(TPO) - Giới phượt có câu “bất đáo Du già phi phượt thủ”, lấy Du già (Hà Giang) làm mốc để đánh giá “trình” đi bụi. Ở một nghĩa khác, nếu đeo danh phượt thủ mà không biết Du già (tên thật là Lê Triều Dương) thì chỉ là… nhận vơ nhận váo.

Độc lai độc vãng

Du già sinh năm 1966, là một trong vài “chim đầu đàn” hiếm hoi được hầu hết phượt thủ “tâm phục khẩu phục”. Kinh nghiệm phượt của Du già tính đến nay ngót nghét 40 năm. Và điều khiến những “phượt em” kinh sợ nhất là anh chỉ thích phượt một mình, với ba bốn đời xe máy phổ thông (hỏng lại thay).
Du già cũng được coi là người khai phá đầu tiên của hầu hết những cung phượt hiểm như: hẻm Tu Sản (hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á), A Pa Chải (trước khi Du già đi, điểm này còn chưa có trên bản đồ), vùng Tây Thanh Hóa, ngã ba Hua Tát, Lũng Xá (Mộc Châu), mốc 17(1) thượng nguồn sông Đà “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” v.v…

Có lần, Du già còn một mình một điếu cày phượt khắp mấy nước Việt, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore trong khi “một chữ ngoại ngữ bẻ đôi không biết”. Anh kể chuyến đó toàn dùng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp. Lúc đến hải quan thì nhờ người biết tiếng kê khai hộ.

So với những hội phượt hoành tráng với xe cào cào và vân vân trang bị đồng bộ trên mạng xã hội, Du già trông giống hệt một xe ôm chợ đầu mối. Anh đi xe Wave 110 (thay cho con Dream “chiến” đã quá tuổi), mặc áo bộ đội, quần rằn ri và đi dép dọ bằng nhựa tổng hợp, loại hai nhăm ngàn một đôi bán đầy chợ biên giới. “Đặc điểm nhận dạng” duy nhất nằm ở chiếc điếu cày “bất ly thân” có khắc chữ “Du già”.
Dulichgo
Một tháng ba mươi ngày anh phải lang thang Tây Bắc chừng hai mốt ngày. Tôi rình mãi mới bắt được lúc Du già ở Hà Nội và không bận… nhậu để hẹn phỏng vấn. Giữa cơn bão số 2, anh bảo: ngồi một lúc thôi nhé, tí anh phải chạy lên Hòa Bình xem xả lũ, mấy năm rồi không xem!

Du già khoe, chuyến này lên Hòa Bình anh không đi xe máy, đã có “thằng Cao Sơn” chở. Cao Sơn là nick phượt của nhà văn Nguyễn Vũ Anh (chủ hãng thời trang IVY), từng đánh giá về Du già: “Người ta phượt để giải tỏa, để tìm kiếm năng lượng mới, Du già đi để chứng tỏ mình còn sống”.

Ở Hà Nội, Du già buôn bán, kinh doanh cây xanh, theo anh kể là thu nhập đủ để đi đến già nếu cứ theo đà chi phí 300.000đ/ngày tính xông xênh. Trong cái túi bạt màu bộ đội buộc sau xe Du già luôn có sẵn: bộ đồ sửa xe bao gồm: bơm, móc lốp, mấy miếng vá, săm sơ cua, bốn năm cái cờ lê các loại…; dây thừng bằng dù khoảng năm bảy chục mét (để dùng vào những lúc phải kéo xe qua quãng lầy hoặc phải leo núi); hai con dao; hai bộ quần áo mưa (một bộ gồm quần và áo rời để mặc bên trong, một áo cánh dơi trùm bên ngoài, dù đi cả ngày dưới trời mưa to cũng không lo ướt); miếng dán giữ nhiệt (ngày xưa chưa có miếng dán thì dùng dầu gió); thuốc trị rối loạn tiêu hóa; viên C sủi tăng lực, và chuyến nào đi trekking thì bắt buộc phải mang theo chocolate để hồi phục thể lực một cách nhanh nhất… Cái túi ấy lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng, để khi chủ nhân hứng lên, vài ba trăm cây số vù một hơi, chỉ là chuyện nhạt!

