(Tiếp theo)
Rời quán cơm, mình chạy xe trở ngược về QL55 và rẽ phải theo đường vào thác Bà. Con đường nhỏ (có từ năm 1994, khi xưa rất lầy lội nhưng sau này được trang nhựa) rất ít xe và nhà cửa.

Chạy thêm đoạn nữa thì chỉ còn rừng và rừng cả hai bên - phía trái là rặng núi Ông chạy dài. Xem núi lớn vậy chứ đây chỉ là một góc thật nhỏ của rừng núi Tánh Linh mà thôi.

Thông tin trên net định danh nơi này như sau:
Tánh Linh (thuộc tỉnh Bình Thuận) là nơi có con sông La Ngà chảy qua dài hơn 50 km, cũng là nơi có các công trình thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi đang được xây dựng, có hồ Biển Lạc rộng hàng trăm ha (hồ này trong đoạn mình đi thấy mất tăm, có lẽ do hạn), có Thác Bà trên suối Mây cao hơn chục mét và các ghềnh thác khác cao 5 - 7m nằm dọc trên chiều dài 1,5 km được tạo thành bởi các khe nước từ núi Ông cao hơn 1.000m đổ xuống reo vui quanh năm.

< Núi Ông đây, ở một đoạn có vườn thanh long - một loại cây hợp thổ nhưỡng tại tỉnh Bình Thuận.

Cộng với cảnh quan thiên nhiên của vùng rừng nguyên sinh nhiệt đới với nhiều loại cây cổ thụ cao ngút ngàn và nhiều loại động vật quý hiếm đang được bảo tồn rộng hàng chục ngàn ha, tạo cho nơi đây hùng vĩ nên thơ và huyền bí rất có điều kiện để xây dựng thành cụm du lịch giải trí, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

< Đoạn ngắn cuối là đường đất nhưng đừng lo vì thác Bà ngay sau cua quẹo này.

< Nơi để xe tham quan thác. Không ai trông coi đâu nhưng cũng chả mất mát gì. Bạn nhin kỹ các gốc cây xem: mỗi gốc đều có bảng tên đấy.

< Cho ẻm Win chầu ngoài, bọn mình len lõi giữa các tảng đá thật lớn đi vào thác.

So với các vùng du lịch khác của tỉnh, Du lịch Tánh Linh hầu như mới chỉ bắt đầu. Tuy nhiên, tiềm năng của vùng này thật sự đáng để các nhà kinh doanh du lịch chú ý, nhất là bức tranh thác kỳ thú và khung cảnh hoang sơ của vùng rừng núi. Thêm vào đó, vùng này là căn cứ kháng chiến vang danh một thời của chiến trường Khu VI.

< Thác Bà Tánh Linh đây. Muốn lên đó thì cần phải vận động đôi chân leo trèo một tý, phần khác là phải lội qua suối. Một nhóm mươi thanh niên đang tắm trên đó...

< Dòng nước trên thác đổ xuống đây tạo thành con suối...

Thác Bà nằm giữa vùng rừng núi hoang sơ của khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Giữa khu rừng già với dầu, sến hàng mấy chục năm tuổi, Thác Bà với 3 tầng thác độc đáo, trong đó thác 3, cao và hiểm trở nhất - cũng là căn cứ địa của Tỉnh ủy Bình Tuy cũ.

< ... với nước khá trong và mát lạnh giữa cái oi bức đầu hè.

Đã từ lâu, khu vực này được quy hoạch thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Núi Ông, cũng là Khu du lịch sinh thái Thác Bà...

< Mình đây. Ngồi trầm ngâm chứ không năng nỗ như khi đến các thác khác.

< Nếu xông xáo thì mình đã leo lên đây: cạnh thác là một hồ nước. Nếu leo lên một đoạn nữa sẽ thấy tầng thác thứ 2 và 3 (ảnh của người khác).

