Xuân Sơn đẹp và thanh bình. Xuân Sơn thay da đổi thịt từng ngày như những xã khác của Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng đặc biệt hơn vì đây là một xã anh hùng. Vậy mà mấy ai biết được hồi ức ngày xưa vè vùng đất này của người bạn già từng sống cả một thời thanh niên tại đây.

Ngày ấy, một ngày tháng 3 năm 1988, anh vào Xuân Sơn để thăm chị ruột theo chồng vào làm ăn ở đây (sau này anh hay nói vui là ngày “định mệnh”)

Anh về đến Bà Rịa bằng chuyến xe than Bà Rịa-Xuân Sơn ì ạch trên con đường gập gập, ghềnh ghềnh. Xe đã yếu lại còn quá tải nên anh chỉ được đứng một chân, bíu một tay sau đuôi xe và bao lần hồn vía lên mây.

Người ta bảo: “sắp đến Xuân Sơn rồi”. Anh cố nhìn cảnh vật nơi lần đầu đến, mà ôi thôi, có nhìn được gì đâu. Con đường đất đỏ với một lớp bụi dày tung cuốn mịt mù. Nhìn mọi người trên xe: tóc tai, mặt mũi, áo quần toàn màu đỏ pha lẫn chút đen sì của bụi than trông thật tức cười. Chạnh lòng!

< Xã Xuân Sơn.

Ở chơi với chị mấy ngày, anh cũng dạo xem cuộc sống của người dân với vài ngôi nhà lưa thưa, cỏ cây khô héo đứng trơ ra giữa cái nắng oi ả. Có chợ nhưng vài hàng quán lợp tranh xiêu vẹo, đường sá bụi bặm, gồ ghề. Người người chỉ biết một nắng hai sương với nương ngô, rẫy sắn.

< Chùa Khánh Tâm.

Rảo bước thêm một đoạn, bất chợt anh nghe tiếng đọc bài ê a của trẻ nhỏ. Thì ra đây là trường học, ngôi trường cấp I duy nhất với mái lợp tranh, vách ghép bởi những tấm phên tre miếng lành miếng lủng, bàn ghế do phụ huynh tự đóng bằng những tấm ván thô. Học sinh nhếch nhác, lem luốt. Anh lại chạnh lòng!

Vài tháng sau, âu cũng là cơ duyên: anh lại trở về vùng đất của nắng bụi mưa lầy và đã là một giáo viên hợp đồng. Mùa mưa phải lội sình đi dạy, lắm lúc được “chộp ếch”, áo quần cũng tèm nhem. Đồng lương thì ít ỏi, nhưng anh lại được tiếp sức bởi những lời động viên, được tiếp sức bởi chính những cô cậu học trò thân yêu.

< Đường ngang qua xã là "Đường đẹp Việt Nam.

Anh dạy dỗ các em bằng tất cả lòng nhiệt huyết. Anh trở thành Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Giáo viên giỏi cấp tỉnh…và nhiều giải thưởng phong trào cấp huyện, cấp tỉnh. Anh coi Bà Rịa-Vũng Tàu là quê hương thứ hai và chứng kiến sự đổi thay từng ngày của tỉnh nhà, của Xuân Sơn: “Nàng xuân” đã một thời mang biệt danh “vùng sâu” nay đã thức giấc.

< Mình chạy huốt một tý nhưng lười quay lại: nơi từ dưới trông lên sẽ thấy đoạn đường sắp đến vòng vèo trên cao.

Bây giờ cứ  thử dạo một vòng bạn sẽ thấy ngay: Tỉnh lộ Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình là “Con đường đẹp Việt Nam” chạy ngang qua xã. Đường điện trung thế cùng với những trụ đèn đường rực sáng mỗi khi đêm xuống. Dân cư đông đúc, hai bên đường nhà cửa kiên cố san sát nhau. Chợ búa tấp nập, nhộn nhịp. Nhưng chưa hết đâu, niềm tự hào của người dân xã tôi đó chính là 4 ngôi trường khang trang của cả 4 cấp học, trong đó có 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia mọc lên trên địa bàn của xã. Ngày ngày các em trang phục chỉnh tề, tung tăng đến trường đến lớp...

