(Tiếp theo) - Mình lại kể tiếp những chuyến lang thang quanh Sàigòn, quanh những vùng ngoại ô ven thành phố. Chuyến khám phá ngoại ô nay sẽ qua một phần các xã như Long Thới, Hiệp Phước, Nhơn Đức (Nhà Bè) và cũng có thể kéo dài đến xã Long Hậu, Phước Lại (thuộc Cần Giuộc - Long An)...

Hành trình bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh Q7: bọn mình chạy dài đến ngã 4 Sadeco thì rẽ trái vào Nguyễn Hữu Thọ. Sau khi qua cầu Rạch Đỉa thì vào địa phận xã Phước Kiển. Từ đây, con đường rộng thênh thang sẽ vượt qua nhiều vùng sông nước đến tận búng binh xã Long Thới: nơi có nhiều hướng chọn lựa để đi  các xã là Phú Xuân, Long Thới và Nhơn Đức.

< Ảnh chụp sau khi qua cầu Hiệp Phước, lúc này đang trên đường Nguyễn Văn Tạo. Dĩa bánh cuốn ở đây chỉ 15k với chả lụa và chả quế, rau kèm theo chỉ nhìn thôi là thấy rau sạch.

Hơi tiếc một điều là do bọn mình đi sớm (chưa đến 5h) nên trời còn tối đen nên không chụp choạt được gì (2 máy ảnh: máy Canon của bà xã trực chiến, còn cái Nikon của mình phải dừng lại mới 'bắn phá' được) nên đến sau bữa điểm tâm tại Long Thới thì mới có ảnh do lúc đó sáng tỏ rồi.

< Ngã 4 Long Hậu đây: rẽ phải sẽ vào khu công nghiệp Long Hậu, tới nữa sẽ nối vào hương lộ 34. Còn quẹo trái sẽ đến nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước, một số nhà máy (xi măng Nghi Sơn, Chinfon, dầu ăn Cái Lân...) cùng các cảng mới - Hướng này cũng sẽ đấu nối vào đường Nguyễn Hữu Thọ nối dài thông qua cầu Đồng Điền.
Bạn thấy trong ảnh có xe buýt chạy về trung tâm Sàigòn: vùng xa nhưng không quá ngăn cách.

< Trong chuyến đi này thì mình chạy thẳng. Qua khỏi những dãy nhà cửa lô nhô ở ngã 4 lớn là khung cảnh thanh bình xuất hiện: đường vắng, hai bên là vườn tược, ao hồ với một màu cây xanh.

Thật ra, ở giao lộ Sadeco có những 2 con đường cùng đi về một hướng: đường Nguyễn Hữu Thọ mà bọn mình sẽ đi và con đường nhỏ hơn là Lê Văn Lương cũng nối liền vào Phước Kiển thông qua cây cầu nhỏ hơn là cầu Long Kiển. Do con đường nhỏ đã có từ lâu nên khu dân cư hai bên rất sầm uất, chính vì điều này nên bọn mình 'né', bèn chọn nhánh đường mới chạy thanh thoát hơn - Tìm về chốn quê, cái cần là sự thanh tĩnh yên bình.

< Nửa kia nhanh tay chụp được hai... con gà vừa qua đêm ở khách sạn 'cây chơi vơi' giữa ao nước - giờ này chúng vẫn chưa muốn 'trả phòng'.


< Một khoảng đồng cỏ xanh um, vây quanh là các rặng dừa nước ven những con rạch nhỏ chi chít.

Còn cái thanh bình này kéo dài được bao lâu thì tùy theo sự phát triển của Phước Kiển, địa phương cũng có rất nhiều dự án lớn như Khu vui chơi giải trí Thể dục Thể thao Phú Mỹ Hưng, Sadeco Phước Kiển và rất nhiều khu cao ốc, biệt thự đã hay đang được xây dựng ở con đường lớn ni. Chỉ đến khi vượt qua trạm Biến Điện 220Kv Nhà Bè thì sự yên bình vốn có của một vùng đồng quê sẽ xuất hiện qua những khoảng mênh mông của cây bụi hay các hồ nuôi cá, những dòng sông xanh...

< Phía trái đường là cảnh bình mình vừa ló dạng, soi ánh nắng đầu ngày lên vùng đất Phước Kiển.

