Lúc post bài này, lòng cứ dâng lên nỗi nhớ chuyến bò lếch 3 ngày ở Tuy Hòa quá chứng! Nhanh ghê thật: mới đó mà đã qua hơn một tháng rưỡi rồi. Sức khỏe của mình bây giờ vẫn còn kém dù sau nhiều lần khám - xét nghiệm đủ thứ tại BV Chợ Rẫy. Bao giờ mới có thể lành lặn như xưa để làm những chuyến phượt mới tới mọi miền đất nước đây? Chắc chỉ có Trời biết thôi, mình vẫn có một hy vọng tốt lành - mong ước một điều duy nhất đến trong tương lai: sức khỏe, có được sức khỏe như những ngày trước tết! (Điền Gia Dũng)

Vẫn gió. Về đến Tuy Hòa thì gió nhiều hơn, vì sát biển. Gió trên đỉnh núi thiêng này, tuy ít, nhưng lại mang một phong vận khác. Gió của những câu hỏi đã được gợi mở từ những trả lời là gắng gỏi đang được khuấy lên từ cái tên Phú Yên, hằng mong góp thêm cú hích thay đổi cho vùng đất đầy gió này. Gió mang những câu hỏi buộc phải trả lời nghiêm túc và trách nhiệm.

Đá Bia nằm trên đèo Cả, khách đi trên đường thiên lý Bắc Nam, qua đèo, thấy ngọn đá cao vút, mây phủ tứ bề, lòng không khỏi cảm hoài. Đang mưa. Người Phú Yên bảo, cứ nhìn Đá Bia là biết thời tiết, mây mù là có mưa. Không có du khách nào cả, mưa ai trèo núi mà chi. Chỉ có tôi và anh bạn đồng nghiệp hì hục leo dốc.

Vừa đi vừa nhớ ca dao: “Chiều chiều mây phủ Đá Bia - Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng”, rồi “Trèo lên đèo Cả - Ngó xuống Vạn Giã, Tu Bông - Biết rằng cha mẹ đành không - Chàng chờ, thiếp đợi uổng công hai đàng”. Con đèo nào cũng mang nỗi biệt ly, như chứng cứ về sự bất lực của con người. Gió nhẹ, chỉ có mưa tạt là nhiều. Đường lên Đá Bia, nhiều bậc đá đã được xây. Phú Yên quyết làm du lịch, xem đây là điểm đến của du khách. Càng lên, mây mù càng  dày đặc. Ướt sũng. Không trách mình dại, chỉ thấy nỗi u buồn phảng phất, chắc là do ngoại cảnh, khi đối diện với rừng sâu núi cao, ta trở thành kẻ cô đơn.

Nếu tính từ Hải Vân trên bước đường mở cõi về phương Nam, thì Đá Bia là ngọn đèo lớn cuối cùng, hãm chân hiền minh Lê Thánh Tông lại. Năm 1471, trên đường Nam tiến, Lê Thánh Tông đã dừng chân lại nơi Đá Bia rồi khắc chữ vào đó. Cũng chỉ là tương truyền,  chưa ai thấy và biết ông viết những gì. Như những ngọn núi trấn ải khác, Đá Bia từ xưa được xem là núi thiêng. Những huyền tích bao phủ những linh sơn, đời nào, nơi nào cũng có, riêng gì Thạch Bi Sơn này. Tôi hỏi ông Trần Văn Ngãi, Chủ tịch xã Hòa Xuân Nam, nơi có Đá Bia ngự trị, ông lắc đầu, hồi nào đến giờ, ở đây không có lễ hội truyền thống nào cả, cũng chẳng thấy u linh gì, có chăng là mấy câu ca dao tôi vừa đọc. Thói thường những nơi nghèo khó, vùng hiểm địa hay có những huyền sử truyền tụng. Lạ thật.

Dân đèo Cả nghèo. Hơn 15 năm trước, tôi đã ngồi với những người thợ chẻ đá dưới chân đèo. Cuộc mưu sinh rớm  máu khiến họ lắc đầu trước những can gián, chấp nhận ngồi dưới những tảng đá có thể bất thần ụp xuống, mà đẽo đục để kiếm cơm. Giờ, vẫn họ đấy, vợ chồng con cái nối nhau. Kiếm cái ăn, đâu phải dễ. Ông chủ tịch xã cười như mếu, chúng tôi thu chẳng được bao nhiêu đâu. Khu du lịch sinh thái Đá Bia thì tư nhân từ Đắk Lắk xuống làm. Dịch vụ hải sản,  nếu lớn, tại Vũng Rô, thì đâu đến tay dân nghèo. Lực không có, nếu có quyền kiến nghị, chúng tôi chỉ mong tạo việc làm cho bà con. Đá Bia là biểu tượng của Phú Yên, nhưng dân không thể bám vào đá mà ăn mãi.

Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẫm máu của bao lớp người, trải suốt chiều dài 400 năm kể từ ngày chúa Nguyễn Hoàng đặt tên cho Phú Yên. Dừng lại ở Đá Bia, đèo Cả trở thành phên giậu, thành miền biên viễn giao tranh ác liệt thuở Đại Việt cho đến những cuộc kháng chiến sau này. Những cái tên quen thuộc như Vũng Rô, tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển, đứng từ Đá Bia nhìn xuống, là thấy. Lịch sử đã chọn con đèo này để giằng co uy quyền. Đi với nó là máu, là dân.

