(BNA) - Nhắc đến quê hương của mình, người dân Tiên Quánh (xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) có thể say sưa mà kể về 2 niềm tự hào lớn: bãi sông đẹp như tranh và hoạt động phong trào lúc nào cũng vui như hội.
Bãi sông êm đềm của người dân Tiên Quánh. |
Bình yên bãi bồi
Khi đi qua địa phận xã Đồng Văn, dòng chảy của sông Lam uốn cong, bao bọc đến 2/3 diện tích của địa phương này, bồi đắp thành một vùng cát mịn, bãi thoải. Bãi cát đẹp nhất, rộng nhất khu vực này nằm ở địa phận xóm Tiên Quánh. Với người dân Tiên Quánh, bãi sông đó là một phần không thể thiếu trong đời sống, văn hoá bao đời nay.
Từ triền đê đi xuống, men theo con đường đất gần trạm nghỉ chân Tiên Quánh, len lỏi giữa những bụi tre và ruộng ngô tầm 100m là ra đến khu vực bãi cát bồi ven sông Lam. Lúc này, thay bằng những đám cỏ trên đất thịt gồ ghề là lớp cát mịn níu chân người. Phơi mình dưới nắng cả ngày dài, nhiệt độ của lớp cát bỏng rẫy đối lập hoàn toàn với làn nước trong veo của dòng Lam ngay cạnh và những lùm cây xanh tốt ở bờ bên kia. Một vài thuyền cá nhỏ lững lờ cất vó trên sông khiến vẻ đẹp bình dị của bãi bồi thêm êm đềm, nên thơ.
“Bãi sông này gắn liền với mỗi cư dân Tiên Quánh. Ở đó, những đứa trẻ nô đùa, thả diều, bơi lội, người lớn tụ họp, chơi thể thao, câu cá. Đầu bãi còn có 2 hòn đá thiêng, gọi là hòn Ông hòn Mụ. Nhiều người dân ở làng đi xa về vẫn qua đây thắp hương như một cách báo cáo…” - anh Hoàng Truyền ( sinh năm 1986) vừa dẫn tôi đi ra tham quan bãi sông vừa nói. Nếu không được giới thiệu như vậy, có lẽ tôi sẽ nghĩ rằng đây là một khu vực chưa được nhiều người biết đến bởi không một cọng rác nào xuất hiện trên bãi cát hay dòng sông. Thế mới thấy người dân Tiên Quánh yêu quý, nâng niu khu vực bãi bồi này như thế nào.
Tinh thần đó một lần nữa được khẳng định khi tôi lắng nghe chia sẻ từ những cư dân khác của Tiên Quánh, trong một “diễn đàn chè xanh” tại nhà một người dân. Ông Hoàng Văn Thới (sinh năm 1949) chia sẻ: “Từ khi sinh ra, chúng tôi đã thấy người làng xem bãi bồi như một không gian văn hoá đặc biệt quan trọng trong đời sống, là nơi tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng của làng. Trong tiềm thức, chúng tôi luôn biết ơn dòng Lam đã mang theo tôm, cá và phù sa về nuôi lớn mình. Không một ai ở Tiên Quánh lớn lên mà thiếu dòng Lam và bãi bồi. Đó là tuổi thơ, là quê hương, là kỷ niệm, là gốc gác… của người Tiên Quánh!”. Điều ông Thới nói được chứng minh bằng những tấm ảnh, những clip mà bà con từng chụp và lưu lại. Nào là giải bóng chuyền, nào là đốt lửa trại, nào là khánh thành công trình xã hội hoá, nào là liên hoan tổ tự quản, ăn mừng nhân dịp 30/4-1/5…
Anh Truyền bên hòn Ông, hòn Mụ ở đầu bãi sông. |
“Khu vực bãi sông của làng Tiên Quánh đặc biệt hơn so với những khu vực khác một phần dòng sông có dáng thắt eo ở đây, 2 bên bờ gần nhau nhưng bãi cát rộng, cát lại mịn, sạch, có màu đẹp. Cũng chính vì thế, vấn nạn “cát tặc” hoành hành những năm gần đây nhiều khiến bà con rất lo lắng. Có những thời điểm cát bị hút đến sụt cả bờ, thay đổi cả dòng chảy, tạo thành những hố sâu dưới đáy… Xót xa cho con sông và bãi cát, bà con phải cắt cử người ra trông chừng sà lan hút cát, thậm chí thấy sà lan đến là cả làng kéo ra đuổi” - một bậc cao niên của xóm chia sẻ.
Chị em chuẩn bị hoa quả và nước uống cho khán giả đến xem thi đấu thể thao. |
Phong trào vui như hội
Ở Tiên Quánh, cộng đồng dân cư sống với nhau như một gia đình lớn, đoàn kết và yêu thương nhau. Cũng chính vì lẽ đó, các hoạt động phong trào và xây dựng quê hương được bà con ủng hộ trên tinh thần tự giác, tự nguyện.