Những lần suýt chết

Dân phượt coi Du già như một bản đồ sống vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Năm 2005, Du già từng dẫn một đoàn 9 nhà báo đi A Pa Chải. Lúc đó trên bản đồ chưa có địa danh này, thông tin về vùng A Pa Chải gần như trống rỗng. Chuyến ấy họ đi 9 đêm, vượt tổng quãng đường xấp xỉ 2.000km và phải đi bộ 160km khứ hồi trong điều kiện đường rừng và hoàn toàn không biết phương hướng.

Du già kể: khi khởi hành, tất cả nhà báo đều trang bị “súng ống” (máy ảnh, máy quay, máy ghi âm) cực kỳ hoành tráng. Nhưng trên đường đi, vì điều kiện quá khắc nghiệt, đồ nghề cứ phải gửi dần ở nhà dân bản. Vào đến A Pa Chải, mỗi người còn đúng một cái máy ảnh bằng bao diêm. Khi đoàn về đến Hà Nội thì được cờ quạt biểu ngữ đón như “anh hùng”.
Dulichgo
Vào năm 2007, Du già một mình vượt vực Tu Sản (hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á), nằm trên sông Nho Quế. Chuyến ấy, anh Du dùng thuyền hơi “cõng” từ Hà Nội lên, đi ròng rã hai ngày rưỡi. Khi vượt qua vực, mừng quá mới kịp hú lên một tiếng thì thuyền va vào đá, văng người xuống sông. Nước tháng 12 lạnh cắt thịt, cái máy ảnh Cannon G5 mới sắm văng mất.

Du già lóp ngóp bò được lên bờ, còn nghe bạn Mông đồng hành thanh minh: “tao không biết bơi, không cứu mày được”. Chiều đó, mừng sống sót, Du già uống hết một lít rượu ngô, chuốc cho bạn người Mông say mèm. Sau này, các phượt em đi qua hẻm Nho Quế cũng chỉ dám đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng chụp ảnh xuống, và luôn nhắc nhau: chỗ này khi xưa Du già suýt chết!

Lại có lần Du già một thân một mình vào bản Nậm Mạ ở Mường Lay (Điện Biên). Trời tối, anh vào một gia đình không có gì đáng giá mười nghìn, chỉ có “hai anh em bị nghiện” ngủ nhờ. Trước đó, từng có người khuyên đừng vào Nậm Mạ vì bản này có đến 90% thanh niên đi tù vì dính líu đến ma túy. Chập tối, Du già mua một con gà và mấy lít rượu mời anh em chủ nhà cùng nhậu. Chờ đến khi chuốc cho hai người nọ say mềm, chính Du già cũng liêu xiêu. Tối đó, anh buộc dây dù vào xe máy, nối với cổ chân, ngủ chập chờn.

Không thiếu lần đi lạc vào vùng buôn hàng cấm, Du già từng bị trai bản dọa chém, giật đồ và “đuổi đi”. Anh luôn bảo: không khuyến khích các bạn trẻ đi vào những vùng “phức tạp”, nhưng trót nhỡ lạc đường chẳng hạn, bị “bắt nạt” thì “nhã nhặn nhưng không sợ hãi”, mọi chuyện sẽ không bị đẩy đi quá xa.

Một nguyên tắc khác của Du già: đi chơi không phải để nhăm nhăm chụp ảnh check in. Trước tiên (và quan trọng nhất) là làm thân với dân bản, học ngôn ngữ của họ, nếm món ăn của họ, tìm hiểu về văn hóa của họ.
Dulichgo
Một phượt thủ nổi tiếng khác, Điền Gia Dũng nói về Du già: “Cái cách đi, cách sống, cách xê dịch ngược đời của Du già lại đem vinh hạnh cho sự đi lại. Lão là ngọn gió đại ngàn lồng lộng thổi vào những đám trấu lòng đang âm ỉ ngùn ngụt nung nấu ngọn lửa xê dịch”.

