Hồi rời Khâm Đức theo kế hoạch đã dự tính trước, mình đã gọi điện thoại đặt chỗ với nhà xe Phương Trang.

< QL14E đoạn Phước Sơn.

Do Tam Kỳ không có bến, chỉ có phòng vé nên phải nhận vé tuyến từ Đà Nẵng về Sàigòn. Giá vé y như lúc đi, riêng cước xe gắn máy kèm theo thì chỉ 400k (hồi đi đến 510k!) - chứng tỏ là hàng hóa từ đây về thành phố phía Nam ít hơn. Đặt vé ở Đà Nẵng nhưng xe sẽ đón bọn mình tại Tam Kỳ, ngay gần ga xe lửa - giấc 7h tối.

Vậy nhưng trời xui đất khiến: đến Tam Kỳ ngay giữa trưa, đang băng khoăng vì phải lây lất đến tối, phòng vé lại đóng cửa nên nên bọn này đã nhảy lên chiếc xe khác: "xe... dù có thương hiệu!" - hóa ra đi xe này sướng hơn PT nhiều > đây là chuyện phần sau, mình sẽ kể đủ.

< Rất vắng, ngoại trừ những lúc chạy ngang các khu dân cư thuộc thôn xã...

Lại nhắc về lúc rời Khâm Đức: lúc này mình cũng nuôi một ý định ngông hơn - do từ Khâm Đức đến Tam Kỳ không quá xa, chỉ tầm hơn 120km - nếu đến Tam Kỳ sớm, mình có thể chạy thêm chừng 50km nữa để đến Quảng Ngãi luôn. Ở đây có nhà xe Chính Nghĩa, về SG cũng thuận tiện.

< Nhưng tại sao lại cứ là QL14E, D... nhỉ? ít rối rắm nhưng dễ lầm lạc, mà lầm ở quốc lộ thì toi hàng chục cây số.

Tuy nhiên "nửa kia" không tán thành do sợ mình chạy xe xa quá, mệt mỏi nhiều (hi hi, thương nhiều mới chăm kỹ) - phần khác: ghé Quảng Ngãi chỉ để mua vé, lên xe đi về thì... tiếc quá trong khi nơi này vô số những cảnh đẹp không dễ bỏ qua - chỉ tính sơ sịa biển Sa Huỳnh, núi Bàn Than... cũng đủ mê tơi rồi.
< Phần cuối cùng của nhà máy thủy điện Đăk mi 4A, không biết nó là cái gì nhưng tính từ đập chính đến đây thì thủy điện đã vươn vòi dài đến hàng chục km: lấy nước của vùng cao đổ về xuôi. Càng cao, càng tốt vì sức nước đổ xuống thấp sẽ tăng mạnh bội phần...
Từ khúc này trở đi không thấy thủy điện trên đường này nữa.

< Cột cây số ven đường ghi: Bà Xá 11km. Địa danh này thì mình chịu, chỉ biết rằng bọn này đang hướng về xã Phước Hiệp rồi đi Hiệp Đức.
Phía trước là một đỉnh núi rất cao, mình cho là núi Cà Tang thuộc Quế Sơn.

< Vượt cầu 70 rồi thì đến cầu Bà Xá, địa danh trên cột cây số khi nãy - km68 + 177.
Dòng sông này nước ăm ắp, cuồn cuộn chảy. Bên trái có những chân của cây cầu cũ hay mới xây nữa chừng gì đó.

< Cảnh đẹp nên bọn mình dừng chân nghỉ một tý, hết ngắm bên này rồi nghía bên kia...

Vậy nên Tam Kỳ vẫn là điểm dừng chân cuối lộ trình, đến sớm, dư thời gian thì sẽ tham quan bãi biển Tam Thanh vậy. Nhưng tính là tính, thực tế thì cũng có thể khác - Trời khiến mà, he he...


< Dòng sông mé phải cầu hợp lưu cùng một nhánh khác từ núi Xuân Mãi đổ xuống, đục ngầu phù sa (dòng nước bên phải).

