(Tiếp theo) - Tam Thôn Hiệp: vùng đất mà mình sẽ đề cập trong chuyến xuất hành sáng ngày 16.12.2013. Cũng thật giản đơn thôi, buổi tối trước xem sơ bản đồ, hoạch định đường đi và nơi đến - 5h sáng hôm sau thì nổ máy xe rồi lên đường.

< Do đi khá sớm và cũng do mùa cuối năm đêm dài nên đến phà Bình Khánh vẫn còn tối thui.

Tam Thôn Hiệp là một xã thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Vậy nên muốn đến đó thì bọn mình sẽ theo đường đi Cần Giờ nhưng trước tiên phải chạy hết đường Huỳnh Tấn Phát để đến bến phà Bình Khánh cái đã.

< Từ tầng trên con phà, nhìn xuống chiếc Win100 của mình.

Bình khánh thuộc huyện Cần Giờ, vùng đất của một huyện cuối cùng vẫn còn ngăn cách bởi sông nước với thành phố và vẫn qua lại bằng phà.

Dự án cầu đã có và đã được  lãnh đạo TP HCM lên kế hoạch từ 5 năm nay, nhưng đến bây giờ mới thống nhất các yếu tố kỹ thuật về mặt thủ tục cho việc xúc tiến dự án.

< Đặt chân lên vùng đất Bình Khánh rồi vi vu trên đường Rừng Sát hướng Tam Thôn Hiệp, trời vẫn tối lú mù thế này đây.

Dự án 2 cây cầu nối vào vùng đất Cần Giờ nằm trên con đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ khởi công với việc làm trước hai cầu dây văng là: cầu Phước Khánh vượt sông Lòng Tàu (nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với huyện Cần Giờ, TP.HCM) và cầu Bình Khánh vượt sông Soài Rạp (nối huyện Cần Giờ với Nhà Bè).

< Gió lạnh, lại là mùa cuối năm nên cái se lạnh làm gai gai ốc dù đã có áo khoác ngoài.

Dự kiến, cầu mới sẽ nối đường Bình Khánh (đang xây dựng về hướng Cần Giờ) đến các tuyến đường Bắc - Nam như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát. Đồng thời kết nối với những đường giao thông sẵn có ở Nhà Bè, Cần Giờ và đi qua khu đô thị cảng Hiệp Phước dẫn đến các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai. TP HCM sẽ huy động đầu tư trực tiếp nước ngoài cho dự án cầu Bình Khánh, với phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

< Cầu Rạch Lá, cây cầu lớn đầu tiên trên con đường Rừng Sác hướng về Cần Thạnh.

Riêng cầu Phước Khánh sẽ nằm trên đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài toàn tuyến 58 km, đi qua Long An, Cần Giờ - TP.HCM và Đồng Nai. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120 km/giờ, gồm tám làn xe (giai đoạn 1 làm bốn làn xe).

< Dừng xe trên cầu Rạch Lá ngắm nghía đôi chút - có vẻ hôm này sẽ không có buổi bình mình đẹp vì bầu trời rất nhiều mây.

Theo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư), khoảng 1/2 tuyến đường được xây dựng trên nền đất yếu nên việc xử lý khá phức tạp, phải sử dụng cầu cạn. Riêng hai cầu trên vượt qua hai đoạn sông thường xuyên có tàu trọng tải lớn ra vào các cảng trên sông Sài Gòn và Soài Rạp nên phải bắc cao và làm trước.

< Dòng nước lững lờ của con Rạch Lá thế này đây: đường vắng, lòng sông cũng vắng.

Tam Thôn Hiệp là một trong bốn xã phía bắc huyện Cần Giờ cách trung tâm huyện khoảng 15 Km tính theo đường chim bay và cách trung tâm thành phố khoảng 30 km; có toạ độ địa lý: 10022’14’’ -10040’00’’ vĩ độ bắc; 106046’12” - 107000’50’’ kinh độ -đông. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 11.038,39 ha, chiếm 15,68% diện tích tự nhiên của huyện.

< Rồi bọn mình lại đi. Có lẽ khi đã có những cây cầu nối liền thì mảnh đất Rừng Sác sẽ không còn như bây giờ vì các công trình sẽ mọc lên...

