(Tiếp theo) - Một ngày trôi qua. Sáng dậy, trời còn âm u nhưng bọn này vẫn lơn tơn ra biển. Biển Mộ Cô lưa thưa người, sóng rì rào, nước biển ấm. Vậy là 'nửa kia' mặc nguyên bộ đồ trắng đi dạo nhào xuống tắm luôn!

< Biển trước Mộ Cô đây: sóng rì rào, vài người địa phương nô đùa với sóng. Nước ấm dù bầu trời âm u, thật lý tưởng cho việc vận động rồi ùm xuống nước để tạo sự thoải mái cho một ngày mới.

Mình trên này, gọi ly cà phê cóc rồi nhâm nhi cùng điếu thuốc lá. Chừng về, nghe bà xã nói rằng nước ấm, lại tiếc mình đã không tắm sáng, thôi để giấc chiều vậy.

< Nửa kia lười về thay đồ nên 'chơi luôn' bộ trắng đang bận đương đầu cùng sóng.

< Những con tàu, thúng... sau một đêm thả lưới và giăng câu, giờ này bắt đầu về bến với đầy ắp hải sản tươi rói.
Phía xa là núi Lớn và núi Nhỉ tại Vũng Tàu.

< Trở về phòng nghỉ lấy xe chạy ra cơm tấm Diễm qua bữa đầu ngày: cơm sườn nướng chỉ 15k. là no nê. Sau đó lại rời Long Hải, nhưng bọn mình chưa về đâu mà chỉ muốn chạy một vòng Vũng Tàu. Hai vùng biển, chỉ cách nhau một cây cầu (cầu Cửa Lấp), thật quá thuận tiện cho những người yêu thích chủ nghĩa 'xê dịch'.

Vùng đất này nhỏ thôi nhưng khá nhiều nơi thờ tự:
< Đèn hoa, cờ xí treo đầy trước tịnh xá Huỳnh Lâm, các chùa bên cạnh cũng thế. Hóa ra: Đại lễ Phật Đản đã thật kề cận rồi.

Về tín ngưỡng Phật giáo, Long Hải có khá nhiều thiền viện, chùa chiền mà ta có thể kể qua như Thiền viện Tịch Chiếu, Thiền Viện Trúc Lâm Chân Nguyên (còn gọi là chùa Khỉ vì chùa có rất nhiều khỉ), Bửu Long Tự, Phật Bửu Tự, chùa Hòn Một, Tịnh xá Ngọc Hải...v.v

< Bảng hướng dẫn đường vào cổng phụ Thiền viện Tịch Chiếu. Cổng lớn của thiền viện này hướng ra mặt đường 36, đường lớn mới mở nối thẳng vào TL44A.

Về đạo Thiên Chúa, Long Hải có Nhà thờ giáo xứ Long Hải vừa được tu sửa lại cách nay 2 năm với kiến trúc dân tộc, được cách tân khá đẹp mắt.

< Chùa nào cũng trang trí rất đẹp mừng đại lễ. Những chiếc đèn treo đơn sơ, vậy nhưng tối đến đẹp lắm đó!

Ngoài tín ngưỡng địa phương được thể hiện qua Dinh Cô và Mộ Cô trong bài trước thì cũng như các địa phương có biển khác: Long Hải có đình thần. Đây là nơi thờ cá Ông Nam Hải cầu mong sự bình an cho ngư dân trên biển xa. Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu với nơi tu tịnh là Bác Nhã Tịnh Đường cũng hiện diện tại vùng đất biển hiền hòa này.

Đạo giáo hướng thiện, cầu an. Tín ngưỡng chính là chỗ dựa tinh thần cho người dân dù bất kể họ theo tôn giáo nào, vậy nên nhiều tôn giáo, nhiều chốn thờ tự cũng là điều thật tốt đó chứ?

< Qua chợ Long Hải một đoạn là đến ngã 3 Lò Vôi, bọn này rẽ trái hướng về cầu Cửa Lấp. Đây là cung đường mà mình đã qua một lần trong chuyến 'Vượt hai đảo về Long Hải'.

< Cổng chào trên địa phận huyện Long Điền nhưng ra giới hai địa phương này ngay chính giữa cầu Cửa Lấp: cây cầu nối liền hai vùng biển.

