(Tiếp theo) - Lộ trình được vạch sẳn là như vậy, lòng người cũng rất sẳn sàng 'cày' đường xấu nhưng đi được hay không cũng có phần do ý Trời. Nhưng đó là chuyện hồi sau, còn bây giờ mình sẽ đề cập đến con sông liên quan khu vực là dòng sông Nhà Bè.

< Con đường trong ấp tráng bê tông chạy ngang trường mẫu giáo Tam Thôn Hiệp. Ấp còn có trường THCS cùng tên ở gần đây. Khá nhiều trường phân bổ khắp các xã và đều khang trang, rộng rãi: đây là điều đáng mừng cho ngành giáo dục của một vùng ven miền sông nước.

< Vượt qua trường tiểu học, mình thấy con đường Tam Thôn Hiệp cắt ngang. Bọn mình sẽ theo con lộ này để ra đường chính Rừng Sác.

Sông Nhà Bè là một đoạn sông ngắn thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Sông bắt đầu từ đoạn hợp lưu giữa sông Sài Gòn và sông Đồng Nai tại vị trí phường Thạnh Mỹ Lợi (địa danh nơi đây gọi là Ngã 3 Đèn Đỏ), Quận 2, TP.Hồ Chí Minh. Từ đây sông chảy theo hướng bắc - nam làm ranh giới tự nhiên giữa quận 7 và huyện Nhà Bè thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai.

< Đường Tam Thôn đây, vẫn là đường nhựa giống đoạn lúc bọn mình vào đây. Sáng đến giờ trời vẫn nhiều mây, không có chút nắng nào.

Tại bến phà Bình Khánh, dòng nước rẽ làm hai nhánh (gọi là Ngã 3 Nhà Bè) tạo ra hai con sông khác là sông Soài Rạp ở chảy về phía tây và sông Lòng Tàu chảy theo hướng đông. Chiều dài toàn tuyến sông Nhà Bè khoảng 12km.

< Tháp tiếp sóng điện thoại trên nóc nhà dân, bảng báo giao thông thật đầy đủ...

Nhiều người đi phà Bình Khánh thấy ngã ba sông tại đây lớn quá cho đây là địa điểm trong câu ca dao:

Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về...

< Ngôi chùa nhỏ có tên là Hưng Quảng Tự ngập tràn trong bóng cây xanh.

Tuy nhiên, nếu xét trong thực tế thì có người cho rằng điểm giao nhau của sông Sài Gòn (tức là Ngã 3 Đèn Đỏ) với sông Đồng Nai - sông Nhà Bè mới đúng là nơi mà câu ca dao mô tả vì ở nơi giao nhau ấy người ta có thể đi Đồng Nai bằng sông Đồng Nai, hoặc Gia Định bằng sông Sài Gòn (quận 7 ngày xưa là huyện Nhà Bè thuộc vùng Gia Định).
< Khá vắng xe nhưng chính vì vậy mà khung cảnh trở nên thanh bình, yên tĩnh.


< Một ngách nhỏ vào vài nhà dân. Mình lưu ý thấy trên đường thi thoảng có các thùng rác ven lộ: hay nha, một vùng xanh, giữ cái xanh bền vững thì rác thải không thể bỏ lung tung.

< Mua chiếu thì vào đây, có điều trông giống như căn nhà bỏ hoang.

Lại nói về đôi dòng sông được chia ra làm 2 nhánh tại Bình Khánh tại ngã 3 sông Nhà Bè - hai nhánh ấy gồm:

- Sông Lòng Tàu tạo nên ranh giới tự nhiên giữa xã Phước Khánh (Nhơn Trạch) và xã Bình Khánh (Nhà Bè), đến ngã 3 Đồng Tranh thì dòng Lòng Tàu lại bắt đầu chia những phân lưu nhỏ hơn như sông Đồng Tranh, rạch Tắc Rỗi, Tắc Đinh Câu (sông Dứa, sông Lòng Tàu...) và cùng nhau hướng ra biển.

< Nhà thờ giáo xứ Thánh Giuse hiện đã được trang trí cờ hoa, hang đá chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh.

- Sông Soài Rạp chảy quanh co qua ngã 3 Soài Rạp, qua cửa sông cùng tên và đổ ra vịnh Cần Giờ tạo thành ranh giới tự nhiên giữa huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Trên dòng sông lớn này đã được quy hoạch nhiều khu cảng lớn như cảng Hiệp Phước, cảng Đồng Tâm, cảng SPCT, cảng Năng lượng Tiền Giang cùng nhiều nhà máy lớn như KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, nhà máy điện Hiệp Phước... v.v.

