(Tiếp theo)
Đọc đến lúc này, chắc các bạn xem bài sẽ tự hỏi: "Ông này cứ nhắc đến từ Eo Gió, vậy địa danh này là cái gì quái gì nhỉ?". Quả thật, mình cũng chỉ mới biết đến địa danh này trước khi đi thông qua một hai rẻo thông tin rất nhỏ - từ đó, mình muốn khám phá nơi này có đúng như thông tin đã tìm thấy không, chỉ vậy thôi.

< Qua cầu Bà Khu, bọn mình vẫn trực chỉ theo con đường độc đạo. Cứ gặp ngã ba hay tư gì đó thì phải hỏi vì từ khúc này trở đi: bản đồ không còn chuẩn xác nữa.

Trong thật tế: nếu đơn giản, mình đi từ Khâm Đức về Tam Kỳ theo QL14E thì tối đa 11h trưa là bọn mình đã đến rồi do đường khá tốt. Nhưng đã là dân phượt mà cứ nghêng ngang trên QL để xoẹt làm một chuyến về thì phí của trời cho và mất bớt cái thú... trong khi có khối thứ hay hay trên đoạn về - thời gian thì cũng tương đối dư dã. Vậy thì trên nẻo đường về Tam Kỳ, bọn mình nghĩ rằng sẽ khám phá ít nhất một chổ. Nhưng chỗ nào đây?

< Hầu như gần hết đoạn đường này: bên trái là núi, bên phải thấp hơn - có thể là vực hay những cánh đồng bậc thang nho nhỏ, xanh mướt.

Có 3 điểm đáng lưu ý trên QL14E từ Khâm Đức về Tam Kỳ mà bọn mình có thể ghé tham quan là:

1- Hòn Kẽm Đá Dừng: Đây là khu vực có hai dãy núi đá ở hai bên bờ sông Thu Bồn thuộc địa phận 2 xã Quế Lâm và Quế Phước (Quế Sơn). Là ranh giới của hai huyện Quế Sơn và Hiệp Đức, cách Đà Nẵng 100 km về phía Tây.
< Thỉnh thoảng lại dừng để nhìn ngắm, chụp ảnh. Cái đói do đi từ sáng đến giờ cũng quên mất dù lúc ni đã gần 11h trưa.

Trông lên Hòn kẽm - Đá dừng,
Thương cha, nhớ mẹ quá chừng Bậu ơi.
Thương cha nhớ mẹ thì về,
Nhược bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng.

< Lại những rẻo ruộng nho nhỏ, xinh xắn. Thoạt nhìn thì ngẫm ngay rằng nạn thiếu nước của Tiên Phước ngay nay đã được khắc phục rồi (Hồi năm 2007 thì khổ lắm, hạn triền miên).

Đây là khu vực đẹp với những vách núi đá có độ cao đến 531m và dòng sông hiền hòa miệt mài chảy dài, len lõi  từng vách đá tạo nên cảnh quang thơ mộng và trữ tình.
< "Máu của rừng" nằm trơ trọi ven con đường nhỏ - nơi nào mà tránh khỏi vấn nạn này... ngoài những thành phố bê tông?

< Giữa trưa hè nhưng vẫn mát dù mình bận áo khoác ngoài dày mo: mát do rừng cả đấy!

2- Hồ Phú Ninh: Nằm cách thành phố Tam Kỳ 7km về phía tây. Hồ Phú Ninh là công trình thủy lợi quy mô lớn, với diện tích mặt nước 3.433ha và 23.000ha rừng phòng hộ cùng 30 đảo nhỏ và bán đảo xinh đẹp.
< Tỉnh lộ 614 đến 615 là đường nhựa nhưng do nằm chen giữa núi rừng đất đỏ nên trông thế này đây: cứ ngỡ là đường đất.

Nơi đây có hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Đặc biệt có nguồn nước khoáng thiên nhiên chứa hàm lượng khoáng chất và dinh dưỡng cao, có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Đẹp thật nhưng so với lộ trình của bọn mình thì khá xa do không thuận đường lắm.
< Ngõ vào một vài nhà dân nằm cheo leo nơi hoang vắng. Bọn mình vẫn muốn vào hỏi dù không cần - chi do muốn tiếp xúc và nghe giọng Quảng Nam của những người địa phương, thế thôi.
Chú chó trông nhà chỉ sủa đôi tiếng rồi vẫy đuôi thân thiện, nơi cô quạnh mà...

