“Kỳ quan” Tây Bắc xưa.

Không ngoa chút nào nếu nói rằng cầu Hang Tôm cũ từng là một “kỳ quan” của vùng Tây Bắc.

 < Cầu Hang Tôm cũ.

Không chỉ vì đó là cây cầu dây văng lớn nhất của cả khu vực vào thời điểm bấy giờ mà còn nhờ khung cảnh kỳ vĩ của nó, sau khi sông Đà hợp lưu với dòng Nậm Na, cuồn cuộn chảy giữa hai dãy núi cao vút, quốc lộ 12 men theo bờ sông cheo leo hiểm trở, chiếc cầu đẹp như một khuông nhạc kẻ vắt qua đôi bờ dựng đứng.
Vẻ đẹp đó đã hi sinh để đất nước có thêm nguồn năng lượng mới từ thủy điện Sơn La.

Ký ức về một “kỳ quan”

Ông Khoàng Văn Phanh, nguyên chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên, quá giang xe chúng tôi sang Lai Châu, khi xe qua cầu Hang Tôm mới, nhìn về cây cầu cũ chưa tháo dỡ, dừng xe giữa cầu, những hồi ức của hơn 40 năm trước cứ ào ạt tuôn ra trong câu chuyện bên cầu: “Hồi đó, cuối những năm 1960, khi ấy tôi đang làm bí thư Đoàn thanh niên thị xã thì cây cầu bắt đầu được tiến hành xây dựng. Những năm đó chiến tranh đang hồi ác liệt, để vận chuyển hàng hóa, lương thực từ Trung Quốc về phải bằng đường sông, cứ chuyển bằng bè dọc theo các dòng Nậm Na, Nậm Tee mà đi, lực lượng vận chuyển hầu hết là nữ thanh niên xung phong người Thanh Hóa.

Mùa khô thì không sao, nhưng mùa mưa lũ thì đành chịu vì sông Đà mùa lũ nước rất hung hãn. Khi chưa có cầu, người dân, cán bộ vùng này muốn qua sông Đà phải đi bằng phà, không mùa lũ nào không có chuyện phà trôi, thuyền đắm, người chết đuối.

Vậy rồi phía Trung Quốc giúp ta mở con đường đi qua cửa khẩu Ma Lù Thàng (Phong Thổ, Lai Châu) về vùng Tây Bắc, đấy là tuyến quốc lộ 12 này đây. Nhưng tuyến đường này cũng bị sông Đà chặn lại, bởi thế mà cây cầu Hang Tôm nối hai bờ sông Đà được xây dựng”.

“Dạo đó, chuyên gia và công nhân Trung Quốc qua giúp cũng nhiều, nhưng đến năm 1968, Trung Quốc xảy ra cách mạng văn hóa, chuyên gia và công nhân của họ được rút về nước, các kỹ sư và công nhân mình tiếp tục, lúc đó chỉ thi công hoàn thiện dầm cầu vì cáp treo cũng đã được kéo xong... (Bây giờ đi ngang quốc lộ 12, đoạn thị xã Mường Lay, có thể thấy bên đường một nghĩa trang chôn cất những chuyên gia và công nhân Trung Quốc đã tử nạn trong quá trình thi công cây cầu và tuyến quốc lộ này)”, ông Phanh hồi tưởng.

Năm 1973, ngày cây cầu khánh thành là một ngày hội lớn của hàng vạn đồng bào Điện Biên - Lai Châu. Nhiều người ở cách xa cầu hàng vài ngày đường đi bộ cũng cơm đùm gạo bới về coi... cây cầu. Mà cầu lớn thật. Tuy thi công giữa vùng núi non hiểm trở nhưng trước khi có cầu Mỹ Thuận thì đây là cây cầu treo dây văng lớn nhất VN, và 40 năm trước thì Hang Tôm là cây cầu treo dây văng lớn nhất Đông Nam Á.
Những năm đó, biệt kích, thám báo thường xuyên nhảy dù xuống vùng này để hoạt động phá hoại, trong khi cây cầu này là một công trình “lịch sử” cả về quy mô cũng như vị trí trọng yếu huyết mạch của nó nên công tác bảo vệ rất nghiêm ngặt. Ông Phanh nhớ lại sau khi khánh thành cầu, hai đầu cầu luôn có một trung đội công an chừng 30 người làm nhiệm vụ túc trực bảo vệ, về sau rút dần còn chừng một tiểu đội.

Điểm nhấn miền Tây Bắc

Cũng bởi vẻ đẹp hoành tráng của cầu Hang Tôm nên những năm sau này, dân du lịch,Tây cũng như ta, nhất là từ khi xuất hiện phong trào du lịch bụi, Hang Tôm là cây cầu như một điểm nhấn cho vùng Tây Bắc.

Không chỉ chụp một tấm hình bên cây cầu mang vẻ đẹp kiêu bạc giữa núi non hùng vĩ này, đến với Hang Tôm - như tên gọi cây cầu, không ai không muốn thưởng thức những con tôm có vị ngon riêng biệt duy nhất nơi đây có.

