(Tiếp theo) - Đánh một giấc ngủ trưa thật đầy, trở mình dậy: mình ra khu dân cứ làm ly cà phê cho tỉnh táo, sau đó sẽ trở ra biển, nơi có Mộ Cô và Dinh Cô.

< Cà phê tại Long Hải, bạn muốn uống ngon thì tránh xa tại các quán bên bờ biển vì... dở ẹt. Hãy vào các quán trong khu dân cư, phê đá 10k đổ lại.

Với khách du lịch, Dinh Cô và Mộ Cô là một địa danh đẹp, vậy nhưng với người sùng kinh thì đây còn là một thắng cảnh tâm linh thờ tự. Cũng như các đại danh "Chúa Hòn" ở Kiên Giang, "Núi Sam" ở An Giang, tên gọi "Dinh Cô" ở Long Hải đã trở nên quen thuộc với khách hành hương ở thập phương.

< Mấy đứa nhỏ với làn da rám nắng chạy rong chơi bên quán cà phê (vị trí quán này ở đây) nhưng bọn mình quên đem gói kẹo theo rồi.

Dinh Cô là một khu đền tráng lệ, trang nghiêm, có kiến trúc truyền thống in đậm màu sắc dân gian, tọa lạc bên sườn một ngọn đồi nhỏ có tên Kỳ Vân bên bờ biển Long Hải (thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Dinh được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, là ngôi đền thờ Long Hải thần nữ, một vị thần rất linh thiêng của người dân địa phương, luôn che chở cho ngư dân.

< Một góc nhỏ biển Long Hải. Mây đen phủ đầy phía xa xa, ngay hướng Vũng Tàu.

Trước đây ngư dân Long Hải thường gọi Dinh Cô là điện thờ Cô, hoặc điện thờ Bà Cô. Quần thể di tích Dinh Cô gồm ngôi đền thờ Cô tọa lạc dưới mõm núi Thùy Vân, thuộc ấp Hải Sơn và khu Mộ Cô nằm trên đồi Cô Sơn, ba mặt giáp biển, cách ngôi điện thờ chừng 1km về phía Đông.

< Toàn cảnh Mộ Cô, có chiếc xế của mình bên ghế đá. Ở đây tương đối an toàn, cứ vứt xe tại đó rồi đi lung tung - dân địa phương cũng bỏ xe trên bờ và xuống biển tắm giấc sáng hay chiều.

Truyền thuyết kể rằng: cách đây 200 năm có một cô gái trẻ tên Lê Thị Hồng Thuỷ (có nguồn ghi là Nguyễn Thị Hồng), tục danh là Thị Cách, con ông Nguyễn Văn Khương và bà Thạch Thị Hà, quê ở Phan Rang. Năm 16 tuổi, cô theo cha mẹ vào Nam buôn bán...

< Trạm cứu hộ bên bãi biển, chắc nhân viên cứu hộ chỉ có trong hai ngày cuối tuần hoặc lễ tết.
Việc đáng phê phán là cái resort đang xây dựng dang dở ngay bên trên vách dựng: họ đưa nguyên cái ống cống to ra phía biển, cạnh trạm cứu hộ (xem ảnh)! Dù công trình này đang ngưng trệ nhưng tương lai: nước thải của họ sẽ biến bãi biển này thành cái gì? Xem ra họ quá coi thường dân!
Suốt đoạn bãi biển này không có cái cống thải nào quái chiêu như vậy cả.

< Bước lên những bậc cấp, phía trước là cổng của Mộ Cô.

... Trên đường về quê, họ neo thuyền tại vùng Mù U để nghỉ ngơi. Thấy cảnh thanh vắng, hữu tình, cô muốn sống ẩn dật nơi đây, nên xin cha được ở lại. Trong một lần đi biển, cô bị lâm nạn và sóng đánh xác cô trôi vào Hòn Hang.

Xem thêm Dinh Cô:
- Dinh Cô - Bà Rịa Vũng Tàu.
- Vượt hai đảo về Long Hải (Phần 3).

< Mình thường gọi là những lối đá thần kỳ... do phải hay trái, lối nào cũng lên mộ cả. Cho dù hơi hiện đại nhưng cũng khá bắt ảnh.

