< Một trong những làn riêng biệt của đường Nguyễn Văn Linh, khu vực Phú Mỹ Hưng.
'Lơn tơn' nội thành thì chỉ có nước rùa bò vì người đông, tha hồ hít khói do nhiều xế. Vậy nên cách tối ưu để thưởng ngoạn giảm stress là những chốn ven đô.
< Đầy mây chiều nhưng không mưa khiến gió đưa se lạnh, vẫn trên đường Nguyễn Văn Linh.
Vậy nhưng chuyện 'lang thang' ngoại thành này cũng xứng đáng chia ra làm hai... 'chiên ngành':
1/ Nói đơn giản là đi... hóng gió. Qua một ngày làm việc căng thẳng, bỏ tầm hơn 1 tiếng để lang thang vùng ven sẽ là thứ giải khuây tốt cho tâm trí, nếu mang theo bịt đậu phụng phô mai Tài tài thì càng tuyệt hảo vì có thứ nhâm nhi đỡ tủi.
< Một góc đường Nguyễn Đức Cảnh.
Xem nào: tầm nửa tiếng chạy xe vừa đi vừa về, còn một tiếng để bách bộ, ngắm nghía ánh đèn đô thị xa xa, nước lờ lửng dưới gầm cầu hay chút xào xạc của lá đong đưa trên ngọn cây...
Chốn đến có thể là cầu Thủ Thiêm, công viên ở Phú Mỹ Hưng, công viên hầm Thủ Thiêm, mép sông dọc đường Võ Văn Kiệt... Nói chung là những nơi không bị quấy rầy bởi hàng rong.
< Bạn để ý xem: nơi nào có nhiều cây xanh thì thường mát lạnh, thấy rõ nhất trong mùa hè. Vậy nên 'Dưới bóng cây xanh' là điều nên làm.
2/ Lang thang dăm ba tiếng hay cả 1 buổi thuộc lĩnh vực... bự hơn: chính xác là bạn phải điều nghiên nơi sẽ đến trước chuyến đi rồi dậy sớm (buổi sáng) hoặc bỏ ngủ trưa (chiều thứ 7) để lên đường.
Nơi đến có thể là khu vực An Phú (Q2), một vài xã ở Cần Giờ, Đền Hùng Vương ở xa lộ Hà Nội, Đồng Diều ở Q8, Gò Chùa ở Củ Chi... , một tỷ chốn để đi gần thành phố nếu muốn.
Chỉ nói riêng nơi mình ở, may mắn là quận 7 có những vùng ven tương đối thưa người, nhiều cây xanh... với cả những quận kề cận như Quận 2, 8... nên cũng là chốn bọn mình đi nhiều nhất. Vậy nhưng rất nhiều quận khác cũng có các nơi tuyệt vời nếu ta biết khai thác như quận Thủ Đức, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, quận 12, quận 9... v.v.
< Trên đường Nguyễn Văn Linh nhìn qua siêu thị Coop Mart.
Nói chung thì bạn cứ mở bản đồ vệ tinh của Wikimapia hay Googlemap ra, tìm chốn nào nhiều cây xanh, tương đối ít nhà, nếu có công viên - chùa chiền rộng rãi thì càng tốt. Xem và tính toán đường đi rồi chọn thời điểm đẹp và 'cất cánh' thôi.
Duy có vài điểm cần tránh:
< Giữa đoạn đường đời.
- Tránh giờ cao điểm: kẹt xe là điều dễ vướng phải trên đường nếu bạn đi trong thời điểm này. Thay vì ta hít được 'hương đồng cỏ nội' thì cái phải nhận là khói bụi từ biển người và xe.
- Tránh ngày lễ lạc: Nếu bạn có ý nghĩ là ngày lễ người ta thường tụ tập vào những khu trung tâm thành phố hay khu vui chơi, ca nhạc... và những 'cõi đồng hoang' sẽ thưa vắng thì bạn lầm. Trong những ngày Noel, tết Dương lịch, 2/9 thì những chốn 'hoang sơ tương đối' của Sàigòn cũng khá đông người và xe do không phải ai cũng có 'sức' và 'lực' để bon chen vô các tụ điểm.
< Rẽ ngang vào Nguyễn Hữu Thọ, hướng Him Lam.