< Tiếng nước chảy rì rào nghe vui tai, đó đây có vài chiếc võng đong đưa kẽo kẹt giữa hai gốc cây rừng. Tiếng cười, tiếng lao xao trên kia vọng lại xóa ta sự tĩnh lặng của rừng núi Ông.

Mang tiếng là KDL thật nhưng không bán vé, và do thiếu quản lý nên rừng xung quanh khu vực đang bị xâm phạm dần dẩn. Thấy rõ nhất là nhiều khoảng rộng ven đường, nơi bọn mình chạy vô bị đốn sạch hết, chỉ còn trơ trọi lại những gốc cây rừng. Người ta đã làm gì? Phá rừng làm rẫy hay dựng khách sạn nhà nghỉ? Chỉ có Trời và người làm chuyện đó biết mà thôi.

< Thứ "khó chịu" nhất là đây: phải 100 năm nữa thì những bao bì nhựa trong ảnh mới phân hủy hoàn toàn. Nhưng từ bây giờ đến lúc ấy sẽ có bao nhiêu thứ tiếp tục bị vất lại nếu chúng ta không biết giữ gìn tài sản Trời cho?

< Lội suối bắt cá.

Trở về chuyện mình: đường quanh co nhưng khá bằng phẳng vì được rải nhựa. Chạy mãi đến đoạn dốc cuối thì chỉ còn là đường đất đá... nhưng đừng vội băng khoăng vì cũng đã đến thác rồi. Trong này là một khoảnh đất bằng phẳng có những gốc cây rừng vút cao, cây nào cây nấy cũng có bảng ghi tên, đánh số.

< Nhà quản lý thác nhưng không có ai...

Phía phải là nhà quản lý thác và rừng nhưng nhìn quanh quất trong đó chả thấy ai, chắc về quê "ăn tết sớm" hết rồi. Lúc bọn mình vào đây đã thấy có sáu bảy chiếc xe gắn máy dựng bên các gốc cây, tiến người cười nói ở dòng suối bên trái, còn thác khuất sau những tán rừng.

< Một nhóm bạn trẻ ngồi lai rai trên tảng đá to, chắc sướng hơn phòng lạnh nhỉ?

Chỉ mất vài mươi bước chân thì bắt đầu nghe tiếng thác chảy ì ầm; đoạn đường tiến đến thác bị cắt ngang bởi dòng suối trong vắt, mát lạnh giữa trưa hè.

< Một nhóm khách khác lại vừa tới, nhóm này đi cả xe 17 chổ, chạy vào tận nơi.

Dòng nước ào ào đổ quanh năm khiến không khí trong rừng đã dịu lại còn mát hơn, người ta nói buổi sáng sớm khí trời còn có vẻ lành lạnh hơi giống Đà Lạt. Từ ngoài nhìn vào, những tảng đá đứng, ngồi chen chúc nhau tạo nên một Thác Bà hoang sơ.

< Về thôi, nhường chổ cho người khác vậy.

Những người có máu phiêu lưu có thể leo lên tận đỉnh thác để ngắm toàn cảnh một trong những khu rừng cổ nhất, sau đó được bơi lội trong chiếc hồ ở tận đỉnh thác. Hiện nay xung quanh thác chưa có nhiều công trình xây dựng nên du khách có thể chiêm ngưỡng hầu như nguyên vẹn một cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng.

< Rừng cây trong này đeo bảng tên, không ai dám rớ mó nên xanh um...

Điều mà làm du khách thích thú là đứng từ xa cũng thấy đập vào mắt là những chiếc cầu gỗ bắc qua các tảng đá để giúp du khách đi lại dễ dàng hơn, chúng được sơn một màu xanh hòa với màu xám tĩnh lặng của đá, màu xanh thẳm sâu của cây rừng làm cho du khách hưởng được cái cảm giác phiêu lưu như đang đi giữa rừng sâu đầy mạo hiểm và lý thú.