Ngư dân Long Hải phát hiện xác cô và đưa đi an táng tại đồi Cô Sơn rồi lập miếu thờ cô bên bãi biển. Từ đó, người ta thường thấy bóng dáng cô xuất hiện thấp thoáng trên biển trong những đêm cô tịch. Trong thời gian này, làng có dịch bệnh và người dân lập đàn cầu khẩn. Cô báo mộng điềm lành và giúp dân diệt trừ dịch bệnh. Người dân ghi ơn nên lập miếu cô và phong tặng danh hiệu: "Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Chi Thần"

< Phía trên nhìn xuống cổng...

Lúc đầu Dinh Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ đơn sơ bằng cây lá sát biển. Về sau, do bị thủy triều xâm thực nên dân làng đã dời lên chân núi Thùy Vân. Khoảng đầu thế kỷ 20, điện Cô được xây cất lại với mái ngói. Vào khoảng năm 1930, do có sự tranh chấp đất đai giữa ông Bang Biện Phạm Văn Cang (có lẽ là một người Hoa) với người Pháp tên là Vercode, điện Cô một lần nữa được dời lên triền núi Thùy Vân ở vị trí hiện nay.

< ... rồi ngoáy đầu nhìn ngang.

Lần này điện Cô được xây dựng tương đối khang trang bằng vật liệu gạch, đá, xi măng cốt thép với sự đóng góp công sức và tiền bạc của nhiều ngư dân địa phương.
Ngày mồng Tám Tết Đinh Mão 1987, một trận hỏa hoạn dữ dội thiêu trụi gần như hoàn toàn bên trong chánh điện. Dân làng đã quyên góp tiền của để một lần nữa xây dựng lại Dinh Cô.

< Xung quanh toàn là cây lá.

Năm 1989, người ta xây dựng thêm một căn nhà hai tầng theo thế dựa vào vách núi trước chánh điện, tầng dưới làm nơi tiếp khách, tầng trên là nhà Võ ca. Liên tiếp các năm sau đó, 1992, 1993: Dinh Cô được xây dựng bổ sung Phật Đài Quan Thế Âm Bồ Tát, nhà khách...
Lần trùng tu gần đây nhất là vào năm Kỷ Mão (1999) để có được một Dinh Cô bề thế như hiện nay với tổng diện tích xây dựng gần 1.000m², trên diện tích 1,32ha.
< Thấp thoáng bên kia là Tịnh xá Ngọc Hải (vị trí tại đây).

Lối lên Dinh Cô qua cổng tam quan nằm dưới chân mũi Thùy Vân, đắp nổi hình rồng và hổ theo quan niệm Long hổ hội, phía trên có Lưỡng long chầu nguyệt và Song phụng chầu. 37 bậc tam cấp dẫn lên chính điện được che phủ bởi tán cây rợp bóng mát và rực rỡ hoa sứ vào mùa Xuân.

< Phía trên là Mộ Cô. Trầm tư bên ghế đá là vị tụ trì nơi này.

Chính điện Dinh Cô bài trí 7 bàn thờ. Ngay trung tâm chánh điện là bàn thờ Bà Cô. Nổi bật với bức tượng Bà Cô cao hơn 0,5m, mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến lấp lánh, đội mũ gắn ngọc. Phía sau cạnh bàn thờ Bà Cô là bàn thờ Diêu Trì Phật Mẫu, Chúa Cậu (Nhị vị Công tử, tức là Cậu Tài, Cậu Quý), Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Pháp Nương Nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Ông Địa, Thần Tài.

< Mộ Cô là đây. Người dân miền biển gìn giữ rất tinh tươm.

Ngoài chính điện, ngư dân còn lập bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ngọc Nương Nương, Chúa Tiên Nương Nương, Chư vị, Bà Mẹ Sanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và miếu thờ Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ Tát.

< Từ vọng lầu nhìn xuống bãi biển.