< Mặt dù vẫn chạy dọc theo sông nhưng do khoảng cách xa (hơn 200m), lại nhiều cây cối rậm rạp nên dòng sông Lòng Tàu bị che khuất mất.

< Vượt cây cầu có tên khá là là cầu Tắc Tây Đen. 'Tắc' là cách gọi những kênh rạch nhỏ của dân miền Nam xưa.
Vị trí cầu tại đây.

Ngăn cách bởi con sông lớn nên trên dòng Soài Rạp có nhiều bến phà và đò. Ngoài phá Bình Khánh nối liền Nhà Bè - Cần Giờ, còn có các bến khác như:
- Bến phà An Thới Đông - Hiệp Phước. Lộ trình tuyến phà lưu thông từ ấp An Hòa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ qua ấp 2 xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè do ông Lý Kim Hồng (ngụ quận 5) làm chủ phà. Phà được vận chuyển tối đa 50 người cùng xe đạp và xe gắn máy với tải trọng không quá 3 tấn.

< Ở vị trí cầu này, tắc Tây Đen đổ ra sông Lòng Tàu, gần vị trí ngã 3 sông Đồng Tranh. Bạn nhìn xem: nước đang cuộn giữa dòng...

Trước kia, muốn qua dòng Tắc Tây Đen thì phải đi đò. Đò nhỏ nhưng chở cả người và xe rất nguy hiểm, do vậy nhiều người đi xe máy thường phải ngược lại và đi bằng đường Tam Thôn Hiệp ra đường Rừng Sác. Cầu Tắc Tây Đen được xây dựng và thông xe ngày 23-03-2013 tạo nên một cung đường khép kín rất thuận lợi cho người dân.

< Bên kia cầu là đường Tam Thôn Hiệp thì bên này cầu, con đường có tên là Bả Xán. Ven lộ phía phải vẫn là các con rạch nhỏ thông nước ra dòng sông lớn Lòng Tàu.

- Bến đò An Thới Đông - Hiệp Phước. Đò xuất bến từ ấp 2, xã Hiệp Phước qua ấp Doi Lầu xã An Thới Đông huyện Cần Giờ do ông Nguyễn Văn Lệ làm chủ; đò được phép vận chuyển hành khách mỗi chuyến 15 người. Chủ của hai bến trên đều có giấy phép hoạt động, các tài công đều có bằng lái. Hệ thống cứu hộ trên phà - đò được trang bị chu đáo.

< Miền sông nước, vậy nên muốn vào một số nhà dân thì phải qua các cây cầu 'tự biên' này.

- Bến đò Doi Lầu - Hiệp Phước.
- Bến đò Tân tập (xã Tân Tập, Long An) - Cần Giờ.
- Bến Đò Lý Nhơn - Gia Thuận (Đò chạy cách 1 giờ có 1 chuyến bắt đầu từ 6h sáng).
- Bến đò Vàm Sát - Long Hựu (đảo gồm 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây) thuộc huyện Cần Đước - tỉnh Long An.

< Đoạn thì sông rạch, đoạn ao hồ, cũng có đoạn chỉ là bụi rậm nhưng là ở mép đường - vào sâu mươi thước sẽ thấy toàn là ao nuôi tôm.


< Thấp thoáng phía xa có đường lớn vắt ngang: đã ra đường Rừng Sác rồi đây...

Nhiều bến sông nên từng có lúc các bến đã bị phản ảnh trên báo chí cho là quá gần nhau (chỉ cách 500m), thiếu an toàn, tài công thiếu bằng lái, đò không được trang bị hệ thống cứu hộ đầy đủ... có lẽ cũng do đố kỵ nguồn khách. Và các bến đò, phà vẫn phải hoạt động vì miền sông nước mà: sông cũng chính là đường, không theo sông thì đi bằng gì trong khi đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu của dân. Giữ an toàn, không xẩy ra tai nạn gì ở vùng sông nước trong nhiều năm qua đã là điều tốt lắm rồi.

< Con đường tiên phong giúp vùng đất ngập mặn phát triển đây. Vài năm trước chỉ có một làn đôi, giờ đây đã thành 2 làn đôi song hành. Vậy nhưng vẫn còn một sự trở ngại khi về Cần Giờ vẫn phải lụy phà Bình Khánh.