Phước Kiển là một xã thuộc huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Xã Phước Kiển có diện tích 15 km², dân số năm 1999 là 803 người, mật độ dân số đạt 54 người/km².



< Đến ngã 4 đường Liên ấp, chỗ có Đài Liệt sĩ - xã Hiệp Phước (phía trái ảnh, còn bên phải là UBND xã), cũng là trạm cuối của bến xe buýt 72 Bến Thành - Hiệp Phước... thì mình quẹo phải vào con đường nhỏ hơn - ngoái lại, chụp tấm ảnh (vị trí nơi này tại đây).


< Đường Liên ấp nhỏ thôi, nó thế này. Hiện tại thì vẫn trong địa phận xã Hiệp Phước nhưng sắp sửa vào xã Long Hậu.

Theo tự điển Wiki thì Nhà Bè là huyện ngoại thành nằm về phía đông nam của Thành phố Hồ Chí Minh. Huyện có một hệ thống sông ngòi thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy đi khắp nơi, có điều kiện xây dựng các cảng nước sâu đủ sức tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn cập cảng.

< Vượt cây cầu nhỏ mang tên Bàu Le nối liền hai bờ con rạch ngăn cách giữa 2 xã.
Vùng sông nước: chỉ trên một đoạn đường liên ấp không quá dài, ta sẽ vượt qua rất nhiều cầu nối liền các dòng sông...

Các đơn vị hành chính thuộc huyện Nhà Bè gồm: Thị trấn Nhà Bè, xã Phú Xuân, xã Long Thới, xã Nhơn Đức, xã Phước Kiển, xã Hiệp Phước và xã Phước Lộc. Phía Bắc huyện giáp quận 7, phía Nam giáp huyện Cần Giuộc (Long An), phía Đông giáp sông Nhà Bè, ngăn cách với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), sông Soài Rạp, ngăn cách với huyện Cần Giờ. Còn phía Tây giáp huyện Bình Chánh.

< Hoàn toàn khác xa những dòng kênh 'thum thủm' khi nước ròng trong trung tâm thành phố nhỉ. Ở đây những dòng nước và các khoảng trời bao la chỉ toát lên mùi vị thiên nhiên ngát hương đồng nội.

Lịch sử về một vùng đất có thể tóm lược như sau:
Mùa xuân 1698, Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh được Võ Vương Nguyễn Phúc Chu cử vào Nam kinh. Kể từ thời điểm này, các thôn ấp ở Nhà Bè chính thức trở thành đơn vị hành chính thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn.
“Lấy đất Đồng Nai đặt làm phủ Gia Định…, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn".

< Không nhiều nhà dân, lại ít xe... Vậy nhưng đường trung thế và hạ thế phía trái đường cho ta biết điện đã lan tỏa khắp mọi nơi, đẩy cảnh 'đèn dầu' vào dĩ vãng.

Vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, tên gọi Nhà Bè xuất hiện khi công cuộc khẩn hoang được các chúa Nguyễn đẩy mạnh với quy mô lớn. Nhiều cư dân đàng ngoài xuôi thuyền vào tới sông Soài Rạp gặp dòng nước ngược nên đã kết bè trên sông, làm nơi nấu nướng và sinh hoạt cho cả đoàn thuyền.

< Trước mặt là cầu Mương Bằng, tải trọng 1 tấn (trong khi cầu Bàu Le trước đó chỉ 1/2T).
Hai chú chó cưng nhà ai nằm phè phưỡn ven đường kia, hi hi...

Lòng thuyền chật hẹp nấu nướng khó khăn nên có một người tên Võ Thũ Hoằng đã nảy ra sáng kiến cho đốn tre kết làm bè neo trên sông làm nơi trú ngụ cho cả đoàn thuyền. Về sau, nhiều người cũng kết thành hai ba chục chiếc bè làm chỗ buôn bán, trao đổi hàng hoá. Khoảng sông này ngày càng tấp nập đông vui và địa danh Nhà Bè được ra đời.

< Bảng tên cầu đây: dài, rộng không cần thiết nên bỏ trống - chỉ tải trọng là ghi rõ ràng: một tấn thôi nhé, hơn nữa thì 'tèo'.