< Một trong những đỉnh của rặng Xuân Mãi đây.

Đỉnh Xuân Mãi có độ cao 1.863 m, quanh năm mây phủ, có thể là nơi nghỉ dưỡng rất lý tưởng, cũng thích hợp với loại hình du lịch leo núi. Chưa có một cơ sở hay dịch vụ nào được xây dựng tại chân núi Xuân Mãi nhưng nếu được đầu tư đối với một đỉnh núi đẹp và thơ mộng này thì du lịch sẽ rất phát triển, nhất là đối với loại hình du lịch leo núi, đây cũng là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời.

< Xem qua cứ trông như một cảnh đẹp trên Đà Lạt nhỉ.

Tại Khâm Đức, mình hoàn toàn không đổ thêm miếng xăng nào do đã châm đầy bình lúc rời Thạnh Mỹ. Bình xăng Win100 những 7L nên hoàn toàn có khả năng dư dã khi chạy đến Tam Kỳ, thậm chí đi thêm nữa, ví dụ như Quảng Ngãi. Xăng mà dôi dư ra thì lúc bỏ vào gầm xe openbus, người ta cũng rút ra hết thôi.
< Tiếp tục con đường đã chọn: bọn mình chạy qua cầu Dốc Đỏ.

< Miền đất đỏ, bạn thấy màu đất vương vãi hai bên đường không?

Do đang hướng về Hiệp Đức nên mình xin nói qua một chút về địa phương này:
Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia thì Hiệp Đức là một huyện trung du miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam. Huyện nằm ở giữa tỉnh Quảng Nam, phía bắc là huyện Quế Sơn, phía tây là huyện Phước Sơn, phía nam là huyện Bắc Trà My và phía đông nam là huyện Tiên Phước, đông bắc là huyện Thăng Bình.

< Một đoạn nào đó thuộc xã Phước Hiệp với lưa thưa ít mái nhà ven đường, đường vẫn còn xa, xa lắm...

< Hết địa phận huyện Phước Sơn: bảng bên trái đường chỉ rõ điều đó.

Huyện có diện tích 492km2, dân số là 38.000 người (năm 2004). Huyện ly là thị trấn Tân An nằm trên quốc lộ 14E cách quốc lộ 1 khoảng 30km về hướng tây. Thượng nguồn sông Thu Bồn (tức nơi có thủy điện sông Tranh) chảy qua huyện theo hướng nam bắc.
< Cầu Mò O. Trên cầu này mình dừng lại vài phút vì thấy một chú sóc lơn tơn trên thành cầu. Chỉ bà xã chụp nhưng bé con này chạy nhanh quá - hết thoắc bên này lại nhảy sang bên kia, pó tay!

< Chạy chút nữa lại gặp cầu, bảng xa xa thông báo vào địa phận huyện Hiệp Đức - Quảng Nam.

Toàn huyện có 11 xã và 1 thị trấn gồm: Thị trấn Tân An và các xã Hiệp Hòa, Hiệp Thuận, Quế Thọ, Bình Lâm, Phước Trà, Phước Gia, Quế Bình, Quế Lưu, Thăng Phước, Bình Sơn và Sông Trà.


< Nhìn ảnh bên thì thấy con đường QL bé tẻo teo do không có xe so sánh. Tuy vậy vẫn đủ 2 luồng xe 4 bánh đấy.

Hiệp Đức trước đây là một huyện nghèo. Những năm gần đây, điều kiện cơ sở vật chất tại Hiệp Đức đã phát triển hơn, cuộc sống của người dân dần được cải thiện. Hệ thống đê điều, nước tưới đã được áp dụng ở các xã.
< Bên trái là núi, phải là cây rậm: biểu hiện văn minh vẫn thể hiện qua mặt đường nhựa cùng đường dây điện bên phải. Chỉ có ta và ta...