Dinh Cô đã được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa vào tháng 5/1995. Từ khu di tích nhìn ra biển về phía trái, có một ngọn đồi nhỏ nằm cạnh bãi biển chính là đồi Cô Sơn, nơi có phần mộ của Long Hải thần nữ - cũng được dựng xây rất khang trang. Hằng năm, vào ngày lễ hội Dinh Cô được tổ chức vào các ngày 10, 11 và 12/02 âm lịch, với sự tham gia của hàng ngàn du khách và dân địa phương về đây hành hương và tham quan thắng cảnh.

< Tượng ngư dân và thuyền chài đang lướt trên sóng biển bằng đá cẩm thạch trắng.

Trước kia, Hội đồng hương chức quản lý và điều hành mọi tổ chức hoạt động của Dinh Cô. Hội đồng hương chức là những người cao niên, có uy tín do ngư dân giới thiệu và bầu chọn. Sau khi Dinh Cô được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô được thành lập. Họ là những người do dân bầu, gồm Trưởng ban, hai Phó ban, nhiệm kỳ 5 năm.


< Trên đây nhìn xuống thấy con Win của mình, còn phía xa là bãi biển Long Hải. Tít mù xa là vùng Phước Tỉnh, có tòa nhà chọc trời nhìn thấy rõ tại đây.

Ban quản lý chọn thêm hai vị cao niên và hai người có khả năng làm thư ký. Khi Dinh Cô bắt đầu vào mùa tổ chức lễ hội, Ban Quản lý phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, lập ra Ban Tế tự, cử Trưởng ban, 4 phó ban, 8 ủy viên và 12 tiểu ban để lo những công việc cụ thể trong ba ngày diễn ra lễ hội Dinh Cô.

< Nhìn xa tưởng vắng người do bọn mình đi ngày thường, vậy nhưng zoom gần lại thì cũng quá xá là đông - đây chính là đoạn biển ngay lảng chài (vị trí tại đây).

< Trên Mộ Cô có mặt bằng rộng rãi với những ghế đá, cây cảnh...
Trông dãy ghế này như chốn 'Hội bàn tròn'.

Hàng năm, lễ hội thường mở trong 3 ngày (10 - 11 - 12 tháng 2 âm lịch), suốt cả ngày cả đêm. Hàng chục vạn khách thập phương từ miền Tây, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Thuận... lũ lượt kéo về Long Hải dự "Giỗ Cô", chen chúc nhau trong rừng dương, trên bãi cát, ở những hành lang, khoảng trống để nghỉ qua đêm, dự trọn 3 ngày hội.

< Người đàn ông nằm ngủ khá cheo leo: chỉ lăn một cái, rất có thể theo hầu 'Cô' luôn.
Mình chụp xong ảnh này, đi xuống vài bậc thang thì nghe tiếng la của người giữ mộ với ông 'ngủ bừa này', he he...

< Những bậc thang quanh co đi xuống.

Có người phải đến trước mấy ngày mới mong kiếm được chỗ trọ. Có gia đình mang theo cả con cái cả đồ dùng nội trợ để ăn nghỉ tại chỗ. Đêm buông màn, rừng dương lao xao, sóng biển rì rào, lấp loáng trăng, lồng lộng gió... cảnh hữu tình khiến người ta quên vất vả mà vui với cuộc hành hương mang tính chất dã ngoại.

< Bà xã của mình ngồi kia, còn 'vợ hai' Win thì tuốt dưới đường.

Từ rạng sáng ngày 10 tháng 02 âm lịch, người ta đã bắt đầu viếng Cô. Mỗi người thường cầm trong tay một nhành huệ trắng tượng trưng cho sự thanh khiết. Giới trẻ ham vui, các cụ già sùng tín đều chen nhau vượt 187 bậc cấp để dâng hương xin lộc nơi chính điện. Đêm 10 và 11 là đêm hội hoa đăng. ánh đèn sáng rực hoà cùng ánh trăng. Hàng vạn ghe thuyền quay mũi về Dinh chầu Cô, tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng thâu đêm.

< Bầu trời vẫn xám xịt nên khó có bức ảnh hoàng hôn đầy màu sắc, ý Trời là vậy rồi.

< Chộp lén cả 2 bà xã.