Thác đẹp, rừng đẹp nhưng nhiều người quá. Tiếng cười nói cũng làm giảm đi sự hoang dã vốn có của dòng thác trong rừng. Phần khác: cái sự khó tránh khỏi khi không được quản lý kỹ lưỡng là rác, không quá nhiều nhưng rải rác khắp nơi... mà đa phần trong đó là bao xốp và hộp xốp: cái thứ ác ôn phải mất hàng trăm năm để phân hủy.

< Nhưng phía ngoài thì nhiều khoảnh rừng chỉ còn trơ lại các gốc cây nham nhở, "Người ta đã làm... như thế nào?".

Trên kia, ngay dưới dòng thác có hồ nước thiên nhiên khá lớn nhưng bọn mình không leo lên. Chưa chắc là leo hổng nổi nhưng dường như không hứng thú.

Vậy là cứ ngồi trên tảng đá to được che mát bởi các tán cây rộng và đưa mắt nhìn ngắm dòng nước tung bọt trên ghềnh đá giữa rừng. Ngồi trầm ngâm rồi chợt nghỉ đến thác Đạ G'răng ở khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, ngã 3 Bến Giằng: cả 2 thác đều đẹp, đều có nước trong vắt và mát lạnh... nhưng nơi kia hình như vẫn có cái khung cảnh thiên nhiên hoàn hảo hơn thì phải. Hay do không có một bóng người tại đó, chả biết nữa...

< Thế hệ mai sau đây, mong rằng các 'xếp nhỏ' sẽ định đoạt được hướng đi đứng đắn để giúp quê hương mình phát triển nhanh và bền vững.

< Ra ngoài thì đụng QL55, mình rẽ phải đi Tà Pao - Lúc này đã quá 1h trưa.

< Chuẩn bị đến trường, đây là cây cầu Suối Cát tại Lạc Tành - nằm trên QL55.

Lúc này lại tính toán cho chuyện kế tiếp luôn: ở hay đi? Ở thì có gì để chơi? Vậy là dứt khoát đi - mình sẽ theo QL55 vượt sông La Ngà (qua cầu Tà Pao) - Đến đồi Đức Mẹ Tà Pao: nếu thích thì sẽ leo lên đó, còn không thì sẽ chạy tiếp qua thủy điện La Ngâu, đến Đa Mi... và có thể chạy thẳng tới Bảo Lộc. Giờ thì ngẫu hứng mà, những nơi không giữ chân bọn mình được thì buộc phải đi - đi tìm chốn bình yên.

< Di Linh: 103km. Chạy suốt từ sáng đến giờ nhưng vẫn cứ muốn đi. Nếu Đa Mi hay Bảo Lộc không giữ được chân mình thì mình cũng sẳng sàng "bò" đến Di Linh luôn.

< Nắng chói chang, khá nóng dù nơi đây cao hơn mặt nước biển tầm 400 đến 500m. Nhưng trong chuyến này bọn mình trang bị kỹ: áo gió chống nắng, kiếng, khẩu trang, găng, vớ..
Trông xa không khác gì ninja!

< Trường tiểu học La Ngâu (cứ ngỡ bên kia sông La Ngà mới có tên địa danh này) đỏ rực một màu hoa phượng.

< Đây là sông La Ngà, còn cầu này là cầu Tà Pao.

Ra ngoài lấy xe, chỉ vừa trở đầu là lại thấy dăm ba chiếc xế khác chạy vào: xem ra đông vui nhỉ! có lẽ do thời tiết nắng nóng gay gắt đây mà. Người thích đông vui thì vào đây, còn ai thích vắng tẻo teo thì đi... Đạ G'răng vậy.

Nắng đổ lửa trên QL55 bây giờ vắng hoe, mình lái xe thẳng về dòng La Ngà, nơi có Đức Mẹ Tà Pao. Chổ này bà xã từng đi rồi, mình cũng đã đi nhưng đi với bà ngoại khi còn bé teo nên giờ chả nhớ gì.

Còn tiếp
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15