(Tiếp theo)
Rời đỉnh Bàn Cờ, bọn mình phân vân không biết nên tiếp tục hành trình theo hướng nào. Có 2 cách: đi chiều ngược lại để đến ngã 3 khi nãy đã đi, từ đây rẽ xuống dốc dứng xuôi hướng Bắc ròi bọc vòng đường núi trở về cảng Tiên Sa.

< Rời đỉnh Bàn Cờ hướng về phía Đông, bọn mình lủi vào một nhánh rẽ phải rồi phải quay ra do đây là nhánh cụt.

Cách 2 là không trở ngược mà vẫn đi tiếp hướng về phía Tây, đường này xem trên bản đồ chắc chắn sẽ dẫn ra con dốc khủng nơi hôm qua xe mình tắt máy.
Tính xuôi ngược rồi quyết định không trở lại: Đông tiến vậy!

< Chỉ thêm một đỗi ngắn nữa là gặp ngay nhiều nhánh rẽ:
Rẽ trái là lên anten đài truyền hình, thẳng là anten phát sóng gì đó của quân đội, còn rẽ phải là đi tiếp đường về bãi Bắc. Hồi trên đỉnh Bàn Cờ: gặp nhóm bạn trẻ mà bọn mình đã thấy trên đường. Mấy cô gái xui: cô chú xin người gác  lên đỉnh truyền hình, ở đó có nhiều góc ảnh hay lắm.
Cũng thích thật nhưng chổ đẹp nhiều, bọn mình chạy ngang nhưng không vào.

< Từ chổ này trở đi, bọn mình hoàn toàn không gặp bất kỳ người nào cho đến khi tới cổng dưới KDL biển Bắc.
Ánh nắng chiều vàng hoe rực rỡ chiếu lên rừng núi bạt ngàn.

Theo thông tin từ web Đà Nẵng thì trên cụm núi Sơn Trà còn có sân bay trực thăng được nâng cấp từ sân bay dã chiến của Mỹ ngày xưa.

< Xuống dốc vài cây số, bất chợt lại gắp ngã 3. Nơi này có biển báo: rẽ phải là đi biển Bắc. Còn phía trái không ghi chú gì. Nhìn lên đỉnh núi kề bên thấy có tòa nhà lớn trên đó: mình cho rằng đường rẽ trái là lên bãi đáp trực thăng, có lẽ vậy.
Có $ thì lên, không $ thì hạ giới - vậy nên quẹo phải.

Hiện tại sân bay phục vụ khách với các chuyến bay bằng loại EC 155 B1 có 12 chỗ (trực thăng tầm trung hiện đại nhất hiện nay của Liên đoàn trực thăng châu Âu), MI 17 và MI 172 với 24 chỗ. Các tour này gồm những chuyến tham quan Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của bãi biển Mỹ Khê, ngắm rừng già và thiên nhiên hoang sơ của bán đảo Sơn Trà, Bà Nà. Tour bay này dành cho người giàu, dĩ nhiên.

< Đường rẽ phải dốc khiếp, nhiều dốc cứ trông như chúi nhũi. Má thắng trước vừa thay tầm 1 tháng nhưng qua 2 ngày nay toàn là vượt núi băng đèo, giờ bắt đầu kêu kót két. Đa phần đường toàn rà cả 2 thắng, liên tục. Xe mà không còn thắng trước, chắc phải gài số 1 để bò xuống thôi.

< Trời chiều mát lạnh, gió cứ rít bên tai từng hồi như tiếng cổ vũ trên chặng đường đua.
Lại vào khúc cua gắt mà chả hề thấy đầu kia là cái gì, có gì...

Có tận hưởng được cảm giác khám phá Sơn Trà mới hiểu được vì sao khi xưa các tiên nữ cũng chọn nơi đây để giáng trần. Nhiều du khách đã không dưới một lần lang thang trên chỏm núi nhưng khi có dịp trở lại nơi đây sẽ thấy có thêm điều mới để tìm hiểu và, khám phá.