Ranh giới xã được xác định như sau:
- Phía Đông giáp huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai;
- Phía Tây giáp xã An Thới Đông;
- Phía Nam giáp xã Long Hòa;
- Phía Bắc giáp xã Bình Khánh.

Tam Thôn Hiệp là xã có vị trí không thuận lợi so với các xã khác trong huyện do nằm xa trung tâm huyện, giao thông chủ yếu là các tuyến đường liên ấp, đường nội bộ dân cư. Do đó khá khó khăn trong giao thông đi lại, trao đổi hàng hóa của xã với bên ngoài.

< Phía trước là cầu An Nghĩa, cây cầu khá lớn vắt ngang dòng tắc Ông Đỉa. Trước đường lên cầu có ngã 3 cũng chính là ngã rẽ vào Tam Thôn Hiệp.

Địa bàn xã được chia thành 04 ấp, gồm: ấp An Hòa, ấp An Lộc, ấp An Phước và ấp Trần Hưng Đạo, nhân dân trên địa bàn xã chủ yếu là nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, giữ rừng và các nghề thương mại, dịch vụ.

Địa bàn xã Tam Thôn Hiệp có địa hình rất bằng phẳng, cao trình tự nhiên từ 0,70 m đến 1,20 m, hệ thống kênh rạch khá chằng chịt, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản.

< Vậy là bọn mình rẽ trái vào đấy - đường đi đúng như trong kế hoạch dự định trước.

Về khí hậu, nằm trong khu vực gió mùa cận xích đạo. Trong năm có một mùa mưa và một mùa nắng. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, bắt đầu khoảng 20-25/5, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, bắt đầu khoảng 20-25/12. Nhiệt độ tương đối cao, trung bình tháng từ 25,7 – 28,8°C.
< Do là đường vào Tam Thôn Hiệp nên tên chính thức của con đường cũng là tên này.

Tổng diện tích tự nhiên của xã Tam Thôn Hiệp là 11.038,39ha. Trong đó: đất nông nghiệp là  8.534,75 ha chiếm 77,32% diện tích đất của xã (trong đó: diện tích trồng cây hàng năm là 131.48 ha; diện tích cây lâu năm 261,32 ha, đất rừng phòng hộ 7.926,67 ha và 208,8 ha đất nuôi trồng thủy sản), đất phi nông nghiệp là 2.495.57 ha chiếm 22,61% diện tích đất của xã (chủ yếu là đất sông suối và mặt nước chuyên dùng diện tích 2.251,95 ha), còn lại 8,07 ha đất chưa sử dụng.

< Đập vào mắt 2 kẻ lãng du là ngôi trường rất đẹp, không chỉ 1 mà những 2: Đó là Trường Tiểu Học An Nghĩa, kề cận là trường Trung học PT cấp 2, 3. Vị trí 2 trường tại đây.

Tam Thôn Hiệp có diện tích mặt nước khá lớn (bao gồm đầm, sông rạch) 5.357 ha, chiếm 48,53% tổng diện tích tự nhiên toàn xã nên có tiềm năng rất lớn và giúp cho xã thuận lợi trong giao thông đường thủy, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Nguồn nước mặt được cung cấp bởi các kênh, mương và nước mưa trên địa bàn đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, tuy nhiên cần được xử lý làm sạch trước khi đưa vào sử dụng.

< Con đường quanh qua quẹo lại với đa phần hai bên là các ao nuôi tôm.
Cấu trúc bê tông phía trước là nhà à?

Địa bàn xã có 7.926,67  ha đất rừng phòng hộ, là tiềm năng cho việc phát triển du lịch sinh thái đồng thời là điều kiện giải quyết việc làm cho 146 lao động của 73 hộ giữ rừng.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn xã có 70 hộ gây nuôi chim yến, trong đó đã xây dựng xong và gây nuôi là 50 căn, đang xây dựng 20 căn.

< Đúng là 'nhà' thật nhưng không phải dành cho người mà là nhà nuôi chim yến với rất nhiều những lỗ cửa nhỏ tứ phía để loài chim này bay ra vào.

Phong trào nuôi yến tại Cần Giờ khởi nguồn từ năm 2006. Hồi đó, một số nhà đầu tư đến xã Tam Thôn Hiệp để xây dựng nhà nuôi chim yến, sau một năm đã có thu hoạch tổ yến.
Nhận định đây có thể là điểm khởi phát cho một vật nuôi mới góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất tại địa phương nên UBND huyện Cần Giờ đã có công văn đề nghị UBND TPHCM về việc chấp thuận mô hình nuôi thí điểm chim yến trong nhà.

