( Tiếp theo)
Tính ra, trong ngày thứ 2 của chuyến đi: bọn mình đã vượt trên 210km từ Bảo Lộc lên Di Linh rồi theo QL28 đi Gung Ré - Gia Bắc - Hàm Trí - Ma Lâm - Phan Thiết... và dừng chân tại Mũi Né.
Chuyện đá chém tét vỏ không biết chính xác bị lúc nào, có thể dính hồi trên đèo Gia Bắc mà cũng có thể bị lúc rẽ nhánh cáo đường ĐT711 nối ra ngã 3 Gộp trên QL1A.

Thật tình mà nói, chưa biết thì thôi - vẫn cứ chạy ầm ầm nhưng khi biết rồi: mình lạnh sống lưng, ngay cả việc chạy loanh quanh phố xá tại Mũi Né cũng ớn vì sợ nó nổ bất chợt! Xem ra trong cái rủi vẫn có cái may mắn vô cùng vì nếu như vỏ sau nổ cái đùng trên con đường lởm chởm đá ĐT711 hay tệ hơn nữa: trên đèo Gia Bắc hoang vu... thì chính là một ác mộng kinh khủng. Chuyện nổ máy rồi lết thếch "bò" trên chiếc xe bánh xẹp lép cùng túi hành lý phía sau nặng chịch trên khoảng đường không người đúng là ác mộng!

< Bình minh trên biển đỉnh Hòn Rơm.

Dụng cụ cạy vỏ, ruột sơ cua, bơm đạp xếp gọn, các thứ khóa... mình có đủ nhưng từ hồi sức khỏe kém do nhược cơ thì không đem theo bộ cạy vỏ nữa mà chỉ xài chai keo tự vá Tiến Hưng. Trong chuyến này ruột rách toạc sau được vá ổn vài giờ mà không nổ... là một điều khó hiểu, có lẽ mình phải xài một loại keo khác thôi.

Sáng hôm sau, bọn này ra biển sớm và thỏa thích cùng dòng nước đầy sóng vỗ của biển Bình Thuận. Ngày Chủ Nhật nhưng biển vắng, chỉ lưa thưa hơn chục khách trên bãi biển mênh mông. Hỏi ra: do kề cận ngày thi cuối cấp nên Mũi Né... ế, và cũng do vắng nên giá mọi dịch tại các khu vực bãi tắm cũng "nhẹ nhàng" hơn. Điển hình như bạn thấy giá phòng bọn mình thuê, cả giá sò điệp nướng mỡ hành ăn ngay trên bãi: 40k/kg...

< Nhà nghỉ Yến Nhi bên phải, còn phía trái, bên kia đường là resort Năm Châu. Còn chỗ sửa xe thì đi thẳng đến đèn xanh đỏ đầu đường, phía trái.

Hơn 10h, xách xe ra chổ sửa ở đầu đường để thay vỏ ruột. Vỏ anh thợ mua là Kenda Đài Loan, ruột Casumina - Vỏ cứng cáp, bề ngang tiếp xúc mặt đường hẹp nên sẽ ít ma sát, chạy nhẹ; còn ruột nội thì ổn rồi. Giá hai con là 330k cộng công thêm 10k (Vỏ ruột Win100 khác người nên giá cũng cao hơn, ở TP cũng khoảng thế thôi): bây giờ có thể chạy tới Hà Nội vẫn không lo chuyện bánh sau.

< Ghé chốn cũ trên đường Huỳnh Tấn Phát ăn cơm tấm sườn. Chổ này ngày thường có nhiều học sinh làm thực khách lắm nhưng hôm nay vắng do chủ nhật. Nơi đây cũng là khu phố cà phê với các quán san sát.
Sườn xong thì rồi phê, làm một ly đá cho tỉnh táo, xong về tắm biển.

Nhà nghỉ nơi bọn mình ở có nhận đặt cơm buổi nên bọn mình ủng hộ một bữa. Khi đó: người ta sẽ hỏi bạn muốn ăn thứ gì, ăn lúc nào...v.v.

< Mới 7h54 nhưng nắng thấy ghê...