Trong văn học, đèo Cả chết danh với thi sĩ Màu tím hoa sim Hữu Loan, mà hôm nay, nhìn mồ hôi nhiều hơn mưa, ròng ròng xối trên mặt người chẻ đá, sao thấy giống mặt thi sĩ thồ đá đất xứ Thanh quá, như mặt Đá Bia nằm nghiêng. Con dân Phú Yên, con dân miền Thuận Quảng, há chẳng phải là lưu dân vùng Thanh Nghệ, chặt cây rừng, xẻ đá mà đi khẩn hoang, lập ấp đó sao! “Đèo Cả! Đèo Cả! Núi cao ngất - Mây trời Ai Lao - Sầu đại dương… Những người đi Nam tiến - Dừng lại đây giữa đèo núi quê hương - Tóc tai trùm vai rộng - Không nhận ra người làng - Rau khe cơm vắt áo pha màu sa trường - Ngày thâu vượn hót - Đêm canh gặp hùm lang thang…”. (Đèo Cả - Hữu Loan).

Sau đó, người ta lại truyền nhau bài thơ Nhớ máu của Trần Mai Ninh làm năm 1946, nhưng lại nhớ nhiều mấy câu đầu “Ơ cái gió Tuy Hòa - Cái gió chuyên cần - Và phóng túng”. Hình như mấy câu này nó bộc lộ tính cách người Phú Yên, vốn hơi có phần lạ, nghĩa là phóng túng hơn cả so với bao người lưng dựa vào núi, chân duỗi ra biển, kéo dài từ Quảng Bình đến Phú Yên, trước khi bước sang đèo Cả, bước hẳn vào Nam Trung bộ? Con đèo này đã được khởi công làm hầm đường bộ từ năm 2010, với kỳ vọng sẽ tạm biệt những lở lói, tắc đường, tốn thời gian, hết tai nạn  giao thông, vốn xảy ra như cơm bữa.

Tạm cho chuyện nhắc trên, gợi ý nghĩ, con đèo này, đỉnh núi kia, tuy đã  dằng dặc tuổi tác, nhưng sao cứ bị ám nó là con đèo hiện đại, đèo trẻ, dù không phải là do cái tên đèo Cả có từ thời Pháp. Hay là do người ta ít nhắc đến nó như Hải Vân?  Vẫn gió. Từ đây nhìn  xuống, Vũng Rô hiện ra lấp lóa thuyền bè. Những khởi động cho chuyện làm ăn kinh tế, nhiều người bảo Phú Yên còn chậm. Vì sao một vùng đất giàu tiềm năng với di tích, danh thắng, rồi cá ngừ đại dương, sò huyết Ô Loan, “cà phơ” Tuy Hòa đặc biệt ngon, rồi Vịnh Xuân Đài đẹp như tranh, cảng Vũng Rô thuận tiện tàu bè... mà tên tuổi của Phú Yên vẫn khuất lấp sau rất nhiều địa phương khác trên bản đồ du lịch, làm ăn?

Tại sao những chương trình nghệ thuật tầm cỡ cả nước, kéo về Phú Yên, lại gợi cảm giác như hơi yêu yếu  so với cái tên Nha Trang nếu gắn sau đó? Câu trả lời này thuộc về những người đang chấp chính, ăn lương đóng thuế của dân Phú Yên. Vẫn gió. Về đến Tuy Hòa thì gió nhiều hơn, vì sát biển. Gió trên đỉnh núi thiêng này, tuy ít, nhưng lại mang một phong vận khác. Gió của những câu hỏi đã được gợi mở từ những trả lời là gắng gỏi đang được khuấy lên từ cái tên Phú Yên, hằng mong góp thêm cú hích thay đổi cho vùng đất đầy gió này. Gió mang những câu hỏi  buộc phải trả lời nghiêm túc và trách nhiệm.

Cụ già tôi gặp dưới chân núi Đá Bia bảo, năm nay mưa dài quá, lâu quá, khổ, đi  rừng kiếm củi không được, bao giờ đỉnh Đá Bia có nắng, lúc đó mới tính hôm nay ăn gì. Biết bao nhiêu người đang phải sống dựa vào cơn mê ngủ thất thường của ông trời? Tôi nhìn ông và mường tượng gương mặt xạm màu chiến địa của đức vua Lê Thánh Tông xưa, dừng ngựa chốn này, mắt quắt nhìn dãy Đại Lãnh chắn ngay chân mình, rồi nhìn xuống đất, thấy ngọn tuế dừa, vốn là cây cố cựu đất này đang rung lá xanh biếc trong gió thoảng, lòng chợt bảo, hãy dừng lại, hạ trại, chặt cây làm nhà, cấy cày no hạt, ấm yên gia đình xã tắc rồi hãy đi tiếp. Câu chuyện của 400 năm trước, hay là câu chuyện của những ai đang ngày ngày nhìn ngọn Đá Bia, đâu chỉ  mỗi việc là cầu cho mây không phủ?

Theo PNO

Du lịch, GO!: Chinh phục đỉnh Đá Bia
Du lịch, GO!: Huyền thoại Đá Bia