Chút thông tin về cầu Cửa Lấp:
Cầu Cửa Lấp là cây cầu vượt dòng sông Cỏ May, nối TP Vũng Tàu với khu du lịch Long Hải (thuộc huyện Long Đất, BR-VT).


< Cầu Cửa Lấp đây, bên này là xã Phước Tỉnh với làng chài và tòa nhà Ocean View Manor cao sừng sửng, nhìn thấy cả khi ở Long Hải hay Vũng Tàu. Còn bên kia là phường 12, nổi tiếng với Đầm Mắm đầy mùi vị bất ngờ!

Cầu có chiều dài 721,95 mét, rộng 12 mét, bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, tổng số vốn đầu tư 79,569 tỉ đồng. Cầu do công ty Xây dựng cầu 68 (CIENCO 68 - là đơn vị trúng thầu) thi công và hoàn thành sau 23 tháng thi công. Cầu Cửa  Lấp là cây cầu dài nhất, có tổng số vốn đầu tư lớn nhất trên địa bàn BR-VT.

< Con đường 3 Tháng 2 cũng chính là QL51C chạy dài hết rừng Chí Linh đến điểm cuối là Đài Liệt Sĩ ngay trung tâm Vũng Tàu.

< Cung đường Thùy Vân chạy dài với bãi biển cùng tên.
Hồi còn bé, con đường này nhỏ xíu với một bên là ít khách sạn và mênh mông những đồi cát kéo dài tới tận rừng Chí Linh hoang dã. Phía còn lại là dãy kios kinh doanh ghế bố chạy ven dãy kè thấp chắn sóng và cát...

< Phát triển vượt bậc, chuyện hoang sơ ngày xưa giờ chỉ còn trong tiềm thức.
Con dốc lên mũi Nghinh Phong phía trước kia, lần rồi đã ghé nên lần này chạy luôn. Mà muốn xuống biển hay ra mũi đá phải tốn phí nha.
Hồi xưa hoang sơ, chỉ có ông Trời thu phí...

Tiện đây xin nói ngắn gọn về những địa điểm mà mình đi qua:

< Vượt Nghinh Phong rồi, tấp xe sang trái ghé vào chỗ nhìn biển theo cung cách... free.
Trên lề có con rồng bằng cây cảnh với nhiều ghế đá. Rồng ư? Đây chình là đường Hạ Long mà.

- Mũi Nghinh Phong nằm ở hướng cực nam Thành Phố Vũng Tàu, mũi nhô ra biển Đông trông như một chiếc đầu cá sấu khổng lồ. Quanh mũi có nhiều tảng đá lớn hình thù kỳ dị vô cùng lạ mắt, đây là nơi hẹn hò tuyệt vời cho những người thích câu cá và ưa mạo hiểm.

< Hai bà xã đây: xế đang... thở (pít tông chắc xước tà la), còn nửa kia ngắm biển tìm... cá voi.

Cạnh mũi là bãi tắm Vọng Nguyệt, trước kia còn gọi là bãi Ô Quắm. Bãi này hẹp nhưng nước rất sạch, sóng gió dồn dập với ba bề vách đá cheo leo vô cùng hùng vĩ.

< Hôm nay trời đẹp khiến biển xanh, nước trong vắt nhìn thấy cả đáy, vị trí chỗ này tại đây.

- Núi Nhỏ cạnh Mũi Nghinh Phong là một trong hai ngọn núi tại thành phố Vũng Tàu. Núi nằm sát biển, dưới chân núi là con đường ven biển với nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê. Núi Nhỏ có hai đỉnh, trên đỉnh cao hơn có ngọn Hải đăng Vũng Tàu được xây từ thời Pháp thuộc...
< Phía phải là khu du lịch Lan Rừng, qua nữa sẽ là Bãi Dứa. Khoảng này đầy đá nên họ phải đầu tư luôn cái kè đá để tạo bãi tắm, chốn này đá không hà.

... đỉnh thấp hơn có bức Tượng Đức Chúa giang tay nổi tiếng được xây năm 1974. Đường lên ngọn hải đăng được rải nhựa và ô tô có thể lên được còn lối lên tượng Chúa thì chỉ leo bộ qua các bậc tam cấp.
< Còn đây là mình, áo gió trùm kỹ do... chắn nắng. Quên găng tay trong túi treo xe bỏ tại nhà nghỉ, mình mượn tạm đôi găng của bà xã. Thiếu mấy thứ này là hay cánh tay lột dên hết đấy, nắng miền biển mà.

