(Tiếp theo)
Đến đây thì mình bỏ xe ven lộ nhỏ, bỏ cả túi hành lý treo xe tại đó rồi chỉ mang theo túi đeo vai chứa nước, máy ảnh... rồi theo lối đi lên thác.

< Đường bộ hành lên thác Grăng. Như mọi lần, mình vẫn vứt đại xe gần đó, cả hành lý luôn vì túi treo xe rất nặng.

Lối đi được tráng xi măng, có tay vịn mé phải bằng bê tông chắc chắn. Càng ngày dốc càng cao nên được thay thế bằng những bậc thang - bên phải là vực có suối nước chảy ở dưới, còn mé trái toàn vách núi cheo leo phủ đầy cây rừng.

< Những đỉnh núi đồi chung quanh vẫn phủ đầy sương - lúc này đã 8h30.

< Cây phía vách núi bị bật gốc ngã ngang đường nên mình leo ra hàng rào đi mép ngoài, mép này cũng bị lở - bên cạnh là vực sâu.

Có những đoạn mé dương do vách núi lở nên đất đá phủ trùm lên hết cả lối đi, phải leo hàng rào ra mé ngoài. Có khúc lại lở phần taluy âm, phía trái thì bị cây rừng ngã ngang nên phải len theo mép vực chỉ còn hơn gang tay để đi tiếp. 'Nửa kia' chọn cách chui dưới gốc cây ngã cho chắc ăn vì mép vực mong manh... thấy ghê quá.

< Khúc nầy bị tảng đá to pà kố lăn xuống dành hết lối đi nên bọn mình leo ra phía ngoài.

Qua vài dốc và những khúc quanh sẽ bắt gặp một ngã 3 - nơi này mình bắt đầu nghe tiếng thác đổ - cái tiếng ì ầm thân quen vang vọng giữa 3 phía toàn là núi đá và rừng như tiếng gọi của mẹ thiên nhiên. Lúc này các bậc thang bắt đầu đi xuống, xuống nữa rồi thác hiện ra trước mặt.

< Thác kia rồi, trên dốc nhìn xuống thấy một phần hồ nước.

Đây là thác Grăng thuộc thôn Pàxua thuộc xã Tabhing - huyện Nam Giang - tỉnh Quảng Nam. Tính từ quốc lộ 14D, chỗ khi nãy gặp cậu bé chăn trâu chạy vào đây khoảng 3 km.
< Bao mệt mỏi đều tan biến, cuối cùng thì bọn mình cũng đến được nơi muốn đến.

Nếu tính từ ngã 3 Bến Giằng thì khoảng mươi cây số. Có người còn gọi là "Tam thác Grăng", riêng người dân tộc gọi thác này là Đạ G'răng - Theo giải nghĩa của dân bản địa thì chữ "Đạ" nghĩa là sông, suối, còn chữ "g'răng" trong thổ ngữ CaTu (Cơ Tu) có nghĩa là con cá chiên.
< Từ trên vách đá cao, dòng nước chen qua kẻ đá tuôn chảy ỳ ầm xuống hồ nước bên dưới.

Chuyện kể rằng ngày xa xưa đây là con thác đẹp chưa ai khám phá, ở dòng suối dưới chân thác có loài cá hiếm tên là cá grăng (cá chiên). Cứ mười mùa rẫy một lần, những con cá grăng đầu đàn khỏe nhất phải vượt qua ba tầng thác nơi đây để hóa thành cá thiêng. Chỉ có làm được điều ấy thì cá grăng mới tồn tại.
< Bâng khuâng ngẫm lại chặng đường mình đã đi qua...
Thường thì nếu không quá sức mình, có lẽ nơi nào trên đất Việt cũng sẽ đến được, nếu muốn. Lại nhớ những nhánh đường mòn trên đèo Hải Vân, hãy chờ đó...

Năm ấy đến mùa vượt thác lại gặp cơn lũ trái mùa dai dẳng cả tháng trời khiến dòng thác trở nên hung dữ dị kỳ. Những con grăng đầu đàn dù đã vắt cạn kiệt sức lực nhưng không thể nào vượt qua thác dữ.. và chúng đã chết, xác cá grăng trôi đầy bên bờ suối.
< Từ hồ, một dòng suối nhỏ chen theo những kẻ đá lớn nhỏ chảy ra ngoài kia. Hai bên vách suối là cây cỏ um tùm.

< Ông Điền mình xem ra khoái tỉ! Giá có ai đó xô mình một phát lọt xuống hồ nhỉ.

Từ đó dân làng gọi tên thác này là thác Grăng và cũng từ đó loài cá grăng không còn tồn tại ở bất kỳ đâu trên sông suối miền thượng du nữa.

Một truyền thuyến giản dị mà bi tráng mang theo thông điệp về sự tồn vong của cộng đồng trước thiên nhiên khắc nghiệt.

< Một màu xanh ngút ngàn của cây rừng vây quanh, hoàn toàn không một bóng người.