< 'Nhà' của yến cũng có nhiều loại: ví dụ như khu 'villa' hạng sang này, phía ngoài còn có cổng sắt ra vào - căn hộ 'cao cấp' dành cho các gia đình yến 'nhà giàu'.

Năm 2008, UBND TPHCM chấp thuận nuôi thí điểm chim yến trong nhà tại huyện Cần Giờ với số lượng 10 căn nhà nuôi. Năm 2009 UBND huyện phê duyệt đề án nuôi thí điểm chim yến tại ấp An Hòa, xã Tam Thôn hiệp, cách xa khu dân cư. Từ 7 nhà đầu tư/10 căn đăng ký tham gia giai đoạn đầu, qua nhiều lần điều chỉnh, hiện nay đã có rất nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng hàng chục, chục căn nhà gây nuôi yến với diện tích nhà nuôi yến nhỏ nhất 100m² và lớn nhất 1.000m².

< ... hoặc chỉ đơn sơ là một khối bê tông rất lớn như căn nhà phố nhiều tầng.
Nói chung là rất nhiều những căn nhà nuôi chim yến lần lượt xuất hiện trên suốt đường đi; chúc bà con Cần Giờ làm ăn khấm khá trong lĩnh vực khá mới này.

Kết quả cho thấy, nhiều hộ có diện tích xây dựng nhỏ nhất vẫn có yến về làm tổ, thu hoạch ổn định; có hộ xây diện tích lớn nhưng không có tổ yến nhiều, từ đó cho thấy quyết định hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi phụ thuộc vào khâu thiết kế kỹ thuật. Do vậy, nếu nuôi đúng cách thì thu hoạch ổn định và hiệu quả kinh tế, lãi từ vài trăm triệu đến bạc tỉ cho cả năm là điều có thể. Từ cơ sở đạt được trên cũng như kết quả nuôi thực tế ở những nơi khác, có thể đánh giá mô hình này thành công tại địa phương.

< Ven đường đi, có đoạn là những bãi bồi với cây bụi...

Cần Giờ có nhiều yếu tố thuận lợi về, thổ nhưỡng, sông nước, nhất là diện tích rừng ngập mặn rất lớn, trên 30.000ha, lại gần biển là nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến, đồng thời là nơi đủ điều kiện thuận lợi để chim yến sinh sống và phát triển nhờ mật độ dân số toàn huyện rất thấp trong khi đây là huyện có diện tích tự nhiên rất lớn, trên 70.000ha. Việc phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí, không ít người cho rằng còn lợi thế hơn cả các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Vũng Tàu, Long An...

< ... cùng những con rạch nhỏ, trên đó là những chiếc tàu xuôi ngược. Xa xa vẫn là 'thành phố chim yến'.

Tuy nhiên, Cần Giờ cũng từng xuất hiện cơn sốt về nuôi tôm sú vào cuối những năm 1990, đầu năm 2000, do phát triển quá nhanh nên chính quyền cũng như ngành nông nghiệp đã bị động trong việc quy hoạch, quản lý. Nhà đầu tư nuôi tự phát, tràn lan dẫn đến tình trạng nơi này thải nước ra, nơi khác lại lấy vào ao nuôi. Khi dịch bệnh phát sinh dẫn đến tình trạng chết hàng loạt và thất bại hàng loạt.
Mong rằng hướng nuôi trồng lần này của bà con sẽ có kết quả thật tốt và bền vững.

< Mem mem: trường trung học Cơ sở Tam Thôn Hiệp. Vùng đất sông nước này nhiều trường ghê ta, hồi sau mình lại thấy cả trường mẫu giáo, trường nào cũng đẹp.

Về dân số: tính đến tháng 5 năm 2010, toàn xã có 5.596 nhân khẩu (trong đó, nam 2.865 người, chiếm 51,19%; nữ 2.731 người, chiếm 48,81%); toàn xã có 1.445 hộ gia đình.