Hôm chúng tôi ghé Trạm thủy văn Mường Lay đóng ngay chân cầu, anh em chiêu đãi món tôm đặc sản này, bởi cách cầu chừng 50m có một “mó” nước rất mát, tôm từ sông Đà thay nhau lên đó đẻ trứng, bà con thay nhau bắt, ngày trước có tục lệ mỗi hộ dân quanh Hang Tôm được bắt chừng một tiếng rồi hộ khác tiếp tục, tôm nhiều vô kể, con tôm ở đây nướng hay rang đều có vị ngọt lừ mà vỏ tôm lại rất giòn. Giờ đây, khi cây cầu chìm sâu dưới mấy chục mét nước, mó nước cho tôm đẻ ấy cũng chìm theo, khó có thể lặn bắt tôm như xưa...

Sau chuyến đi chào “từ biệt” Hang Tôm ấy, chừng gần một năm sau, chúng tôi có duyên gặp lại Nguyễn Anh Đô, trưởng Trạm thủy văn Mường Lay, đã gắn bó lâu năm với cây cầu. Từ căn phòng của trạm nhìn qua khung cửa sổ, có thể thấy những chiếc cần cẩu đang tháo dỡ những thanh dầm cuối cùng của cầu Hang Tôm.

Chỉ mới đến với Hang Tôm vài lần, vậy mà nhìn cây cầu đang bị tháo dần chúng tôi vẫn nghe nằng nặng nơi lồng ngực. Thật tiếc, nhưng biết làm sao được! Dù cây cầu Hang Tôm mới đã xong, những cột bêtông dựng vút từ lòng sông lên mặt cầu cao gần 100m (chỉ sau cầu Pá Uôn) nhưng vẫn thấy thiêu thiếu chút gì nét kiêu bạc của cây cầu cũ.

Trong chuyến đi trước, chúng tôi lên công trường cầu Hang Tôm mới cách cầu cũ chừng 1km về phía thượng nguồn, vào những ngày đang thi công nước rút, nhìn hun hút xuống những hố móng trụ cầu.

Để có những trụ móng vững chắc, như trụ chính của cầu Hang Tôm mới, mỗi trụ gồm 18 cọc khoan nhồi có đường kính 2m, sâu -34m, mà để khoan sâu xuống đáy sông -34m không hề là chuyện dễ bởi đá ở đáy sông Đà đoạn này có gốc thạch anh, có ngày chỉ khoan được 30cm.

< Tháo dỡ cầu Hang Tôm cũ.

Đấy là chưa nói chuyện mưa lũ sông Đà vốn nổi danh hung hãn. Nhưng đó là câu chuyện của hôm qua, còn giờ đây, quốc lộ 12 để tránh bị chìm dưới nước đã được nâng lên cao trình mới, chạy ngang lưng dãy núi đối diện thị xã Mường Lay rồi lao qua sông Đà trên những nhịp cầu bêtông cốt thép sừng sững của cầu Hang Tôm mới.

Giờ đây, con đường quốc lộ 12 xưa chạy về cầu Hang Tôm cũ cũng chìm dưới 20m nước. Cứ mỗi lần đứng trên cây cầu mới, phóng tầm mắt về phía cây cầu cũ, chúng tôi lại nhớ vẻ đẹp như một khuông nhạc vắt qua đôi bờ sông Đà của cầu Hang Tôm xưa. Bỗng ước giá mà ngay bên cây cầu Hang Tôm mới có thêm một trạm dừng chân nho nhỏ cạnh quốc lộ 12. Du khách sẽ được phóng tầm mắt nhìn ra thị xã Mường Lay mới được “tái định cư chiều thẳng đứng”, đẹp như một bán đảo giữa mênh mông sông nước.

< Cầu Hang Tôm mới.

Và ở đấy sẽ có một căn phòng bày biện những mẫu thép, khúc dây văng của cầu Hang Tôm cũ, những poster về cây cầu xưa từng được mệnh danh là cây cầu đẹp nhất Đông Dương, phía bên vách núi nhìn về hạ lưu kia sẽ có thêm một tấm phông in hình cây cầu thuở nào trong mùa hoa gạo nở, để hồi tưởng “kỳ quan” của miền Tây Bắc xưa, cây cầu chứng nhân của những năm gian nan và khó nhọc, chứng nhân của hôm qua cho ta hiểu hơn về hôm nay...
Hết.

Kỳ 1: Chứng nhân “răng cưa”
Kỳ 2: Cầu Nguyễn Văn Trỗi: “Nàng Lọ Lem” của Đà Nẵng
Kỳ 3: Ân tình trên bến Cà Tang
Kỳ 4: Cầu cao nhất Đông Nam Á - soi bóng vào ký ức...
Kỳ 5: “Kỳ quan” Tây Bắc xưa.
Kỳ cuối: Đường thiên lý một dải


Du lịch, GO! - Theo Đức Bình, Lê Đức Dục (TTO) và nhiều nguồn ảnh khác.