Cầu Nguyễn Văn Trỗi: “Nàng Lọ Lem” của Đà Nẵng
Đó là chữ dùng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng để nói về cầu Nguyễn Văn Trỗi, cây cầu có tuổi đời ngót nửa thế kỷ, sắp sửa hoàn thành sứ mệnh lưu thông cho người Đà Nẵng và được quyết định giữ lại như một kỷ vật của thành phố.
Ông Hạng - người con của Đà Nẵng, lớn lên, khoác áo phong sương đi khắp miền đất nước, mỗi bận trở về vẫn cứ chọn cho mình một điểm tựa lưng trên chiếc cầu cũ kỹ. Đốt thuốc, rồi phóng tầm mắt ra những công trình hiện đại mọc lên... Để biết, không gì có thể thay thế được những nhịp cầu, dầm thép có màu vàng ngà của cây cầu vì nó chứa đựng cả một trời ký ức của thành phố ven sông Hàn.
< Cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng) khi mới xây dựng.
Chứng nhân của Đà Nẵng
“Nàng Lọ Lem thì tất nhiên là quê mùa, cũ kỹ, lóng ngóng... nhưng bao giờ cũng xinh xắn, đáng yêu và làm sao có thể xa lánh, hắt hủi cho được” - nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ví von về cây cầu cũ kỹ nhất bắc qua sông Hàn, đã chở không biết bao nhịp đời của người Đà Nẵng. Ngẫu nhiên trở thành chứng nhân cho thành phố, từ những ngày cây cầu còn là điểm cao nhất nhô lên giữa lau lách ven sông Hàn, nay đã trở nên bé nhỏ giữa những cây cầu hiện đại và cao ốc đua nhau vươn tầm.
< Tiểu đoàn 91 (Trung đoàn 97, Sư đoàn 2, Quân khu 5) vượt qua cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) tiến về giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975.
Ông Lê Duy Anh, một nhà nghiên cứu về Đà Nẵng, nói không có gì phải tranh cãi về hai chữ “chứng nhân” với cầu Nguyễn Văn Trỗi khi cầu còn xưa hơn cả mốc thời gian 1965 mà đa số người Đà Nẵng vẫn tin đó là lúc có cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn.
Thời Pháp thuộc đã từng có cây cầu gỗ bắc qua sông Hàn trên vị trí cầu Nguyễn Văn Trỗi bây giờ. Nó mang tên De Lattre de Tassigny - một vị tướng của nước Pháp trên cả chiến trường Tây Âu và Đông Dương. Nhưng cái tên đó đã bị thay thế bằng tên Trịnh Minh Thế theo cách gọi của chế độ cũ khi một chiếc cầu thép lắp ghép được Hãng RMK của Mỹ xây dựng năm 1965. Để rồi 10 năm sau, khi quân giải phóng tiến vào làm chủ Đà Nẵng, tên người anh hùng xứ Quảng Nguyễn Văn Trỗi đã được đặt cho cây cầu, đi theo ký ức của người Đà Nẵng đến hôm nay.
< Bia tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Dự ở đầu cầu phía Tây cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Bởi thế, nhà nghiên cứu Lê Duy Anh nói khó thể tìm đâu một công trình lưu dấu ký ức của Đà Nẵng bằng cây cầu này. Ký ức ấy như của ông là về một thời Đà Nẵng trong vai trò “căn cứ quân sự liên hợp khổng lồ” của Mỹ - lý do thôi thúc quân đội Mỹ xây dựng cây cầu. Về những người dân Đà Nẵng nghèo khó, nhìn từng đoàn xe nhà binh từ cảng Tiên Sa chạy qua cầu mà xót xa cho nỗi niềm chiến tranh ly loạn.
Ký ức ấy như nhà văn Thái Bá Lợi lại là nỗi hân hoan trào dâng khi ông có mặt ở cây cầu này ngay buổi xế trưa 29-3-1975 và ít giờ sau thì quân giải phóng tuyên bố giải phóng Đà Nẵng. Đó là thời khắc không chỉ có cờ hoa mà nhiều xương máu đã đổ xuống.
Thời khắc ấy, bây giờ cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn mang theo với tượng đài chiến sĩ Nguyễn Văn Dự (biệt động thành Đà Nẵng), chiến sĩ giải phóng cuối cùng ngã xuống khi đang cùng đồng đội đánh chiếm bến tàu quân sự dưới chân cầu, chỉ hai giờ trước lúc cờ cách mạng được cắm trên nóc tòa thị chính Đà Nẵng.
