Con đường liên xã mình đang đi nối từ QL51 xuyên qua xã Hắc Dịch, xã Sông Xoài, xã Láng Lớn (thuộc huyện Châu Đức) đến thị trấn Ngãi Giao. Bạn thấy đường tốt không? 
Mấy ai biết rằng năm 1986 thì đây chỉ là vùng đất ảm đạm, dân cư thưa thớt. Hồi đó từ ngã ba Mỹ Xuân vô Hắc Dịch gần 10km nhưng mỗi ngày chỉ có vài ba chuyến xe lam cũ kỹ đưa khách ra vào. Những chiếc xe này oằn mình chất đầy hàng hóa và người đeo bám, chậm chạp trên con đường đất đỏ đầy ổ gà…

Phương tiện vận chuyển của bà con trong vùng thời điểm đó là những cỗ xe bò hay máy xới nhưng cũng không mấy chiếc. Ai có chiếc xe máy 50 hay cánh én cũng được kể là khá giả rồi. Hàng quán cũng chẳng có để mà giải khát hay lót dạ, nếu có chăng cũng chỉ là mì gói và uống nước lạnh của bà con để sẵn trong lu bên đường. Nhắc đến quá khứ để thấy một sự thay đồi đến diệu kỳ của một vùng đất xưa.
< Ngã 3 Hắc Dịch, bọn mình rẽ trái theo vòng xoay hướng về Sông Xoài.

Sông Xoài cũng vậy: được chia tách từ xã Hắc Dịch năm 1994, xã có diện tích tự nhiên là 2.902 ha đa phần là đất nông nghiệp.

Hồi năm 1996: toàn xã có 1470 hộ nhưng quá 1/3 là hộ nghèo, nhà tranh vách lá  và cả xã chỉ có 47 hộ sử dụng điện. Tuyến đường Mỹ xuân Ngãi giao chạy ngang nhưng đầy ổ voi ổ gà nên đi lại rất khó khăn, còn đường trong các khu dân cư hoàn toàn là đường đất, đường mòn.
< Rời địa phận Hắc Dịch.

Dân ở khu vực ấp Cầu Mới muốn đi qua xã phải đi đường vòng qua Hắc dịch nếu không muốn mặc quần đùi vác xe đạp lội qua suối. Nhiều người dân ở các nơi cũng về đây lập nghiệp, tạo thêm cho địa phương một áp lực về kinh tế…
Mười sáu năm sau, một khoảng thời gian không phải là dài của một đời người, càng không phải là chiều dài của một địa phương nhưng Sông Xoài đã thay đổi hoàn toàn diện mạo từ cuộc sống người dân đến các công trình dân sinh.

< Chợ Sông Xoài.

Xã Sông Xoài được xác định là xã nông nghiệp và định hướng phát triển kinh tế là phát triển nông nghiệp đi đôi với tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Sự nhất trí cao trong lãnh đạo và mọi tầng lớp nhân dân địa phương đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp.  Nhờ vậy, tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội , an ninh quốc phòng đều từng bước phát triển vững chắc.
< Xã Sông Xoài có nhà nghỉ "Vườn Xoài", có lẽ xã trồng nhiều xoài lắm đây.

Bây giờ thì hệ thống giao thông toàn xã đã được nhựa hoá 90%. Trụ sở UBND khang trang, trường Tiểu học, trường Trung học đạt chuẩn quốc gia được xây dựng, đáp ứng cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.

< Nắng khá gắt nhưng lúc này chưa đầy 8h sáng - Xem ra một ngày hứa hẹn cái nóng đến "lột dên" đây. Nhưng không sao, bọn mình đã chuẩn bị đủ găng tay, khẩu trang, kiếng, áo đầy đủ.

Nhiều công trình phúc lợi được xây dựng như:Trạm y tế, Trung tâm văn hoá học tập cộng đồng, chợ mới. 98% hộ dân có điện lưới quốc gia, 258 căn nhà được xây mới cho người nghèo góp phần nâng cao mức sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, năm 2007, xã được công nhận xã văn hoá...
< Cổng chào của huyện Châu Đức, sắp đến Ngãi Giao rồi.

Láng lớn, Châu Đức là một trong những địa phương có nhiều dân tộc Châu Ro sinh sống tạo thành làng Dân Tộc Châu Ro. Người Châu Ro gắn bó với đất Bà Rịa – Vũng Tàu đã từ lâu, hiện có khoảng gần 9.000 người, chiếm phần lớn số cư dân thuộc 17 dân tộc ít người của tỉnh.

Họ sống trong các cụm dân cư ở Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc), Ngãi Giao, Kim Long, Bình Giã (huyện Châu Đức), Châu Pha (huyện Tân Thành).

< Nói "sắp" chứ theo cọc kilomet ven đường thì cũng còn 9km nữa.

Nếu bạn đến thăm các danh thắng ở các huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc tìm hiểu thêm các phong tục tập quán của người Châu Ro.