< Qua cầu Sông Ray, bọn mình vào thị trấn Hòa Bình. Sông này chảy qua nhiều địa phương, có nhiều cầu nhưng có hai cầu mang tên trùng lắp: "cầu Sông Ray": Một là cầu này, hai là cầu nối liền đường ven biển xã Phước Thuận và xã Lộc An.


< Cầu được xây dựng cùng con đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao – Hoà Bình năm 1997, chấm dứt việc người dân phải qua đò rồi vác xe đạp leo dốc.

... Người dân xã Xuân Sơn đã ăn nên làm ra, cây tiêu, cà phê là nguồn sống chủ lực. Một số hộ đã mạnh dạn trồng cao su cũng đem về thu nhập cao, cuộc sống sung túc. Những trang trại chăn nuôi với quy mô lớn mọc lên...
Nghe anh kể mà mình mừng cho anh, mừng Xuân Sơn đã vượt khỏi cảnh nghèo.

< Qua khỏi cầu là có ngay cái dốc 10 độ với khoảnh đường quanh co mà tít dưới kia: nếu tinh mắt thì sẽ nhìn thấy. Đây là địa phận của thị trấn Hòa Bình.
Là một thị trấn nhỏ thôi nhưng Hòa Bình có tốc độ kinh tế khá nhanh và bền vững do người dân rất có ý thức bảo vệ môi trường sống.
< Vẫn những vòng cua quẹo với cây cỏ  ven đường xanh um, đây chỉ là phần "ngoại ô" của thị trấn.
Người dân thị trấn Hòa Bình thân thiện, mến khách. Thị trấn có 2 khu chợ, 6 trường học chưa kể 4 trường mầm non, có 2 sân vận động, 3 nhà thờ, một đền thờ... v.v
< Đoạn đường này có điều lạ, bạn thấy không? Hai bên đường có những tảng đá lớn dựng sừng sửng như một cổng chào đang chúc mừng những lữ khách đã đến đây.
< Bất chợt mình gặp một ngả 3: đường cắt ngang chính là TL328. Nếu quẹo trái sẽ đi xã Tân Lâm, Xuân Đông và đến Cẩm Mỹ, còn nếu rẽ phải là hướng về thị trấn Phước Bửu - Dĩ nhiên bọn mình rẽ phải.
< Đường vào thác Hòa Bình.

Queọ phải rồi, đang chạy ngon trớn thì "ôm" phía sau kêu giật giọng: Quay lại ông xã ui!
- Sao quay lại?
- Thác... qua rồi!
Mình quay lại và thấy tấm bảng xanh, chữ trắng mé phải đường, có ghi: Thác Hòa Bình. Tính từ ngã 3 tới chỗ này chỉ khoảng 500m thôi.
Nhưng bảng nằm đó chứ muốn đến đường rẽ vào thác phải chạy thêm vài mươi mét nữa, nhánh quẹo phải phí trên.
< Đường vào khởi đầu là đất đỏ, chạy một đoạn thì... hết đỏ, chắc do đất đổ làm đường.

Hai bên đường cây cối xanh u, mát rượi. Khúc đầu còn thấy một ít nhà dân nhưng chạy vào sâu hơn thì chỉ thấy toàn rừng với cây...
Đang lúc ngẫm nghĩ chưa biết thác ở đâu thì có tiếng xe máy phía sau rồi giọng một phụ nữ lớn tuổi cất tiếng hỏi:
-Hai người vô thác phải không?
- Dạ phải.
- Vậy thì chạy theo bà già này nghe.
Đó là hai bà cháu chở nhau trên chiếc gắm máy, chạy khá nhanh làm mình đuổi theo muốn hụt hơi.
< Cuối cùng thì cũng đến nơi, hóa ra nhà bà ngay cạnh thác.
Con đường này vừa dẫn vào nhà, vừa dẫn đến thác luôn.
< Xế nè.

Bọn mình gởi xe tại nhà bà (bà hơn bảy mươi, nhỏ người nhưng trông nhanh nhẹn và khỏe lắm) rồi bước xuống thác gần đó.
< Còn đây là "ôm".
Tiếng nước chảy ì ầm vang vọng cả một góc rừng. Từ con đường đất phía trên sẽ có những chòm đá mà thiên nhiên đã tạo sẳng thành bậc dẫn xuống phía dưới.

Trong khoảng trời rộng mở, giữa những tán cây rừng: thác ầm ầm chảy tạo nên một tuyệt tác giữa thiên nhiên - thật kỳ vĩ...

Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!