháp đến xông hơi. Tất cả đang chờ qui hoạch và khai thác.


< Trái dâu da đỏ, đặc sản Phú yên.

Xứ Nẫu có hai loại đặc sản cũ mà mới là bông giờ và trái dâu da đỏ. Cũ vì có sẵn từ xưa. Mới vì vừa đưa vào khai thác du lịch. Mùa nước nổi, miền Tây có bông điên điển. Mùa mưa, xứ Nẫu có bông giờ, loại gia vị đa năng, có thể nói là vô địch, kết hợp với món nào cũng được. Bông giờ, bà con với gừng, họ hàng với nghệ, không phải là nguyên liệu chính của nhiều món ngon nhưng là hương vị chủ lực, tạo nên chất lượng ẩm thực xứ Nẫu.

Trái dâu da đỏ, gọi tắt là trái đỏ. Có người gọi là dâu đất, dâu quả gốc (vì mọc sát từ gốc, sát mặt đất), dâu tiên (vì rất đẹp). Không chỉ để ăn chơi và cho khách seifie, dâu da đỏ còn được, chế biến thành rượu khai vị không đụng hàng.

Phú Yên còn có cây dít, họ cam, thân bụi, cao chừng 0,5m; mọc dại vùng rừng núi, nhiều nhất ở Vân Hòa. Lá dít là loại gia vị độc đáo; vị cam mạnh, chua thanh, hương sả; đặc biệt để nấu các món chua và nướng, nhất là với thịt gà thả, cá tự nhiên. Khi nấu hay nướng, kho; chỉ dùng lá non và lấy tay vò nát. Đồ ăn chín, nêm gia vị xong, tắt lửa, cho lá vào. Món ăn có vị chua lạ và mùi thơm riêng, ăn một lần là nhớ, ăn lần sau là ghiền.

Cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa), cao hơn 400m, cách biển chừng 25 km là nơi lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng các loại. Khí hậu bán sơn địa mát mẻ, gió biển trong lành, đất bazan màu mỡ, nên các loài động thực vật đều có chất lượng hơn hẳn nhiều nơi.

Vùng đất “sáng mù sương, tối mù gió” có nhiều nét quyến rũ lạ thường với nhiều cây đặc sản như bông giờ, dâu da đỏ, lá dít, sa nhân và nhiều loại dược liệu quí.

< Bông giờ, gia vị đa năng, đặc sản xứ Nẫu.

Trâu, bò, heo, gà thả và cá suối tự nhiên; bổ sung cho nguồn hải sản phong phú, làm nên văn hóa ẩm thực xứ Nẫu mê hoặc. Điểm trừ của Phú Yên là rừng. Thay vì rừng già thì Phú Yên có rừng giả. Rừng tự nhiên đã bị thay thế bằng rừng tràm keo.

So với 9 tỉnh thành Nam Trung bộ, từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, du lịch Phú Yên còn khá khiêm tốn. Lượng khách chỉ hơn Quảng Ngãi. Khách quốc tế đội sổ. Tổng doanh thu xếp 7/9, doanh thu đầu khách xếp 6/9.

Trong cuộc đua “marathon du lịch”, Phú Yên còn rất nhiều việc phải làm. Với những tài nguyên khác biệt, nếu thật sự nỗ lực và biết cách làm, du lịch Phú Yên thừa khả năng cải thiện thứ hạng, gia nhập tốp đầu với Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Thuận.

Nguyễn Văn Mỹ (Người Đô Thị)
Du lịch, GO!