Mình dễ chịu nên cho biết là món gì cũng được, nhà xơi món gì thì bọn mình cũng "măm" món đó, không sao cả. Vậy là trưa, nhà nghỉ gõ cửa mời cơm.
Bữa trưa dọn tươm tất trên bàn gồm món mặn là cá sốt cà, cạnh là tô canh chua. Cả hai đều có một khứa cá lớn gấp rưỡi bàn tay, món mặn ngon; canh chua vừa ý, cơm trắng dẻo... Nói chung thì bữa cơm không có chút gì đáng phàn nàn, giá cho 2 người ăn: 70k.

< Anh thợ sửa xe đang phơi cái ruột dính keo tùm lum, cái này mình dành làm sơ cua.

Mũi Né là nơi bọn mình đến nhiều do giá phòng nghỉ tương đối - các dịch vụ ăn uống từ bình dân đến cao cấp đều có đủ. Phần khác, đây cũng là nơi có rất nhiều cảnh đẹp mà chắc hẳn các bạn đã biết. Bài này mình cũng xin điểm lại một số chỗ hay hay mà du khách nên ghé thăm khi đến Mũi Né.

< Cô bé con chủ nhà nghỉ đây: ngoan lắm, ngồi chơi "bán quán" một mình trong sân.

- Về thắng cảnh lịch sử: Mũi Né có tháp Chăm Pôshanư còn gọi là tháp Phú Hải, thuộc phường Thanh Hải, Tp. Phan Thiết. Nhóm di tích tháp cổ Pô-Sha-Nư là cả một tổng thể kiến trúc đền tháp của người Chăm - thờ các tiểu tiên nữ con gái thần mẹ Pô Nagar.
< Hơn 4h chiều, bọn mình hướng về bãi đá Hòn Rơm.

Nhóm tháp này gồm 3  tháp và nhiều tháp bị đổ khác nay chỉ còn lại phế tích và nền móng. Ba ngôi tháp hiện còn phân bổ trên 2 tầng đất, quay mặt về hướng đông. Cả ba ngôi tháp  đều là tháp vuông nhiều tầng, có niên đại thế kỷ 8, theo  phong cách Mỹ Sơn E1 tức phong cách kiến trúc Chăm cổ. Có một số yếu tố kiến trúc như cột trụ tròn ở các cửa giả, mi cửa... tương tự như ở các đền tháp Khmer.
< Trực diện "đoàn quân" bò: phiền quý ngài cho bọn tôi đi nhờ một chút...

Bên cạnh khu tháp Pô-Sha-Nư là các di tích "Lầu Ông Hoàng" (Lầu Ông Hoàng cũng là tên cụm đồi có tháp Chăm), chùa Bửu Sơn, núi Cố nơi có mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông.

- Bãi tắm - Bãi biển tại Mũi Né chia làm 4 khu vực chính:

< Một nhánh rẽ phía phải, tính từ ngã 3 Suối nước đến đây chỉ tầm 200m thôi. Mình chạy vô: do có một đoạn cát lún nhiều nên chạy xe một mình.

* Khu Hàm Tiến nằm dọc theo đường Nguyễn Đình Chiểu với san sát những resort (người ta gọi Mũi Né là thủ đô của resort), đây cũng là khu vực có nhiều khách nước ngoài; nhiều người Nga định cư và kinh doanh ở đây.
* Khu Gành kéo dài từ Gành Mũi Né (nơi nhô ra biển nhiều nhất) đến Suối Hồng.


< Chạy thêm tý nữa thì lối mòn khá hơn, có nhánh rẽ lên đồi phía phải còn trái là ra bãi đá. Bọn mình rẽ trái...

* Khu Hòn Rơm kéo dài từ dự án Sunny Villa đến phía Tây Hòn Rơm.
* Khu Suối Nước bắt đầu từ mạn Đông đỉnh Hòn Rơm chạy thẳng về hướng Bắc với phần biển còn lại.
Ngoài ra: nếu chạy thẳng theo TL716 hơn 10km sẽ đến cụm du lịch tại Mũi Yến - Hồng Chính. Tại đây có Anariya Resort, Delverton group... và một vài resort khác. Đây cũng là nơi dành cho các bạn trẻ thích môn dù lượn.

< Rồi cả một khoảng trời rộng bao la trước mắt.