“Lúc ấy dân cư thưa thớt lại xa xôi, đò xa thuyền nhỏ, hành khách thường khổ sở về chuyện ăn uống. Có người nhà giàu ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng bó tre làm bè, dựng nhà, sắm đủ đồ dùng nấu nướng để hành khách tự ý lấy dùng, không phải trả tiền. Sau đó người buôn bán cũng đóng bè, bán thức ăn, nhiều đến hai ba chục bè. Họp thành chợ sông, vì thế chỗ này gọi là Nhà Bè...” - theo sách Đại Nam nhất thống chí.

< Dừa nước 2 bên đường xanh um, trông cảnh cứ ngỡ như mình sắp vào đường hầm.
Tiếng gà cục tác và ó o, tự nhiên thấy lòng thanh thản đến lạ kỳ...

Năm 1808, vua Gia Long đổi dinh Phiên Trấn thành Trấn Phiên An, quản trị phủ Tân Bình gồm 4 huyện. Các thôn xã thuộc khu vực Nhà Bè lúc này trực thuộc Tổng Tân Phong và Tổng Bình Trị thuộc 2 huyện Tân Long và Bình Dương.

< Vậy nhưng mình cũng biết: vùng quê yên bình chỉ là chốn thư giản với dân TP, càng tốt hơn nếu ta tham quan chốn lặng mà không tốn đồng phí nào. Còn 'ở' thì bạn phải là nông dân mới thích nghi được.

Năm 1836, đổi tên trấn Phiên An thành tỉnh Phiên An, và cải thành tỉnh Gia Định. Thời điểm này các thôn xã thuộc khu vực Nhà Bè năm trong Tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương phủ Tân Bình và Tổng Tân Phong Hạ thuộc huyện Tân Long, Phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

< Người quê ham ánh hào nhoáng của thành phố, nơi có những tòa nhà cao chọc trời lấp lánh bởi muôn vàn ánh đèn màu long lanh...

Còn người thành phố lại tìm về nông thôn để thưởng lãm cái hồn của cây cỏ dại dưới ánh dương rực rỡ...
Tất cả cũng chỉ là tìm và thụ hưởng cái lạ lẫm trong thời đoạn thôi mà.


< Đường điện 'hiện đại' dẫn ra ao nuôi thủy sản chỉ cần 1 dây thôi. Dây còn lại chắc nhờ 'thổ địa' vậy.

Ngày 5 tháng 6 năm 1882, Sau hiệp ước Nhâm Tuất, Pháp tổ chức cai trị 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Khi ấy cơ cấu hành chính vẫn giữ nguyên. Mãi năm 1866, Pháp sát nhập hai huyện Bình Dương và Bình Long thành hạt Sài Gòn, và đổi tên thành hạt Gia Định gồm 19 tổng. Trong đó Tổng Bình Trị Hạ gồm 9 xã nông thôn và Tổng Dương Hòa Hạ gồm 12 xã thôn thuộc địa phận huyện Nhà Bè.

< Đoạn ni phía trái có bến đò Trâm Bàu vượt sông qua xã Phước Lại (Cần Giuộc), đường thoắt nhiên được mở rộng.

Cuối thời pháp, Nhà Bè là quận thuộc tỉnh Gia Định bao gồm 4 tổng, trong đó hai tổng Bình Trị Hạ và Dương Hòa Hạ tương đương với Nhà Bè. Năm 1961, một phần phía Bắc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An được sát nhập vào huyện Nhà Bè, thuộc tỉnh Gia Định.

< Có vẻ như một cây cầu trước mắt, cầu lớn thì phải.

Đến thời Việt Nam Cộng hòa, Nhà Bè là quận của tỉnh Gia Định. Dân số năm 1965 gần 44 nghìn người. Nhà Bè được dùng làm tên quận trong giai đoạn 1917 đến 1975. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nhà Bè là huyện của Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc này, huyện Nhà Bè có 1 thị trấn Nhà Bè và 11 xã: Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Phú Mỹ, Phú Xuân, Long Thới, Nhơn Đức, Phước Kiểng, Hiệp Phước, Phước Lộc.

< À, đây là cây cầu Bến Tranh. Đường khá lớn, cầu cũng rộng luôn nhưng mặt cầu vẫn còn để thô, không rải nhựa nên các gờ nối nhô hẳn lên - người ta chỉ đắp nhựa đường 2 bìa nối để xe có thể lưu thông được: vì sao cầu không được hoàn thiện?
Một tý nữa sẽ có giả thiết của riêng bọn mình.