< Thỏa rồi lại go, lúc này chỉ mới 9h20 sáng.

< Bến của tàu cánh ngầm đây, xưa kia đây là Cầu Đá, một bờ kè chắn sóng cho bãi Trước.
Nhìn mặt bắt hình dong xem ra cảng khá là 'hiện đại', vậy nhưng nghe nói tàu cánh ngầm lại thật 'hại điện' do nhiều lần hư hỏng.
Với mình: nếu có hư cũng là cái thú, được lênh đênh ngắm biển tha hồ mà không dính chuyện tính thêm $, tuyệt chứ?

< Giao lộ Hạ Long ngay đầu công viên Bãi Trước. Mình vẫn chạy thẳng để bọc vòng núi Lớn.

- Bãi Trước là một trong những bãi biển đẹp của thành phố Vũng Tàu. Bãi biển này nằm giữa Núi Lớn và Núi Nhỏ, cũng là một vịnh nhỏ lặng sóng. Bãi Trước nằm ở phía Tây Nam của thành phố nên buổi chiều có thể ngắm hoàng hôn trên biển ở đây, do vậy mà ngày xưa: người ta gọi là bãi Tầm Dương.

< Cây xanh mướt mắt dù 2 bên vẫn là resort và nhà hàng. Đẹp hơn bê tông khối nhiều nhỉ.

Ngày nay, bãi Trước ít được mọi người tắm do đây cũng là nơi neo đậu tàu đánh cá nên khá ô nhiễm. Tuy nhiên đây là nơi có cảnh quan với nhiều công viên lớn. Về đêm, đây là nơi tập trung các hoạt động vui chơi giải trí của du khách. Hầu như các con đường chính của Vũng Tàu đều đổ ra đây.

< Tòa nhà đang xây gần Bạch Dinh - Vũng Tàu vẫn đang phát triển đều đều. Chỉ mong địa phương xóa xổ được nạn 'chặt chém' đã từng tốn bao giấy mực của giới báo chí thì thật tuyệt vời.

< Vượt qua cáp treo, qua bãi Dâu (bây giờ nhà cửa đặc keng, không thể nhìn thấy biển đâu...), khung cảnh bắt đầu thông thoáng hơn, tiếng sóng biển vẫn dập dềnh bên trái đường.

- Bãi Dâu nằm ven Núi Lớn và cách bãi trước khoảng 3 km. Bãi biển này hẹp, nông nhưng rất sạch sẽ. Hai đầu bãi biển có nhiều mỏm đá nhô ra biển, sau lưng bãi địa hình lòng chảo, cây cối um tùm bao bọc, tựa lưng vào triền núi.

< Bạn biết hai ngọn núi thấp thoáng trong hình là núi gì không? Núi Nứa ở Long Sơn đấy, còn lại là núi Dinh - Bà Rịa.

Nhiều người thích tắm ở Bãi Dâu do không có những luồng xoáy nguy hiểm. Nhìn lên triền Núi Lớn, du khách thấy tượng Đức Mẹ lộ thiên giữa cảnh núi rừng hùng vĩ. Bãi Dâu là bãi biển đẹp, yên bình và dường như tách hẳn với không khí ồn ào, náo nhiệt của trung tâm thành phố Vũng Tàu.

< Nơi nào có cây phương là có màu đỏ rực, vào hè rồi mà. Sắp hết một vòng núi, đang vào khu dân cư.

< Chợ Bến Đá đây. Trước đó, bọn mình đã chay ngang nhà thờ Bến Đá rất đẹp.

- Thích Ca Phật đài tọa lạc trên đường Trần Phú, phường 5, thành phố Vũng Tàu. Chùa thuộc hệ phái Nam tông. Trước đây, vùng núi này không có người sinh sống. Năm 1957, ông Lê Quang Vinh, một quan phủ thời Pháp thuộc, lên đây dựng chùa Thiền Lâm để tu hành.

< Ngã 3 đường Trần Phú - Bạch Đằng, mình rẽ phải...

