(TGDS) - “Tổng Thanh 21 xã thôn/ Ngắm xem phong cảnh Nhân Sơn/ ai bằng Điền địa thì rộng lăng lăng/ Có năm hòn lèn cao gióng giả/ Có tòa voi đá, có bàn cờ tiên...” Chắc hẳn, mỗi người con Quỳnh Hồng mà đặc biệt là những người cao niên, mỗi khi được nghe lại những vần thơ này đều cảm thấy lòng bồi hồi, bâng khuâng nhớ lại cảnh xưa, người cũ.

< Di tích đền Voi là công trình kiến trúc lớn được xây dựng từ thời nhà Lê, được bảo tồn khá nguyên gốc các hạng mục công trình cho đến ngày nay. Di tích tọa lạc ở làng Long Sơn, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu. Được xây dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn được tu bổ, tôn tạo. Đền hướng về phía Đông Bắc, tả có núi Long Sơn làm Thanh Long, hữu có núi Tượng Sơn làm Bạch Hổ, sau gối Tam Thai, trước chầu Quế Hải, là nơi phong thủy đẹp.

< Đền Voi nhìn từ chính diện. Trước đây đền được xây dựng trên vùng đất rộng khoảng 5000 m2, trải qua nhiều biến động đến nay khuôn viên chỉ còn 2.088m2 với các hạng mục công trình chính: Cổng ngoài, sân, Nghi môn, Bái đường, Hậu cung, Tả, Hữu vu.

Làng Nhân Sơn bao gồm địa phận 3 thôn Hồng Tiến, Hồng Phú, Hồng Long của xã Quỳnh Hồng ngày nay. Xưa, Đức Khổng Tử có câu “Trí giá dạo thủy, Nhân giả dạo sơn”, nghĩa là: người có trí thì chơi với sông nước, người có nhân thì chơi với núi non. Quan niệm các bậc tiền nhân của làng là: làm người trước hết phải có nhân nghĩa. Chữ “Nhân” phải đặt lên hàng đầu. Cái tên “Nhân Sơn” được ra đời với ý nghĩa đó.

< Nghi môn đền Voi được thiết kế theo kiểu Tam quan, quy mô khá đồ sộ, được xây bằng chất liệu gạch, vôi, vữa nhưng hiện nay chỉ còn cổng giữa.
Dulichgo
Làng Nhân Sơn có lịch sử hình thành và phát triển gần 600 năm. Từ bao đời nay, các thế hệ cư dân của làng đã bằng mồ hôi, nước mắt, công sức, trí tuệ và cả máu xương để khai phá, mở mang, tạo xóm, mở làng, bồi đắp nên lịch sử của một miền quê. Cũng như nhiều miền quê khác ở làng quê Việt Nam, nếp sinh hoạt văn hóa xưa của người dân nơi đây, lấy ngày hội làng gắn với việc thờ Thành hoàng làng làm trung tâm.

< Dù đã nhuốm màu thời gian, các hình đắp nổi trên Nghi môn vẫn giữ nguyên được chi tiết tinh xảo. Trong ảnh là một bức phượng đắp nổi cầu kỳ.

Nơi tôn thờ các vị thần bản thổ có công khai canh, lập làng của Nhân Sơn xưa là đền Nhân Sơn - một ngôi đền linh nghiệm, tọa lạc tại trung tâm của làng, trên một khu đất rộng, nay thuộc địa phận thôn 2, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Đền Nhân Sơn xưa (nay là đền Voi) là công trình kiến trúc cổ, có quy mô lớn được xây dựng từ thời Hậu Lê, về sau được trùng tu, tôn tạo, mở mang nhiều lần. Trước đây 2 bên cổng Tam quan của đền có 2 tượng voi lớn nên Đền còn có tên gọi là đền Voi. Cảnh đền xưa được khắc họa “trong thì miếu đài, hoa mỹ, chim hót thúy bay, ngoài thì lầu gác nguy nga, rồng chồm, hổ phục, miếu đường cao ráo, ngôi vị tôn nghiêm”.
Dulichgo
< Tượng nghê chạm trổ tỉ mỉ trên đầu đao Nghi môn.

Cho đến nay đã gần 300 năm trôi qua, trải qua bao biến thiên của lịch sử, thiên tai và chiến tranh, nhưng di tích vẫn giữ được công trình gốc như cổng chính Tam quan, nhà Bái đường, Hậu cung. Kiến trúc gỗ của hai ngôi nhà này được chạm trổ công phu, các họa tiết hoa văn trang trí rất tinh xảo, tỷ mỷ đến từng chi tiết.

< Nhà bái đường bề thế nằm giữa những tán cây xanh mát. Đền Voi trước đây gồm có 6 tòa được bố cục theo kiểu nội công ngoại quốc, bao gồm các công trình: Cổng ngoài có 2 tượng voi, Nghi môn, nhà Tả, Hữu vu, Bái đường, 2 nhà cầu nối liền Bái đường và hậu cung.