< Đến một xóm dân cư, gọi là xóm nhưng nhà lưa thưa, yên bình. Trước mặt là cây cầu có tên ngồ ngộ: Cầu Đá Nhảy.

3- Cuối cùng thì bọn mình chọn Eo Gió, đây là mục tiêu cuối cùng của chuyến đi. Để đến nơi này thì thay vì bọn mình cứ chạy thẳng theo QL14E từ Bình Lâm (qua xã Bình Trị, Bình Định Bắc... cho đến thị trấn Hà Lam) gặp QL1 thì ngược xuống Tam Kỳ... thì lộ trình sẽ thay đồi từ Bình Lâm sẽ rẽ xuống Tiên Phước theo TL614 rồi quẹo TL615 về đích cuối là Tam Kỳ.
< Cầu Đá Nhảy bắc ngang con suối này. Tương truyền rằng xưa kia, người ta đã từng dọn hết những hòn đá này và bỏ tít trên đầu nguồn để nước được chảy thông suốt. Tuy nhiên chỉ sau một đêm thì những hòn đá này lại tự quay về chốn cũ - Vây nên người dân gọi tên cầu là "Đá Nhảy".

< Tương truyền thì không biết có thật không, nhưng nhìn những dòng nước tuôn trào qua kẻ những hòn đá to thật thú vị - cảnh vật nên thơ đó chứ?

< Ảnh "Eo Gió" trên web Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng - thật ra ảnh này là đèo Eo Gió nằm trên tỉnh lộ 627 tuyến đường Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Minh Long.

Nhưng Eo Gió là gì, có gì hay không? Đầu đuôi câu chuyện "đi Eo Gió" cũng xuất phát từ bức ảnh này (Ảnh bên trái). Ảnh được trích từ trang web của Đà Nẵng: Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng - bạn có thể xem link này tại đây.
< Một lối mòn rẽ vào nhà dân: quanh co giữa đồng rồi khuất vào chân núi.

Kèm theo ảnh là phần diễn tả về nơi này: "Eo gió: Đèo nằm tỉnh lộ 615 Tam Kỳ - Tiên Phước, cách thị xã Tam Kỳ 25 km về phía Tây, bên chân đèo phía Đông là xã Tam Lộc, bên chân đèo phía Tây là xã Tiên Sơn. Nơi đỉnh đèo luôn có gió thổi mạnh, hoặc từ phía đông sang, hoặc từ phía Tây sang tùy theo mùa, do đó mà có tên Eo Gió.".
< Qua khúc này thì mình bắt gặp một ngã 4: mù đường luôn! Tuy nhiên không ngại vì ngay đó có quán cà phê, còn bên kia có chị bán trái cây.
Bà xã ghé vào mua nữa ký bòn bon, nhơi vài trái nếm mùi chua chua ngòn ngọt rồi treo lên xe. Nhờ vậy nên có tý quà cho mấy bé trên đỉnh Eo Gió.

Một thông tin khác cho cũng biết "Từ đỉnh Eo Gió: nếu là ngày tốt trời thì ta có thể nhìn thấy những đồi cát vàng ở tận biển Tam Kỳ..." -
< Mình cứ ngỡ rằng đi theo hướng xuống hoặc rẽ ngang nhưng quán cà phê và chị bán trái cây lại chỉ hướng lên. 
.
Đây chính là do sai sót mà chị nước mía chỉ hồi trước (theo cách chỉ của chị thì xa hơn nhưng có lẽ đường khá hơn): ở ngay vị trí này thì phải chạy lên, dzị thì "lên".
< Có vẻ như đường lên cao dần, lên mãi...
Lời chỉ cuối cùng là cứ chạy thẳng vì không còn nhánh rẽ, yên tâm rồi.

