Kể từ ngày cái nick Du Già xuất hiện, box Du Lịch tràn ngập những chuyến đi mà bất kể cái tên nào cũng ngập tràn sự phong-hoa-tuyết-nguyệt-tửu.
< Đệ nhất mỹ cảnh sóng nước ngập tràn trong tiếng ca 36 giá đồng mang đậm dấu ấn lão giang hồ.
Những là "Gái Mường Tè-Chè Tô Múa", là "Bước hải hồ qua Lục Đầu Giang", là "Bàng bạc sương buông Tà Xì Láng", là "Ba Bể - Cảnh tiên huyền hoặc bóng chàm"…
Nói không ngoa, lão là ngọn gió đại ngàn lồng lộng thổi vào những đám trấu lòng đang âm ỉ ngùn ngụt nung nấu ngọn lửa xê dịch, bấy lâu nay đang tuyệt vọng kìm nén cái bản ngã lang thang bằng những cuộc mưu sinh hay học thuật. Lão là cái thương hiệu "Tôi" chĩnh chiện và đường bệ được đặt lên ban thờ ngũ sắc để những cái tôi khác vỡ oà cùng hoà nhịp sênh phách: lên đường!
Kỳ 2: Độc phách Thung Nai
Trong cái ngày hầu như toàn bộ dân lượt phượt đau buồn mà tụ về thắp nén hương viếng cụ Mẫn "La Hán", thân sinh của Du Già, có một nhân vật nhìn giản dị, chân chất đứng lẫn trong bộn bề những cao thủ xê dịch lẫn ô tô-xe máy, mới vừa nhảy xe sớm từ mạn lòng hồ sông Đà về tận Hà Nội thành kính phân ưu với bạn rượu, người ấy là Vận tiên sinh.
Cơ ngơi của Vận tiên sinh toạ lạc ngay dưới chân Đền Bà chúa Thác Bờ người Mường. Nói cụ thể như vậy là bởi ít ai để ý trên lòng hồ sông Đà ấy có đến 2 ngôi đền Bà chúa thác, một của người Mường, một của người Dao. Đền bà chúa Thác Bờ người Mường có vẻ nhỉnh hơn và được đông đảo con nhang đệ tử hầu đồng. Cái cơ ngơi ấy là một quần thể hộ gia đình bám ven dưới chân đền Bà chúa Thác, mà độc đáo nhất, ấn tượng nhất, đáng gây si mê nhất là căn bè gỗ đầy đủ tiện nghi nằm bập bềnh lênh đênh trên mặt hồ.
Đã có biết bao kẻ ham chơi được may mắn ngả ngớn đón trăng, ngắm trăng, thưởng trăng đến mãn cuộc tàn canh trên chiếc nhà gỗ nổi tuyệt vời này, bên một con lợn mường được xẻ ra bốc hơi trên những tàu lá chuối, bên những chai rượu mường được chưng cất bằng thứ nước đổ về từ thượng nguồn Đà giang, bên tiếng lách tách nước mơn trớn mạn bè, và ám ảnh hơn, là trong cả một quần thể âm thanh của tre trúc sênh phách đàn đáy lẫn âm sắc của những tay cung văn lúc huyễn hoặc lúc sát phạt réo rắt rải từ trên những giá đồng thâu đêm thắp lửa trong đền Bà chúa Thác.
Cái người khám phá ra được nơi người ta có thể giao hoà với tổng thể núi non, sông nước, sương mờ và âm sắc ấy là lão Du Già.
Độ dăm năm nay, lão đã biến cái nơi tưởng chừng như chỉ có trên tiên giới ấy thành địa điểm nghỉ dưỡng "gần nhà" của mình. Nói chữ "gần" chung chung xem ra khí không phải với đa số bởi quãng đường ấy cũng cỡ tròm trèm trăm cây số, nhưng với cái con người lấy thiên hạ là nhà ấy, cái bán kính cỡ 200km xung quanh Hà Nội nhạt nhẽo được coi là "gần nhà".
Gần có nghĩa là bất kể lúc nào, có thể là 3h sáng sau miên man tuý luý mấy cữ rượu ở hang ổ Bảo Lâm tửu quán, có thể là 5h sáng thao thức sau một đêm mất ngủ, cũng có thể là tầm chiều chiều khi Hà Nội bị bức tử bởi khói bụi và kẹt xe, Du Già có thể bất tử xách con "Dream chiến", giắt thêm "bảo bối" điếu cày là phơi phới lên đường.