Chỉ một lúc sau, mây âm u kéo đến và lắc rắc mưa nhỏ... rồi đổ rào. Chiếc áo mưa nhỏ không đủ chống chọi cho cả 2 người, áo khoát thấm đẫm mưa lạnh - mưa không tan nhưng kế hoạch dự định thì đã 'tan' khi mình buộc lòng phải chạy về Bình Khánh.

< Ngộ nỗi, khu vực bến phà Bình Khánh lại ít mưa, chưa đủ ướt đất!
Trở lại không em? Thôi, mình đem cá tép về cho nó tươi. Vậy thì về!

Trong chuyến lang thang nhỏ này, bến phà An Thới Đông (Hiệp Phước về Sài gòn) sẽ là nơi bọn mình dự định ghé thăm. Ghé cho biết thôi chứ không đi vì lộ trình về sẽ vẫn theo con đường Trần Quang Nhơn theo bờ sông Soài Rạp rồi ra đường Rừng Sác để về lại Bình Khánh. Vậy nhưng dự định không thành do... mưa - mưa cuối năm, mưa cuối mùa mà lại mưa lớn nữa chứ!

< Lên phà, trời xám xịt - lúc này chỉ mới 8h10 do không thể lang bạc đến bến phà An Thới Đông.

Trời âm u suốt sáng rồi tí tách các hạt nhỏ khi bọn mình đang tìm đường Trần Quang Nhơn. Có vẻ con đường này là đường đất, chỉ ngay phía ngoài là đã có đôi đoạn bị lầy. Vậy nên khi mưa chuyển sang hạt lớn rào rào thì cái sự 'ham muốn' ỉu xìu xuống vì chắn chắn là cái sự lội sình trong mưa sẽ dữ dội hơn trong khi mớ cá tôm còn sống nhăn mua ở chợ Tam Thôn Hiệp đang chết dần và giảm độ tươi ngon.

< Niềm an ủi nhỏ là trận mưa nặng hạt lại trút xuống khi phà rời bến. Ít ra, ta cũng có lý do khi mặc áo mưa từ trước đó.

Vậy nên nuốt ý chí chinh phục, bọn mình trở ra đường Rừng Sác hướng về phá Bình Khánh. Chụp ảnh cũng chả được trong khi cơn mưa lúc nặng hạt, lúc giảm nhẹ tới tận khi lênh đênh trên phà mới hết. Xem như chuyến đi mới được phân nửa thôi nhỉ! Dầu gì, ta vẫn còn lần sau và các lần sau: xem như chút của để dành...

< Nếu từng quen thuộc với phà Cát Lái thì tại Bình Khánh, ta có thể bỡ ngỡ đôi phần vì khó định hướng trên sông. Lạ lẫm vì đây là ngã 3 Nhà Bè, một ngã 3 sông lớn.

Trong mưa, nếu quan sát kỹ sẽ thấy cả cầu Phú Mỹ ẩn hiện phía tít xa trong một biển nước.

< Xuống phà thì vào đường Huỳnh Tấn Phát đoạn thuộc huyện Nhà Bè. Năm 1970, quanh đây chỉ toàn là đồng ruộng bao la, nơi đông nhất khi ấy là thị trấn Phú Xuân cùng một ít dân sống ven tổng kho xăng dầu Nhà Bè cũ.

... Mà ngoại ô thành phố còn nhiều nơi đáng đi lắm. Không tin thì bạn cứ chờ xem những bài sau và sau nữa nhé. Thành phố tôi mênh mông đã là chốn dung thân từ bao năm, vậy nhưng lắm điểu ta vẫn chưa biết về nơi chốn ấy - bước chân khám phá là từ đây.
< Ngày nay, đường xá nhà cửa mọc lên nhiều, thậm chí lổn ngổn các cao ốc... khiến những vùng đất hoang bây giờ trở nên đô thị.


< Chùa Pháp Võ (Phú Xuân) cung nghinh Tôn tượng Phật Di Đà.


< Trung tâm 'thủ phủ' Phú Xuân ngày nay: bên trái là chợ cùng tên, bên phải là cầu cũng cùng tên, cầu Phú Xuân.