Phượt anh đáng yêu nhất quả đất

Số điện thoại của Du già gần như là số… công cộng bởi phượt em nào đi đâu, gặp chuyện gì khó, cũng có thể gọi trên các diễn đàn phượt, và kiểu gì thì cũng có người share số của anh. Trong cộng đồng phượt, Du già nổi tiếng là người… thảo, “không độc, không khoảnh”! Một số người hay đi kể: dân phượt thường có một tính xấu là hay giấu nghề. Du già ngược hẳn. Những chỗ từng đi, đừng nói bản đồ (một thứ rất quý đối với dân ham đi lại), ngay cả đường đi nước bước, ăn ở ngủ nghỉ đều được anh bày hết cả lên mạng.

Điền Gia Dũng kể: “Ai gọi điện thoại xin tư vấn lão cũng nhiệt tình trả lời. Trả lời xong đang đêm nằm ngủ bất chợt nhớ ra cái gì lại lồm cồm bò dậy gọi điện tư vấn tiếp”. Đối với các đàn em, Du già thường khuyên: vào bản nhớ đến nhà trưởng công an xã hoặc trưởng bản xin ngủ nhờ, vì không phải bản nào dân cũng lành.

Du già không ngại lội suối băng rừng, vào bếp làm anh nuôi “những món khù khoằm” nhất cũng không làm khó được anh, riêng chỉ có công nghệ là… dốt. Thời diễn đàn phượt mới thành lập, khoảng đầu những năm 2000, mỗi lần anh em “bang hội” yêu cầu bài, anh phải nhờ một người giỏi máy tính ngồi gõ chữ post ảnh hộ. Thói quen này hội phượt đều biết. Đợt nào hóng được anh vừa đi một chuyến hay ho, thế nào cũng có người vừa giục vừa nịnh: Bác kể đi, việc post ảnh để em!
Dulichgo
Nhà văn Nguyễn Vũ Anh kể: Nếu phượt cùng Du già thì dễ được ăn ngon, vì anh sẵn lòng lăn vào bếp (cũng là phẩm chất hiếm của các tay phượt).

Một trong những thú vui của Du già khi đi phượt là lọ mọ tìm các món ăn ngon, và thưởng thức cho bằng hết. Facebook của anh, nếu không phải là cảnh núi non sông nước thì sẽ là hình ảnh các món ăn của đủ mọi dân tộc: Thái, Mông, Hà Nhì, Mèo v.v… Câu cửa miệng của Du già là: “Chết vì ăn là cái chết không phải băn khoăn”.

Có khi, vì một cú điện thoại, bạn bảo: vừa bắt được con cá Chiên to lắm, thế là lập tức Du già vù xe máy gần ba trăm cây số lên nhậu. Kể xong lại bảo: Chi phí ba trăm ngàn một ngày là đã tính vào việc ăn những món ngon nhất rồi đấy, nếu chỉ ăn cơm bình dân thì không đến!

Xây trường từ thiện bằng nhà trình tường

Du già bảo, anh không sa vào việc thiện nguyện như một phong trào. Chỉ là đi và thấy chỗ nào cần thì giúp. Như đợt đi qua Nậm Pụng, Bát Xát, Lào Cai, thấy trẻ em người Hà Nhì học trong một ngôi trường “quá mức rách nát”, về nhà Du già kêu gọi anh em phượt đóng góp tiền xây trường.

Đợt ấy, khảo sát thấy nếu xây nhà trình tường thì chỉ mất khoảng 160 triệu. Du già mở facebook, chỉ trong hai ngày đã thu được hơn 200 triệu. Một ngôi trường trình tường đông ấm hè mát, rộng 150m tiệp với không gian sống quen thuộc của dân Nậm Pụng được trao tặng sau đó, đến giờ vẫn là địa chỉ quen thuộc của dân phượt khi đến vùng này.
Dulichgo
Đi nhiều, quen khắp các đồn biên phòng và các thôn bản nhưng Du già không có thói quen “ăn chạc”. Đến làm khách, anh luôn mang theo chai rượu, mua con gà hoặc trả tiền ăn bởi “người ta không dễ gì nuôi được con gà con vịt, họ quý mình, ngồi tiếp mình là vui rồi”.

Theo Hạnh Đỗ (Báo Tiền Phong)
Du lịch, GO!

Du Già - Thương hiệu "xê dịch" (P1)
Du Già: Độc phách Thung Nai (P2)
Du Già: Thuỷ thượng phiêu trên dòng Nho Quế (P3)
Phượt buôn chuyện
Chuyện làng phượt: Gian nan thử thách tuổi xế chiều