Lang thang qua những nẻo đường của quê hương, bám đèo leo núi, để chỉ lặng mình nhìn trời nhìn đất, lặng ngắm cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng đất nước. Lặng im trong tình người mộc mạc thiết tha, để cảm nhận được đất nước mình vẫn còn thật nghèo, nhưng đẹp biết bao. VYSA xin được giới thiệu đến các bạn loạt bài nhật ký lữ hành qua các vùng đất Tây Nguyên của bạn Haggard04. (Ảnh minh họa do bạn Iceberg đóng góp)

Giở nhật ký lữ hành ra và đọc lại, thấy nhớ những chuyến đi, nhớ những vùng đất từ tấp nập đến heo hút, từ phồn hoa đến nghèo khó, từ nguyên sơ đến hiện đại. Những chuyến đi không chỉ là lang thang nhìn cảnh, nhìn người mà còn để thêm hiểu, thêm yêu từng mảnh đất đã đi qua.

Mình muốn viết về những vùng đất ở Việt Nam, những vùng đất mình đã đi qua, những vùng đất đã mang lại cho mình rất nhiều cảm xúc, ghi lại những ngày tháng sôi nổi đã qua.
Gia Lai (tháng 6,7, 8/2005)

Nhận được thông báo đi Gia Lai tiền trạm, mình háo hức vô cùng, Tây Nguyên hùng vĩ, Tây Nguyên hoang sơ, nơi Biển hồ lộng gió và xanh biếc như cặp mắt của thiếu nữ Bana. Tây Nguyên trong trí tưởng tượng của mình là như vậy.

Xe khởi hành lúc 7h30 tối, đoàn đi có 6 anh em và chú lái xe là thiếu tá quân đội về hưu vui tính. Dọc con đường Bình Phước lầy lội, trời mưa tầm tã, tối mù mịt, sự háo hức ngắm cảnh dọc đường của mình bị nhấn chìm, co gối lại và ngủ.

Mưa tạnh, trời trong sáng đến lạ, tưởng đã sáng nhưng xem đồng hồ mới có 3h, ngạc nhiên và thích thú nhìn ra cửa kính. Trăng sáng, sáng lấp lánh trên đầu, trăng mềm mại chiếu khắp đồi núi gập gềnh, ánh trăng lẫn trong sương núi giăng ngang xe, lùa cả vào trong xe mang lại hương đêm lành lạnh và trong lành. Trăng bạc ngập trong sương bạc, giăng giăng từng ngọn thông thẳng tắp, cảnh đẹp hơn cả sự mong đợi của mình.

Sáng 6h tới Pleiku, không khí cao nguyên dễ chịu trái ngược với cái nắng tháng 6 gay gắt của Sài Gòn. Ăn sáng xong chị bí thư tỉnh đoàn đưa xuống Kongcharo va Iamron- 2 huyện khó khăn của tỉnh. Xe bám đèo chạy quanh những khúc cua đầy thử thách. Đường hẹp mà xe cứ lao băng băng, môt bên là núi cao, một bên là vực thẳm, cả trăm km.

Từ Pleiku xuống đến Kongcharo (Kon Chro?) khoảng 120km hầu như đường đèo núi, chỉ đi qua 2 thị trấn nhỏ, muốn mua thêm một cuộn phim mà cũng không có (hic, cái máy ảnh kĩ thuật số lại hết phin). Đến Kongcharo thì bác bí thư huyện đoàn đã ngồi cạnh một nâm cơm …cây nhà lá vườn bao gồm gà rừng nướng, một số món đặc sản và…chịp! một ghè rượu cần loại rượu bobo ủ đủ ngày đủ tháng mới lấy trong bản ra!

- Ôi cái ông này, vừa mới xuống đã bắt uống rượu thì vào bản sao nổi – chị bí thư tỉnh đoàn đon đả
- Ơ, cái con mụ này! Tau là tau đãi cán bộ chứ có đãi mầy đâu _anh bí thư…đẹp trai lên tiếng.

Quái! Cái ông này mà người dân tộc á, chưa kịp thắc mắc thì ông ấy đã cười khì khì đứng dậy chào đoàn bằng giọng Bắc rất chuẩn và nhìn cái mặt ngẩn tò te của mình rồi phán “đội trường mà bé như con cá cảnh thế này thì phải cẩn thận đấy”

- Em chả sợ – mình nhe răng cười

Hỏi tới hỏi lui, hoá ra lại là bác đống hương với mình, lại chưa vợ, chịp! chịp!
Lùa vội ..mấy miếng thịt gà, sếp nói, ghè này khi làm việc xong thì chiến đấu, giờ trưa rồi, không nhanh vào đến bản thì tối mất.

Gớm thật, cái tiết trời Gia Lai nó như lừa người ấy, sáng mới mát mẻ thế mà đến trưa thì nóng như lửa đốt, đang hí hửng được chui lại vào xe máy lạnh mát rượi thì bác huyện phán câu xanh rờn “Cái con xe đại tiểu thư này không lết nổi vào bản đâu, anh em mình đi xe Jep thôi”. Vậy là 6 anh em cộng thêm anh tài, anh huyện và chị tỉnh nữa tha nhau lên một con xe mà cứ xóc một cái là có nguy cơ bị bắn ra ngoài, người chen người, mỡ của cả đoàn là thi nhau chảy xối xả.