Hiện tại trên địa bàn xã có 47 tuyến đường giao thông, với tổng chiều dài 35,604 km, trong đó:
+ Đường trục xã, liên xã: 4 km, đang được nhựa hoá;
+ Đường liên ấp: 5 km, bê tông hoá và cứng hoá 5 km;
+ Đường trục ấp: 10,715 km, đã được cứng hóa 10,715 km;
+ Đường giao thông nội đồng: 15,889 km, xe cơ giới đi lại thuận lợi 15,889km.
+ Đường thủy: có 01 cầu đò, với tổng chiều dài 20 m

< Phụ huynh đưa các em đi học nè.

Mặc dù được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông trong xã. Tuy nhiên, trong thời gian tới hệ thống giao thông của xã vẫn cần có những định hướng nâng cấp, mở rộng kịp thời một số tuyến đường chính để giúp việc cho việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn như:
+ Nâng cấp, xây dựng mới 8,62 km các tuyến đường trục xã, tuyến thôn, ấp, nội đồng đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản.
+ Xây dựng 01 cầu  đò ấp Trần Hưng Đạo với chiều dài 12 m phục vụ vận tải đường thủy nội địa...

< Rồi bọn mình nhìn thấy phía trước là một góc sông nước, có vẻ như hồ lớn hoặc dòng sông...

Hiện nay trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp đã được đầu tư và đưa vào sử dụng 13 công trình thủy lợi, trong đó có 11 tuyến kênh với chiều dài 15 km, 13 tuyến đê nội đồng chiều dài 20 km, 09 hệ thống cống và 06 cầu giao thông nông thôn. Qua đó ta thấy, công tác thuỷ lợi của xã được quan tâm và ưu tiên đầu tư, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa đáp ứng tốt cho nhu cầu thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi cho nhân dân trong toàn xã.

< Vậy là bọn mình dừng xe lại, vị trí nơi này tại đây.

Trong những năm gần đây, xã Tam Thôn Hiệp có nhiều thay đổi do có các công trình đã được đầu tư xây dựng như trụ sở làm việc của các cơ quan, công trình phúc lợi xã hội, mạng lưới điện chiếu sáng, mạng lưới thông tin, bưu điện, nhà ở đang được cải tạo, nâng cấp với kiến trúc khang trang. Các điểm dân cư hình thành, phát triển qua nhiều thế hệ với hình thái phân bố mang đậm nét đặc trưng của vùng nông thôn.

< Ngoái nhìn lại, nơi này như một ngả 3...

Tổng số trường học của xã là 4 trường, trong đó bao gồm: 1 trường Mẫu giáo, 1 trường Tiểu học và 2 trường Trung học cơ sở. Hiện xã có 01 nhà văn hóa xã đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 01 nhà văn hóa thể thao ấp An Hòa, 01 sân bóng đá là sân chơi chủ yếu cho thanh thiếu niên. Trên địa bàn xã hiện có 1 chợ chưa đạt chuẩn, với khoảng 23 tiểu thương buôn bán cố định các mặt hàng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đây cũng là nơi dân cư tập trung buôn bán, trao đổi hàng hóa sinh hoạt hàng ngày, số lượng buôn bán này không ổn định.

< Với nhánh rẽ nhỏ vào một bãi đúc: người ta đúc bê tông thành tấm, có lẽ làm kè sông chống lở.

Dân cư của xã được phân bố trên diện tích 4 ấp, với 40 tổ nhân dân. Diện tích đất ở hiện nay của xã là 68,11 ha, chiếm 0,62% tổng diện tích tự nhiên; Bình quân diện tích đất ở 43,94 m2/hộ.

Nhìn chung, dân cư sống tập trung, hạ tầng cơ sở chỉ mới tạm đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân địa phương. Hiện đời sống của nhân trên địa bàn xã vẫn còn khó khăn, tỉ lệ nhà tạm, nhà dột nát, nhà cấp 4 đơn giản vẫn còn nhiều.

< Con sông phía ngoài đây, rộng bao la với bờ phủ đầy một màu xanh. Đây chính là con sông Lòng Tàu.
Phía đối diện bên kia cũng là địa phận xã Tam Thôn Hiệp.

Dự kiến đến năm 2015, trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp sẽ quy hoạch các điểm dân cư mới và chỉnh trang khu dân cư hiện hữu trên diện tích khoảng 201,33 ha, bao gồm: Khu dân cư An Hòa, khu dân cư An Phước, khu dân cư An Lộc và khu dân cư Trần Hưng Đạo.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13...

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!