Trên các đường kẻ, trụ đầu đều được thể hiện những đề tài sinh động, hấp dẫn, hình rồng nguyên con, hình đầu rồng ngậm chữ thọ, hổ phù, long mã, cá chim, cúc, sen... đều do bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của các nghệ nhân dân gian đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống động, hấp dẫn làm tôn thêm vẻ uy nghiêm cho Đền và phần nào phản ánh cuộc sống sinh hoạt cũng như nét văn hóa tín ngưỡng trong quá khứ của một làng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng.

< Bên trong nhà bái đường là các cột gỗ lớn vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Dulichgo
Đặc biệt, là nơi tôn thờ và tưởng niệm chính ba vị Thành hoàng đã có công khai canh, lập làng như: Phan Văn Bài, Hồ Cảnh Xí, Nguyễn Duy Thời. Về sau còn phối thờ thêm những người có công với dân, với nước như: Tứ Vị Thánh Nương, Tam tòa Lý Nhật Quang, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn... Đây là những vị thần nổi tiếng linh thiêng, được nhiều nơi thờ phụng. Khi sống họ có nhiều công tích, khi mất có nhiều hiển linh phù hộ độ trì cho nhân dân có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc nên xứng đáng được hậu thế tôn thờ.

< Hệ vì kèo bằng gỗ nguyên khối được chạm trổ đầu rồng trong nhà bái đường.

Đây là một di tích còn lưu giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc cổ kính và nhiều hiện vật quý như 4 bia đá cổ, một đôi hạc, văn cúng, câu đối... là cứ liệu lịch sử vô cùng quý giá để khẳng định giá trị lịch sử của di tích. Nơi đây, còn ghi dấu các sự kiện phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, phong trào kháng chiến chống Pháp. Sau Cách mạng tháng 8-1945, đền Voi được chọn làm địa điểm hội họp của xã và huyện.

< Mặt tiền nhà hậu cung trong đền.

Đây cũng là toàn dân làng Nhân Sơn tập trung để nghe đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, sân đền còn là nơi địa phương tổ chức đón tiếp nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước về thăm, gặp gỡ nói chuyện với nhân dân trong xã.
Dulichgo
Xưa kia, tại ngôi đền này, hàng năm không khí của những ngày lễ hội diễn ra thật tưng bừng, khắc họa rõ nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của làng như lễ cầu yên, cầu phúc. Các phần lễ rất trang nghiêm, phần hội có nhiều trò chơi dân gian sôi nổi, phong phú, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài làng tham gia.


< Ban thờ ở nhà hậu cung. Đền Voi thờ chính 3 vị thần bản thổ khai canh của làng: ông Phan Văn Bài, ông Hồ Cảnh Xí và ông Nguyễn Duy Thời. Về sau có phối thờ: Tứ vị Thánh Nương, Tam tòa Lý Nhật Quang, Hoàng Tá Thốn và hậu thần Hồ Phi Tứ, ông xứ bản Đồng Môn, ông Nghè Long Sơn.

Trong những năm tháng chiến tranh, đã có một khoảng thời gian dài, những tập tục sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng bị gián đoạn. Mười lăm năm trở lại đây, những tập tục văn hóa tâm linh tưởng chừng như đã mất trong ký ức dần được khôi phục trở lại. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, đặc biệt là dịp Lễ kỳ phúc 16-3 (Âm lịch), người dân Quỳnh Hồng cùng du khách thập phương lại hội tụ về đây cầu an, cầu tài, cầu lộc, cùng thắp nén hương tỏ lòng thành kính, tri ân, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã có công dựng xây quê hương, đất nước.

< Đền Voi được cấp bằng di tích Văn hóa lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 2012. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, thiên tai, chiến tranh, một số công trình của đền Voi đã bị hư hỏng, xuống cấp.
Dulichgo
Với những chứng tích còn được lưu giữ tại đền cho đến ngày nay, đền Voi, xã Quỳnh Hồng xứng đáng được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật tháng 9-2012. Quá khứ được xích lại gần hơn với hiện tại. Lịch sử quê hương như một mạch ngầm, lặng lẽ xuyên qua bao tháng năm. Và bất chấp sự bào mòn của thời gian, bất chấp vòng quay của tạo hóa, tại mảnh đất này, có một giá trị thiêng liêng vẫn luôn trường tồn, thẩm thấu trong trái tim, khối óc của mỗi người con Quỳnh Hồng. Đó là cội nguồn của cha ông, là những phong tục, tập quán, là bản sắc văn hóa - tài sản vô giá của tiền nhân để lại - mà lớp lớp hậu thế muôn đời sau phải luôn biết hướng về, trân trọng, nâng niu, gìn giữ...

“Để cho sớm nến thơm nhang
Đền Voi - linh khí của làng Nhân Sơn”

Theo Hồ Thanh Khương (Thế Giới Di Sản), ảnh và chú thích từ Báo Nghệ An
Du lịch, GO!