(QBO) - Cảnh Dương là một xã ven biển trù phú của huyện Quảng Trạch với cảnh quan thơ mộng, có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm cạnh quốc lộ 1, cách khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khoảng 10 km và kết nối với các khu, điểm du lịch, trung tâm kinh tế xã hội của vùng như cách xã Ba Đồn khoảng 17 km, cách đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh và đèo Ngang 11 km, cách Phong Nha - Kẻ Bàng khoảng 48 km...

Với 375 năm hình thành và phát triển giàu truyền thống khoa bảng, địa linh nhân kiệt, đồng thời là làng chiến đấu nổi tiếng thời chống Pháp với khẩu hiệu “rào làng chiến đấu”, hai lần được phong Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cùng với truyền thống nghề ngư nghiệp đã tạo nên thương hiệu độc đáo riêng.

Hiện nay, Cảnh Dương là một trong những địa phương có hạ tầng kỹ thuật, giao thông nông thôn tốt nhất trong tỉnh và có nhiều kiến trúc độc đáo, nơi những ngôi nhà cổ bằng đá san hô trong lòng đô thị đang phát triển; cũng là cũng nơi có làng nghề truyền thống với ngành nghề đa dạng và phong phú như làm nước mắm, thuyền thúng, nghề mộc, nuôi đà điểu.
Dulichgo
Ngoài ra, nơi đây còn chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng độc đáo như Linh Ngư Miếu, đình thờ Tổ - nơi thờ các vị tiền hiền khai khẩn vùng đất này và cũng là nơi trưng bày nhiều hiện vật văn hóa quý giá: Quả chuông lớn mang tên “Cảnh viện hồng chung” (đúc vào đời vua Cảnh Thịnh 1801), 02 tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng của làng; giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật.

Đó là tục truyền lửa vào đêm Giao thừa được tổ chức tại đình thờ Tổ với mong muốn truyền sự may mắn, hạnh phúc, tiếp lửa cho tinh thần người dân trong năm mới để đạt được nhiều thành công hơn; Lễ hội Cầu Ngư vào Rằm tháng Giêng với nhiều hoạt động như lễ rước, lễ cầu ngư, múa rối, hát ru, hò chèo cạn; các trò chơi Cờ người, trải nghiệm hát ru…

Đặc biệt, hát ru Cảnh Dương với người đàn ông là các nghệ nhân chính, điệu hát ấm áp đi sâu vào lòng bao nhiêu thế hệ con em Cảnh Dương nói riêng và Quảng Bình nói chung đã trở thành bản sắc, nét văn hóa độc đáo hiếm có đối với khu vực này. Cùng với đó, đây cũng là vùng quê nổi tiếng về văn hóa ẩm thực trong vùng: Thơm ngon nước mắm Cảnh Dương/ Cá tôm miền biển cũng nguồn lợi to”.
Dulichgo
Nhắc đến Cảnh Dương, không ai không biết đến phong tục thờ Cá Ông (thờ Nam Hải Bồ Tát) với Linh Ngư Miếu, Lễ hội Cầu Ngư. Linh Ngư Miếu là nơi thờ 02 bộ xương cá Voi có chiều dài lớn nhất tại Việt Nam với chiều dài ước tính gần 27 m, bề rộng gần 10 m. Theo truyền thuyết của làng, cá bà (cá voi cái) và cá ông (cá voi đực) vào "lụy" (bị nạn) ở Cảnh Dương. Gia phả Tây Trung Họ Trương (còn gọi là Trương Trung Tây Gia Phả) có ghi “cá bà vào vùng biển này năm Kỷ Tỵ (năm 1809) đời Gia Long thứ 9, cá ông vào năm Đinh Mùi (năm 1907) đời Duy Tân thứ 16”. Người dân đã chôn cất, xây miếu thờ từ đó, bộ xương cá bà được thờ ở bên phải và bộ xương cá ông được thờ ở bên trái.

Theo chuyên gia, đây là các bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất tại Việt Nam, có thể được ghi vào Kỷ lục Guiness Việt Nam sau khi hoàn thành việc phục chế. Không chỉ vậy, Cảnh Dương còn có nghĩa địa Cá Voi nơi yên nghỉ của khoảng 17 cá ông, cá bà, đã “lụy” vào làng trong gần 375 năm nay.
Dulichgo
Từ những tiềm năng và lợi thế về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn này cùng với vị trí tiệm cận khu du lịch Vũng Chùa - Đảo, Sở Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Quảng Trạch, UBND xã Cảnh Dương lựa chọn Cảnh Dương để phát triển thành Làng văn hóa, du lịch đặc trưng với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Quảng Bình.

Đặc biệt, những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, người dân làng biển Cảnh Dương, háo hức, phấn khởi vì xung quanh làng xuất hiện 16 bức bích họa 3D đủ màu sắc câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển, truyền thống anh hùng trong kháng chiến, những nét đẹp bình dị của làng cùng nhiều phong tục tập quán quen thuộc của người dân địa phương. Trên cung đường bích họa, du khách có thể tham quan những ngôi nhà cổ, bức tường cổ làm bằng đá san hô còn nguyên màu rêu xanh cổ kính cũng như trải nghiệm cuộc sống của người dân ở làng biển trù phú, đứng đầu sóng gió này.
Dulichgo
Hiện nay, Sở Du lịch đang phối hợp với xã Cảnh Dương và các đơn vị hoàn tất công tác chuẩn bị triển khai xây dựng Không gian trưng bày các bộ xương cá voi để cho du khách có thể chiêm ngưỡng hai bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam dưới hình dạng nguyên thủy ban đầu; đồng thời phối hợp với các đơn vị thực hiện, kêu gọi đầu tư triển khai các khu vực dịch vụ để mang để cho quý khách những sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng, những sự trải nghiệm khác biệt chỉ có thể cảm nhận tại Cảnh Dương như Hải đăng, Nhà hàng Cá Voi, Công viên thuyền thúng… Hứa hẹn một ngày không xa Cảnh Dương sẽ trở thành điểm đến thu hút trên tuyến du lịch mới hình thành cùng với Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến.

Theo Hồng Mến (Quảng Bình gov)
Du lịch, GO!

Giếng cổ làng Cảnh Dương
Độc đáo cung đường bích họa ở Cảnh Dương
Tục xin lửa đêm 30 Tết ở làng biển Cảnh Dương
Tân Cảnh Dương cuối hè vẫn hút khách