Tôi đã từng bị dựng dậy giữa đêm bởi những tin nhắn kiểu "Vận có nai.15 phút nữa lên đường. Không cao su". Như thế tạm dịch là có một con nai nào đó nhảy xuống lòng hồ bơi từ đảo này sang đảo khác để kiếm ăn, chẳng may nước dữ bị ngắc ngoải cuốn đến tận đại bản doanh của Vận tiên sinh. Vận tiên sinh sau khi đánh dây thép lên cho Du Già là cho người tiến hành chế biến, bày biện sẵn để 2 tiếng sau Du Già có mặt là ngả bàn rượu.
Rồi còn vô vàn lý do khác, đại loại một bầu rượu Nậm Pung, cái thứ rượu mà Du Già nhất quyết định danh cho nó là đệ nhất mỹ tửu toàn cõi Bắc, hiếm hoi cần người tri kỷ; một mẻ cá khô đầu mùa của lòng hồ sông Đà phơi kiểu Astrakhan (đặc phẩm của khu nghỉ dưỡng trên lòng hồ của Viện nhiệt đới Việt-Nga); lứa cá bè của Vận tiên sinh vào cữ thu hoạch… là cái đám tiên tửu ấy lại tụ bạ với nhau, để trong tuý luý của mỹ tửu, sương mờ và giăng sáng ấy lại ê a sang sảng ngâm vịnh với nhau hai câu đề từ của "Tuỳ bút Sông Đà" (Chúng thuỷ giai Đông tẩu. Đà giang độc Bắc lưu).
Chữ "hiệp" chốn xê dịch
Mà cái lão Du Già này xê dịch không độc, không khoảnh! Thói thường dân chịu khó lượt phượt là hay giấu đi cái chỗ mình thích, coi đó là cái chốn nương thân, là cứu cánh mỗi khi mệt mỏi, hoặc thảng kém hơn nữa là chỗ thi thoảng són són ra chút thông tin để có giá với giang hồ. Du Già thì khác! Lão ghét cái thói "Thiên lý cao phi hạc bất quần"! Có chỗ nào đẹp, chỗ nào đáng đi, chỗ nào đáng tận hưởng, lão đem chia sẻ cho giang hồ hết.
Thung Nai này cũng thế! Đường đi nước bước thế nào, ăn ở ngủ nghỉ ra sao, lão đem bày hết cả lên mạng. Ai gọi điện thoại xin tư vấn cũng nhiệt tình trả lời. Trả lời xong đang đêm nằm ngủ bất chợt nhớ ra cái gì lại lồm cồm bò dậy gọi điện tư vấn tiếp. Chẳng cần dặn dò rào đón gì nhiều, lão chỉ thủng thẳng nói một câu với người chơi mới "Các chú đến đấy thì để ý chút để bác còn có chỗ chơi"! Ấy thế là căn nhà gỗ của Vận tiên sinh thi thoảng đông đến mức sàn bè sát luôn mép hồ, thế mà chẳng có chuyện gì không hay xảy ra cả, kể cũng tài.
< Cứ mỗi đận vào vụ cá, Vận tiên sinh lại tất bật chuẩn bị để nhóm họp đám tửu đồ.
Cái tài hay sự may mắn ấy, cái sự hào sảng ấy, theo một kẻ hay soi mói để ý như tôi, cũng có thể xuất phát từ tâm niệm coi bốn bể là chỗ chơi của lão, cũng có thể từ một thứ tính cách thiên phú không phải ai cũng có được: khả năng dân vận đại tài!
Khả năng ấy, nó như cái uy thiên định hiếm hoi, không màu mè mà cảm động, chân chất mà đi vào lòng người, mà câu chuyện về sự khai hoang A Pa Chải tiếp đây là một ví dụ có thể nói là làm vinh quang cho cả cái từ dân vận…
Du lịch, GO! - Theo AutoPro
Du Già - Thương hiệu "xê dịch" (P1)
Du Già: Độc phách Thung Nai (P2)
Du Già: Thuỷ thượng phiêu trên dòng Nho Quế (P3)
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.