Lễ chính được tổ chức từ rạng sáng ngày 12. Từ chính điện, đoàn người chỉnh tề cờ quạt ra bãi, lên thuyền, ra khơi làm lễ "Nghinh Cô". Lễ "Nghinh Cô" được cử hành long trọng. Vị Chánh bái dẫn đầu, đoàn học trò lễ tiếp bước, có cờ xí, lọng che, hoa đăng rực rỡ. Một chiếc ghe to đặt bày hướng án được xem là ghe dành "Nghinh Cô". Ghe được hộ tống bởi vài chục chiếc ghe khác. Đoàn ghe nối nhau ra khơi trong tiếng chiêng trống vang trời.
< Trên này gió mát, vậy nhưng dưới biển là làn nước ấm đấy, bạn có tin không? Mùa này tắm rất vừa tầm, không sợ lạnh và cả nóng.

Đến Mũi Nhỏ thuộc Đồi Cô Sơn (nơi có ngôi mộ Cô), đoàn người xuống ghe lên viếng mộ, nghênh đón Cô về Dinh. Đặc biệt, trong lễ "Nghinh Cô", còn duy trì được hình thức diễn xướng "Hát bả trạo".

< Mây đen từ hướng Vũng Tàu kéo dần về đây, vậy là mình lấy xe đi.
Nhưng không về, bây giờ chạy ra Dinh Cô, nơi có phố ăn uống cạnh biển.

Hát bả trạo có nghĩa là hát có nắm mái chèo, một thể loại dân ca nghi lễ phổ biến của cư dân vùng biển từ Bình Trị Thiên (cũ) đến Bình Thuận. Ngư dân thường tổ chức hát bả trạo trong nghi lễ đưa ma Cá Ông.
< Vừa vào quán, chưa kịp gọi là mưa trút xuống ầm ầm. Không ngồi ngoài được thì ngồi trong vậy.
Mì xào mực 40K/dĩa, cháo hào đá 30k/tô, bia Sàigòn 10k/chai, hai ly đá miễn phí - vậy là qua bữa no say nhưng cộng lại cũng không 'chát' lắm...

< Mưa nặng hột, hết bữa vẫn chưa dứt...

Ở Long Hải, hát bả trạo lại gắn với lễ Nghinh Cô. Hình thức diễn xướng không khác hát bả trạo của cư dân vùng biển Nam Trung bộ, cũng có tổng khoang (hoặc tổng thương), tổng mũi, tổng lái và đám bạn chèo từ 12 đến 16 người.
< ... vậy là bà xã ngồi tán chuyện với mà của cô chủ quán, nghe bà kể chuyện Long Hải ngày xưa, thời còn cơ cực...

Các bạn chèo và các tổng đề trong trang phục cổ truyền, vừa hát vừa diễn (xướng - xô) mô phỏng thao tác của người đi biển vượt ngàn trùng sóng gió. Chỉ khác ở nội dung bài hát ngưỡng vọng Cô (thay vì ca ngợi, thương tiếc Cá Ông) và lời nguyện cầu cho trời lên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Làn điệu và bài hát cho thấy hát bả trạo Nghinh Cô ở Long Hải phóng khoáng và trữ tình hơn lối hát "nặng nỗi âu lo" của vùng biển Nam Trung bộ.

< Dứt mưa, trở ra quán chè đá làm một ly, no mát trời (quán chè khoảng này).
Mộ Cô nhìn từ dưới bãi biển, lúc 8h15. Xe vẫn vứt trên ấy, bọn này lang thang nghe tiếng sóng vỗ rì rào - Long Hải thật êm đềm.

Đẹp thay văn hóa của một miền biển, một nơi mà chắc chắn rằng: dù bạn không phải người hành hương mà chỉ là khách du lịch: khi rời đây sẽ khó bao giờ quên những thắng cảnh cùng các con phố tại nơi ni.
Chỉ mong rằng: phát triển du lịch phải song hành với việc giữ gìn thiên nhiên do người lãng du tìm sự hoang dã chứ không hề muốn ngắm những tảng bê tông.

Còn tiếp
Sau một chuyến đi - Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8

Du lịch, GO! - Điền Gia Dũng