Thông tin Eo Gió trước chuyến đi chỉ vậy thôi, nhưng chính tấm ảnh đã kích thích bọn mình muốn đến tận nơi để tìm tòi và xem thật tế. Còn thông tin có đúng không thì lúc đọc: mình cho là đúng vì đăng ngay trên web chính thống của Đà Nẳng mà, vậy nhưng sau này mới biết: Tin thì đúng còn ảnh thì sai bét nhè, he he...
< Đoạn quanh co giữa một bên là núi, bên kia là vực nhưng phải gắng vượt qua một xe chở đầy cây (hình như là lồ ô) - Vượt cũng ớn nhưng chạy sau chiếc xe chở khẫm, lại cà rịch cà tang này còn ớn hơn bội phần!
Rồi cũng qua được.

< Rồi mình đến được đỉnh cao này: dừng xe lại ngắm nghía...

Nhưng trước tiên mình cần đề cập đến địa danh "Eo Gió" cái đã! Theo mình biết được thì ở Việt Nam mình ít nhất có 3 nơi có địa danh "Eo Gió" (lúc mình đi chuyến này thì chỉ biết có 2 thôi, vậy nên mới có chuyện 'bé cái lầm').
< Bà xã thì chụp ảnh, mình móc máy MID ra so bản đồ nhưng cũng chẳng định được vị trí chính xác! Đây là đâu?

1- Eo Gió ở Quy Nhơn: Eo Gió nơi này thuộc thôn Hưng Lương, xã Nhơn Lý, nằm cách Quy Nhơn hơn 20 km về hướng đông bắc. Đây là thắng cảnh đẹp, mang dáng vẻ hùng vĩ bậc nhất ở Bình Định.
< Đi ngược lại vài mươi mét, có một căn nhà nhỏ bán vài thứ linh tinh sơ sài như nước tăng lực, mì gói, thuốc lá...
Mình hỏi anh chủ nhà có bán cà phê không thì anh cười và nói có "Cà phê lụi hỉ": hóa ra là cà phê gói: bỏ ra ly, cho tý nước sôi rồi quậy đều là xong.
.
Cả hai anh là người xứ Quảng, rõ hơn là Phú Ninh. Người bên trái hình là chủ quán còn anh bên phải thì đi làm rừng gần đây, chỉ ghé chơi trước khi về.
Cả hai anh cũng xác nhận rằng đây là đỉnh Eo Gió. Ngay trưa hè thì chỉ có gió thoảng thôi nhưng khuya thì gió lớn, mùa mưa bão gió rít thành tiếng.
Anh cũng cho biết là vào ngày tốt trời có thể nhìn thấy những dải cát vàng tận Bình Nam và Tam Kỳ.
.
Bịch bòn bon treo trên xe, bọn mình lấy xuống tặng 2 đứa con anh xem như chút quà. Tính tiền ly cà phê: chỉ 4k nên bà xã trả chẳn.

< Lại lên xe đi. Từ giã Eo Gió, một địa danh có thật: cả một huyện Tiên Phước đã xác nhận qua lời hỏi của bọn mình rồi kia mà, chưa tính hai anh trên đỉnh gió lùa.

2- Đèo Eo Gió nằm trên tỉnh lộ 627 tuyến đường Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Minh Long. Đèo có chiều dài 2 km băng ngang sườn núi Đình Cương, theo ông bà kể lại ngày xưa nơi đây là rừng rậm có rất nhiều cọp dữ. Nơi đây thời chiến tranh diễn ra nhiều trận đánh ác liệt.
< Tuy nhiên vẫn có chung vấn vương còn lại: Mình mong rằng Cổng thông tin Điện tử Đà Nẵng sẽ thay thế hình ảnh Eo Gió "đã mượn tạm" bằng một hình ảnh xác thực hơn. Việc này hoàn toàn không khó, thậm chí có thể lấy ảnh từ Du lịch, GO! cũng được vì tính xác thục của một web chính thống phải chuẩn.

3- Eo Gió mà bọn mình đang nhắm đến thuộc huyện Tiên Phước, nằm trên TL615 cách thị xã Tam Kỳ 25 km về phía Tây.
< Dĩ nhiên từ trên cao xuống đồng bằng thì phải dốc, đoạn này thì mình gặp dốc xuống liên miên, lại quanh co...

Vậy nhưng trên Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng thì chú thích về địa danh rất đúng nhưng tấm ảnh kèm theo: họ lại lấy ảnh của đèo Eo Gió nằm trên tỉnh lộ 627 tuyến đường Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Minh Long. Cụ thể là tấm ảnh đó trên trang web huyện Nghĩa Hành với thông tin về nơi này rất rõ ràng cùng nhiều ảnh liên quan, bạn xem tại đây.

