(TH) - Thành phố Nam Định có sông Đào chảy qua. Chính thức là sông Nam Định nhưng thông dụng trong dân vẫn là sông Đào, là một phân lưu của sông Hồng và chi lưu của sông Đáy. Nó đưa một phần nước của sông Hồng đổ vào sông Đáy và chảy ra Biển Đông. Toàn bộ chiều dài của sông là 33 km.

Tuy "Nam Định" là tên được sử dụng nhiều trong các bản đồ song tên phổ biến của nó trong dân gian là "Đào". Có hai giả thuyết về chữ "Đào" trong tên gọi của con sông. Thuyết thứ nhất cho rằng vì đây là sông nhân tạo, do con người đào để nối sông Hồng với sông Đáy nhằm phát triển thủy lợi và giao thông đường thủy. Thuyết thứ hai cho rằng sở dĩ gọi là sông Đào vì nước sông luôn có màu đỏ.

Sông Đào chảy trên địa phận tỉnh Nam Định, bắt đầu từ sông Hồng đi theo hướng Nam qua ranh giới giữa thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc, đi qua thành phố Nam Định, qua ranh giới giữa hai huyện huyện Vụ Bản và Nam Trực, ranh giới giữa hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng, và đổ vào sông Đáy ở vị trí đối diện xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình. Ngoài cầu Đò Quan và cầu Nam Định ở thành phố Nam Định bắc qua sông, chính quyền tỉnh Nam Định đã triển khai dự án bắc cầu Tân Phong, sắp tới là cầu Đống Cao.
Dulichgo
Trên sông có cảng Nam Định. Xưa có bến Đò Quan, bến Đò Chè là hai bến sông tấp nập và ga Đò Chè cạnh sông kết nối giao thông thủy, sắt, bộ cho vùng Bắc Kỳ. Cả hai lần Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ đều đánh thành Nam Định ngay sau Hà Nội. Lần đầu tiên xâm lược Bắc Kỳ năm 1873 tàu Pháp trên sông Nam Định nã pháo vào Cửa Đông thành Nam Định.

Sông Đào Nam Định ngoài việc tạo ra nguồn nước, còn là một nguồn lợi nhiều mặt: Kinh tế, phong cảnh, hệ sinh thái,… và cũng chính vì vậy mà đã có một số dân sống ở đây lâu đời lập ra làng Thuỷ Cơ. Làng Thuỷ Cơ nhiều lúc gặp khó khăn nhưng họ vẫn lưu luyến với sông nước và nay đã trở thành một điểm xuất phát của vận tải thuỷ pha sông biển đến nhiều nơi trong và ngoài nước.

Hai bên bờ sông là hai con đê, đã giữ được yên bình cho thành phố trong những ngày mưa lụt. Hiện nay hai con đê này đã được nâng cấp thành hai con đường giao thông thuận tiện, con đê bên nội thành còn được đầu tư xây dựng tạo thành nơi thư giãn, hóng gió mát cho người dân.

Ngày xưa qua sông Đào rất khó khăn vì phải đi lại bằng phà, nay đã có cầu Đò Quan nối liền đường Trần Hưng Đạo với đường Đặng Xuân Bảng. Cầu được làm bằng bê tông cốt thép, mặt đường rộng hai làn xe có thêm hai luồng dành cho xe thô sơ và người đi bộ, cấu trúc trang trí đẹp.
Dulichgo
Đứng trên cầu Đò Quan ngắm toàn cảnh thành phố thật đẹp, phía nội thành nhà cửa nhấp nhô, hình khối đa dạng, màu sắc đậm nhạt, đường phố bờ sông khang trang, mặt nước trôi chảy, thuyền bè đi lại tạo ra một không gian thật quyến rũ. Nhìn về phía Nam, nhà cửa không đồ sộ nhưng cây cối um tùm, là mặt nước, cảnh tự nhiên rất đẹp, đầy thơ mộng, với những nhà hoạ sĩ đầy tâm huyết, với những ống kính yêu đời thì đây là một cảnh không thể bỏ qua.

Cầu Đò Quan là một trong những điểm giao thông quan trọng nối hai bờ sông Đào, nối hiện tại với quá khứ và tương lai. Bến Đò Quan xưa đã từng là hải cảng lớn nhất của xứ bắc (trước khi người Pháp xây dựng cảng Hải Phòng. Hiện nay thay cho bến Đò Quan ngày xưa cây Cầu Đò Quan nối đôi bờ sông Đào, hứa hẹn một thành phố to đẹp và rộng lớn nằm hai bền sông.

Du lịch, GO! tổng hợp