Đố bạn trong cả nước, có nơi nào gắn biển số cho... xe đạp không? Nghe là lạ, cứ ngỡ chắc biển số dành cho xe đạp đồ chơi của các bé... nhưng không phải, đây là xe đạp người lớn đàng hoàng. Tại trường THPT Sào Nam (thị trấn Nam Phước, H.Duy Xuyên, Quảng Nam), người ta đã gắn biển số cho  xe đạp nhằm giám sát học sinh trong và ngoài trường.
< Rồi cũng gặp "đồng loại" chạy theo chiều ngược lại. Cột km bên trái chỉ Tân An 13km. Đây là thị trấn của huyện Hiệp Đức.

Do đoạn đường từ trường ra trung tâm thị trấn thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đáng tiếc, do đó ban giám hiệu và đoàn trường quản lý học sinh nhà trường trong giao thông bằng biển số.
< Cái tên cầu là lạ: cầu Xe Con.

Đầu năm, từ đăng ký của học sinh, nhà trường đặt làm 2.118 biển số xe bằng những tấm thép nhỏ. Trên đó số hiệu xe của học sinh khối lớp 12 vẽ màu đỏ, khối 11 có màu xanh nước biển và khối 10 màu xanh lá. Mỗi biển số như vậy, học sinh chỉ tốn có 1.000 đồng. Những năm học trước đây, tình trạng trộm cắp xe đạp ở trường THPT Sào Nam diễn ra rất phức tạp nhưng từ khi áp dụng gắn biển số, tình trạng trên đã không còn.
< Cầu Bà Huỳnh thuộc thôn 2 xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam. Ngay phía phải cầu này cũng là một ngã 3 sông.

Vào mỗi giờ tan học, đoàn trường phân công Đội thanh niên xung kích cùng các giáo viên phụ trách trực tại một số tuyến trên đường học sinh ra về. Nếu phát hiện học sinh nào vi phạm luật an toàn giao thông, đội này sẽ nắm biển số xe để làm cơ sở giúp nhà trường xử lý.
< Rồi bọn mình gặp một ngã 3 với con đường mới mở đang được san ủi.

Sắp đến, Ban an toàn giao thông Quảng Nam sẽ phối hợp với các trường học, đặc biệt là những trường học dọc quốc lộ để triển khai mô hình này.
Mửng quản lý siêu chặt này thì em nào ham vui, trốn học vào quán net chơi game thì xe đạp "có số" dựng bên ngoài sẽ lộ tẩy hết, khó "làm ăn" (tin từ báo Thanhnien).

< Dự án đường Trường Sơn Đông, gói thầu Đ7 - KM48A - KM60 với chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 46/BTTM.

< Tại ngã 3 cũng có đài tưởng niệm Di tích Cách mạng khu uỷ khu V.

Khu di tích căn cứ khu V (còn gọi là khu di tích Phước Trà - xã Sông Trà - huyện Hiệp Đức - tỉnh Quảng Nam) có diện tích 15,29 ha, cách thị trấn Tân An 10 km về hướng Tây - Nam, gồm: di tích nhà và hầm làm việc của đồng chí Năm Công (tức đồng chí Võ Chí Công), Hội trường diễn ra Đại hội III,...
... Ban đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, ao cá, ao rau muốn, nhà trưng bày hiện vật của khu di tích, Bia tưởng niệm thông tấn xã Việt Nam, Bia tưởng niệm của Ban tuyên huấn, cùng với rừng cây nguyên sinh.

Đây là căn cứ cuối cùng để chỉ đạo Cách mạng miền Trung và Tây Nguyên và là nơi diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng bộ Khu V và nhiều Hội nghị quan trọng khác dưới sự chỉ huy
... của đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu uỷ V và Bộ Tư lệnh Quân khu trước khi mở cuộc tổng tiến công vào mùa Xuân năm 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Khu di tích đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích cấp quốc gia vào ngày 24/3/1993 và đang trở thành nơi tham quan du lịch đối với du khách khi đến với Hiệp Đức.

