Ngày 1 và 2 tháng 11 hằng năm đối với tín hữu Công Giáo là ngày Lễ trọng, những ngày đó đi viếng mộ, hài cốt là điều cần phải làm tựa như là các ngày Thanh Minh theo truyền thống của dân ta.

< Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa buổi sáng với chùa Vĩnh Nghiêm.

Vì thế, như mọi năm mình: thắng cương con ngựa sắt rồi trực chỉ Bình Dương. Điểm đến là Công Viên Nghĩa Trang Bình Dương nơi mộ cha mình nằm tại đó.
Thông thường để đi Bình Dương đơn giản nhất là QL13, từ Bến xe Miền Đông ta cứ theo con lộ 13 qua vài trạm thu phí nếu vi vu bằng xế hộp, là đến Bình Dương khỏi suy nghĩ chi cho mệt.

< Tiếp tục là ngã tư Phú Nhuận ,rồi Nguyễn Thái Sơn, ngã sáu Gò Vấp.

Thế nhưng đối với nhiều dân cố cựu SG thì có thể đi bằng con đường khác, con đường xưa từ thời Pháp thuộc là con đường dọc theo đường sắt đi Lộc Ninh (đường sắt này đã không còn từ tám đời nay rồi). Đường này từ Gò Vấp đến Ngã tư ga (ga xe lửa ngày xưa) rồi Thạnh Lộc, cầu Phú Long (cầu sắt xe lửa) qua Lái Thiêu sẽ đến Thủ Dầu Một thủ phủ của Bình Dương. Con đường này là đường chính lên Bình Dương truóc khi có QL 13 như hiện nay (nay là lộ trình Nguyễn Oanh - Hà Huy Giáp - cầu Phú Long).

< Nhà thờ Hạnh Thông Tây.

Tuy nhiên mình sẽ đi đường khác nữa, đây cũng là huyết mạch lên Bình Dương ngày trước chiến tranh. Khi chiến tranh thì con đường này không sử dụng được nữa. Sau 75 thì được phục hồi và bây giờ thì rất nhiều người đi đường này nhất là các xế hộp vì chỉ phải đóng phí cầu đường có 1 lần.

< Đối diện là chợ Hạnh Thông Tây, đây là chợ mới xây còn chợ cũ nằm ở góc đường QT -Thống Nhất , cách đây vài trăm mét.

Bắt đầu vậy, sáng sớm (lại sáng sớm) bọn mình (lúc nào cũng 2 mình nhé) lên đường vì nhà ở Q 3 nên cứ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn văn Trổi mà tới.

< Ngã ba Đông Thạnh - huyện Hóc Môn, rẽ trái là về Hóc Môn, rẽ phải là cầu Rạch Tra qua Bình Mỹ huyện Củ Chi.

Cầu Rạch Tra, một cây cầu quan trọng của tuyến đường từ Hóc Môn sang Bình Mỹ thuộc huyện Củ Chi, từ đó ta qua cầu Phú Cường sang Bình Dương. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, để ngăn quân Pháp từ SG Hóc Môn lấn ra vùng kháng chiến để sang Bình Dương. Lực lượng Vệ Quốc lúc đó do ông Tô Ký đứng ra xin phép nhân dân cho phá sập cầu với lời hứa sau khi kháng chiến thành công sẽ xây dựng lại cầu mới cho bà con.

< Về cầu Rạch Tra, bên phải là bãi rác Đông Thạnh nay đã đóng cửa vì quá đầy.

Thế rồi, gần 20 năm sau, ông Tô Ký lúc này là Thiếu tướng mới trở lại quê hương. Cây cầu thì đã gẫy từ lâu, chính quyền  SG lúc đó cũng không dựng lại vì bên phía Bình Mỹ lúc bấy giờ là vùng "xôi đậu" phe mình phe địch cứ xen lẫn vào nhau.

< Cầu Rạch Tra mới, phía đầu cầu là công viên cây xanh.

Nhân dân thì nhớ chuyện xưa nên nhắc nhở ngụ ý TT Tô Ký chỉ có danh thôi chứ quyền hạn không có gì. Lời hứa năm xưa làm ông đau đầu, vận động mãi sau cùng cũng có được cây cầu trả nợ nhưng kinh phí hạn hẹp nên cầu nhỏ xíu chỉ có 1 làn xe 4 bánh: thôi thì có còn hơn không.

Mấy năm gần đây nhận thấy tầm quan trọng của đường này, UBND thành phố đã quyết đỉnh đầu tư con đường nên đã xây dựng cầu Rạch Tra mới to đẹp như hiện nay và đang thi công cầu đường HL9 này .

< Cầu bắc qua kênh Xáng ,chi lưu của sông Sàigòn.

Mình biết rõ chuyện này vì đây là quê Ngoại của mình và ông Tô ký cũng là bà con bên Ngoại mình.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6

Phương Nguyên
Du lịch, GO!

Những bài cùng tác giả:

- Sau 20 năm, chúng tôi tái ngộ Hà Tiên.
- Đà Nẵng, một chuyến đi.
- 6 ngày rong ruổi với đoàn hành hương La Vang.
- Sa đéc mùa không có hoa.