< Tỉnh lộ 615 đoạn Tam Lộc.

Vậy thì đã rõ: mười mươi là người viết bài cho Cổng thông tin ĐT Đà Nẵng lấy đại ảnh trên mạng nên tạo ra cái sai sót.

Trở về chuyến đi: Hết dốc rồi thì bắt đầu vào xã Tam Lộc rồi Tam Phước. Tỉnh lộ 615 vẫn bé tẻo teo.
Khúc này gặp bà cụ đi trên đường nên dừng lại hỏi, bà cho biết rằng mình đi đúng đường - vậy là cứ trực chỉ phía trước. Tỉnh lộ to dần...

< Chợ Cẩm Khê đây, trưa nên vắng.

Đến chợ Cẩm Khê thuộc thôn Kỳ Phú, chợ trưa vắng nên mình chạy thẳng. Qua chợ vài trăm mét thì ghé vào quán cơm bên phải đường - Chỉ 30k cơm phần là cả hai no nóc với thật nhiều món, lại ngon.

Gợi chuyện với chị chủ quán, chị cho biết chạy thẳng đúng là ra QL1 nhưng đường nơi đây đang làm nên khá xấu, đầy cát đất.

< Cầu La Gà thuộc xã Tam Vinh.

Chị cũng xui nên trở lại hướng chợ Cẩm Khê: đến ngã 4 đầu tiên thì quẹo trái... rồi theo đường mới mở chạy đến Trung tâm hành chính huyện Phú Ninh. Từ đây sẽ gặp đường Trần Phú chạy thẳng đến trung tâm của thành phố Tam kỳ.

Chủ quán hiếu khách, lại vui tính nên tha hồ có chuyện để hỏi, thậm chí nhờ cả nhà tắm để đánh răng, rửa mặt cho sạch hết bụi đường.
< Cổng huyện Phú Ninh, vừa qua Trung tâm Hành chính một đoạn.

Cả chủ và vài khác khác tròn xoe mắt khi nghe mình từ Khâm Đức đến. Ngạc nhiên hơn nữa khi nghe kể về cả lộ trình.
Lạ nên bỡ ngỡ nhưng nếu biết "phượt forum" chắc người ta xỉu ráo vì những chuyến xuyên Việt của các sư phụ mất, hi hi...

< Đây đã là đường Trần Phú.

Từ giã chị chủ quán 'rẻ nhưng ngon lại nhiệt tình', bọn mình theo đúng lộ trình đã được hướng dẫn - Qủa là đường tốt thật, chỉ phải hỏi một lần ở ngã 3 trung tâm hành chính rồi chạy một lèo.
Và cũng đến được QL1A sau khi qua gác chắn xe lửa.

Lúc này thì chuyện bi hài nhất của chuyến đi bắt đầu lộ diện: Hồi sáng sớm, lúc còn ở Khâm Đức thì bọn đã đặc vé xe Phương Trang để về Sàigòn.
< Tam kỳ đây, phía trước có đường lớn cắt ngang...

Nhà xe cho biết đến Tam Kỳ thì chạy đến ga xe lửa, vào phòng bán vé của PT tại đó để nhận vé, trả tiền và có thể nghỉ ngơi vì xe đến Tam Kỳ vào lúc 7h tối.

Vậy là dong xe theo QL1A đến ga xe lửa, nhìn quanh quẩn thấy phòng bán vé xe Phương Trang nên ghé vào: Nơi đây đóng cửa im im dù bấy giờ là 2h kém vài phút.
< ... chính là QL1A, QL khi chạy ngang thành phố thì mang tên là đường Nguyễn Hoàng.

Người nhận đặt vé từ Đà Nẵng cũng không gọi lại điện thoại của bọn mình để xác nhận lại vé đã đặt như mọi khi.
Mọi thừ đều im lìm - vậy chờ từ giấc này đến 7h tối: chưa có gì chắc chắn là bọn mình sẽ lên xe để về Sàigòn được, nhất là còn kèm cả chiếc Win.
Nhưng bất ngờ thú vị là đây: Nhìn xa xa cách đó vài chục căn có một chiếc openbus giường nằm màu đỏ, xe mới đang đưa khách lên. Nửa kia nhanh chóng lại hỏi: hóa ra ở đó là "phòng vé" xe Bích Nga.
Gọi là phòng vé cho oai chứ thật ra chỉ kê... cái bàn nhỏ trước hiên nhà người khác rồi bán vé.