- Đi chốn khá vắng người thì nên ăn mặc bình thường thôi, thậm chí có hơi... lèng xèng càng tốt.
Máy ảnh khoác vai, trùm thêm cái áo khoác ngoài vừa giữ ấm (mùa này gió lạnh mà), vừa để che đậy bớt - khi nào chụp thì móc ra. Còn máy ảnh bỏ túi, ta có thể thực thi theo đúng cách gọi là 'bỏ vào túi' là xong.
< Đây là cao ốc Sunrise City - South Towers trên đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc khu đô thị Him Lam.
- Chân máy ảnh đem theo có thể giúp ảnh đẹp khi thiếu sáng, vậy nhưng cần lưu ý kỹ khi 'cái máy chộp' đứng chơi vơi bên vệ đường vì rất có thể nó sẽ 'cất cánh' chớp nhoáng theo một quái xế nào đó khi họ tung chiêu giựt dọc. Bạn có thể không dùng chân máy nếu tận dụng thành cầu, cột đèn, đầu xe, tảng bê tông, gốc cây hay cách riêng của mình... để tránh run và nhòe khi bấm ảnh.
< Đường Nguyễn Hữu Thọ nối vào Nguyễn Văn Linh thông qua cây cầu Rạch Bàng 2.
- 'Xế xịn' là thứ không nên đồng hành khi đi vùng ven hay chốn thưa vắng người. Mình cho rằng nơi ngoại thành an toàn hơn chốn nhiễu nhương tại trung tâm đông đúc... nhưng dân quê tốt còn kẻ xấu là người vãng lai thì sao? Tốt nhất, cứ chạy một con xế cũ (miễn là máy đừng cà giụt cà chọt quá) để bạn có thể vứt bừa và yên tâm hơn khi tìm chốn vãng cảnh hay săn ảnh.
< Từ quận 8, theo Dương Bá Trạc chạy qua cầu Kênh Xáng sẽ gặp bùng binh - rẽ trái là vào đường số 4 để lên cầu Him Lam. Khu vực trước cầu lại thuộc xã Bình Hưng thuộc huyện Bình Chánh. Đây cũng chính là khu Trung Sơn nổi tiếng 'xịn' hồi đó.
- Nếu thích ăn vặt thì những vùng ven, chợ quê... sẽ có nhiều thứ để bạn thưởng thức tại chỗ hay mua về. Hầu như đa phần là ngon và giá cả rẻ hơn nơi bạn ở là nội thành. Ví dụ như nhiều quán nhỏ hay chợ nhỏ bên quận 2, ở các xã thuộc huyện Cần Giờ (không nói KDL Cần Giờ nhé, nhưng chợ Cần Thạnh thì được), quận 8, huyện Nhà Bè...
< Cầu Him Lam (vị trí cầu tại đây): cây cầu nối Bình Chánh vào quận 7.
- Khởi hành vào giấc sáng sớm hay xế chiều là thời gian thuận tiện để ngắm hay chụp thời những khắc đẹp nhất như bình minh và hoàng hôn. Vậy nhưng cũng tránh đi quá sớm hay về quá khuya để an toàn. Nếu có thể: chọn cung đường đi là A, còn về là B để tránh việc trùng lắp gây nhàm chán.
< Cầu Him Lam bắc ngang con rạch Ông Lớn (sông lớn thật dù gọi là rạch). Từ nơi đây, nếu xuôi dòng thêm tầm 1,5km nữa sẽ gặp cầu Ông Lớn: cây cầu có kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam, những vòm này được sơn màu đỏ đặc trưng.
- Đi theo nhóm sẽ yên tâm hơn nhưng không dành cho người thích yên tĩnh. Nhóm đông vui nhưng cũng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về lộ trình, nơi đến... hay 'măm' gì - tốt nhất nên bàn tính trước nơi sẽ đến còn thức ăn vặt sẽ tự mang theo để tránh tranh luận mất vui.
< Gia Dũng mình đây, chỉ thiếu cái nón lá + kiếng đen + cây gậy là... đủ đồ nghề nhỉ!