- Đồi cát ở Mũi Né.
Việt Nam mình có nhiều đồi cát nhưng đồi cát bay ở Mũi Né có lẽ đẹp và thuận tiện đường xá nhất. Đẹp vì cát nơi đây rất mịn và có màu cam đỏ đặc biệt - còn thuận tiện vì nó nằm ngay cạnh con đường TL706B.

Đồi cát Mũi Né có nhiều dáng vẻ khác nhau và thay đổi liên tục do đặc điểm khí hậu, gió thổi nên đã tạo những hình dạng rất tuyệt vời, hấp dẫn mà thiên nhiên đã dành cho Mũi Né.

< Bãi "gởi xe" của... ông Trời.

Khi đến với Mũi Né, du khách sẽ bị chìm đắm trước vẻ đẹp kiêu sa và còn có thể thực hiện nhiều trò chơi như: trượt cát, thi leo lên đồi cát v.v....
Đây cũng là nơi các nhiếp ảnh gia thực hiện những bức ảnh đẹp và đã đạt  nhiều thành công với những giải thưởng trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, nếu muốn khám phá một đồi cát rộng lớn hơn thì bạn theo TL716 chạy thẳng hướng Bắc để đến Bàu Trắng, nơi có đồi cát Trinh Nữ.

< ... rồi men theo hướng biển để ra bãi đá. Nếu muốn: bạn cũng có thể chạy xe ra luôn cho an lòng nhưng cần tránh cán những viên đá nhọn và bụi gai.

Trước kia, đồi cát Trinh Nữ này lớn nhất nước nhưng sau này, do cát xâm lấn đất đai nên địa phương đã cho trồng nhiều cây dương để chống cát bay - diện tích vì thế thu hẹp dần. Mặc dù vậy nhưng đồi cát nơi đây vẫn rất rộng, rộng đến mức mà nếu bạn tự lái xe dã chiến vào sâu bên trong thì rất có thể bị lạc giữa sa mạc cát bao la.

< Đẹp và vắng. Nhưng mùa này vẫn có con mù mắt đó nhé: cần hoạt động chân tay thường xuyên để tránh những vết "nhớ đời".

Vậy nên nếu muốn khám phá tường tận, muốn săn ảnh đẹp chốn hoang sơ thì cần thuê xe jeep của các resort để đến những bãi cát trắng, cát đỏ... và cả 2 bàu nước rộng và xanh ngắt là Bàu Ông và Bàu Bà.

Mũi Né còn những bãi sa mạc cát khác ở khu vực Hồng Chính và Mũi Yến, đi vào bằng ngõ cây xăng Hòa Thắng và những đồi cát khác ở ngõ ra mỏm đá Tannobi.

< Nhìn về phía biển Suối Nước.

- Suối Tiên:
Cây cầu Rạng trên đường Nguyễn Đình Chiểu bắt ngang hạ nguồn con suối này, nơi dòng suối chảy thẳng ra biển. Lối vào là 2 hẻm nhỏ gần đó phía trong đất liền: bạn có thể gởi xe ở những nhà gần đây rồi lội bộ theo con suối.

Đây là một con suối đẹp, đẹp do những vách đá sừng sững phía trái với đầy những nhũ cát đỏ và trắng tạo nên những hình dáng kỳ vĩ, lạ lùng.

< Và mé phải là đỉnh Hòn Rơm.

Mũi Né còn có Suối Hồng (đối diện đồi cát bay) rất đẹp nhưng bay giờ đã hoang phế do nhiều người thiếu ý thức bỏ rác bừa bãi và đạp đổ các nhủ đá mà thiên nhiên đã tạo ra hàng ngàn năm trước.

- Bồng Lai Tiên Cảnh: nơi có nhiều vực và vách đá đỏ kỳ lạ trên cao, hiện nay do CTy Rạng Đông quản lý nhưng không đưa vào khai thác du lịch, thật đáng tiếc.

< Còn ở giữa là mình: đang thử sức với đá tảng...

- Bàu Trắng - Bàu Ông bàu Bà là hai hồ nước ngọt thiên nhiên cách Hòn Rơm khoảng 18Km, cách TP Phan Thiết 65Km. Hồ nằm giữa mấy đồi cát trắng mênh mông mịn màng, quanh năm soi mình dưới ánh nắng. Vào mùa hè hoa sen, ven hồ nở rộ trên một vùng rộng lớn tô điểm thêm cho đồi cát trắng những sắc màu rực rỡ.