Hỏi về SG bao nhiêu thì biết giá 350k/người. Vậy chiếc Win? Chỉ 300k.
Hỏi giường: xe còn giường không, lơ cho biết là còn.

Dzị là anh lơ vội vàng kéo nửa kia lên xe, bà xã giật tay lại đòi 2 giường gần nhau. Lơ tròn mắt "ủa chị đi hai người hả?". Chả những 2 người mà còn nguyên con xe gắn máy, he he.

Rồi nửa kia đi về phía mình, nơi đậu xế và hành lý lỉnh kỉnh, chiếc openbus thì là rà... theo sau!
Đến rồi thì những 3 anh chàng từ trên xe nhảy xuống: người mở nắp hầm, người thì chụp túi treo xe, kẻ thì nhào vô... tháo bánh, tháo kiếng chiếu hậu...
Mèn ơi, thật như... ăn cướp khiến mình chột dạ hét: Khoan đã!
Anh lơ nhanh miệng: "anh đừng lo, xe tụi em... có thương hiệu đàng hoàng - bảo đảm sẽ đưa anh chị về đến bến nhanh nhất".
Nửa kia hỏi "nhưng xe này bao nhiêu". "350k" - "hồi nãy chị kia nói có 300k" (thật ra Win có phí cao hơn các xe số khác) - "Rồi, em tính 300k luôn".
Chỉ mươi giây thì chiếc Win đã yên vị trong hầm, lại được ràng dây chắc chắn. Túi treo xe, kiếng, nón cũng chui tọt vào đó luôn.
Xong thì bọn mình cũng lên, do 2 người nên chỉ còn dãy giường cuối, tầng dưới. Tuy nhiên cũng khá thoải mái vì 5 giường nhưng chỉ có 4 người suốt lộ trình.

Nói thật: xe còn mới và sạch đẹp hơn cả xe PT lúc mình ra đây, máy lạnh chạy tồ tồ: đủ mát, thậm chí còn lạnh pà kố ở các hàng giường trên.
Từ Tam Kỳ về đến Bình Định: xe 'bắt khách' hà rầm cho đến khi từ Quy Nhơn trở đi mới thôi. Tuy nhiên không mất nhiều thời gian vì những... 3 ông tài xế trên xe thay nhau lái (có thêm 1 lơ) và vượt xe khác... tá lả.

Hi hi, ai yếu tim thì không nên nằm ngay hàng ghế trước để nhìn thấy cảnh vượt xe trước. Với mình thì mình nghĩ 3 ông tài này có tay lái lụa khá tốt, he he...
Chạy đến Bình Định thì nhà xe ghé trạm nghỉ cho khách ăn cơm do vé là 350k nhưng bao cả 2 bữa đó nhé. Cũng đừng coi thường giá bèo vì bữa ăn của nhà xe Bích Nga ngon bá cháy với nhiều món, hết cơm hết canh thì nhà hàng lại châm thêm.

Chưa hết: đến 4h10 sáng thì nhà xe lại ghé quán ăn Thành Phát ở Đồng Nai cho khách nghỉ ăn sáng. Mình bỡ ngỡ do khi xuống xe: một người đứng đó phát cho mọi hành khách bàn chải, kem đánh răng và khăn giấy để vệ sinh đầu ngày: lịch sự chưa?
Món điểm tâm là hủ tiếu, đủ ngon và đủ chất sau một đêm quanh co trên quốc lộ.

Cuối cùng thì cũng về đến thành phố lúc 6h - bến cuối của xe là bến xe An Sương nên bọn mình xuống Suối Tiên rồi về bằng ngõ cầu Phú Mỹ cho gần - hết một chuyến đi.

< Win của mình trên đường Hồ Chí Minh.

Bài sau mình sẽ có phần tổng kết chuyến đi này, bạn đón xem nghen.

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần cuối


Tổng kết chuyến Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Khâm Đức - Tam Kỳ