Ngày xưa, trai gái người Châu Ro lớn lên tự đi tìm bạn đời, tự do làm quen, tự do dắt nhau đi chơi trăng và tự do ăn ở, làm lụng bên nhà gái.
< Đường đang tu sửa chổ hư hỏng.

Theo phong tục xưa, đến một lúc nào đó cần thiết, cha mẹ, họ hàng Nhà Gái mang một con gà trống tơ mập, một chai rượu trắng kèm theo đồ vật của người con trai như áo, khố… sang gặp cha mẹ, họ hàng nhà trai và nói bóng gió:
-Con trâu nhà ông bà dẫm nát ruộng nhà tôi rồi, ông bà tính sao?
Đáp lại thịnh tình nhà gái thì nhà trai sẽ nói:
-Ông Trời cột tay chân chúng nó rồi, ông bà cho con trâu nhà tôi được ăn cỏ chung với con trâu nhà ông bà.

< Ngã 3 Láng Lớn, mình sẽ quẹo phải đi Ngãi Giao. Bảng cũng ghi Ngãi Giao 9km... trong khi cột cây số 9 mình qua từ thuở nào rồi.

Vậy là người ta ngả mâm bày cỗ, ai ăn cứ ăn, ai uống cứ uống… Người ra vào đông như bầy mối, bầy ong. Người say nằm ngủ, người chưa uống đủ cứ uống thêm… cho đến khi tàn.

Lễ cưới chồng của người Châu Ro xưa là vậy. Từ đây người con trai chính thức là chồng của người con gái. Họ ăn ở với nhau cho đến khi sinh con đầu lòng thì cha mẹ vợ cho ra ở riêng.

< Khu vực gần chợ Láng Lớn.

Xét về mặt hôn nhân gia đình thì đồng bào Châu Ro xưa ở vào thời kỳ Mẫu hệ, con gái đi hỏi chồng, cưới chồng, về ở nhà vợ, không có tục “dạm”, “hỏi”, “lễ cưới”, tục “mai mối”. “Ông Tơ, Bà Nguyệt”, “Thách cưới”, tục xem ngày tháng, so tuổi…
Trong thời gian chung sống, vì một lý do nào đó như bỏ nhau vì xung khắc tính nết, chết… họ có thể “Đi bước nữa” nhưng không qua các bước như lần đầu kể trên. Nếu hai người bỏ nhau thì tài sản, kể cả bất động sản, con cái đều thuộc về người mẹ. Người cha ra đi hai bàn tay trắng. Nếu người vợ chết thì người chồng được quyền lấy chị, em của người vợ (với điều kiện những người này chưa có chồng), và ngược lại nhưng không thành luật tục bắt buộc như một số dân tộc ít người khác.
< Đoạn đường từ Láng Lớn về thị trấn Ngãi Giao vừa được nâng cấp rộng rãi, có cả đèn đường.

Ngày nay, lối sống mới cũng đã được người Châu Ro tiếp nhận, tục cưới xin trước kia chỉ còn là nét đẹp truyền thống trong kho tàng các phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
< Hồ thủy lợi Núi Nhạn, Núi Nhạn là tên ngọn núi nhỏ kề cận hồ.

Qua làng dân tộc Châu Ro rồi thì vào địa phận Ngãi Giao, bọn mình dừng lại nghỉ chân, uống nước. Đây là hồ chứa nước Núi Nhan (thị trấn Ngãi Giao, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu xây dựng từ cuối năm 2002 (nếu bạn nhìn trên bản đồ Google map chị thấy một khoảng đất đang sang ủi - do ảnh Google chụp ngày 26.1.2003) với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỉ đồng.
< Đường tốt, vắng xe trông thật yên bình.

Hồ chứa nước được xây dựng nhằm cung cấp nước tưới cho 350 ha đất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thị trấn Ngãi Giao với công suất 150 m³/ngày đêm và cải tạo môi trường sinh thái, nuôi trồng thủy sản.
Xây dựng đến tháng 12.2003 thì hoàn thành nhưng ngay sau đó gây nhiều bức xúc trong dân vì hồ rất ít nước. Nguyên nhân được cho là lượng mưa năm 2004 và 2005 rất thấp so với số liệu tính toán ban đầu dẫn đến tình trạng nước hồ ít so với thiết kế. Nguyên nhân khác là do đáy hồ thấm nước và chủ yếu mất nước qua lòng hồ.



May mắn là một thời gian dài sau đó thì người ta cũng khắc phục được chuyện "hồ mà nước chỉ như cái ao"... và như bạn thấy trong ảnh: hồ đầy nước, trong xanh và phát huy hiệu quả, tạo cảnh quan đẹp.

< Sau phút nghỉ ngơi thì hai kẻ phiêu bồng lại lên đường...
< Cảnh vật ven đường: trông ngồ ngộ với vách đất đỏ dưới làn cỏ xanh mướt.
< Cuối cùng thì trung tâm thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) kia rồi - lúc này là 8h15 ngày 24 tháng 10.

Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!