Đỉnh Đá Bia còn có tên gọi khác là Thạch Bi Sơn nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên.
Đỉnh Đá Bia cao 706m so với mặt nước biển, quanh năm mây che phủ, khí hậu mát mẻ rất dễ chịu. Trên đỉnh Đá Bia là tảng đá to kỳ vĩ cao vút như xé toạc không trung nằm giữa cánh rừng trúc xanh mơn mởn. Đá Bia là ngọn núi thiêng và là biểu tượng của Phú Yên, thấm đẫm bao huyền thoại.
Sườn núi Đá Bia rất dốc với nhiều tảng đá chồng chất lên nhau, cây cối um tùm, đường lên đỉnh khá vất vả.
Tùy mỗi góc nhìn có thể thấy Đá Bia với những dáng vóc khác nhau. Tại đỉnh núi có độ dốc cao, người ta thấy Đá Bia giống như con sư tử nằm xuôi theo sườn. Ở ngã ba Hảo Sơn - Đập Hàn nhìn lên, Đá Bia hao hao như tháp Nhạn. Từ Bãi Xép - Bãi Bàng (xã Hòa Tâm) trông vào, Đá Bia giống như người ngồi. Tại trường Hòa Tâm nhìn Đá Bia giống như một ông Phật đứng, cũng có thể nói là nhà sư đang xuống núi. Dưới chân núi có Bãi Tiên.
Đèo Cả! Đèo Cả!
Núi cao ngất,
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương,
Dặm về heo hút.
Đá Bia mù sương...
Cách đây 63 năm, trong đoàn quân Nam tiến tham gia mặt trận đèo Cả, thi sĩ Hữu Loan đã viết một trong những bài thơ hay nhất của đời ông và được bầu chọn là một trong 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 - bài thơ Đèo Cả.
Đèo Cả nằm cheo leo trên dãy Đại Lãnh, nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Trên đường Bắc - Nam, cách nhiều cây số đã có thể nhìn thấy đèo Cả như con trăn khổng lồ ẩn hiện giữa mây trời. Rõ hơn là núi Đá Bia, nằm phía đông, cạnh đỉnh đèo. Núi Đá Bia cao 706m, trên đỉnh núi có một khối đá khổng lồ cao 76m dựng đứng sừng sững uy nghi, vươn thẳng lên trời xanh.
Xa xưa, người Chăm gọi Đá Bia là Hduơn Ktol, có nghĩa là núi Cùi Bắp vì trông hình dạng rất giống chiếc cùi bắp cắm trên cao. Một ngày kia, thủ lĩnh của bộ tộc Chăm ra lệnh toàn bộ các chiến binh phải thử cung tên và buộc họ leo lên ngọn núi cao Chư Sê giương cung nỏ, nhắm vào tiêu điểm là núi Cùi Bắp.
Tất cả các mũi tên đồng loạt bật khỏi dây cung và xuyên thủng núi Cùi Bắp tạo thành một đường hầm chạy thẳng ra biển. Ngày nay người Chăm vẫn tin rằng dưới chân núi Đá Bia, đoạn từ QL1A ra biển có một đường hầm rộng, thẳng tắp.
Đây chỉ là truyền thuyết, thể hiện ước mong của người xưa khắc phục những cách trở về giao thông, nhưng ước mong đó sẽ trở hành hiện thực vào một ngày không xa.
Tháng 12.2009, dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Cả được phê duyệt dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 10.2010 và hoàn thành sau 48 tháng thi công.
Núi Đá Bia được xem là một trong những ngọn núi thiêng, cùng với sông Đà Rằng, có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Phú Yên. Sách Đại Nam Nhất Thống địa dư chí có chép: Vua Lê Thánh Tông đánh đuổi Chiêm Thành đến núi Đại Lãnh, chạm chữ vào bia đá làm mốc giới. Nhưng sách Thủy Lục trình chí của ông Trần Công Hiến chép: Núi Đá Bia rải chân ra biển, có hòn đá lớn quay đầu về hướng đông như hình người vậy. Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành về qua đây bùi ngùi than rằng: "Trời đất khai tịch đã cảnh thổ phân minh, kẻ kia nghịch ý trời nên bị thiên họa".
Nhân đó, ngài cho khắc chữ lên trên khối đá lớn trên núi, từ đó núi có tên là Đá Bia hay còn gọi là Thạch Bi Sơn.
Núi Đá Bia còn là nơi Mã Viện, tướng của nhà Hán trồng mấy cột đồng để phân ranh giới. Phía bắc là đất Nhật Nam thuộc nhà Hán, phía nam là đất của nước Tây Đồ Di. Tên núi lúc ấy là Đồng Trụ Sơn, đến đời vua Lê Thánh Tông khắc bia mới đổi là Thạch Bi Sơn. Việc trồng cột đồng có đến 7 sách Tàu chép, qua đó có thể tin là có thật.
Núi Đá Bia còn có tên Ngón Tay Chúa (Ledoigt de Dieu) vì theo các nhà hàng hải người Pháp, từ ngoài biển trông vào, hòn đá trên đỉnh giống hình ngón tay chỉ lên trời. Đó là căn cứ cho tàu chạy dọc biển, trước khi có hải đăng Mũi Điện do Varella xây dựng năm 1890.
Trước thế chiến thứ II, có thầy Tiên người thôn Phú Nhiêu xã Hòa Mỹ lập am tu tiên trên sườn núi, chữa được bệnh hiểm nghèo. Nhiều đệ tử theo học đạo, có cả giới trí thức. Chính phủ lúc bấy giờ sợ lợi dụng tôn giáo để truyền bá tư tưởng mới nên buộc thầy Tiên phải trở về làng. Dân gian còn truyền tại núi Đá Bia có huyệt đế vương, vượng khí rất nhiều, có thể át cả Trung Quốc. Bởi thế, Cao Biền khi qua làm Tiết độ sứ đất Giao Châu đã yểm long huyệt các nơi. Khi đến Đá Bia thấy mạch tốt bèn giả vờ đánh rơi cái kiếm xuống hồ Hảo Sơn (Biển Hồ) để chặt đứt long mạch.
Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng
Có lẽ ở nơi xảy ra nhiều chuyện binh đao và quá cách trở nên người xưa mới có ca dao như vậy!
Ngày nay, dưới chân núi Đá Bia, đã có khu du lịch Hoàng Long thu hút nhiều khách du lịch. Từ khu du lịch này, có một con đường lên đỉnh núi dài 2.011m với 2.071 bậc bằng đá, giúp du khách chinh phục đỉnh Đá Bia được dễ dàng.
Tổng hợp từ nhiều nguồn
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.