Hôm chúng tôi về Tiên Quánh, người dân trong làng đang tổ chức một giải thể thao nhỏ với các “hàng xóm” lân cận. Chứng kiến người dân, từ già đến trẻ, đủ ngành nghề, độ tuổi tập trung về nhà văn hoá để tham gia giải trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mới thấy bà con ở đây đồng thuận và nhiệt tình thế nào. Dù chỉ là 2 trận giao hữu, không quan trọng thắng thua, nhưng cách thức tổ chức vô cùng chuyên nghiệp: Có bộ phận hậu cần lo nước nôi, hoa quả đủ cho cả làng vừa xem vừa giải khát; có bình luận viên kỳ cựu sơ-vin đóng thùng với micro, loa máy chuyên nghiệp; Có nhà tài trợ cung cấp đồng phục thi đấu nghiêm chỉnh; Có bộ phận truyền thông cập nhật viết bài, thiết kế banner và livestream trên Facebook liên tục… Đúng giờ hẹn, người dân từ các ngả đường đổ về, xe đạp, xe máy dựng kín những bức tường bao quanh nhà văn hoá. Sự hân hoan, háo hức trên gương mặt người tham gia khiến bầu không khí ở nhà văn hoá tươi vui như thể đang có hội lớn.
Trong số những người đến xem và cổ vũ cho giải đấu, rất nhiều người không là khán giả của đội nào. “Chúng tôi không phải dân Tiên Quánh nhưng giải nào của Tiên Quánh chị em chúng tôi cũng đến cổ vũ. Ở đây người dân đoàn kết, tự đứng ra tổ chức phong trào một cách quy mô, tinh thần đóng góp vô tư và đặc biệt rất hiếu khách” - chị Nguyễn Thị Xuân Anh, một người dân thị trấn Thanh Chương nhận xét.
Sự nồng nhiệt, hiếu khách dường như là một “đặc sản” của người Tiên Quánh. Người dân sẽ vui vẻ hỏi thăm khi tình cờ gặp một “gương mặt lạ” trên đường, nhiệt tình thiết đãi những món ăn ngon nhất nếu khách có thời gian lưu lại, thậm chí dày công “thiết kế” một hoạt động thật hoành tráng để chào đón…
Trạm nghỉ trên bờ đê được bà con Tiên Quánh tự đóng góp và xây dựng. |
Chia sẻ về yếu tố làm nên thành công của những hoạt động, phong trào mang tính tự phát từ nhân dân ông Nguyễn Đức Hiếu – Bí thư Chi bộ xóm Tiên Quánh nói: “Xóm chúng tôi có những nhân tố năng nổ, uy tín, dù có thể không giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền hay đoàn thể nào nhưng sẵn sàng đứng ra khởi xướng, nhận nhiệm vụ và có trách nhiệm với công việc, với nhân dân. Từ những nhân tố đó, bà con cùng nhau làm nên nhiều công trình thiết thực như trạm dừng chân ở gần sân vận động, đường cờ, ghế đá, camera xóm… Đồng thời, trên tinh thần tự nguyện, bà con có thể đóng góp ngân sách hoặc công buổi theo khả năng. Các phong trào văn nghệ, thể thao, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình, kịp thời của bà con”.
Một trận bóng chuyền hơi giao hữu được tổ chức rất chuyên nghiệp bởi người dân Tiên Quánh. |
Một trong những “nhân tố uy tín” được ông Hiếu nhắc đến - người khởi xướng nhiều hoạt động, phong trào ở xóm, đó là anh Hoàng Truyền. Chia sẻ bí quyết “được lòng dân”, anh Hoàng Truyền nói: “Tôi cho rằng, điều đầu tiên làm nên những phong trào chất lượng là vì người dân Tiên Quánh vốn xem trọng yếu tố cộng đồng và có tinh thần xây dựng quê hương. Từ đó, những cá nhân như chúng tôi chỉ cần chứng minh được tính thiết thực của các hoạt động, sự minh bạch trong tài chính, sự trách nhiệm trong triển khai, thì sẽ có được sự tin tưởng của nhân dân. Khi đã có được niềm tin của dân thì làm gì cũng dễ, làm gì cũng thành. Người có điều kiện thì ủng hộ nhiều, không có thì góp sức, ở gần thì đến tham gia, ở xa thì gửi tiền ủng hộ, đóng góp nào cũng đáng trân quý. Mỗi một công trình, hoạt động của xóm đều có dấu ấn của tất cả nhân dân”.
Tìm về Tiên Quánh một ngày hè oi ả và chia tay khi nắng đang tắt dần sau luỹ tre bên triền đê, chúng tôi mong có thể quay lại nơi này vào một ngày sớm nhất. Cũng hy vọng rằng, chính quyền và bà con nơi đây sẽ giữ được sự thanh bình, nguyên vẹn của bãi sông, giữ được sự nhiệt tình, đoàn kết trong nếp sống, để Tiên Quánh mãi là một làng quê êm đềm, hạnh phúc bên dòng Lam.
Theo Diệp Thanh (Nghệ An)
Du lịch, GO!
ĐGD: Bài năm 2024. Rồi mình sẽ post một bài năm 2022 bên dưới cũng địa danh này, bạn sẽ thấy nơi đây hoàn toàn khác, cả hòn Ông, hòn Mụ cũng vậy - thật kỳ lạ!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.