< Khung cảnh đẹp tựa như ven rừng Trung Phi mà mình thấy trên truyền hình... với một cây to, nhiều nhánh đang chết khô...

< Dốc và dốc liên tục, đôi lúc xe khựng lại, trèo lên một tý rồi lại đổ dốc. Không gian thật tĩnh lặng, không thứ âm thanh nào khác ngoài tiếng gió bên tai, tiếng xích xe rè rè...
Vài bữa trước khi đi có tăng xích một lần: thằng bé ở tiệm lỡ căng hơi cứng nên kêu nhiều - hai ngày qua: mức độ hao mòn đủ đô, đủ mức làm xích cũng muốn êm luôn! Kỳ này về chắc thay luôn bộ nhông sên dĩa...

< Ngoằn ngoèo như rắn bò, lại vừa đổ dốc. Cần lưu ý bên phải vì đây là vực sâu: lạc tay lại: chắc chắn mình sẽ 'hạ giới' cấp kỳ.

Nhất là khi khách lãng du trầm tư bên Đồi hài cốt, bâng khuâng bên mộ người Mỹ đầu tiên... hay tản bộ trên đỉnh Bàn Cờ, lang thang nhìn rừng hoa sim nở, vào rừng nguyên sinh ngắm voọc ngũ sắc và lắng nghe chim hót...

< Gặp tiếp 1 ngã 3 có hai bảng hình tam giác. Bảng 1 hướng dẫn lối xuống bãi Bắc, cách 5km. Bảng kia có hình sọ người, 2 xương bắt chéo với chữ "cấm lửa". Rẽ trái đi đâu thì Trời biết vì không hề có dấu tích trên bản đồ, vậy mình quẹo phải - còn khá xa và dốc đứng cũng tà la...

< Lúc này nghe tiếng ì ầm gì đó, giống như tiếng xe chạy, phía trước hay là phía sau đây? Tuy nhiên suốt mấy trăm mét kế tiếp không hề thấy chiếc xe nào!

... Cứ thế, Sơn Trà lần lượt hiện ra trong cái huyền ảo của nắng sớm hay lúc chiều tà, cái hư huyền của mây bay trắng núi, sự u tịch thinh không một tiếng chuông chùa...

< Tới đoạn này nhìn mới biết là tiếng xe thật sự. Nhưng không phải xe trên này mà là tít dưới kia: đường Hoàng Sa phía Nam cụm núi.

Dạo trên bán đảo Sơn Trà, người ta chợt quên mất rằng mình đang ở kề cận một thành phố lớn, chỉ cần quay đầu lại là đã thấy sông Hàn, phố xa thênh thang. Hy vọng truyền thuyết về chốn tiên bồng và khung cảnh tuyệt vời sẽ mãi còn trong ký ức của những ai đã từng ghé thăm, của những ai đã từng được hét lên thật to trên đỉnh Sơn Trà mây phủ.
< Nắng chiều vàng hực, dốc vẫn đỗ đều. Trèo dốc tốn xăng nhiều thì thả trớn trở thành xe năng lượng trái táo của ông Newton.

Tự nhiên thấy một Đà nẵng thật thân thương, lắm cái đẹp làm mê hồn người như đèo Hải Vân huyền bí, như đỉnh Sơn Trà thật bao la trước khung trời rộng mở. Bọn mình vẫn còn thiếu khi chưa ghé xuống Ngũ Hành Sơn do thời gian lưu trú tại đây trong kế hoạch cũng không còn. Lại tiếc, chắc do mình tham.

Bù lại, trong 2 ngày qua bọn mình lại được nghe giọng nói người Đà Nẳng thật êm tai: "Cứ tới chỗ nớ rồi biết", "Xu xa, bữa ni hề ghê hỉ"..., thường thì giọng Đà Nẵng có những từ đệm vào như "mô, tê, răng, rứa" hay "chi, xí, khan, miết"... nghe sướng cả lổ nhĩ dù một vài trường hợp bọn mình không hiểu rõ một phần câu nói.