Xe lướt đi trong cái ngột ngạt khủng khiếp ấy với tốc độ khoảng 12km/h, đường chưa làm, toàn đá mẹ đá con (mà đá con là con khủng long của đá mẹ) khi xe xuống suối cạn thì anh em nín thở sợ…trượt mà xe lên dốc suối thì anh em lại nín thở sợ lật. Lê lết thế nào mà cả đoàn vẫn còn sống đầy đủ khi vào đến xã Đaksông. Vừa vào đến mấy nương đầu xả thì mình đã thấy thấp thoáng mấy bác…mặc khố lấp ló trên những …thửa đất cao cao, thề là cao quá nên mình…chả thấy gì hết, hehe.

Vào đến xã, mấy bác xã nói một hồi mặt mình ngu hẳn, chả hiểu nói gì, anh huyện nhe răng cười “Ơ, cái cô này, tiếng kinh mà còn không hiểu hay anh bảo nói tiếng Bana nhá” . Cuối cùng nhờ sự nỗ lực hết mình, mình cũng nghe được rằng các chú ấy muốn …mời cơm! sướng thế chứ, tới đâu cũng ăn, mà không ăn thì sợ…người ta buồn.

Anh huyện phán: – giờ đi xem tình hình mấy bản quanh đây đã, chiều tối về rồi ăn, mà mấy ông cũng đừng bày vẽ thịt gà làm gì, đoàn hôm nay chỉ thich ăn món đặc sản chỉ có ở vùng này thôi.

- Khong an ga thi may bao lam mon gi (là các bác ấy nói không dấu đấy nhá)
- Cán bộ hôm nay chỉ thích món lòng gì xào cà đắng thôi.
Khổ thân các bác xã thật thà, không cho làm thịt gà thì ở cái xử không chợ này kiếm đâu ra lòng gà cho cán bộ xơi, đấy, cái thâm thuý của bác huyện là như thế đấy!

Nói thì nói vậy, cả đoàn không nhận lời ăn cơm ở Đaksông vì từ 2h chiều đến tối phải đi hết 2 xã nghèo nhất huyện là Đaksong và Sơró. Cả đoàn ì ụp lội qua con suối trong vắt và mát lạnh để đi sang bản Kso. Nước trong quá, lại đang khát nước tính vục một ít nước lên uống thì anh “thanh niên địa phương” đã cản lại “uống là bị sốt rét rừng đấy” – hết dám ho he!

Sang đến bản, một bày trẻ con lếch thếch kéo đến vây quanh, theo đoàn tới nhà rông. Nhà sàn của người Bana thấp nhưng dài, nhà rông cũng vậy, đây là nét đặc trưng rất dễ phân biệt với các dân tộc khác, thường thì chỉ 3 bậc đến 5 bậc là tới sàn. Nhà rông của bản Kso vẫn còn giữ được nguyên hiện trạng truyền thống với lối kiến trúc đơn giản, trang trí thú sơ sài (một cái đầu khỉ ở cột) bên trong là những cây nêu, những phiếm gỗ rât lớn vẽ hình và được gọi là khiên. Một bếp lửa lớn giữa sàn nhà cạnh bếp là một cửa thông nhỏ (như cửa sổ).
Nhìn qua lớp ván gỗ, mình rợn cả tóc gáy khi thấy nhiều cỗ quan tài lớn nhỏ khoét từ những thân cây lớn mà thành. Nhìn kĩ thì mới thấy đều là quan tài rỗng, chắc là để dành khi “hữu sự”.Đi một vòng quanh làng, thấy nhà nào cũng khoét sẵn mấy cái cỗ quan, khi chưa dùng để đựng ngươi thì đồng bào ta đựng..nước uống!

Nắm được sơ qua Kso, đoàn hành trình lên Kte. Làng này nghèo nhất xã, xã lại nghèo nhất huyện, mà huyện anh hùng Kongcharo thì lại nghèo nhất tỉnh. Vậy nên theo logic mà suy ra thì cái lòng Kte nghèo nhất tỉnh, một trong những cái tỉnh nghèo nhất nước! Mấy chục móc nhà sàn xiêu vẹo, nhà rông cũng tiêu điều, xơ xác, bà con Kte sống lại xa nguồn nước, muốn đi lấy nước phải xách gùi hơn 3km. Anh huyện cảnh báo, Kte là một làng nhạy cảm nhất do địa hình heo hút, trong làng chỉ 1,2 ngươi nói được tiếng Kinh, bà con lại thật thà như đếm, nếu gặp một chút phật lòng thì hậu quả rất đáng tiếc – một nét gạch đỏ trong sổ – bà con thương mình là được rồi.

Lấn cấn mãi, trời tối, biết là không xong việc nhưng không muốn phiền bà con, cả đoàn kéo nhau về huyện. Lòng mình ngổn ngang lo lắng suy nghĩ, có lẽ nhờ vậy mới không chết khiếp cái con đường nguy hiểm mà xe đang trèo, đang bò từng km.

Còn tiếp
Những nẻo đường Tây Nguyên (1): Gia Lai
Những nẻo đường Tây Nguyên (2): Pleiku
Những nẻo đường Tây Nguyên (3): Rượu Ghè Bana
Những nẻo đường Tây Nguyên (4): Núi rừng Tây Nguyên
Những nẻo đường Tây Nguyên (5): Kongcharo
Những nẻo đường Tây Nguyên (6) : Đà Lạt

Haggard04
Du lịch, GO! - Theo Vysa, ảnh bổ xung từ internet