< Con rạch dưới cầu tĩnh lặng bên ánh bình minh, phía xa là con thuyền neo đậu cạnh chiếc thuyền chèo nhỏ xuôi theo dòng nước lững lờ - lúc này mới 6h33 phút ngày 11 tháng 12.

Đến Tháng ngày 01 tháng 4 năm 1997, Nhà Bè được tách một phần phía Bắc để thành lập một quận mới là Quận 7.

< Mé bên kia của cầu Bến Tranh đây: dòng rạch hòa trộn vô con sông lớn hơn. Vị trí cầu tại đây.

Sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa cho đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn. Vì vậy ca dao có câu:
“Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về..."

< Cả 2 'bà xã' của mình. Nửa kia sau một hồi chụp choạc thì đứng trầm ngâm thụ hưởng dòng không khi trong lành của vùng quê.

Địa thế huyện Nhà Bè nằm án ngữ trên đoạn đường thủy huyết mạch từ biển Đông vào Sài Gòn, tiếp giáp với rừng Sác. Ở phía Tây Nhà Bè, con kênh Cây Khô trên tuyến đường thuỷ từ đồng bằng sông Cửu Long về Thành phố Hồ Chí Minh.

< Đôi thuyền phía xa...

Hệ thống Sông ngòi chằn chịt nơi đây giúp thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy đi khắp nơi, do vậy huyện có điều kiện xây dựng các cảng nước sâu đủ sức tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn cập cảng. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào, Nhà Bè đóng một vai trò quan trọng về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà Bè còn được xem là một vị trí có ý nghĩa đặc biệt về mặt chiến lược.

< 'Nửa kia' phía gần.

Do ở cuối nguồn nước thành phố, lại ở gần cửa sông, tiếp giáp với biển nên trước kia nguồn nước ngọt dành cho sinh hoạt và sản xuất của huyện rất khó khăn, vào mùa khô thường xuyên thiếu nước. Ngoài ra, Những năm gần đây hiện tượng sạt lở đất đai xảy ra thường xuyên ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.

< Nhưng xa hay gần cũng đều đang dưới ánh bình minh của một ngày mới.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 khi Nhà máy nước BOO Thủ Đức phát nước, với sự nỗ lực phát triển mạng lưới đường ống cấp nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và Công ty CP Cấp nước Nhà Bè, tình trạng thiếu nước sinh hoạt nơi đây đã từng bước khắc phục bằng rất nhiều dự án đưa nước sạch về nông thôn và đã đạt kết quả tốt.

< Lúc này, trên cây cầu vắng lại có thêm người. Mình nghĩ là người ông dắt hai cháu đi chơi. Hai đứa bé khá giống nhau, cùng lứa: dám chừng 2 bé sinh đôi.

Huyện Nhà Bè được xác định là phát triển theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm đầu thế kỷ 21, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Nhà Bè. Vậy nên Nhà Bè vẫn là một trong những mảng xanh tươi đẹp của thành phố, một thành phố phát triển nhất nước.

< Bé ngẫm nghĩ: cái ông cao cao này chụp choạc gì mình đây? Chắc thấy mình đẹp trai giống ngôi sao ca nhạc...

Ngắm một hồi, kém 10 bảy giờ thì bọn mình lại đi. Vậy nhưng chỉ sau 200m khi vừa qua một cua quẹo thì hết đường!

< Lúc này, bọn mình vẫn nghĩ rằng nơi đây vẫn còn trong địa phận xã Hiệp Phước - Nhà Bè. Một hồi sau mới biết Bến Tranh là cây cầu nối liền vào địa phận Cần Giuộc, tức là bên này đã vào địa phận xã Long Hậu - Long An.

Mình cho rằng TP HCM đã bàn bạc cùng tỉnh bạn mở đường rộng, xây cầu nối giao thương đến vùng đất Long An. Tuy nhiên, do Cần Giuộc thiếu vốn nên lúc này chưa thể xây dựng tiếp con đường chỉnh chu nối vào trung tâm xã Long Hậu. Vậy nên phía TP phải ngưng thi công phần mặt cầu cùng mở rộng đường dẫn đến trung tâm xã Hiệp Phước.
Xem ra: Bến Tranh cũng là cây cầu chờ...
Bạn cũng đừng lo, đường cụt nhưng ta vẫn còn có con đường khác để đi tiếp.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10...

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!