< Dốc này thẳng đuột nhưng tun hút như bạn thấy đó, chắp thêm đôi cánh là mình có thể bay ra tận biển Đông.

< Cuối dốc là một cua gắt, rồi cảnh này hiện ra: Sương mù ở chân núi à?

< Vài giây sau là mình nhận ra chốn này: đây là cái dốc quái mà hôm qua nghiêng đến mức xăng không xuống, xe tắt tịt. 'Nửa kia' ngồi sau cũng nhận ra, buông máy ảnh và ôm cứng - thấy ghê quá mà. Nhưng thật ra dốc nào cũng như dốc nấy, cái nào cũng khủng cả, trên Sơn Trà.


Mình cũng nhận ra điều khác: chả phải sương mù - mờ mờ ảo ảo là đo bên trái là công trình, và họ đang... xay đá, trời hỡi!

< Trở lại đường Hoàng Sa, chạy về trong ráng chiều. Phía xa xa là tượng Phật Bà Quan Âm của chùa Linh Ứng.

< Xem như hôm nay đi suốt nguyên ngày. Nhưng chưa hết, về tắm rửa xong, bọn này lại xách xe đi.

Người Đà Nẵng hầu hết xuất thân từ Quảng Nam do ngày xưa Đà Nẵng cũng chính là là Quảng Nam. Nhiều người cho rằng tiếng Quảng giống hệt tiếng Đà nhưng giọng phát âm thì lại khác. Giọng nói của người Đà Nẵng mang một tính đặc thù do quá trình giao thoa văn hóa với cả miền Bắc và Nam. Không tao nhã và nhẹ nhàng như giọng Bắc, không nhấn nhá như giọng Nam. Giọng người Đà Nẵng mang tính trung gian, "ăn to nói lớn" - vô tư và nghe rất "thẳng".

< Chạy qua trung tâm thành phố, quanh quất hỏi chổ mua pin máy ảnh. Anh bảo vệ trong Thế Giới Di động chỉ qua đường Nguyễn Văn Linh. Theo hướng chỉ thì cũng tìm ra chổ: cái cửa hàng khá lớn bán toàn vật tư nhiếp ảnh - vậy là mua cặp pin Camelion 75k để có thêm pin sơ cua.
Sẳn dịp, bà xã hỏi anh chủ hàng ăn nào có món cao lầu ngon - anh ta nhiệt tình chỉ liền.


Quán ở đây: rẽ bùng binh, vào Hoàng Diệu - quẹo Lê Hồng Phong, thấy nhà hát tuồng thì chạy qua một tý...

< Bọn mình chưa bao giờ đến Hội An nên cũng chưa ăn cao lầu nên không biết chất lượngthế này có ngon khong. Tuy nhiên bao tử bảo rằng ''ngon" = dzị là ngon, giá 25k/tô, có bảng giá rạch ròi trên vách.

< Lại trở xuống đường Lê Duẩn định ghé công viên cầu sông Hàn, chợt thấy tiệm Chè Cung Đình, vậy là nhào dzô!
12K/ly, chè đủ loại, rất chất lượng, cũng có bảng giá rõ ràng - không cần so đo.


No nê, chạy qua cầu và tấp vô công viên ven sông ngồi thả hồn theo sông nước. Đêm cuối tại Đà Nẳng, sáng mai bọn mình sẽ hướng về phía Tây đất nước: Thạnh Mỹ.

Dễ hiểu vì nơi đây là điểm dừng chân của cả người dân Bắc bộ và Nam bộ, là nơi hội tụ bao nhiêu tinh hoa của cả đất nước dù không phải là tất cả. Giọng nói từ chị bán hàng hôm qua cứ ngợ như còn bên tai khi bọn mình hỏi đường "Anh đi mô thì đi đi tề"... nghe sao mà thân thương lạ!

Còn tiếp

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13...