Với tụi mình thì thác Grăng là một cụm thác ba tầng nên được gọi là tam thác. Con thác đang lồ lột trước mắt, người ta cho là đẹp nhất... chính là thác thứ 3 với độ cao chừng hơn mười mét (có thông tin cho là 30 mét) với nước từ trên đỉnh đá tuôn xuống gặp những vách đá lồi lõm nên tung tóe ra thành đôi ba dòng. Bụi nước li ti bay phảng phất mát rượi.
< Mê mẩn bên dòng thác, còn bạn thì sao?

Dưới chân thác là một hồ nước lớn mát rượi và có thể tắm được. Nước tích trong hồ rồi tràn qua những khe đá lớn nhỏ tạo thành dòng suối chảy vòng vo qua chiếc cầu nào đó trên QL14D.
< Ngắm đã rồi thì vào 'bài tập số 2": leo lên các tầng thác trên.

Nhìn dòng thác cứ ngỡ như mái tóc xõa tóc trắng trên những vách đá bám rêu với vách đá 3 bề xung quanh, rập rạp một màu xanh của những tán cây rừng. Đây có lẽ là nơi du khách dừng chân tham quan nhiều nhất trong những ngày lễ tết, còn lúc bọn mình đến thì chỉ có trời và đất thôi.
< Khoảnh đường dốc dựng, quanh co. Phía dưới nhìn lên chỉ thấy một đoạn ngắn, những đoạn kế tiếp đều khuất sau những khúc quanh hay tán cây rừng.

Nếu bạn có đôi chân dẻo dai có thể men theo đường mòn ngược lên về ngã 3 khia nãy rồi theo bậc thang leo sườn núi dốc đứng để mục sở thị vẻ đẹp của hai tầng thác phía trên.
< Những khúc ngoặc cheo leo bên khung cảnh tuyệt mỹ. Máy ảnh mình còi bép nên chụp thiếu sáng cứ ra màu đỏ tím.

< Những bậc thang nhưng dốc dựng cao lắm, vài mươi bước lại ngừng lại để... thở.

Nói là 'dẻo dai' do mặc dù có những bậc thang leo lên mấy thác phía trên thật nhưng những bậc thang rất cao, vài đoạn muốn dựng đứng. Lúc này hơi thở dồn dập, trán đẫm mồ hôi: bạn sẽ phải dùng tay vịn của lối đi để trợ thêm sức.
< Lại nghe tiếng thác reo. Đoạn này cũng bị  lở: đất đá tràn ra hết lối đi. Mé phải vẫn là vực sâu nhưng không hề gì...

Hai tầng thác trên cũng có những hồ nước mát lạnh - chắc chắn rằng khi leo lên đến nơi này thì mồ hôi đã đổ ướt mình rồi. Vậy thì tắm thác là phần thường tuyệt vời nhất để lấy lại mọi sức lực đã tiêu hao.
< Rồi cũng đến khu vực thác phía trên: đây là phần thác cao nhất với dòng nước đổ mạnh vào các hồ nước.

Mình cho rằng cả ba tầng thác gợi lên vẻ đẹp nguyên sơ hoang dã của một nàng sơn nữ giữa núi rừng, một nơi đáng đến nếu lũ khách nào có dịp đi ngang ngã 3 bến Giằng.
< Thác thứ 2 là đây: đổ tung bọt trắng xóa với hồ nước trong leo lẻo và mát rượi bên cạnh.

Dưới kia còn ngại chứ trên này, khách du lịch có thể yên tâm vẫy vùng với làn nước kể cả... tắm tiên nếu không mang đồ tắm. Chỉ có trời và đất thôi, và không phải ai cũng có thể thong dong lên mãi tận trên đây.

< Những 2 hồ nước nhé, dường như ngưởi ta đã kè thêm bê tông để nước được tích lại thành hồ. Lên hồ trên thì men theo vách đá hoặc theo kiểu tarzan: đu theo nhánh cây ngã trên hồ dưới...

< Thỏa thuê tận hưởng thác cùng thiên nhiên trên này tầm hơn tiếng rồi thì bọn mình trở xuống. Bậc thang cao, cứ phải dọ dẫm từng bước chân cho an toàn.

< Nhìn quanh vẫn là bao la núi rừng, khung cảnh thiên nhiên thật tuyệt mỹ trong tiếng chim rừng líu lo...

Một ít thông tin từ web Nam Giang ghi rằng: Thác Grăng như một dải lụa mềm vắt lưng chừng núi, đẹp như tranh vẽ. Bên dòng thác các bạn có thể dựng trại dã ngoại để nấu nướng, hoặc leo lên vách đá rồi buông mình từ lưng chừng thác xuống hồ thẳm nước trong vắt đến tận đáy.

< Cứ ngỡ xuống dễ dàng hơn lên nhưng thật tế thì mồ hôi cũng đẫm lưng. Vậy là cởi cái áo khoác ngoài ra cho hơi sương giải nhiệt hộ.