Đón bình minh cùng đồi cát đang là một loại hình du lịch rất độc đáo ở đây. Khoảng 4 giờ sáng, trên đồi Trinh Nữ, ban mai ánh nên đồi cát trắng những tia nắng vàng rực rỡ tạo ra một vẻ đẹp không gian huyền ảo.

Nguồn nưóc mát quanh năm của hai hồ đã làm dịu đi cái không khí nóng bỏng vùng đồi cát mênh mông, không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước ngọt quý giá mà còn là thắng cảnh đẹp của Phan Thiết.



< Khơi xa lênh đênh vài bóng tàu...

- Ghềnh đá Mũi Né - Nơi nhiều mũi đá chồm ra biển đối chọi với sóng biển ì ầm ngày đêm, cảnh vật đẹp và hùng vĩ. Xen kẽ giữa bãi đá dài hơn cây số là một bãi cát nhỏ nhưng bạn không nên tắm vì sóng lớn, có đá ngầm. Phía trên đỉnh là miếu Bà Vàng của dân địa phương, ngút tầm mắt cuối bãi là Lăng ông Thạch Long thoáng mát, cảnh vật nên thơ. Ghềnh đá Mũi Né cũng là nơi câu cá Nhồng, cá Đuối vào ban đêm...

Vậy nhưng chưa hết, mình sẽ tiếp tục đề cập đến cảnh đẹp Mũi Né sau khi giới thiệu với các bạn phương tiện đi tại đây (nếu bạn không đi kèm xe gắn máy):

Các tuyến xe bus hiện đang hoạt động tại Bình Thuận:

• Tiến Lợi - Mũi Né - Hòn Rơm (Tuyến số 1).
• Tiến Lợi - Ma Lâm - Hàm Trí (Tuyến số 2).
• Phan Thiết - Phú Long - Ngã ba Gộp - Lương Sơn (Tuyến số 3).

• Tà Cú - Phan Thiết - Phú Long (Tuyến số 4).
• Phan Thiết - Kê Gà - Tân Thành (Tuyến số 6).
• Phan Thiết - Mương Mán - Hàm Cần (Tuyến số 5).
• La Gi - Tân Hải - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu) (Tuyến số 7).

• Bến xe Nam Phan Thiết  – Trần Quý Cáp – đường Trường Chinh (QL1A) – Bệnh viện tỉnh – đường Nguyễn Hội – đường Từ Văn Tư – đường Trần Hưng Đạo – đường Thủ Khoa Huân – Hàm Tiến – Mũi Né – du lịch Gành (Tuyến số 9).

< Tình cờ gặp hai chú bé trên đồng cỏ. Hóa ra hai chú lang thang ở đây để bắt dế.

... và taxi:

• Taxi Bình Thuận Tourist
Địa chỉ: Trần Hưng Đạo, Phan Thiết
Điện thoại:062.3814.814

• Taxi Mai Linh
Địa chỉ: 344 - 350 Đường 19/04, Phan Thiết
Điện thoại: 062 38.38.38.38

Những địa điểm du lịch ở trên lại thiếu Hòn Rơm nên lần này, bọn mình sẽ đến xem thử.

Người ta định nghĩa Hòn Rơm là một khu vực có nhiều nhà nghỉ, resort tương tự như khu Hàm Tiến nhưng giá cả bình dân hơn. Còn với bọn mình, trong chuyến đi này thì lại nhắm tới một "hòn Rơm" khác: bãi đá hay đỉnh Hòn Rơm.


Địa danh Hòn Rơm có tên trên bản đồ Bình Thuận còn gọi là là Long Sơn - thuộc ấp Long Sơn, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, cách trung tâm thành phố 26 km về phía Đông. Hòn Rơm là tên một núi thấp nhô ra khơi với 3 mặt giáp biển Đông, có chiều cao trên 110m.

