Dinh Cô (thuộc thị trấn Long Hải huyện Long Đất) nằm bên sườn ngọn đồi nhỏ (đồi 28), trước mặt là bãi cát dài và biển khơi mênh mang sóng nước. Theo truyền thuyết, Dinh Cô được khởi đầu xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII để thờ một trinh nữ tên là Lê Thị Hồng, tục danh là Thị Cách.
Thân phụ cô là ông Lê Văn Khương, thân mẫu là bà Thạch Thị Hà, nguyên quán tại Phan Rang. Năm 17 tuổi cô theo cha vào thành Gia Định buôn bán trên chiếc thuyền gỗ. Khi ngang qua vùng này thì thuyền gặp giông bão, cô bị rớt xuống biển tử nạn, xác trôi dạt vào hòn Hang, được dân làng chôn cất trên gò đất ven biển. Từ đó cô luôn hiển linh mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh, độ trì bá tánh nên được dân trong vùng lập bàn thờ và tôn xưng là: "Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần".
Cổ sử cũng ghi rõ:"Ngoài mòm núi có ngọn Thần Nữ, tục gọi mỏm Dinh Cô, có một đống vừa cát vừa đá, trước kia có một người con gái chừng 17 - 18 tuổi bị bão giạt đến đây, được người địa phương chôn cất, sau đó mộng thấy người con gái ấy, tự xưng là Thị Cách đến đây giúp đỡ, người ta cho là thần, lập đền thờ nay vẫn còn ." (Đại Man Nhất Thống Chí).
Ban đầu Dinh Cô chỉ là ngôi miếu nhỏ mái tranh vách đất nằm kề bãi biển, do bị sóng gió cuốn lở đất cát nên phải dời lên chân núi. Năm Canh Ngọc (1930) các vị tiền hiền và dân trong vùng tổ chức quyên góp xây cất lại Dinh Cô rộng lớn, vững chắc hơn. Cơn hỏa hoạn tối mồng 8 tháng Giêng Năm Đinh Mão (1987) đã thiêu rụi tòa thánh điện nên ngư dân địa phương và bá tánh khắp nơi đóng góp tiền của, công sức xây dựng lại Dinh Cô.
Từ đó đến nay các công trình không ngừng được mở rộng và xây dựng thêm. Hiện tại Dinh Cô như một tòa lâu đài tráng lệ nhưng cũng thật trang nghiêm bề thế với tổng diện tích sử dụng lên tới 1000m2. Bên trong Dinh Cô bài trí các tượng rồng , hổ, tứ linh, hoành phi câu đối đắp nổi sơn phết rực rỡ hoặc ghép miểng sứ cổ. Ngoài bảy bàn thờ nơi thánh điện, khu vực Dinh Cô còn có thêm các miếu thờ: Bà Hòa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh, Bàn Thiên, Bàn Mẫu, Quan Thế Âm Bồ Tát.....
Mộ Cô ở vế phía Tây Nam, cách Dinh thờ khoảng 1km, được xây trên đồi Cô Sơn. từ dưới đi lên mộ qua 60 bậc thang và một mái tam quan nhỏ. Mộ Cô là một nơi khang trang đẹp đẽ, thu hút nhiều người đến thăm viếng chiêm bái, đặc biệt là trong dịp diễn ra lễ Nghinh Cô.
Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và kiến trúc Dinh Cô, Mộ Cô cùng bãi biển thơ mộng hoà nhập thành một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong vùng.
Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định số 65 QĐ/ BT ngày 16 tháng 01 năm 1995 công nhận khu thắng cảnh Dinh Cô là di tích lịch sử văn hóa của quốc gia.
Theo Tourdulich.com, ảnh internet
3 Comments
Lễ hội Dinh Cô gần đây , mình có ghé qua chơi .
Trả lờiXóaLần đầu đến đây nên không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh người dân đi lễ , không biết dùng từ gì để diễn tả ngoài từ "đông như kiến" , mặc dù trước đây cũng đã nghe qua .
Dinh Cô tuy nhỏ nhưng lượng người đến thăm viếng quá xá đông ^^
Chúc mừng cái túi của bạn còn y nguyên khi trong chốn đông người.
Trả lờiXóaGần Dinh Cô còn có Mộ Cô nữa, đỉnh mộ ngồi hóng gió trong chiều ta thì tuyệt lắm.
Mộ Cô hình như mình có đi ngang qua cái tấm bảng đá có chữ "Mộ Cô" thì phải .
Trả lờiXóaLâu không ghé qua đó nên cũng không nhớ rõ .
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.