- Muốn có cơ hội để ghé lại chốn ưa thích lần sau, bạn hãy nhớ không bao giờ vứt lại những 'tàn dư' của bữa tiệc vui lại nơi đó nhé. Bạn xả rác, người người xả rác - không chóng thì chày: nơi này cũng thành chốn ô nhiễm mà chả ai muốn đến... kể cả bạn. Hãy tập thói quen bò rác vào thùng rác, nếu không có thùng thì hãy bỏ rác vào túi của chính mình: ta sẽ vứt bỏ đi khi về nhà.
< Hoàng hôn trên cầu Him Lam, nhìn về hướng Bình Chánh.
- Nơi xem pháo hoa đẹp nhất trông dịp tết dương lịch 2014 sắp đến sẽ là các cao ốc (nếu bạn may mắn được làm khách) đầu hầm Thủ Thiêm phía Q1, bến Bạch Đằng, Nhà Rồng, đầu đường Hàm Nghi và Nguyễn Huệ... Vậy nhưng những chốn này sẽ đông kịt người và người.
Đầu hầm phía cầu Khánh Hội - Q1 là chốn lý tưởng để nhìn ngắm do có công viên. Tuy nhiên, do nơi này không được rộng nên bạn sẽ phải ngắm với một 'biển người' chen chúc.
< Thấy bọn mình hóng gió trên cầu nên nhiều người khác 'bắt chước' theo nè.
Đầu hầm phía Thủ Thiêm do là nơi bắn pháo hoa sẽ được các lực lượng chức năng cô lập để bảo vệ an toàn điểm bắn, bạn không thể vào được ngoại trừ khi chạy vào đường Cây Bàng, con đường ven sông phía Thủ Thiêm. Đường này nhỏ, ngày thường rất vắng nhưng dịp này cũng sẽ đông. Xem pháo hoa trên các cây cầu cao và gần như cầu Khánh Hội mới, cầu Mống, cầu Calmette, cầu Thủ Thiêm (hay xa như cầu Phú Mỹ, cầu dẫn Phú Mỹ... ) sẽ rất tuyệt nhưng chính bạn sẽ góp phần gây ách tắc giao thông cho rất nhiều người khác trên những điểm ngắm 'nóng' này. Vậy ngắm pháo hoa nơi nào?
< Vậy nên chụp thêm tấm nữa rồi đi.
May mắn: pháo hoa được trình diễn trong đêm tết Tây năm nay sẽ là pháo hoa tầm cao, tức là ở vị trí xa hơn, khuất hơn vẫn có thể thấy được những bông hoa lung linh tuyệt đẹp này.
Nơi rộng và bao la nhất mà bạn có thể thưởng ngoạn là trên trục đường Mai Chí Thọ đoạn từ trạm thu phí hầm Thủ Thiêm đến cầu Kênh 1. Cạnh đó là đoạn đường Cây Bàng 2 bên đầu hầm Thủ Thiêm.
< Trở về Nguyễn Văn Linh.
- Một vài thứ gọn nhẹ nếu bạn đem theo sẽ là 'công cụ' phục vụ tốt cho chuyến lang thang như: đôi ghế nhựa xếp (khoảng 50k/cái - bán ở siêu thị hay chợ, xếp lại khá gọn), ít khăn giấy, một vài bao xốp (dùng đựng rác hay thức ăn thừa), thuốc chống muỗi, chai nước uống, chiếc áo mưa (ngoài việc che mưa thì còn có thể trải ngồi)...
< Hồ Bán Nguyệt nhìn từ cầu Thày Tiêu 1. Cây Thày Tiêu 2 nằm mé kia của hồ, trên trục đường Nguyễn Đức Cảnh nối vào Trần Văn Trà ngay khu vui chơi thiếu nhi.
Vài điều tán phét, mình rất vui nếu bạn có một buổi lang thang 'giảm tress' hay tìm thú vui đồng quê hiệu quả, vui nếu loạt bài viết này giúp bạn thêm chút kiến thức về thành phố ta đang sống và cũng rất vui nếu bạn lại theo dõi trong những bài sau nữa.
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13...
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
1 Comments
a ơi, cho e hỏi đi theo đường Phú Thuận, Q7 thì xe máy có ra tới cuối mũi Đèn Đỏ được luôn ko? :)
Trả lờiXóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.