< Lối vào khu di tích.
Ngay ngã 3 vào khu di tích Căn cứ Khu V, bọn mình dừng xe lại hỏi thăm đường. Địa danh "Eo Gió:" có người biết, có người không, mà người biết thì cũng khá mông lung, không rõ ràng cho lắm.
Còn đi Bình Lâm thì đơn giản như bọn mình đã nghĩ: cứ chạy thẳng là đến thôi.

< Qua cầu Lai Nghi...

Lại nói về nơi mình sắp đến:
Là vùng quê bán sơn địa, Hiệp Đức là nơi kết thúc và khởi đầu của một dòng sông: Đó là sông Tranh và sông Thu Bồn.

Khởi nguồn từ đỉnh Ngọc Linh cao vời vợi, con sông Tranh rộng mênh mông với những thác ghềnh lởm chởm đá sẫm màu xám nâu, cứ xoáy xiết xuôi dòng. Khi đến địa phận Hòn Kẽm - Đá Dừng, bỗng dưng sông Tranh trở nên hiền hòa, êm ả tìm ra biển lớn với tên gọi khác: Sông Thu Bồn.

< ... rồi chạy một đoạn vài cây số là gặp dòng Tranh - một trong những đầu nguồn sông Thu Bồn.
Ven bờ người dân trồng rẫy xanh mướt mắt.

Thị trấn Tân An nằm bên bờ sông Tranh, lúc mới hình thành thì khu vực trung tâm huyện còn rất hoang sơ với nhà cửa, quán xá lèo tèo.

< Một phụ lưu nhỏ hòa trộn vào dòng sông Tranh...

Có cầu Tân An, một phần Phước Trà đã thực sự trở thành thung lũng hồi sinh. Nhiều gia đình mà vợ chồng vốn là trại viên Trại cải tạo phục hồi nhân phẩm K.80 chọn bên kia sông Tranh cư ngụ để làm lại cuộc đời, trước sự đổi thay thảy đều cứ ngỡ như mơ! Bởi người ta không ngờ lại có ngày thị trấn Tân An mở rộng, thuận lợi cho cuộc sống người vùng cao.
< Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hiệp Đức.

Làng mới của những người có một thời lầm lỗi do ông Phạm Sỹ Nguyên khởi xướng và xây dựng giờ đây sớm chiều tấp nập người qua kẻ lại. Vẻ đìu hiu vắng lặng đã được thay thế bằng sự nhộn nhịp của một khu dân cư đông đúc. Ông Phạm Sỹ Nguyên đã về nơi chín suối nhưng những việc ông làm lúc sinh thời đã giúp bao phận người bất hạnh đơm hoa...

Quốc lộ 14E và cây cầu bê tông cốt thép bắc ngang sông Tranh như một nét khởi điểm tạo điều kiện cho chính quyền địa phương điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể thị trấn Tân An theo hướng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Trong tương lai, huyện sẽ đầu tư mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng, giao thông của huyện lỵ theo hướng đô thị hóa, trở thành một đầu mối giao thương nối kết đồng bằng và núi. Dẫu là dự định nhưng cũng là ước mong vì huyện còn nghèo, chưa thể một lúc đủ tiền để chỉnh trang lại thị trấn trong tương lai gần.

< Sông Tranh nhìn trên cầu Tân An, cầu này bắc ngang dòng chảy cuồn cuộn nước.

Vậy nên với người lâu rồi không về Tân An sẽ thấy nơi đây đã có thêm nhiều ngôi nhà tầng khang trang bề thế điểm tô cho phố núi những gam màu tươi sáng - Môt sự đổi thay thật tuyệt sau hai mươi năm...
< Qua cầu là vào thị trấn Tân An, lúc này đồng hồ chỉ 9h45 phút ngày 4/3/2012.
Mình cho rằng hơi chậm một tý do đường nhỏ. Tuy nhiên, từ khúc này trở đi đường sẽ xấu hơn.
Mình không ngại vì dư dã thời gian để về đến Tam Kỳ.

Còn tiếp

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần cuối