Và ký ức ấy có khi giản đơn mà đau đáu như ông Nguyễn Phu, người từng là thượng sĩ trong quân đội chế độ cũ với nhiệm vụ ngồi quay những biển xanh, biển đỏ cho xe qua cầu, nay là một người trồng rau cải trên khoảnh đất bé xíu dưới chân cầu.
< Cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được giữ lại bên cạnh những cây cầu hiện đại đang nối nhau bắc qua sông Hàn.
Ông Phu nói luống rau cải như một cái cớ để ông được ngắm nhìn cây cầu mỗi ngày. Để nhớ dĩ vãng bao năm của cây cầu không chỉ có xe nhà binh qua lại mà có tất thảy bóng dáng của những người dân Đà Nẵng, Quảng Nam. Là thúng cá của xóm chài Nại Hiên, gánh rau từ vùng Trà Quế, là xe than, xe quế từ miền cao Khâm Đức, Trà My... Những miền ký ức về sự tần tảo bé mọn của người xứ Quảng, từng góp phần tạo nên vóc dáng của Đà Nẵng mà cây cầu chở che.
Giữ nét quê mùa
Bây giờ con sông Hàn đã trở thành dòng sông của những cây cầu hiện đại với cầu quay sông Hàn, cầu dây văng Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng và cầu Tuyên Sơn... Và đó là lý do vì sao nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng nói không cần làm đẹp gì cả, cứ giữ lại “nàng Lọ Lem” quê mùa của sông Hàn như vốn dĩ ký ức của người Đà Nẵng.
< Cầu sẽ trở thành gạch nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai của đô thị Đà Nẵng.
Ông Hạng chính là người được Đà Nẵng mời tạo dáng kiến trúc cho cầu Rồng - cây cầu sẽ góp phần thay thế vị thế về giao thông cho cầu Nguyễn Văn Trỗi. Và hơn một năm trước, ông là một trong những người đầu tiên trong giới nghệ sĩ ở Đà Nẵng đề xuất với thành phố giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi. Ông Hạng quả quyết: “Quyết định giữ lại cây cầu là của chính quyền, còn việc để cây cầu mãi sống trong lòng Đà Nẵng hãy dành cho nghệ sĩ chúng tôi”.
Một trong những ý tưởng đã phác thảo ấy của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng là biến cầu Nguyễn Văn Trỗi thành điểm đi bộ, một không gian sống của nghệ thuật mà tất cả người Đà Nẵng đều có thể tham gia. Và một cây cầu dài thành nơi đi bộ thì nhất định phải có ghế để khách nghỉ chân, có dù che nắng. Mặt cầu sẽ trở thành nơi cho trẻ em vẽ tranh, phía dưới cầu có thể thiết kế thành bảo tàng về đời sống người xứ Quảng với sản vật, đồ thủ công được bày bán, là nơi hò khoan đối đáp dân ca, bài chòi, hay trở thành chợ hoa những ngày giáp tết.
< Ngay cạnh đó là một cây cầu hiện đại đang được khẩn trương thi công để đưa vào khai thác đầu năm 2013.
Biến cầu Nguyễn Văn Trỗi thành phố đi bộ, ông Hạng nói sẽ giúp “nàng Lọ Lem” sông Hàn giữ được nét đáng yêu, quê mùa như ký ức người Đà Nẵng mà vẫn đi cùng sự vận động không ngừng của thành phố, góp phần tô điểm đô thị. Và nhờ vậy từ một cây cầu vốn sinh ra để phục vụ chiến tranh, cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ trở thành điểm nhấn của nhịp sống thanh bình của Đà Nẵng.
< Cầu Nguyễn Văn Trỗi được Hãng thầu xây dựng RMK của Mỹ xây dựng, gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề dành cho người đi bộ. Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bêtông cốt thép. Năm 1996, mặt cầu lại được thay bằng các tấm thép để giảm trọng lượng (do kết cấu móng bị yếu).
Cùng với cầu Long Hồ, dẫn từ TP Cam Ranh vào sân bay Cam Ranh - Khánh Hòa (cũng do Hãng RMK xây dựng những năm 1960), cầu Nguyễn Văn Trỗi là một trong những cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại VN. >
Còn tiếp
Kỳ 1: Chứng nhân “răng cưa”
Kỳ 2: Cầu Nguyễn Văn Trỗi: “Nàng Lọ Lem” của Đà Nẵng
Kỳ 3: Ân tình trên bến Cà Tang
Kỳ 4: Cầu cao nhất Đông Nam Á - soi bóng vào ký ức...
Kỳ 5: “Kỳ quan” Tây Bắc xưa.
Kỳ cuối: Đường thiên lý một dải
Du lịch, GO! - Theo Viết Sự, Đăng Nam (TTO) và nhiều nguồn ảnh khác.
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.