Do thời tiết thuận lợi, thích hợp phát triển các loại thực vật nên ở trên núi này có một loại cỏ ống cao chừng nửa mét...
Mùa mưa, cả ngọn núi phủ cỏ xanh rì. Mùa nắng, cỏ vàng úa, nhìn từ xa tựa như ụ rơm khổng lồ nếu trông từ phía biển nên dân chài địa phương gọi là Hòn Rơm. Lại còn nghe nói trên núi có bàn cờ Tiên, không biết thế nào.

Hồi năm 1990, có người quen cũng có lần một mình lên đó nhưng chỉ gặp mấy cây thân bụi và những đứa trẻ chăn bò. Dưới chân núi, phía Tây có đền thờ “Nam Hải tướng quân” (cá voi). Vách núi phía đông - nơi chim biển buổi chiều thường về tụ hội, có cả dấu vết thân cây hóa thạch trên đá.

< Đám rừng nhỏ trên đỉnh bãi đá.

Lúc ấy từ Phan Thiết, xe hơi chỉ đi tới Mũi Né là hết đường, phải đi xe ôm chạy ven biển hoặc xe 2 cầu chạy được trên cát. Mũi Né hoàn toàn hoang sơ, vắng đến múc ngay cả người địa phương: mới 2 giờ trưa đã xếp lưới về nhà vì sợ. Hỏi sợ gì, hóa ra sợ... ma!

Rồi từ sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24.10.1995 đã đánh thức nàng công chúa xinh đẹp là “Bình Thuận” thức dậy sau bao năm ngủ yên và du lịch bắt đầu phát triển mạnh từ đó.

< Rồi trời hết nắng, gió vi vu. Lúc này ngồi trên đỉnh bãi đá chụp một phát về hướng bãi Suối Nước.

Bây giờ, địa danh "Hòn Rơm" bao trùm cả một khu vực rộng lớn trọn ấp Long Sơn, kéo dài đến cận đồi cát với nhiều nhà hàng, resort và nhà nghỉ. Vậy nhưng ngọn núi nhô ra biển vẫn còn cực kỳ hoang sơ với những bãi đá, đồng cỏ phủ xanh mướt, chỉ riêng trên đỉnh cao có khu vực nhỏ làm doanh trại quân đội mà thôi. Chiều chiều, một anh lính trẻ nào đó sẽ được phân công xuống núi chăn... đàn bò mập mạp (cỏ nhiều quá mà).

< 6h chiều, trời âm u nên bọn này lấy xe rời nơi này, cũng không còn thời gian để "bò lết" lên đỉnh Hòn Rơm.

Đường lên đỉnh không có đâu, chỉ có lối mòn mà nếu khéo thì bạn có thể chạy xe lên, bằng không chỉ có nước cuốc bộ theo sườn dốc.

Dốc cao, bò được lên đỉnh thì mệt là cái chắc nhưng bù lại: bạn sẽ thấy mình "lên đỉnh" của cái nơi trời và biển tuyệt đẹp này. Cả một khung cảnh bao la rộng lớn trong tầm mắt từ đồi cát vàng, từ biển Suối Nước đến ngút ngàn vịnh biển Hòn Rơm.

Lối mòn vào có đoạn đầy cát, chỉ chạy được một mình còn nửa kia lội bộ theo sau. Bọn mình rẽ trái ra bãi đá trước đã.

Trên bãi đá này nhìn thấy trọn biển khu Suối Nước với xa xa vài ngư dân đang kéo lưới, kéo thúng lên bờ. Bãi đá cũng phủ đầy cỏ nhưng trên các cụm đá to có nhiều xương rồng cùng cây gai dại, gai rất nhọn - chích buốt lắm đó nghen.

< Phương châm "Lấy đi những bức ảnh và chỉ để lại những dấu chân", bãi đá vẫn nguyên vẹn như khi bọn mình đến.

Vùng biển mùa này nắng lên sớm nhưng cũng khuất bóng khá nhanh, thoáng chốc ánh mặt trời đã khuất rồi chân trời phủ mây đen. Vậy là về thôi, chuyện "phi xế lên núi" phải đi sớm hơn và chắc rằng sẽ mất sức nhiều... nhưng thưởng ngoạn bấy nhiêu cũng đủ "mê" cái đẹp của đỉnh Hòn Rơm...

Còn tiếp
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 cuối
Ảnh chụp từ đỉnh Hòn Rơm (internet):