Trước thời điểm năm 1970, nếu qua cầu Khánh Hội thì Nhà Bè chỉ độc đạo có con đường nhựa nhỏ duy nhất là Liên Tỉnh 15 nối xuống thị trấn Phú Xuân và Tổng kho xăng dầu Nhà Bè...
< ... Còn nhánh đường Trần Xuân Soạn chạy theo Kênh Tẻ chỉ là con đường đất xấu đầy ổ gà chạy ngang qua địa danh nổi tiếng ăn chơi thời ấy là 'Cầu Hàn', cũng là chốn làm ăn của gái ăn sương. Rồi Trần Xuân Soạn được mở rộng, láng nhựa khi có khu dân cư 'Cư xá Ngân hàng', thị tứ ở một vùng đất 'cò bay thẳng cánh bắt đầu hình thành...
Ảnh bên là cầu Phú Xuân, vị trí tại đây.
Nhìn trên bản đồ, bạn thấy nó không thẳng như bình thường mà lại cong do đây là cầu mới, cầu cũ đã phá bỏ đi rồi.

< Gần đến ngã 4 Hoàng Quốc Việt, nơi đây hiện nay cũng trở thành 'trung tâm' của những trung tâm thị tứ Quận 7.

Bạn có biết không, 'Mũi Đèn Đỏ' mà bọn mình dự định ra trong thực tế đã được thành phố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với tương lai sẽ là 'Khu công viên Mũi Đèn Đỏ' và 'Khu nhà ở đô thị'. Diện tích toàn khu quy hoạch là: 117,78807ha thuộc P.Phú Thuận, Q.7 có phía Đông giáp sông Nhà Bè, phía Tây giáp đường Đào Trí hiện hữu, phía Nam giáp sông Nhà Bè và một phần khu đất quy hoạch chức năng công nghiệp, phía Bắc giáp sông Sài Gòn và rạch Bà Bướm.

< 'Chướng đời' nên chưa chịu về, bọn mình lại quẹo phải đường Phú Thuận để ra Mũi Đèn Đỏ.
Trước mặt là Khu Biệt Thự Tấn Trường...

Theo quy hoạch toàn khu là: Khu công viên đa chức năng (sinh thái, du lịch, văn hóa, giải trí, công cộng) có diện tích khoảng 82ha; Khu nhà ở đô thị với đầy đủ hạng mục công trình dịch vụ (giáo dục, y tế, văn hóa, hành chính, thương mại, các dịch vụ đô thị phục vụ dân cư trong đơn vị ở) có diện tích khoảng 35,7ha; Công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật phục vụ cấp thành phố (bến tàu khách quốc tế) có diện tích khoảng 4,6ha.

< Biệt thự và các phố ở đây đẹp, cảnh quan bắt mắt, bảo vệ đầy đủ nhưng sao vẫn là đường rải đá...

Bố cục mảng xanh công viên ở khu vực tam giác phía mũi đất giữa hai sông Nhà Bè và sông Sài Gòn; các hạng mục công trình dịch vụ, thương mại bố trí ở khu vực trung tâm, gần trục chính phía đường Đào Trí và khu vực giáp rạch Bà Bướm.

< Còn đường ra mũi Đèn Đỏ đây. Khúc này còn tạm được (dù lầy lội) do trong đó có nhà máy Nông Sản Phú Mỹ, có di tích Gò Ô Môi... nhưng kế tiếp sẽ là lối lầy trong mùa mưa...
Vậy nên bọn mình trở đầu ra.

Khu ở đô thị có bố cục không gian dựa theo các khu chức năng mang tính quy cụm nhằm thuận lợi về tổ chức hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Bến tàu khách quốc tế: bố trí ở phía Nam, có diện tích đủ lớn dành cho xây dựng công trình nhà ga, chiều dài bến cảng dự kiến 600m...
Nhưng đó là tương lai.

< Thành quả chuyến đi, ngoài vô số những tri thức mình nắm bắt được tích trong đầu thì còn con cá chẻm gần ký lô, giá 70k...

< ... cùng ký hai tôm đất, giá chỉ 80k. Bọn ni lúc mua còn sống nhăn răng đấy nhé, vậy nhưng bôn ba đường xá Tam Thôn Hiệp xong thì tất cả cùng về chầu tổ vì ngộp c.
Thôi thì xúi quẩy do mưa nhưng hải sản thu hoạch được tươi rói, giá thấp vài bậc so với trên này.

Trong bài sau, mình lại linh tinh lang tang về một chốn khác nhé, cụ thể hơn sẽ là một góc nhỏ thuộc Quận 8 - khu vực Him Lam.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13...

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!