(Tiếp theo) - Quốc lộ 51 là 1 trong những quốc lộ lớn tại Việt Nam. Mình không ưa gì cái đường này nhưng nói thật, từ khi được mở rộng, nó giúp các tỉnh thành liên quan giao thương thông suốt hơn so với con đường QL cũ 'hơi bị bé'.

< Từ chỗ xả hơi, nhìn tới thấy trạm thu phí T3 QL51 (vị trí >). Cái bảng số xe mình buộc phải bôi nhòe đi, pà kon thông cảm không truy nã kẻ quèn này.

Quốc lộ 51 khởi đầu tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và kết thúc tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...

< Lại đi. thi thoảng bên đường đỏ rực bóng các cây phượng trong mùa hè - đẹp tuyệt!

... Quốc lộ bắt đầu tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, qua huyện Long Thành (Đồng Nai), qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì Quốc lộ 51 sẽ đi qua các địa phương sau: thị xã Phú Mỹ (huyện Tân Thành cũ), thành phố Bà Rịa và điểm cuối của quốc lộ sẽ nằm tại eo Ông Từ thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Quốc lộ 51 chính là một phần của đường Xuyên Á số 17 (AH17). Toàn tuyến quốc lộ dài 86 km.

< Khúc này sắp đến cái quán cơm, quán bún bò rất rẻ mà ngon ở gần nhà thờ Kim Hải. Có điều bọn mình đã ăn sáng rồi và bi chừ chưa tới buổi trưa, ăn răng được?

Trên trục đường này có 3 trạm thu phí, trạm T1 nằm ở Ngã ba Thái Lan thuộc Km11 phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trạm T2 thuộc Km29 xã Long An, huyện Long Thành và trạm T3 là trạm Long Sơn thuộc Km56, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

< Ngã 3 Long Hương phía trước, chạy thẳng là đi Vũng Tàu còn trái là vào TP Bà Rịa. Bà Rịa là tên một vùng đất. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Imprimerie Rey, Couriol, Sài Gòn 1895) cũng giải thích tương tự: “Bà Rịa: tên xứ ở tại Hắc Lăng, bây giờ là tiếng kêu chung của cả hạt Phước Tuy” (Tome 2, tr 256). Nhưng tại sao có tên 'Bà Rịa' thì mình sẽ có bài riêng nói về lịch sử vùng đất này.

< Dãy nhà phố trên khu quy hoạch đất vàng ven QL. Tuy nhiên, bao nhiêu năm nay nó vẫn vậy, không xôm nổi.

Dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp quốc lộ 51 được nghiệm thu đưa vào thu phí từ tháng 4-2013, thời gian thu phí là 20 năm 6 tháng (từ ngày 1-7-2009, tính luôn cả phần tiếp quản dự án cũ). Thiết kế của đường là cấp III đồng bằng, với lưu lượng xe bình quân là 10.000 lượt/ngày bình thường và 30.000 lượt/ngày đêm vào ngày cao điểm.

< Trung tâm thương mại Bà Rịa, khu này rất sầm uất nha.

< Cây cầu đi bộ vắt ngang quốc lộ, chỗ hóng gió chiều khá là tuyệt đó vì ít ai đi.

Mặc dù đường rất rộng (8 làn xe) nhưng ngày nay do mật độ giao thông rất cao do nhu cầu càng ngày càng như vận tải sắt từ các nhà máy trong KCN Phú Mỹ (Vina Kyeo, PFS, SSC, BSV, ThepViet,...), xi măng (Hocilm,...), hải sản từ cảng cá Vũng Tàu và các mặt hàng khác về Thành phố Hồ Chí Minh cùng sự ra đời của tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (nhất là đoạn TPHCM - Long Thành) đã làm lượng xe tăng quá nhanh và nhanh chóng vượt con số thiết kế, con đường trở nên chật hẹp và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra.

< Bùng binh ngã 5 Vũng Vằn phía trước (vị trí >), mình sẽ rẽ phải...

< Rẽ phải thì sẽ gặp ngay cổng chào Long Hải. Vô đây cũng chì vì... cái mỏ thôi: sáng bà xã bàn ta chạy tàng tàng ra LH, chơi một hồi rồi ăn lẩu, trưa lại đi Hồ Tràm nha anh. Mà lẩu ở đây cũng đáng đi thật!
Nói chơi thôi, sẳn đi thì đớp chứ bà xã thường nấu đơn giản nhưng nếu hứng: nửa kia nấu các món như phở, bún bò, bún riêu, lẩu hải sản... thì dám chắc không có tiệm nào sánh được đâu! Nó sùng sục loi ngoi tôm - cua - cá - bò, không tiếc chất nêm nếm nên vượt trội so với bên ngoài đấy!

< Thi thoảng vẫn gặp các cây phượng vĩ đỏ rực bên đường.

Theo số liệu của Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), năm 2018, lưu lượng xe qua trạm T2 đạt bình quân 38.000 lượt/ngày đêm; năm 2019, lưu lượng xe tiếp tục tăng. Tháng cao nhất là tháng 4 (có kỳ nghỉ lễ), bình quân 40.164 lượt/ngày đêm - bằng 4 lần con số thiết kế. Trong đó, trong các ngày cao điểm là 13-4 và 27-4, lượng xe qua trạm đã đạt hơn 48.000 lượt/ngày đêm.

< Hai hướng rẽ bên trái đi Long Điền và An Nhứt, ta thì đi Long Hải cơ!

< Phía phải đường có khá nhiều ruộng muối. Tít phía xa là núi Nứa trên đảo Long Sơn.

Lưu lượng xe tăng nóng đã làm mặt đường nhanh chóng xuống cấp, ùn ứ xe cộ xảy ra thường xuyên làm tăng thêm thời gian, chi phí cho các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến và gián tiếp kéo giảm tốc độ phát triển chung của cả vùng Đông Nam bộ. Không khó để nhận ra các đoạn đường bị sóng trâu và hằn lún trên tuyến quốc lộ này và chúng xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong thời gian gần đây.

< Vô nội ô thị xã rồi, ta sẽ ra Mộ Cô hóng gió biển vậy.

< Và đây: nhánh đường nhỏ ra đồi Cô Sơn, nơi mà cái dự án resort đã phá sạch cái cảnh quan tuyệt đẹp tại đây, sau đó còn chướng mắt bỏ của chạy lấy người.
Lúc này mới có... 8h20 sáng ngày 24 tháng 6! Bao chừ mới đến trưa để... ăn lẩu cưng ơi, ha ha...

Để giúp giảm tải cho QL này và phục vụ cho tăng trưởng chung của cả vùng, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã ra đời, nhưng gần 15 năm qua vẫn nằm trên giấy dù cả 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai rất tích cực tìm phương án nhưng vẫn phải chờ Bộ.

Thôi thì, có lẽ cũng nhờ con Covid nên đường xá đươc giảm tải phần nào dù chả địa phương nào muốn. Nói chung, hôm nay mình đi thì đường vắng.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần cuối

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!