(VHVN) - Trên đường về làng Cảnh Dương, biết những du khách lần đầu đặt chân tới nơi đây, bác lái xe đã ngâm nga câu hát “Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió, truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây...” trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi”, gợi mở cho du khách những điều tự hào về làng biển nổi tiếng này.

Miền quê đứng nơi đầu sóng gió

Một năm trở lại đây, con đường làng Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đông vui hơn bởi những du khách từ nhiều miền quê đã tới đây chiêm ngưỡng những bức bích họa độc đáo về quê hương và cuộc sống của người dân miền biển.

Làng Cảnh Dương có cảnh quan thiên nhiên trù phú, địa thế tuyệt đẹp với “Sông Loan, núi Phượng hữu tình/ Bấng vàng, ấn ngọc anh linh chầu về”. Những bậc cao niên trong làng vẫn truyền dạy cho con cháu niềm tự hào về quê cha đất tổ, vùng đất địa linh nhân kiệt này là một trong “bát danh hương” của Quảng Bình xưa – “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim”, giàu truyền thống khoa bảng của mảnh đất gió Lào cát trắng. Trong kháng chiến, đây còn là mảnh đất anh hùng cách mạng, với những anh hùng áo vải giương cao khẩu hiệu “rào làng chiến đấu”, đã hai lần được phong là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Dulichgo
Bởi thế, du khách đến nơi đây không chỉ thấy cuộc sống hối hả của những con người làm nghề chài lưới mà còn được trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử đã được gìn giữ suốt gần 4 thế kỷ qua từ khi lập làng.

Giống như bao làng chài miền duyên hải, đời sống tâm linh, tinh thần của người dân Cảnh Dương gắn liền với thiên nhiên, biển cả. Đầu năm, dân làng đều làm Lễ hội Cầu Ngư, cầu cho một năm thuận buồm xuôi gió. Ở Linh Ngư Miếu, người dân làng thờ hai bộ xương cá voi của cá bà (cá voi cái) và cá ông (cá voi đực) đã “lụy” (bị nạn) ở Cảnh Dương. Phong tục thờ Cá Ông (thờ Nam Hải Bồ Tát) còn được người dân duy trì, với việc xây dựng nghĩa địa Cá Voi - nơi yên nghỉ của khoảng 17 cá ông, cá bà, đã “lụy” vào làng trong gần 375 năm nay.

Làng Cảnh Dương có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều phong tục độc đáo, mang đậm sắc thái của dân miền biển từ xa xưa vẫn được gìn giữ đến ngày hôm nay. Đêm Giao thừa, người dân trong làng vẫn duy trì Lễ rước lửa, mang ngọn lửa thiêng cháy lên trong thời khắc đêm giao thừa chia về từng nhà, như mang may mắn, ấm no cho gia đình. Lễ hội Cầu Ngư vào rằm tháng Giêng vẫn duy trì đầy đủ các hoạt động nghi lễ linh thiêng bên cạnh phần hội tưng bừng với các tích trò múa rối, hát ru, hò chèo cạn, trò chơi cờ người, trải nghiệm hát ru…Dulichgo

Hòa mình vào không gian truyền thống, tìm hiểu về lịch sử dựng làng giữ nước mới thấy câu hát “quê tôi đứng nơi đầu sóng gió” của Cảnh Dương mang bao điều tự hào. Những người con của biển quanh năm “ăn sóng nói gió” nhưng hiếu học, trọng tình nghĩa, thân thiện, mến khách giờ đã có thể giới thiệu đầy tự hào về quê hương bản quán của mình với du khách thập phương.

Xây dựng thành Làng Văn hóa, Du lịch

Đầu năm 2018, những ngôi nhà trong làng Cảnh Dương đã khoác lên mình một màu sắc mới với cung đường bích họa bắt đầu từ Đình thờ Tổ cho đến đường ven biển. 16 bức tranh tường đã kể lại bằng hình ảnh quá trình hình thành, phát triển, truyền thống anh hùng trong kháng chiến, cảnh lao động bình dị với những nụ cười rạng rỡ của người dân địa phương.

Truyền thống và những nét đẹp bình dị của ngôi làng này là điểm nhấn và sự khác biệt so với những ngôi làng bích họa khác ở Việt Nam. Chị Phương Nhi, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, điều thú vị nhất là bên cạnh không gian tranh 3D hiện đại, độc đáo là không gian của lịch sử, với những ngôi nhà cổ, những bức tường cổ làm bằng đá san hô, còn nguyên màu rêu xanh cổ kính tồn tại đến hôm nay.
Dulichgo
Cùng với kế hoạch thu hút du khách bằng những điểm độc đáo này, trong năm 2018, Sở Du lịch Quảng Bình đã phối hợp với UBND huyện Quảng Trạch, UBND xã Cảnh Dương đầu tư cải tạo hạ tầng, thu hút đầu tư… để phát triển Cảnh Dương thành Làng văn hóa, du lịch đặc trưng với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Quảng Bình. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi Cảnh Dương có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm cạnh quốc lộ 1A, cách khu du lịch Đảo Yến - Vũng Chùa - mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khoảng 10 km.

Từ Cảnh Dương có thể kết nối thuận lợi với các khu, điểm du lịch, trung tâm kinh tế xã hội của tỉnh như Phong Nha - Kẻ Bàng, Đồng Hới, Ba Đồn, tiếp cận thuận lợi bằng đường biển đến Cảng Hòn La, Vũng Chùa - Đảo Yến và các tuyến du lịch đường sông đi Sông Gianh, sông Son. Xa hơn là kết hợp cùng với con đường di sản miền Trung, nối từ Quảng Bình tới các địa phương như Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.
Dulichgo
Không chỉ chiêm ngưỡng không gian làng quê trù phú, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống của người dân, cùng bắt tay làm những nghề truyền thống như làm nước mắm, làm thuyền thúng, nghề mộc… Hoặc có thể giăng lưới, câu cá, bơi thuyền thúng, lặn ngắm san hô và thưởng thức những món ăn dân dã do chính mình đánh bắt. Đặc biệt, ngày 30/10/2018, Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, trong đó, có Lễ hội Cầu ngư của xã Cảnh Dương, càng làm cho bà con có ý thức giữ gìn phong tục tập quán, gắn bảo tồn giá trị di sản với phát triển du lịch, để thu hút du khách đến tham quan và tìm hiểu về quê hương mình.

Theo Làng Việt online
Du lịch, GO!

Độc đáo cung đường bích họa ở Cảnh Dương
Tục xin lửa đêm 30 Tết ở làng biển Cảnh Dương
Giếng cổ làng Cảnh Dương
Làng biển Cảnh Dương - Điểm đến mới của Quảng Bình
Tân Cảnh Dương cuối hè vẫn hút khách