Sách Sổ tay hành hương đất phương Nam (NXB. TP. HCM, 2002) cho biết vào giữa thập niên 40, Đại đức Narada Maha Thera cùng ông Lê Quang Vinh, Đốc Phủ sứ hồi hưu, viếng núi Lớn. Đại đức cho rằng đây là nơi thích nghi để lập một ngôi chùa. Đến năm 1957, ông Lê Quang Vinh xuất gia, pháp danh Giác Pháp, lên đây dựng chùa Thiền Lâm để tu hành.
< ... rồi chợt thấy đường lên Thích Ca Phật đài. Định tấp vào thì 'nửa kia' không ok ' vào phải mua vé và gởi xe đó'! Chẹp, chùa nhưng cũng phải vé à, không bao nhiêu nhưng... thật phiền toái.

Chùa Thiền Lâm đã được trùng tu vào năm 1961. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Ở án thờ chính giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca tọa thiền (cao 1,2m), một tượng đức Phật Thích Ca nhỏ phía trước. Hai bên thờ hai tượng đức Phật Thích Ca trì bình khất thực (cao 1,2m). Sách Sổ tay hành hương đất phương Nam (Sđd, trang 183) cho biết hai pho tượng hai bên là A Nan và Ca Diếp, nhưng chư Tăng của hệ phái Phật giáo Nam Tông thì cho biết đó là tượng đức Phật Thích Ca.

< Chạy thẳng một hồi, gặp cái biểu tượng... hỏa tiển. Hóa ra ngã năm Bình giã - còn gọi là Bùng binh tượng đài Dầu khí.

Đến năm 1961, Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy đã nhận thấy khung cảnh thiên nhiên ở đây đẹp đẽ, vị trí lại thuận tiện cho khách hành hương đến chiêm bái nên đã vận động tín đồ Phật tử đóng góp tiền của xây dựng khu Thích Ca Phật đài tại đây. Lễ đặt viên đá đầu tiên được tiến hành tại Bảo tháp ngày 4 – 6 – 1961. Lễ khởi công xây dựng được tổ chức vào ngày 20 – 7–1961. Sau 19 tháng thi công, lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào hai ngày 09 và 10 – 3 – 1963 (tức ngày 14 và rằm tháng hai năm Quý Mão).

< Trở ra công viên bãi Sau ngồi hóng gió, ăn vặt và liên tục lắc đầu từ chối những người bán vé số cùng hàng rong khác. Tại Đà Nẵng: mấy nghề làm du khách phiền toái này đã đi vào 'sách đỏ', công nhận hay thiệt nha!

Thích Ca Phật đài là một quần thể kiến trúc điêu khắc tạo dựng theo sự tích về cuộc đời đức Phật Thích Ca gắn với cảnh quan thiên nhiên non xanh nước biếc đã là một điểm du lịch hành hương hấp dẫn hơn 40 năm qua tại thành phố biển xinh đẹp Vũng Tàu.

< Trở ngược về hướng Chí Linh theo đường 3 Tháng 2, lúc này đã hơn 10h. Vậy nhưng chưa về vội, mình còn phải tìm và tái ngộ lại một địa điểm nữa...

< Bạn nhận ra nhánh rẽ này không? Hai năm trước, bọn mình đã tìm đường vào nơi này (vị trí tại đây)...

< ... trong nỗ lực tìm một chốn biển thật sự hoang sơ tại Vũng Tàu: Đó là biển Đồi Nhái.
Ảnh bên là các dàn tre phơi cá, vậy nhưng chưa vào mùa.

Lần đó mình đưa bài 'Vượt hai đảo về Long Hải' lên. Chỉ một tuần sau, thông tin về những bãi biển hoang sơ tại Vũng Tàu xuất hiện trên các mặt báo trong đó có bãi biển Đồi Nhái.
Đã lên đến báo ầm ầm rồi thì biển này hiện nay ra sao? Vẫn còn nguyên sơ như ngày trước hay khách sạn, nhà nghỉ đã chằng chịt? Chỉ có vào trong mới biết thôi.

< Đường vào biển Đồi Nhái đây, vẫn như ngày nào?

Du lịch phải theo đà phát triển, không thủ cựu đến mức rào dậu làm của riêng. Vậy nhưng, phát triển làm sao cho hài hòa với thiên nhiên mới là vấn đề...

Còn tiếp
Sau một chuyến đi - Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8

Du lịch, GO! - Điền Gia Dũng