... Hoặc đơn giản hơn là ngả nghiêng trên những phiến đá để nhìn thác chảy, thác réo và thấy những cánh chim rừng từ tàn cây lưng chừng núi lao ra giữa dòng thác đổ để bắt lấy một chú cá grăng nào đó đang rơi từ đầu con nước xuống dưới dòng.
< Ở một đoạn: nhìm xa xa tít ngoài kia thấy những cột điện tua tủa, một loài 'quái vật' mà nơi đâu trên đất nước ta cũng có: thủy điện!

Chiều buông, thác Grăng trầm lắng và lạnh hơn. Những cây tavạt bám ven vách đá mời gọi chút men rừng làm say lòng tri kỷ. Chia tay thác Grăng, chia tay sông Thanh, sông Bung du khách không khỏi vấn vương như từ biệt tình nhân mong một ngày trở lại:
< Vẫn những bậc thang dốc dựng, quanh co vài khúc thì đến ngã 3 xuống thác dưới.

“Nước sông Bung vẫn chảy từ cội rễ rừng già, lăn những hạt cát nhỏ về miền xa lắc.
Gió ngàn còn ve vuốt bãi bồi lau sậy, chải rối cuộc vui buồn, lau nhạt nhoà trên mắt tình nhân.”

< Qua rất nhiều đoạn mà bên phải là vách núi cứ chực chờ muốn lở xuống... thì cũng ra được đoạn lài bên ngoài.
Lở đất đá chỉ ngại trong mùa mưa, khi đó người lên chơi thác cần cẩn thận hơn: ụp xuống một phát là teo cái đời!

< Đoạn này vách núi ụp xuống hết cả lối đi: trèo qua vậy, bên trái là vực sâu đấy.

< "Nửa kia" cứ lót tót theo sau chộp ảnh. Thác đẹp, tắm mát nên quên bẳng chuyện... sợ ma!

Lại nhớ lúc bọn mình vào đây thì thấy tấm biển lớn, trên có vẽ bản đồ quy hoạch khu du lịch Thác Grăng - tấm bảng trơ trọi giũa trảng cỏ cây mọc đầy, có lẽ dành cho tương lai.
< Qua đoạn gốc cây bị bật gốc, phía ngoài lở hết chỉ còn rẻo đất nhỏ. Bao giờ mảnh đất nhỏ này toạc hết thì chỉ có Trời biết trước được mà thôi.

< Trời vẫn còn lãng đãng hơi sương cho đến khi bọn mình ra đến tận QL14D thì bắt đầu có nắng. Bấy giờ đã hơn 10h.

Hồi tháng 4/2011, một hội thảo về phát triển du lịch Nam Giang do UBND huyện phối hợp với Tổ chức Cứu trợ, phát triển quốc tế Việt Nam (FIDR-Nhật Bản) tổ chức cuối tháng 4 vừa qua với sự tham gia của các nhà quản lý du lịch, các công ty kinh doanh lữ hành TP.Đà Nẵng, Hội An… đã đưa ra nhiều ý kiến để tìm giải pháp phát triển du lịch, nâng cao của đồng bào sống trên địa bàn.
< Ẻm Win của bọn mình vẫn nằm ngoan ngoãn đợi chờ chủ nhân.

Tuy nhiên do nguồn lực và kinh phí của địa phương hạn chế, lại thiếu sản phẩm du lịch, thiếu sựquảng bá tuyên truyền đã dẫn đến sự lúng túng trong điều hành và thu hút đầu tư du lịch tại địa phương.
< Ngoài chiếc xe của mình, bây giờ có thêm hai chiếc khác dựng bên kia - xe của thợ rừng nhưng không thấy họ đâu cả.

Dù đã bê tông hóa đường vào thác Grăng và làng dệt thổ cẩm Zara; quy hoạch các điểm du lịch lịch sử cách mạng, nhà lưu niệm làng Rô, đường Trường Sơn huyền thoại; xây dựng các nhà nghỉ homestay tại làng văn hóa Đắc Ốc; cử thanh niên con em đồng bào dân tộc đi học những lớp ngắn hạn về du lịch… Nhưng ngần ấy rõ ràng chưa đủ cho một “giấc mơ” dài.

< Tấm bảng quy hoạch khu du lịch thác, lúc mình vô nhìn thấy.

Vậy là đường lên thác Grăng đã có nhưng hư hỏng, thiếu tu bổ vẫn còn phải chờ đó. Mình mong rằng Nam Giang sẽ bước vững chắc trên con đường phát triển của chính mình, giữ mãi được cái đẹp của thiên nhiên ban tặng từ bao năm qua.
Tạm biệt thác Grăng, bọn mình lấy xe trở ra QL14D, ra đường Hồ Chí Minh đi Khâm Đức.

Nhưng chưa vội: hãy còn một số quà trên túi treo xe, phải làm hết nhiệm vụ cái đã.

Còn tiếp

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18